TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM SAU LỄ TRO

Thứ hai - 20/02/2023 22:17 |   805
Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23)

23/02/2023
THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo

t5 sau le tro

Lc 9, 22-25


TÔI VÁC THÁNH GIÁ
Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9, 23)

Suy niệm: Sau lời tiên báo thương khó, Đức Giê-su đề cập ngay đến điều kiện các môn đệ phải có để theo Ngài. Chúa không chỉ nói với nhóm Mười Hai, mà còn với tất cả những ai đang đi sau Ngài. Điều kiện ấy là vác thập giá của mình hằng ngày. Thánh giá của mỗi người đều có dấu riêng, kết liên với kinh nghiệm và cuộc đời. Đức Hồng Y Martini nói: cũng như có hàng ngàn kiểu cầu nguyện, thì cũng có hàng ngàn cách tiếp cận với thánh giá và sống với thánh giá. Mỗi người có cách của mình để đảm đương thánh giá trên vai. Đó là đảm đương những bổn phận hằng ngày cách kiên trì, dù lắm khi rất nhàm chán. Dĩ nhiên, không có thánh giá nào mà không có sức nặng; chẳng có thánh giá nào mà không đòi nỗ lực, gắng sức. Chỉ có điểm chung cho mọi người môn đệ là không để thánh giá đè bẹp hay bỏ cuộc. Tất cả được kêu gọi tiến bước theo Chúa, mang cuộc đời mình theo Ngài.

Mời Bạn: Bên cạnh Đức Giê-su có hai tên trộm cướp vác thập giá và đang đi, có khi theo Đức Giê-su, lại có khi đi trước Ngài. Xét bề ngoài, họ đáp ứng đủ những đòi hỏi của Đức Giê-su. Tiếc thay lòng họ chưa muốn đi theo Ngài! Còn bạn thì sao?

Chia sẻ: Thánh giá của bạn là việc bổn phận có làm bạn nhàm chán vì sự đều đều của nó không?

Sống Lời Chúa: Bạn làm những công việc bổn phận mà không than vãn, trách móc. Bạn dâng hy sinh đó cho Chúa khi dự Thánh Lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nâng đỡ con để con trung thành vác thánh giá theo Chúa, dù lắm khi con tưởng chừng không thể đứng lên tiếp tục tiến bước.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM SAU LỄ TRO

Ca nhập lễ

Khi tôi kêu lên cùng Chúa, Chúa đã nghe tiếng, để cứu tôi khỏi tay những kẻ xông tới gần tôi. Hãy tin tưởng vào Chúa, và chính Người sẽ nuôi dưỡng ngươi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin soi lòng mở trí cho chúng con được biết việc phải làm và khi làm, xin Chúa thương giúp đỡ; để mọi công việc của chúng con từ khởi sự cho đến hoàn thành, đều do ân sủng Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ðnl 30, 15-20

“Hôm nay tôi đề nghị với anh em về sự chúc lành và sự chúc dữ”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói với dân rằng: Này hôm nay tôi giãi bày cho anh em về sự sống và hạnh phúc, về sự chết và bất hạnh. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy đi trong đường lối Người và tuân giữ các giới răn, những lề luật và các huấn lệnh của Người, hầu anh em được sống và tăng số, và Chúa chúc lành cho anh em trên phần đất mà anh em sẽ chiếm hữu. Nhưng nếu lòng anh em không quay về, không muốn nghe, và chạy theo lầm lạc, thờ lạy và phụng sự các thần khác, thì hôm nay tôi tuyên bố với anh em rằng anh em sẽ chết, không được sống trên phần đất bên kia sông Giođan mà anh em sẽ chiếm hữu. Hôm nay, tôi xin trời đất làm chứng rằng: tôi đã đề nghị với anh em về sự sống và sự chết, sự chúc lành và sự chúc dữ. Vậy hãy chọn lựa sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy tuân phục lệnh Người và liên kết với Người, vì Người là sự sống và là sự sống lâu dài của anh em, để anh em được ở trong đất nước mà Chúa đã hứa ban cho tổ phụ anh em là Abraham, Isaac và Giacóp”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

Câu Xướng Trước Phúc Âm:

Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

PHÚC ÂM: Lc 9, 22-25

“Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”.

Chúa nói với mọi người rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa rất từ bi, xin nhìn đến lễ vật chúng con dâng trên bàn thờ Chúa. Ước chi của lễ này giúp chúng con được ơn tha tội và biết làm rạng rỡ Thánh Danh. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa chay

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin tạo cho tôi quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con vừa lãnh nhận Thánh Thể là hồng ân từ trời ban xuống. Xin cho hồng ân này hằng đem lại ơn tha thứ và cứu độ cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

XÂY DỰNG LẠI CÁC MỐI TƯƠNG QUAN (Lc 9, 22 -25)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Mỗi khi Mùa Chay về, hay nghe nói tới Mùa Chay, chúng ta hiểu ngay: đây là “mùa trở về”.

Trở về với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.

Trở về với Chúa để cảm nghiệm được tình thương của Người trên cuộc đời chúng ta.

Trở về với tha nhân để nhận thấy bổn phận yêu thương, liên đới và chia sẻ với anh chị em đồng loại.

Trở về với chính mình để nhận ra mình tội lỗi và cần được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ.

Như vậy, cả ba mối tương quan, chúng ta thấy có một mẫu số chung là: nhận thấy mình bất toàn, ích kỷ, kiêu ngạo, nên cần phải trở về với Thiên Chúa, tha nhân và ngay cả với chính mình để được trở nên hoàn thiện.

Muốn hàn gắn và xây dựng lại những mối tương quan ấy, chúng ta hãy để ý đến lời mời gọi của Đức Giêsu: phải từ bỏ chính mình và phải vác thập giá mình.

Khi nói đến từ bỏ chính mình, Đức Giêsu muốn chúng ta phải ý thức tận căn, bởi vì nếu từ bỏ nhiều thứ, dốc quyết nhiều chuyện, mà chưa từ bỏ chính mình thì kể như chưa bỏ gì cả, và nếu có bỏ đi chăng nữa, thì sẽ tìm dịp và tìm cách thuận lợi để lấy lại!

Bỏ mình còn có nghĩa là coi mình ra không để hướng về Chúa và anh chị em, là quên mình để yêu thương, tha thứ và sống cho người khác.

Bỏ mình luôn đi đôi với việc vác thập giá của chính mình hằng ngày. Thập giá của mỗi người chính là ốm đau, bệnh tật, những chiến đấu chống lại cám dỗ, những trái ý, hiểu lầm, vu vạ, cáo gian…

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn từ bỏ tội lỗi, sống yêu thương, đón nhận thánh giá trong đời và trung thành vác lấy cách yêu mến. Xin cũng ban cho chúng con ơn trở về trong Mùa Chay thánh này. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo

Ca nhập lễ

Đây thực là vị tử đạo đã đổ máu mình ra vì danh Chúa Kitô, đã không sợ sự đe doạ của những quan toà, nhưng đã tiến vào nước trời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Tể càn khôn, Chúa đã cho thánh giám mục Pô-li-cáp gia nhập vào hàng ngũ các anh hùng tử đạo. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp. Cho chúng con được cùng người uống chén đắng của Ðức Kitô, để mai ngày được sống lại và hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc:

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin đổ tràn ân phúc mà thánh hoá những lễ vật này và xin đốt lên trong lòng chúng con chính ngọn lửa yêu mến xưa đã làm cho thánh giám mục Pô-li-cáp lướt thắng mọi cực hình thể xác để trung thành với Chúa mãi đến cùng. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa thông hiệp với Mình và Máu Ðức Kitô. Ước gì chúng con nhờ đó mà tìm được sức mạnh tinh thần xưa đã làm cho thánh giám mục Pô-li-cáp tử đạo thắng mọi gian khổ để trung thành với Chúa mãi đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin…

1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Theo “lá thư của các Kitô hữu thành Smyrna” về cuộc tử đạo của thánh Polycarpe, vị thánh giám mục này bị thiêu trên giàn củi ở hý trường Smyrna, vào ngày Sabbat, vào giờ thứ 8, ngày 23.02.155/156, trước mặt toàn dân. Lúc đó ngài khoảng độ 86 tuổi. Kỷ niệm này được ghi trong Hạnh các thánh tử đạo của thành Nicomédie (361). Những người Syrie, Byzantin và Copte đều mừng lễ này. Phương Tây, lễ nhớ thánh Polycarpe xuất hiện vào thế kỷ thứ VI, cho đến lần canh tân Phụng Vụ cuối cùng, Thánh lễ mừng vào ngày 26.01.

Theo truyền thống, thánh Polycarpe (= có nhiều hoa trái) sinh khoảng năm 70, là môn đệ của thánh Gioan Tông Đồ và là thầy của thánh Irênê thành Lyon. Như thế, ngài đã tạo một dây liên kết giữa Giáo Hội nguyên thuỷ của các Tông Đồ với các thế hệ Kitô hữu sau này của Giáo Hội Tiểu Á và – nhờ vào môn đệ của mình là Irênê thành Lyon – nối kết với xứ Gaule.

Là giám mục thành Smyrna, ngài đón nhận Ignatiô thành Antiochia, người bị dẫn độ đến Rôma để chịu cực hình tử đạo. Theo thánh Irênê, thánh Polycarpe thích nhắc lại liên hệ của mình với thánh Tông Đồ Gioan và “những người đã thấy Chúa”. Ngài nhắc lại các lời nói của họ về đề tài Đức Giêsu và “sau khi nhận tất cả từ các chứng nhân của Ngôi Lời Hằng Sống, ngài đã nhắc lại đúng như Sách Thánh.”

Thánh Ignatio thành Antiochia, trong Lá thư gởi cho Polycarpe, đã động viên người bạn thân yêu này : “Hãy vững vàng như đe dưới búa. Một lực sĩ vĩ đại không thể thất bại dưới những cú đập như thế, nhưng phải thắng.” Thánh Polycarpe cũng đã chiến đấu cho đến khi bị thiêu sống để làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô. Khi Tổng trấn đề nghị: “Ta thề, ta sẽ thả ông ra, nếu như ông nguyền rủa ông Kitô !” Vị thánh giám mục đã trả lời: “Đã 86 năm tôi phục vụ Người và không bao giờ Người làm một điều gì xấu cho tôi. Làm thế nào tôi có thể xúc phạm Vua của tôi, Đấng cứu tôi?”

Sau khi Polycarpe bị thiêu, các Kitô hữu đến lượm xương còn lại, đặt vào một nơi đáng kính, nơi mà họ thường tụ tập “trong hân hoan và niềm vui để cử hành ngày lễ giỗ cho ngài.”

2. Thông điệp và tính thời sự

Sứ điệp của thánh Polycarpe chính là cuộc tử đạo của ngài, như “Lá thư Hội thánh Chúa ở Smyrna” đã nói.

Trong lời Tổng hợp, chúng ta cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của thánh nhân “được như ngài chia sẻ vào chén của Chúa Kitô để được sống lại vào đời sống vĩnh cửu”. Lời cầu nguyện này nhắc nhớ lại lời cầu nguyện của thánh Polycarpe, lúc bị trói vào cột, sẵn sàng hiến tế: “Lạy Chúa, Thiên Chúa của vũ trụ, Cha của Đức Giêsu Kitô, con chúc tụng Chúa vì xét thấy con xứng đáng được chia sẻ vào chén của Chúa Kitô, để được sống lại cả hồn lẫn xác vào cuộc sống vĩnh cửu, trong sự bất tử do Chúa Thánh Thần ban tặng.” (Phụng Vụ Giờ Kinh). Trong lời tuyên xưng đức tin của thánh Polycarpe, chúng ta thấy rõ bản chất của mầu nhiệm Kitô giáo được nói lên rõ ràng: Thiên Chúa là Cha và là Đấng Sáng Tạo; Đức Giêsu là Tôi Tớ của Thiên Chúa, đồng thời cũng là Con duy nhất, rất được Cha yêu quí, Tư tế vĩnh cửu và thiên linh; Chúa Thánh Thần là nguồn sống và sự bất tử.

Các Kitô hữu đã thấy và đã chứng kiến cuộc tử đạo của thánh Polycarpe như đang tham dự một buổi Phụng Vụ. Trong lời nguyện của thánh nhân, chúng ta gặp được các yếu tố của Kinh Nguyện Thánh Thể: “Con ca tụng Ngài …con chúc tụng Ngài nhờ vị Thượng Tế vĩnh cửu và thiên linh là Đức Giêsu Kitô”. Vị tử đạo, bị trói, được nhìn như con dê được chọn, giữa bầy để hiến tế, một lễ vật xứng đáng dâng lên Thiên Chúa”. Cuối cùng ngài xuất hiện giữa vùng lửa “như tấm bánh đang được nung lên, như vàng hay bạc rực lên giữa lò lửa, xông lên mùi như hương, như trầm”. Thánh nhân được vẽ như một “vị tử đạo đúng Phúc Âm” có nghĩa là giống Đức Giêsu Kitô, một hiến tế của người mục tử thành Smyrna trước mắt dân chúng như một mẫu gương đức tin và kiên nhẫn. Khi bắt chước cuộc khổ nạn của Đức Kitô, người ta sẽ được đồng hình đồng dạng với Người. Vì thế thánh Polycarpe đã viết cho dân thành Philliphê: “Hãy trở thành những người bắt chước sự kiên nhẫn của Chúa Kitô và nếu như chúng ta đau khổ vì danh Người, hãy chúc tụng Người”(7,2).

Enzo Lodi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây