TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG

Thứ ba - 06/12/2022 04:26 |   777
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28)

08/12/2022
THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Đức Mẹ Vô Nhiễm

Lc 1, 26-38


DIỄM LỆ VÌ ĐƯỢC CHÚA THƯƠNG
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1, 28)

Suy niệm: Thay vì gọi Mẹ bằng tên gọi Ma-ri-a, thiên thần Gáp-ri-en lại gọi Mẹ bằng một tên khác, “Đấng đầy ân sủng”. Ân sủng là gì? Là vẻ đẹp, vẻ duyên dáng đáng yêu. Theo Kinh Thánh, sở dĩ có được ân sủng là nhờ được Thiên Chúa tha thứ, yêu thương và kết ước. Theo nghĩa này, Mẹ Ma-ri-a đầy duyên dáng, diễm lệ vì được Thiên Chúa sủng ái tuyển chọn. Mẹ đẹp bởi được Ngài yêu. Thử hỏi, có ai được Thiên Chúa yêu thương đến ở cùng như Mẹ Ma-ri-a không? Ngài đến ở nơi Mẹ không chỉ bằng quyền năng, bằng sự quan phòng mà là một sự hiện diện đích thân. Ý thức ân sủng ấy đến từ Thiên Chúa cách nhưng không, Mẹ đã có một thái độ tôn giáo căn bản là tạ ơn, nhìn nhận mình là người chịu ơn, là kẻ tuỳ thuộc Thiên Chúa. Lòng biết ơn này đã giúp Mẹ sẵn sàng phó thác theo chương trình của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Câu chào “Chúa ở cùng anh chị em” là lời nhắc nhớ đến tình trạng ân sủng Ki-tô hữu đang có. Ki-tô hữu đang hạnh phúc vì có Chúa ở với. Bạn có nhận thức được ân sủng ấy là do Thiên Chúa ban cho bạn không? Vậy, thái độ nào bạn phải có để tạ ơn Ngài? Đâu là ơn lớn nhất Chúa ban cho bạn và gia đình bạn?

Sống Lời Chúa: Bạn hướng tâm hồn về Chúa, thành tâm cảm tạ Ngài về những ơn lành bạn nhận được trong ngày hôm nay, nhất là ơn được Chúa đến ở với.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết bắt chước Mẹ, khiêm nhường nhìn nhận mọi sự đều là hồng ân Chúa ban, để con có thể loan báo với mọi người rằng: “Chúa đã làm cho tôi những điều cao cả.”

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG

t5 t2 MV

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ở gần bên, đường lối Chúa đều là chân lý. Nhờ Chúa thương chỉ dạy, từ lâu con đã hiểu: Chúa tồn tại muôn đời

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin thôi thúc tâm hồn chúng con lo dọn đường cho Con Một Chúa, để nhờ mầu nhiệm giáng lâm của Người, lòng trí chúng con được trở nên trong sạch mà phụng thờ Chúa. Chúng con cầu xin

Bài Ðọc I: Is 41, 13-20

“Ta là Ðấng Thánh của Israel, Ta là Ðấng Cứu Chuộc ngươi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp.

Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi. Ta sẽ đặt ngươi như chiếc bừa mới tinh và có răng nhọn, ngươi sẽ băm các đồi ra như rơm rác. Ngươi sẽ sàng chúng và gió sẽ cuốn chúng đi, và cơn lốc sẽ làm chúng tan tác. Còn ngươi, ngươi sẽ vui mừng trong Thiên Chúa, sẽ hân hoan trong Ðấng Thánh của Israel.

Những kẻ thiếu thốn nghèo nàn tìm nước, nhưng luống công, lưỡi chúng đã khô đi vì khát nước. Ta là Chúa, Ta sẽ nhậm lời chúng. Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc, và suối nước tràn giữa thung lũng. Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước.

Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy, biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 144, 1 và 9. 10-11. 12-13ab

Ðáp: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng

Xướng: Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa, và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài.

Xướng: Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. 

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con trong bình an, để tâm hồn chúng con được hoàn toàn vui mừng trước nhan Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 11-15

“Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho thánh lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiẽn, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin

Lời tiền tụng Mùa Vọng I

Ca hiệp lễ

Chúng ta hãy sống công chính và đạo đức ở thế gian này, trong khi đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Chúa cao cả xuất hiện vinh quang.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin...

Suy niệm

GIOAN TẨY GIẢ LÀ NGƯỜI CAO TRỌNG (Mt 11, 11-15)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong các cuộc diễn nguyện, lời dẫn phải đi sâu vào nội dung, và người dẫn chương trình phải là người biết truyền cảm hứng cho thính giả thì nội dung mới được toát lên và hấp dẫn. Nhưng điều quan trọng là làm sao cho người tham dự rút ra được bài học từ những cuộc diễn xuất đó mới là điều đáng nói!

Thánh Gioan Tẩy Giả đã xuất sắc trong vai trò này khi ngài trở thành người tiền hô loan báo về Đấng Cứu Thế và ngài cũng thành công trong việc truyền cảm cho những người đương thời về tinh thần sám hối, chuẩn bị cho giáo huấn của Đức Giêsu. Ngoài những lý do trên, ngài còn là tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước, là người loan báo trực tiếp về Đức Giêsu. Cuối cùng Gioan đã thực hiện thành công xuất sắc sứ mạng của mình bằng cái chết để làm chứng cho sự thật. Như vậy, ngài xứng đáng được Đức Giêsu khen ngợi: “Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy noi gương Gioan Tẩy Giả: sẵn sàng lên tiếng loan báo Đức Giêsu cho mọi người, dù thuận tiện hay không thuận tiện. Sẵn sàng sống sự khiêm tốn để cho nội dung lời loan báo có hồn và vui lòng nhường lại sân khấu cho diễn viên chính…là Đức Giêsu. Có thế, chúng ta mới được hy vọng Đức Giêsu khen ngợi là người có phúc như Gioan Tẩy Giả khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, thánh Gioan khi xưa đã hết lòng vì sứ vụ và đã sống chết cho sự thật. Xin Chúa cũng ban cho chúng con hôm nay biết làm chứng cho Chúa bằng sự khiêm tốn, can đảm và trung thành như Gioan khi xưa. Amen.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Đức Mẹ Vô Nhiễm

Ca nhập lễ

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì lời Ðức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”.

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu.

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca.  

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12

“Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.

Cũng trong Ðức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận hy lễ cứu độ chúng con dâng trong ngày đại lễ mừng Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễn nguyên tội. Chúa đã ban ơn gìn giữ Người khỏi mọi tỳ ố, xin cũng nghe lời Người chuyển cầu mà cho chúng con thoát khỏi vòng tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Cha đã gìn giữ Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mọi vết nhơ nguyên tội. Cha đã cho Người được đầy ơn sủng để Người xứng đáng làm Mẹ của Con Cha. Nơi Người, Cha đã phác hoạ hình ảnh một Hội Thánh rất sinh đẹp, không tỳ ố, không vết nhăn, là Hiền Thê của Ðức Kitô. Thật vậy, Ðức Trinh Nữ rất thanh khiết sẽ sinh hạ cho nhân loại một người con là chiên vẹ toàn, Ðấng xóa tội trần gian. Cha đã chon Người giữa muôn một, để Người chuyển cầu và nêu gương thánh thiện cho dân Cha. Vì thế, hiệp với các Thiên thần và các thánh, chúng con vui mừng ca ngợi Cha và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúng ta nóng lòng mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác yêu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Lạy Mẹ Maria. Thiên hạ đã nói về Mẹ bao vinh hiển, vì từ nơi Mẹ Mặt Trời Công Chính đã mọc lên là Đức Kitô Thiên Chúa chúng tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban ân huệ vô song là gìn giữ Ðức Maria khỏi vướng mắc nguyên tội. Xin cũng cho thánh lễ chúng con cử hành chữa lành mọi thương tích nguyên tội còn để lại nơi chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

VẦNG TRĂNG SÁNG GIỮA MÀN ĐÊM (Lc 1, 26-38)
Lm. Giuse Lê Danh Tường

SUY NIỆM LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM

Mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm là dịp giúp ta nhìn về một con người, chiêm ngắm sự tinh tuyền của con người ấy. Đức Maria, một con người đã không bị vướng vào tội nguyên tổ. Mẹ tinh tuyền như vầng trăng sáng giữa màn đêm. Các bài đọc trong Thánh lễ trọng thể này giúp chúng ta một cái nhìn về sự tương phản giữa vầng trăng sáng và màn đêm đen tối.

Trong bài đọc một kể lại câu chuyện Chúa đến gặp con người. Trong bài Tin Mừng cũng kể một câu chuyện sứ thần của Chúa đến gặp con người.

Khi Chúa đến gặp Adam và Eva thì hai con người này chạy chốn, không dám đối diện với Chúa. Lý do là quá rõ. Họ đã phạm tội. Sự nhục nhã và xấu hổ đã ngăn cản họ đối diện với Chúa. Lời mời gọi của Thiên Chúa đã bị họ từ chối. Khi Chúa hỏi: vì sao mà ngươi không dám gặp Ta. Câu trả lời là sự thú nhận mình đã phạm tội, đã ăn trái cấm.

Kết thúc cuộc gặp gỡ là sự ra đi của Adam và Eva. Một cuộc ra đi trong tủi nhục. Họ bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng, ra khỏi Nhà của Thiên Chúa; Họ không còn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa nữa. Họ đi vào trong đau khổ. Những gì diễn ra sau cái ngày phạm tội ấy là sự đổ lỗi cho nhau, nghi kỵ nhau, ghen ghét nhau, làm hại nhau, thậm chí chém giết nhau ngay cả khi là anh em ruột thịt như Cain và Abel.

Họ nhận ra mình trần truồng bởi họ đã bị lột sạch, đúng hơn là họ đã tự trút bỏ toàn bộ y phục mỹ miều, trút bỏ ân sủng của Thiên Chúa. Một con người trần trụi không còn được ơn Chúa trợ giúp thì hậu quả thật kinh khủng. Họ co cụm lại để bảo vệ chính mình; họ sẵn sàng đạp lên người khác để bảo toàn mạng sống của mình. Khái niệm phục vụ người khác trở thành điên rồ đối với họ.

Giữa màn đêm dày đặc bao trùm bởi bóng tối của sự bi quan, bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta một khuôn mặt, một ánh trăng rạng ngời, ấy là Maria.

Chúng ta cũng được chứng kiến một cuộc gặp gỡ. Không hẳn là giữa Thiên Chúa và con người nhưng là giữa sứ thần của Thiên Chúa và con người. Ở đây Maria không chạy chốn, Maria không ẩn núp, Maria đã đối diện trực diện với Sứ thần. Lời mời gọi Maria nghe được nơi Sứ thần cũng chính là lời mời gọi của Thiên Chúa với mình.

Adam và Evà không dám gặp Chúa vì mình đã phạm tội, đã ăn trái cấm. Còn ở đây, Maria đã đối thoại thân tình với Sứ thần, đã thẳng thắn thân thưa: làm sao chuyện có thể xảy ra được, vì tôi chưa biết đến người nam. Nếu sự nổi bật trong câu chuyện ở vườn Địa Đàng là sự bất tuân thì cao điểm của câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là tiếng thưa Xin Vâng của Maria.

Maria cũng đã ra đi sau biến cố Truyền tin ấy. Nhưng nếu Adam và Eva năm xưa ra đi trong sự trần trụi, không có ân sủng, thì ở đây Maria ra đi với chiếc áo choàng mỹ miều đầy ân sủng. Nếu trước đó Adam và Eva ra khỏi vườn Địa Đàng, ra khỏi nhà của Thiên Chúa, thì bây giờ “Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuda”. Lên núi là lên nơi Chúa ngự. Thành thuộc chi tộc Giuda là thành của Thiên Chúa, là nhà Thiên Chúa ngự. Maria đã trở về với ngôi nhà của Thiên Chúa.

Những gì diễn ra sau đó với Maria không phải là sự thù ghét, xua đuổi, ghen tương đố kỵ, nhưng là sự yêu thương, gắn bó, phục vụ, trao ban chính mình để phục vụ người khác. Maria đã ở lại phục vụ bà Isave. Sự gặp gỡ giữa con người với con người trong hân hoan nhảy múa. “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở vui mừng”. Không chỉ họ vui mừng mà cả những thế hệ tiếp theo, những đứa con trong lòng họ cũng nhảy mừng.

Tất cả những điều ấy đã diễn ra nơi con người Maria. Mẹ đã không bị vướng vào tội; Mẹ đã được tràn đầy ơn Chúa; Mẹ có Chúa ở cùng. Cả và Giáo hội khắp 5 Châu từ cổ chí kim đều ca tụng Mẹ, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đứng trước Mẹ Maria, dưới Vầng Trăng mỹ miều của Thiên Chúa, những kẻ tội lỗi như chúng ta chẳng còn biết nói gì hơn là:

“Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giê-su con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Amen

 

Ngày 8/12: Đức Trinh nữ Maria vô nhiễm nguyên tội

 

Lễ trọng

12904 me vo nhiem

I. Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Từ đầu thế kỷ VIII, ở phương Đông, người ta đã cử hành – vào ngày 9 tháng 12 – lễ Thánh Anna thụ thai Mẹ Thiên Chúa, nghĩa là việc Đức Maria tượng thai trong lòng bà thánh Anna. Sau đó lễ này được phổ biến sang miền Nam nước Ý, rồi sang Ai Len và Anh, với tên gọi là Lễ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria được thụ thai. Mục tiêu ban đầu của lễ này là mừng cuộc thụ thai của thánh Anna, mà theo sách ngụy thư Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê, cuộc thụ thai này xảy ra sau một thời gian dài bà Anna không có con, và đã được một thiên thần báo tin như một dấu hiệu của tình thương Chúa. Ở Napôli, vào thế kỷ IX, lễ này đươc ghi trên một lịch bằng đá cẩm thạch, mừng vào ngày 9 tháng 12, và đến năm 1050, trong Công đồng Verceil, Đức Giáo Hoàng Lêô IX khuyên nhủ các tín hữu mừng việc Đức Mẹ Được Thụ Thai, giống như phong tục của Giáo Hội Byzance.

Vào đầu thế kỷ XII, tu sĩ người Anh Eadmer, học trò của thánh Anselme Cantobéry, tuyên bố ông tin là Đức Mẹ được thụ thai (thụ động) vô nhiễm (tránh khỏi nguyên tội), và viết một khảo luận đầu tiên về đề tài này. Thánh Bênađô, ngược lại, vào dịp đầu tiên mừng lễ này ở Lyon (khoảng 1140), đã cảnh giác mọi người về điều mới mẻ này, và dạy rằng Đức Mẹ chỉ được thánh hóa sau khi được thụ thai, chứ không phải ngay khi còn trong lòng mẹ (Ep. 174). Dưới ảnh hưởng của ngài, các nhà thần học lớn của thế kỷ XII và XIII (Phêrô Lombard, Alexandre Halès, thánh Bônaventura, thánh Albert Cả, thánh Thomas Aquinô) cũng đi theo giáo huấn này; các nhà thần học này chưa tìm được cách nào để hoà hợp việc Đức Mẹ được miễn tội nguyên tổ với tính phổ quát của tội nguyên tổ và nhu cầu đón nhận ơn cứu chuộc đối với mọi người.

Người tìm ra giải pháp cho những vấn nạn này chính là các nhà thần học dòng Phanxicô – đặc biệt là Duns Scotus (1308). Họ tạo ra khái niệm tiền cứu chuộc. Việc Đức Mẹ được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ là hình thức hoàn hảo nhất của việc Cứu Chuộc; vì thế, theo các nhà thần học này, việc Đức Kitô cứu chuộc Mẹ của Người bằng cách này là thích hợp.

Công đồng Bâle năm 1439 ủng hộ phe chủ trương Đức Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm. Nhiều vị giáo hoàng cũng lên tiếng ủng hộ sự tin tưởng này và ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Pi-ô IX đã tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Đức Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai, do một đặc ân và ân sủng độc nhất vô nhị của Thiên Chúa toàn năng, nhờ những công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, đã được gìn giữ sạch mọi vết nhơ của tội nguyên tổ” (Sắc Chỉ Ineffabilis).

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ có từ thời Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố Bản kinh Phụng vụ. Những bản văn này giúp chúng ta nắm được tầm quan trọng của tín điều do Sắc chỉ Ineffabilis công bố.

Lời Nguyện của ngày lấy lại một công thức phụng vụ được soạn năm 1477, dưới thời Đức Giáo Hoàng Sixte IV, là một tổng hợp hầu như giống nguyên văn câu định nghĩa tín điều: “Thiên Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc nguyên tội ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Đức Trinh Nữ khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này.”

Sự tiến triển lịch sử của chân lý đức tin này đã có đầy đủ ý nghĩa trong các bài giảng của các Giáo phụ phương Đông, gắn liền với lễ Sinh Nhật Đức Mẹ (ví dụ, bài giảng của thánh Jean Damascène ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ). Việc Đức Maria được thụ thai bởi một bà mẹ son sẻ (xem Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê) nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, báo trước việc Đức Kitô được thụ thai bởi một bà mẹ đồng trinh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Như thế lòng đạo đức bình dân đã đi từ việc sùng kính sự kiện thánh Anna thụ thai – nhấn mạnh về bà mẹ chứ không phải về Đức Maria – để chuyển sang sự kiện Đức Maria, “người đầu tiên được cứu độ”, được thụ thai trong lòng mẹ ngài.

Kinh Tiền tụng mới – trích thư Ep 5, 27 và lấy ý từ Công đồng Vaticanô II (MK và PV) – là một tổng hợp nội dung thần học của tín điều. Như thế có sự nhấn mạnh trước tiên đến chiều kích Kitô học của tín điều, bằng cách khai triển mối quan hệ giữa việc được khỏi tội nguyên tổ, đầy ân sủng, và làm mẹ Thiên Chúa, vì Đức Maria đã được kêu gọi để trở thành người mẹ xứng đáng với Con của mình. Kinh Tiền Tụng cũng nhấn mạnh một chiều kích giáo hội học của ngày lễ trọng này: “Nơi Người (Đức Maria), Chúa đã cho thấy trước hình ảnh Hội Thánh, vị hôn thê không nếp nhăn, không tì vết, đẹp rực rỡ.” Một chiều kích thứ ba – cứu chuộc học – cũng nổi bật, nói lên mối liên quan giữa sự cứu chuộc được thực hiện bởi “Con Chiên vô tì tích xoá tội chúng ta”, và sự trong trắng của Đức Maria. Ngay từ thế kỷ II, Meliton de Sardes đã có trực giác về điều này: “Chính Người, Con Chiên bị giết, chính Người là con chiên vô tì tích, đã sinh ra bởi Đức Maria.” (Bài giảng lễ Phục Sinh). Sau cùng, chiều kích cánh chung học cũng được nhấn mạnh qua việc nhắc tới ơn gọi của Đức Maria: “Được chọn giữa toàn thể nữ giới, Người chuyển cầu nêu gương thánh thiện cho toàn thể Dân Chúa.”

Lời Nguyện trên lễ vật nhấn mạnh “ơn quan phòng của Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tội lỗi”. Đây là một lời nhắc nhở về ân sủng vô điều kiện của Thiên Chúa: “nhờ công nghiệp do cái chết của Chúa Kitô”, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi (Lời Nguyện của ngày).

Lời Nguyện hiệp lễ cầu khẩn Chúa: xin Người “chữa lành nơi chúng ta mọi vết thương của tội nguyên tổ” mà Đức Mẹ đã được giữ gìn không mắc phải.

Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, tội nguyên tổ là một chân lý nền tảng của đức tin: “Phải nhận biết Đức Kitô như là nguồn mạch của ân sủng để có thể nhận biết Ađam như là nguồn mạch của tội lỗi” (số 388). “Giáo lý về tội nguyên tổ là “phản diện” của Tin Mừng công bố rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ mọi người, rằng mọi người cần được cứu độ và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ ân sủng của Đức Kitô. Mang tinh thần của Chúa Kitô, Hội Thánh biết rõ người ta không thể đụng đến mặc khải về tội nguyên tổ mà không đụng đến mầu nhiệm Chúa Kitô.” (số 339).

“Đây là cuộc Tạo dựng mới – Hội Thánh hát trong Giờ Kinh Sách – nơi Người, hỡi Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm, ân sủng nguyên thuỷ nở hoa. Trái đất của chúng con không còn bị chúc dữ. . .” (Thánh Thi). Điệp ca của kinh Benedictus ca ngợi vai trò của Evà mới: “Ta sẽ đặt sự thù nghịch giữa mi và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi của Người; Người sẽ đạp dập đầu mi.”

Enzo Lodi

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây