TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – A

Thứ sáu - 09/12/2022 04:47 |   910
“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3)

11/12/2022
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – A

cn3 MV A

Mt 11, 2-11


NỖI KHẮC KHOẢI CỦA VỊ TIỀN HÔ
“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3)

Suy niệm: Gio-an Tẩy Giả là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, có sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Ông đã dành trọn thời trai trẻ trong sa mạc cô tịch để sống kết hợp với Thiên Chúa nhờ cầu nguyện và chay tịnh. Khi ra mắt dân Ít-ra-en, ông rao giảng Đấng Thiên Sai cách mạnh mẽ, kiên cường: lời của ông bừng bừng như lửa, hành động của ông ngay chính và quyết liệt. Nói tóm, Gio-an đã sống hết mình và sẵn sàng trả giá đắt nhất cho ơn gọi ngôn sứ. Tuy nhiên, Gio-an cũng là phận người; ông không hoàn toàn sáng tỏ về Đấng mà mình loan báo. Trong tù, Gio-an phải sai các môn đệ đến gặp Chúa Giê-su và hỏi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Dĩ nhiên, câu hỏi này được gửi đi từ trong cảnh tối tăm tù ngục Hê-rô-đê. Nhưng điều đáng nói hơn, nó được gửi đi từ trong chính đêm tối tâm hồn của Gio-an.

Mời Bạn: Trong đức tin, mọi sự không luôn luôn rõ ràng, chắc chắn. Vẫn còn đó những góc khuất, góc mờ, ngay cả những tăm tối mà lý trí và kinh nghiệm của con người không thể hiểu hết được. Nếu mọi sự đều hoàn toàn sáng tỏ, thì đâu còn là tin nữa. Bạn có sẵn sàng tin vào Chúa Giê-su ngay cả khi gặp bóng tối trong cuộc đời không?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày, dành ra vài phút thinh lặng để hồi tâm.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường có cám dỗ muốn một đức tin rõ ràng, sáng tỏ. Xin Chúa giúp chúng con hiểu rằng luôn có những góc mờ tối mà lý trí không thể hiểu được, để chúng dám phiêu lưu với Chúa trong những đêm tối của cuộc đời. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm A

Ca nhập lễ

Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại: Anh em hãy vui lên! Vì Chúa đã đến gần.

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Toàn bộ phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều nói về Đấng sẽ đến. Bài đọc sách Tiên tri Isaia tiên báo về ngày của Đấng Thiên Sai “Bấy giờ người mù sẽ nhìn thấy, tai những người điếc sẽ được nghe và người què sẽ nhảy như nai” (Is.35,6). Thời của mùa xuân, mùa hoan lạc, mùa cứu độ “anh em hãy bền chí và vững tâm vì Chúa đã gần đến” (Jac.5,8), Thánh Giacôbê tông đồ đã khích lệ tín hữu như thế và Tin Mừng Thánh Mathêu lại trình bày thắc mắc của Gioan Tẩy Giả về căn tính của Đức Giêsu “Thầy có phải là Đấng phải đến chăng?’ (Mt. 11,3). Chúa Giêsu giải đáp cho ông và nhân đó Ngài nói lên quan niệm của Ngài về căn tính của Gioan tiền hô. Thánh Mathêu trình bày những điều trên nhằm giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng phải đến, Ngài đã thực hiện điều mà Tiên tri Isaia đã nói.

Chúa Nhật thứ  III  Mùa Vọng này Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng thế giới. Vậy để có thể trở nên chứng nhân Tin Mừng, chúng ta hãy nghe lời mời gọi của thánh nhân mà thành tâm sám hối.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Ðấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới, mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Is 35, 1-6a. 10

“Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ chúng tôi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan, và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nảy chồi non và hoan hỉ vui mừng, và khen ngợi rằng: Ðã ban cho Israel được vinh quang của xứ Liban, huy hoàng của Carmel và Saron. Chính chúng sẽ nhìn thấy vinh quang của Chúa, và huy hoàng của Thiên Chúa chúng ta.

Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã, và hãy làm cho tăng sức những đầu gối mỏi mòn. Phải nói cho những người nhát đảm rằng: Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa các ngươi sẽ đem lại điều báo ứng; chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi.

Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 145, 7. 8-9a. 9bc-10

Ðáp: Lạy Chúa, xin đến cứu độ chúng con (x. Is 35, 4).

Xướng: Thiên Chúa trả lại quyền lợi cho người bị áp bức, và ban cho những kẻ đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Ðáp.

Xướng: Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù; Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục. Thiên Chúa yêu quý các bậc hiền nhân; Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. 

Xướng: Thiên Chúa nâng đỡ những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường nẻo đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Ðức Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang đời khác. 

Bài Ðọc II: Gc 5, 7-10

“Hãy vững lòng, vì Chúa gần đến”.

Trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.

Anh em hãy kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến. Kìa xem người nông phu trông đợi hoa màu quý báu của đồng ruộng, kiên nhẫn đợi chờ mưa xuân và mưa thu. Vậy anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng kêu trách lẫn nhau, để khỏi phải bị kết án. Này đây quan toà đã đứng trước cửa. Anh em hãy học gương kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ của các tiên tri, là những người đã nói nhân danh Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 4, 12)

Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11, 2-11

“Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Ðấng nào khác?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”.

Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con”. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh Gioan Tẩy Giả là người được Thiên Chúa kêu gọi làm tiên tri, đồng thời làm vị Tiền Hô để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông rất ý thức điều ấy, và đã hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo. Chúng ta hãy noi gương Ngài và dâng lời nguyện xin:

1. “Chính Thiên Chúa sẽ đến và cứu độ các ngươi” – Xin cho các Mục tử khi giới thiệu Chúa Giêsu là chân lý cứu độ, thì chính các ngài phải là hiện thân của một Giêsu nhân từ.

2. “Anh em kiên nhẫn chờ ngày Chúa đến” – Xin cho tín hữu biết kiên nhẫn và chịu đựng trong gian khổ, để có thể vượt qua mọi thử thách mà chờ đợi Chúa đến trong vinh quang.

3. “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” – Xin cho giới trẻ biết rút kinh nghiệm của cha ông mà học hỏi, để ngay từ bây giờ họ sáng suốt nhận ra Chúa qua mọi biến cố của cuộc đời mà không bị vấp ngã vì Ngài.

4. “Người mù được sáng, người què đi được, người phong cùi được khỏi… Đó chính là Tin Mừng của việc Chúa đến. Xin cho giáo xứ chúng ta nhận ra Chúa hiện diện nơi anh em đau bệnh, tật nguyền để hân hoan phục vụ.

Chủ tếLạy Chúa Giêsu là Đấng muôn dân mong đợi. Ngài đến để chia sẻ đến tận cùng thân phận kiếp người và đem niềm vui cho nhân loại. Xin cho chúng con trở nên giống Chúa, biết xắn tay áo để hàn gắn thế giới và quê hương chúng con còn quá nhiều thương đau. Và xin cho chúng con nên chứng nhân giữa lòng đời và làm chứng tá cho tình thương của Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biết dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thể hiện được ý muốn của Ðức Kitô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Hãy nói vói những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Này Thiên Chúa chúng ta sẽ ngự đến cứu độ chúng ta.”

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rất từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tẩy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Vở kịch dang dở

Có một văn sĩ, khi chết đi, còn để lại trên bàn tập bản thảo của một vở kịch. Tất cả mới chỉ là khởi đầu, chuẩn bị cho nhân vật chính xuất hiện, còn nhân vật chính ấy như thế nào thì chưa một ai được biết.

Toàn bộ Cựu Ước cũng giống như một vở kịch còn dang dở kể trên, trong đó nhân vật chính chưa hề xuất hiện. Mọi người đều bàn tán, đều mong đợi Đấng Cứu Thế, nhưng tất cả mới chỉ là sự chuẩn bị mà thôi. Còn Đấng Cứu Thế như thế nào, thì chưa một ai được biết.

Từ bối cảnh này, chúng ta hãy nhìn ngắm khuôn mặt của Gioan Tiền Hô. Trên dòng sông Giođan có một khúc nước cạn, cách biển Chết không xa. Đây là chỗ dân chúng thường qua lại để buôn bán và trao đổi tin tức. Chính tại chỗ này, Gioan Tiền Hô đã rao giảng và rửa tội cho dân chúng. Dân chúng thắc mắc và tự hỏi: Ông là ai? Ông có phải là Đấng Cứu Thế muôn dân mong đợi hay không?

Và qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay Chúa Giêsu đã trả lời cho những câu hỏi này. Ngài nói với dân chúng: Gioan là người mà Kinh thánh đã đề cập đến: Ta sai sứ giả Ta đi trước Con để dọn đường cho Con. Ngài cũng trả lời một câu hỏi khác được các môn đệ cua Gioan đặt ra cho Ngài: Thầy có phải là Đấng sẽ đến hay chúng tôi còn pải đợi một Đấng nào khác?

Để trả lời cho vấn nạn này, Chúa Giêsu đã mượn lời tiên tri Isaia. Thực vậy, khi nói về Đấng Cứu Thế, Isaia đã đưa ra những dấu chỉ để mọi người nhận biết Ngài: Đó là người mù được thấy, kẻ què được đi, người điếc được nghe và kẻ câm sẽ reo vui. Chủ đích của Chúa Giêsu thực rõ ràng. Chính những phép lạ Ngài làm sẽ xác quyết Ngài là ai? Là Đấng Cứu Thế tiên tri Isaia đã loan báo. Ngài đến để thiết lập vương quốc của Ngài ở trần gian.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết: Vương quốc ấy đã được thiết lập rồi nhưng chưa hoàn tất. Ngài trao phó cho chúng ta tiếp nối công trình của Ngài, xây dựng và hoàn tất vương quốc của Ngài trên trần gian này. Vào ngày sau hết, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét chúng ta về công việc này.

Hiện giờ chúng ta đang sống giữa hai biến cố: Việc Ngài giáng sinh và việc Ngài trở lại. Nhiệm vụ chúng ta không phải là ngồi chơi xơi nước mà phải xắn tay áo lên, dấn thân vào công việc Chúa đã trao phó, khi Ngài đến lần đầu trong lịch sử.

Nói một cách cụ thể hơn, đó là chúng ta phải xây dựng Nước Chúa trên trần gian, phải đem tình thương để xoá bỏ hận thù, phải đem chân lý thay cho sự giả dối, phải xây dựng cái thế giới hôm nay theo tinh thần của Chúa.


Đấng sẽ đến

Thầy có phải là Đấng sẽ đến hay không?

Như chúng ta đã biết, Gioan Tiền Hô vì lên tiếng chỉ trích Hêrôđê nên đã bị tống vào ngục. Từ thế giới tù đày, ông đã sai hai môn đệ thân tín đến gặp Chúa Giêsu và đưa ra câu hỏi: Thầy có phải là Đấng sẽ đến, hay là chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?

Câu hỏi này thoạt xem ra thì có vẻ vô lý và mâu thuẫn với sứ mạng tiền hô, với sứ mạng dọn đường của Gioan. Phải chăng ông đã chẳng long trọng giới thiệu Chúa Giêsu: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian đó sao? Phải chăng bên bờ sông Giođan ông đã chẳng xác quyết: Ngài phải rửa cho tôi chứ không phải là tôi rửa cho Ngài. Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài? Rồi với những sự kiện lạ lùng sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, với sự tỏ lộ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, ông đã tin chắc Chúa Giêsu người Nadarét chính là Đấng Cứu thế được loan báo từ những thế kỷ về trước. Vậy thì tại sao bây giờ ông lại nghi ngờ và phản lại những lời đã xác quyết? Theo tôi nghĩ vấn đề được đặt ra thật quan trọng. Quan trọng không phải cho bản thân của Gioan vì ông không hề nghi ngờ chi nữa, nhưng quan trọng cho các môn đệ của ông, bởi vì họ còn đang phân vân, lưỡng lự và chưa dứt khoát được lập lập trường đối với Chúa Giêsu. Ông tin chắc câu trả lời và những lý chứng của Chúa Giêsu sẽ là một thứ ánh sáng phán tan mọi thứ nghi ngờ còn đọng lại trong cõi lòng của họ. Thực vậy, những phép lạ Ngài làm là một lý chứng hùng hồn nhất về sứ mạng cứu thế của Ngài: Người mù được thấy, kẻ què được đi, người chết sống lại và những kẻ nghèo túng được loan báo Tin Mừng. Và sau đó Chúa Giêsu đã lên tiếng ca tụng Gioan Tiền hô.

Người Do Thái luôn trông chờ một Đấng Cứu thế. Còn chúng ta thì khác, chúng ta đã tin tưởng chắc chắn Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu thế được loan báo từ muôn ngàn thuở trước và chúng ta là những người đã Ngài được cứu chuộc. Ngài là Đấng chúng ta đặt trọn vẹn niềm cậy trông. Hãy kiên nhẫn trông đợi ngày Ngài trở lại. Không vội vàng, không hấp tấp. Hãy tin tưởng vào thời gian và sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa trên những nẻo đường chúng ta đi.

Đức Thánh Cha Gioan XXIII thường nói: Chúng ta hãy tin tưởng vào thời gian bởi vì thời gian sẽ sắp đặt mọi sự. Nó sẽ giúp chúng ta nhìn rõ bàn tay yêu thương của Chúa, cũng như giúp chúng ta gặt hái được những thành quả tốt đẹp. Chân lý này đã được thực hiện trong chính cuộc đời của ngài. Với tính tình hiền hoà và đôn hậu người ta tưởng rằng ngài sẽ chẳng làm được những việc phi thường trên ngôi giáo hoàng. Thế nhưng Chúa đã dùng ngài để hướng dẫn Giáo Hội. Chính ngài đã quyết định triệu tập Công đồng Vatican II và đã thổi vào Giáo Hội một tinh thần, một luồng sinh khí mới.

Thánh Giacôbê tông đồ cũng đã khuyên nhủ chúng ta: Anh em hãy kiên nhẫn trông chờ ngày Chúa đến. Như người nông phu kiên nhẫn trông chờ những giọt nước mưa, và hoa màu của đồng ruộng. Anh em cũng hãy bền chí và vững tâm vì Chúa đã gần đến.

Thánh Vincentê luôn cảnh giác chúng ta: Đừng hấp tấp vội vã vì đó là mưu mô của ma quỷ, lừa dối những người thiện chí để rồi cuối cùng chẳng làm được gì cả. Để kết luận chúng ta hãy nhớ tới lời Chúa: Ai kiên tâm và bền chí đến cùng thì sẽ được cứu thoát.


Dung mạo Đức Kitô
ĐTGM. Jos Ngô Quang Kiệt

Thánh Gioan Tiền Hô là một vị tiên tri cương trực. Ngài không hề run sợ trước thế lực, cường quyền. Ngài chỉ quan tâm một điều: làm chứng cho chân lý. Khi Hêrôđê Antipas cướp vợ của người anh, thánh nhân đã không ngần ngại lên tiếng công kích hành động vô luân của nhà vua. Vì thế mà thánh nhân bị bắt giam trong ngục Machéronte. Khi bị giam trong ngục, thánh nhân vẫn theo dõi những hoạt động của Chúa Giêsu. Hôm nay thánh nhân sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi gây ngỡ ngàng cho ta: “Ngài có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải chờ đợi một Đấng khác?”.

Thật lạ lùng đến khó hiểu. Người đi mở đường, người giới thiệu Đấng Cứu Thế nay lại nghi ngờ Người mà mình giới thiệu. Đó là bi kịch của thánh Gioan Tiền Hô. Câu hỏi cho thấy thánh nhân ở trong một tâm trạng hoang mang. Đức tin của ngài chao đảo. Nửa tin nửa ngờ.

Sự hoang mang của thánh Gioan Tiền Hô đến do hai nguyên nhân sau:

1) Nguyên nhân thứ nhất: Chúa Giêsu có những việc làm khác với lời Gioan loan báo.

Thánh Gioan Tiền Hô đã loan báo một Đấng Cứu Thế uy nghiêm, đến để trừng phạt nhân loại. Trong Phúc Âm tuần trước, thánh nhân đã răn đe người Do Thái: Búa rìu đã để sẵn ở gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn cho vào lò lửa. Thiên Chúa đến cầm sàng mà rê thóc. Thóc sẽ được cho vào kho, còn rơm, trấu sẽ bị cho vào lò lửa đốt đi. Sứ điệp quả thật là dữ dội, bởi loan báo ấy đã gây xôn xao sợ hãi. Thế mà khi Chúa Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, quyền lực, Chúa Giêsu tỏ ra là Đấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ: “Người không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Gioan Tiền Hô loan báo sự trừng phạt. Nhưng Chúa Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Chúa Giêsu nói: “Con người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa”. “Chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”. Thật là trái ngược. Trách nào Gioan chẳng hoang mang.

2) Nguyên nhân thứ hai: Gioan bị giam trong tù.

Ông bị ngược đãi, tất nhiên. Hơn nữa ông cảm thấy mình thất bại. Đi rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công. Đi rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Hết rồi những sứ điệp rực lửa. Hết rồi thời hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Đấng Cứu Thế không đến giải thoát mình? Sao Ngài để cho sứ giả của Ngài mòn mỏi trong tù? Sao Ngài để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê? Lời sấm của Isaia còn rành rành: “Đấng Cứu Thế sẽ mở cửa phóng thích tù nhân”. Thế mà sao chờ đợi hoài chẳng thấy. Và Gioan nghi ngờ: hay Ngài không phải là Đấng Cứu Thế. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu được. Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người. Không nén lòng được, ông đã sai môn đệ đến hỏi thẳng Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng Cứu Thế, hay chúng tôi phải chờ đợi một Đấng khác?” Câu hỏi táo bạo nhưng quan trọng, vì quyết định cả ý nghĩa cuộc đời Gioan.

Trước câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp. Nhưng chỉ yêu cầu các sứ giả về thuật cho Gioan những việc Ngài làm: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”.

Với câu trả lời ấy, Chúa Giêsu nhắc Gioan nhớ lại lời sấm của Isaia về Đấng Cứu Thế. Đồng thời cũng thanh luyện cái nhìn của ông về dung mạo Đấng Cứu Thế.

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh.

Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.

Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.

Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội.

Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến tôi tỉnh ngộ. Chúa Giêsu đã cho tôi một hình ảnh trung thực về dung mạo Đấng Cứu Thế. Qua câu trả lời đó, Chúa Giêsu cũng muốn nói với tôi rằng: Nếu con muốn Giáo Hội là hình ảnh đích thực nguyên tuyền của Thày, con hãy xây dựng một Giáo Hội không quyền lực, không tiền bạc, không phô trương. Hãy làm cho Giáo Hội mang dung mạo của Thày: một dung mạo khiêm tốn, nghèo hèn, bình dị, thân ái và nhân từ. Nếu con muốn tiếp tục sứ mạng của Thày, hãy chạy trốn quyền lực, hãy sợ hãi tiền bạc, hãy tránh thói phô trương. Hãy yêu thích những việc âm thầm bé nhỏ. Trước hết hãy đến với những người nghèo hèn. Hãy bắt đầu bằng tình thương. Vì chỉ có tình thương mới cứu được thế giới.

Ta đang chờ đón Chúa đến. Hãy cảnh giác. Chúa không đến trong một biến cố kinh thiên động địa. Chúa không có những pha biểu diễn ngoạn mục. Chúa không đến trong những thành công rực rỡ. Chúa không đến trong uy tín hay quyền lực. Chúa sẽ chỉ đến rất âm thầm, bé nhỏ nhưng đầm ấm tình người. Chúa sẽ đến trong một bàn tay kín đáo nâng đỡ. Chúa sẽ đến trong một nụ cười khích lệ. Chúa sẽ đến trong một cái bắt tay thân ái. Chúa đến chỉ thoáng qua. Nơi nào có dấu hiệu của tình thương, nơi đó đang vẽ nên dung mạo của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra dung mạo đích thực của Chúa, để con biết đón tiếp Chúa trong Mùa Giáng Sinh năm nay. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Đức Thánh Cha đã khiêm nhường xin lỗi Trung Quốc. Bạn nghĩ sao về cử chỉ này? Cử chỉ của Đức Thánh Cha có làm tổn thương đến uy tín của Giáo Hội không?

2) Bạn muốn một Giáo Hội yêu thương phục vụ hay một Giáo Hội cai trị quyền uy?

3) Bạn nghĩ gì về những lầm lỗi trong Giáo Hội?

4) Bạn phải làm gì để làm chứng cho Chúa. Bằng những việc lớn lao hay bằng những việc nhỏ bé hằng ngày?

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây