TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 7 PHỤC SINH

Chủ nhật - 05/05/2024 14:25 |   461
“Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con.” (Ga 17,20-26)

16/05/2024
thứ năm tuần 7 PHỤC SINH

t5 t7 PS

Ga 17,20-26


chúa giê-su cầu nguyện
“Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con.” (Ga 17,20-26)

Suy niệm: Trong bầu khí đầy xúc động của bữa Tiệc Ly, khi sắp sửa tự hiến mình làm hy tế, Chúa Giê-su dâng lời cầu nguyện tha thiết cùng Chúa Cha (x. Ga 17). Nhắm mục đích cao nhất là tôn vinh Chúa Cha, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su không chỉ giới hạn nơi các môn đệ mà còn mang tính phổ quát, mở rộng tối đa đến mọi người “để tất cả nên một,” “như Cha ở trong con và con ở trong Cha.” Để làm được điều này, điều kiện thiết yếu là phải có lòng tin vào Chúa Giê-su, qua lời rao giảng của các tông đồ “mà tin vào Người Con.” Đức tin tông truyền là nền tảng trên đó toà nhà Giáo Hội được xây dựng. Đó là đặc tính của Giáo Hội Duy Nhất ta tuyên xưng qua kinh Tin Kính.

Mời Bạn: Chia rẽ là bóng ma luôn ám ảnh, rình rập và chờ cơ hội lung lạc đời sống cộng đoàn Ki-tô hữu. Khi chia rẽ, các bên liên quan đều cho rằng mình đúng, mình đang thuộc Hội Thánh, mình đang có Thánh Thần. Thế nhưng, Thần Khí Thiên Chúa là nguyên lý hợp nhất chứ không phải chia rẽ. Vì vậy, hành động nào mang tính chia rẽ không thể được coi là hành động của Thánh Thần. Và đảo lại, suy nghĩ, nhận định và hoạt động dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần là bảo đảm cho tính duy nhất của Giáo Hội.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày đọc kinh Chúa Thánh Thần: “an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành” để xin cho Giáo hội được ơn hiệp nhất.

Cầu nguyện: “Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hợp nhất nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, hầu cho thế gian tin rằng Cha đã sai con.”

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ năm tuần 7 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Chúng tôi tin tưởng chạy đến toà ơn Chúa, để nhờ Chúa thương đến, chúng tôi được ơn Chúa tuỳ thời cơ thuận tiện – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, xin tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để Người biến đổi lòng chúng con, giúp chúng con ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa như những người con thảo. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 22, 30; 23, 6-11

“Con phải làm chứng về Ta tại Rôma”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, toà án muốn biết đích xác người Do-thái tố cáo Phaolô về tội gì, nên cởi trói cho ngài, và truyền lệnh cho các thượng tế và toàn thể công nghị họp lại, rồi dẫn Phaolô đến đứng trước mặt họ. Phaolô biết có một số người thuộc phe Sađốc, và một số khác thuộc phe biệt phái, nên kêu lớn tiếng giữa công nghị rằng: “Thưa anh em, tôi là biệt phái, con của người biệt phái, tôi bị xét xử vì niềm hy vọng và vì sự sống lại của những người đã chết”. Ngài vừa nói thế, thì xảy ra sự bất đồng ý kiến giữa các người biệt phái và Sađốc, và hội đồng đâm ra chia rẽ. Vì các người Sađốc cho rằng không có sự sống lại, không có thiên thần và thần linh; còn các người biệt phái thì tin tất cả điều đó. Tiếng la lối inh ỏi, và có mấy người biệt phái đứng lên bênh vực rằng: “Chúng tôi không thấy người này có tội gì; và nếu thần linh hay thiên thần nói với người này thì sao?” Cuộc tranh luận đã đến hồi gây cấn, viên quản cơ sợ Phaolô bị phân thây, nên sai lính xuống kéo ngài ra khỏi họ và dẫn về đồn.

Ðêm sau, Chúa hiện đến cùng ngài và phán: “Hãy can đảm lên! Con đã làm chứng về Ta tại Giêrusalem thế nào, thì cũng phải làm chứng về Ta tại Rôma như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Ðáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:  Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa. Con thưa cùng Chúa: Ngài là chúa tể con; Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con. – Ðáp.

Xướng: Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. – Ðáp.

Xướng: Bởi thế, lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ, ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy điều hư nát. – Ðáp.

Xướng: Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa, tới muôn muôn đời! – Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Chúa nói: “Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và Con ở trong Cha, để thế gian tin rằng Cha đã sai con”. Alleluia

Phúc Âm: Ga 17, 20-26

“Xin cho chúng nên một”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hoá và chấp nhận của lễ này, là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa phán:”Thày phải nói sự thật với các con: Thày đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thày không đi, thì Đấng phù trợ sẽ không đến với các con” – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa tham dự bàn tiệc Chúa dọn ra; xin cho lời hằng sống soi dẫn trí lòng và bánh bởi trời dưỡng nuôi hồn xác, hầu chuẩn bị chúng con sẵn sàng nhận lãnh muôn hồng ân Thánh Thần ban tặng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT (Ga 17, 20-26)
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Nhìn vào lịch sử Ki-tô giáo, chúng ta nhận ra sự bất đồng, chia rẽ giữa những người Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, hay Tin lành… Nhìn vào Giáo Hội Công giáo, chúng ta cũng thấy sự thiếu đoàn kết giữa các thành phần trong Giáo Hội, giáo xứ hay trong chính gia đình, trong mối tương quan bạn bè…

Chúng ta biết một thực trạng đáng buồn như thế, nhưng với giới hạn của con người, chúng ta không thể nào hàn gắn lại những sự rạn nứt, chia rẽ đó. Chúng ta cần đến sự trợ giúp từ Thiên Chúa và Chúa Giê-su quá hiểu điều này. Chính Ngài, đã cầu xin Thiên Chúa Cha để tất cả chúng ta được nên một. Giờ đây chúng ta nhận ra rằng, hiệp nhất là một ơn ban từ Thiên Chúa chứ không thể được xây dựng với sức riêng của con người. Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha nên một với Chúa Con trong Chúa Thánh Thần và đây là nguồn mạch cho mọi sự hiệp nhất.

Chúa Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha cho sự hiệp nhất và tại sao chúng ta lại không siêng năng cầu nguyện để xin ơn này cho Giáo Hội và cho chúng ta. Cách đặc biệt, hướng tới ngày Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta cùng khẩn cầu tha thiết đến Ngài vì Ngài là tình yêu nối kết giữa Chúa Cha và Chúa Con, là nguyên lý của sự hiệp nhất.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giải thích trong bài giáo lý thứ tư ngày 21.01.2021 rằng cầu nguyện là chiến đấu vì sự hiệp nhất. Ma quỷ, thù địch của chúng ta, vẫn ngày đêm tìm cách để gây nên sự chia rẽ. Đức Thánh Cha chia sẻ: “Nói chung, ma quỷ không cám dỗ chúng ta bằng thần học cao cấp, nhưng bằng những yếu đuối của anh chị em chúng ta. Hắn ta rất mánh khóe: hắn làm lớn lên những sai lỗi và khuyết điểm của người khác, gieo rắc bất hòa, xúi giục chỉ trích và tạo ra những bè phái”. Ngài mời gọi “chúng ta có thể kiểm điểm lại bản thân và tự hỏi mình rằng tại nơi chúng ta đang sống, chúng ta nuôi dưỡng xung đột hay chiến đấu để tăng cường sự hiệp nhất bằng những công cụ mà Chúa đã ban cho chúng ta: cầu nguyện và yêu thương”.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần luôn ở cùng chúng ta trong cuộc chiến đấu với ma quỷ, kẻ gây chia rẽ, để đạt tới sự hiệp nhất như Đức Giê-su mong muốn.

 

CHÚA CẦU CHO HỘI THÁNH HIỆP NHẤT (Ga 17,20-26)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su không những cầu xin Cha cho các môn đệ Ngài, mà còn cho tất cả những người nghe  và tin vào lời các môn đệ giảng. Để lời Chúa được mang đến khắp cùng bờ cõi, đến với mọi người, mỗi Kitô hữu chúng ta  phải chuyên chăm học hỏi, thấm nhuần Lời Chúa và luôn chia sẻ cho những người mình gặp gỡ.

2. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly cũng là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất  giữa các môn đệ và giữa tất cả những người tin nhận Chúa Giê-su từ Thiên Chúa. Chúa Giê-su cầu nguyện cách đặc biệt cho tất cả chúng ta được trở nên một  như các thành phần chi thể trong một thân mình duy nhất của Ngài, đó là Hội thánh. Cũng như Ngài và Chúa Cha đã kết hợp nên một. Sự hiệp nhất giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha là sự hiệp nhất trong tình yêu thương và sự vâng phục, và đó là sự hiệp nhất mật thiết nhất. Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta trước nhất và Ngài kết hợp với chúng ta trong bí tích Thánh Tẩy, qua đó chúng ta được kêu gọi để sống trong sự hiệp nhất và tình yêu (Mỗi ngày một tin vui).

3. “Để cả chúng cũng nên một trong Ta”.

Chúa Giê-su cầu nguyện cho Giáo hội ngày mai, tức là cho mọi tín hữu trong tương lai, như vậy có tất cả chúng ta nữa. Ngài cầu xin cho chúng ta được hiệp nhất với nhau trong Giáo hội Ngài thiết lập, để cùng nhau hiệp nhất với Ngài.

Nên một” là một điều hết sức quan trọng, nên khi cầu nguyện cho bất cứ thành phần nào trong Giáo hội, Chúa Giê-su cũng cầu xin cho họ được điều ấy.

Lạy Cha, xin gìn giữ chúng trong tình hiệp nhất.

Không phải thứ hiệp nhất rẻ tiền: cố nhịn nói, cố tránh va chạm để người ngoài nhìn vào không biết chúng con đang chia rẽ.

Mà là sự hiếp nhất  dám chấp nhận những dị biệt và những lời góp ý thẳng thắn.

Một sự hiệp nhất  được thúc đẩy bởi ước muốn duy nhất trong lòng mọi người là sống theo chân lý của Cha.

4. Chúa Giê-su cầu nguyện vì sự hiệp nhất trước hết là quà tặng ân sủng từ Thiên Chúa, ân ban này sẽ được tìm thấy gốc rễ nơi trái tim của Ba Ngôi mà Chúa Giê-su đã chia sẻ cho chúng ta qua vinh quang của Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa. Với ân sủng này, chúng ta cùng Ngài đi vào sự hiệp nhất với Chúa Cha trong Thánh Thần: Con đã ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và con đã yêu mến chúng  như Cha đã yêu mến Con” (Ga 17,22-23).

5. Đức Giáo hoàng Phao-lô VI đã diễn tả rất sâu sắc về giá trị tông đồ của sự hiệp nhất, ngài đã nói như sau: “Lời di chúc thiêng liêng của Chúa Giê-su cho chúng ta hiểu rằng sự hiệp nhất giữa các môn đệ không những là bằng chứng chúng ta là môn đệ của Ngài, nhưng còn là bằng chứng Ngài được Chúa Cha sai đến và đó cũng là trắc nghiệm về sự đáng tin của các Ki-tô hữu và của chính Đức Ki-tô”.

Có hiệp nhất với nhau, các kẻ tin mới tỏ ra mình không phải là những con người bị chia rẽ bởi những tranh chấp, nhưng là những con người trưởng thành trong đức tin, trưởng thành trong lòng mến và có khả năng gặp gỡ nhau nhờ việc cùng tìm kiếm chân lý cách chân thành và vô vị lợi.

Như thế, sự hiệp nhất chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Chúa Giê-su, chứng tỏ chúng ta là những người trưởng thành trong đức tin cậy mến, và đó là lý do thu hút người ngoài để họ dễ tin vào lời chứng của chúng ta.

6. Bài Tin Mừng của thánh Gio-an hôm nay đặt chúng ta – những người đón tiếp và tin vào Lời, trong trái tim và lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. Ngài còn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta ở bên Cha để hiệp nhất giữa những chi thể thánh được hoàn thiện. Hiệp nhất nơi gia đình, cộng đoàn, trong Giáo hội với tình yêu chính là hình ảnh của Ngài hiệp nhất với Cha trong Thánh Thần. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn để chúng ta khiêm tốn luôn sống trung thành với ân sủng mà Ngài ân ban. Trong tình huynh đệ, hãy đón nhận sự khác biệt của anh em để tìm về một mối hiệp nhất trong tình yêu.

7. Truyện: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.

Một người kia có ba người con trai, trước khi qua đời, ông muốn dạy các con bài học hiệp nhất: ”Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, ông gọi các con đến và nói: ”Vàng bạc thì cha không có, cha có một gia tài quí giá hơn cả vàng và muốn để lại cho các con”. Nói xong ông lấy ra ba chiếc đũa tre trao cho ba người con mỗi người một chiếc và bảo: “Các con hãy bẻ gẫy chiếc đũa cho cha coi”. Ba người con vâng lời cha bẻ gẫy chiếc đũa dễ dàng.

Sau đó người cha trao cho ba người con mỗi người một bó đũa và nói: ”Các con hãy bẻ gẫy bó đũa này cho cha xem”. Lúc này ba người con dùng hết sức vẫn không sao bẻ gẫy được. Bấy giờ người cha mới nói: ”Nếu các con biết đoàn kết thương yêu nhau thì các con giống như bó đũa kia sẽ không có sức mạnh nào làm gẫy được các con. Ngược lại nếu các con không đoàn kết thương yêu nhau mỗi người một nơi thì các con sẽ như chiếc đũa kia bị bẻ gẫy một cách dễ dàng, hiệp nhất: ”Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”.

Nói xong, người cha ra đi trong vòng tay yêu thương của các con.

XIN TUÔN ĐỔ MUÔN ƠN THÁNH THẦN
(THỨ NĂM TUẦN 7 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 7 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để Người biến đổi lòng chúng ta, giúp chúng ta ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa như những người con thảo.

Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để chúng ta có thể giữ vững đức tin giữa những giáo thuyết sai lạc, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan cho thấy: Đức tin của một số Kitô hữu đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng vì những người lạc giáo. Thánh nhân cố gắng làm sao cho các tín hữu này nhận ra những ân huệ vô cùng phong phú do đức tin đem lại: Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến, và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật. Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ ra cho biết.

Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để Người biến đổi chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô nói: Chúng ta phải chung số phận và thông phần bản tính với Ngôi Lời, nghĩa là, phải từ bỏ đời sống chúng ta và biến đổi sang một đời sống khác và được phục hồi để sống một nếp sống đạo đức mới. Điều này chỉ thực hiện được, nhờ việc chúng ta lãnh nhận Thánh Thần.

Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại: Đêm ấy Chúa đến bên ông Phaolô và nói: Hãy vững lòng! Con đã long trọng làm chứng cho Thầy ở Giêrusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa.

Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần, để chúng ta vững tin vào Chúa, và tìm nương ẩn nơi Chúa khi bị bách hại, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 15, vịnh gia đã cầu xin: Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một. Thánh Thần chính là mối dây liên kết muôn dân nên một, như lời khẳng định của thánh Phaolô: Dù là Dothái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần. Thánh Thần còn là mối dây liên kết mọi thành phần trong Hội Thánh, như lời thánh Phaolô: Cũng như chỉ có một thân thể, nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Thánh Thần ngự trong ai, thì Người biến đổi kẻ ấy, để họ sống một nếp sống khác, và phục hồi họ trong cuộc sống mới. Ước gì Chúa tuôn đổ muôn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, để Người biến đổi lòng trí chúng ta, giúp chúng ta ăn ở sao cho đẹp lòng Chúa, như những người con thảo. Ước gì được như thế!

NGƯỚC MẮT LÊN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện!”.

“Cám dỗ thường tình của Satan là nó khiến chúng ta từ bỏ việc đọc Lời Chúa và bỏ cầu nguyện! Nó làm đủ cách để chứng tỏ đọc Lời Chúa là vô ích, cầu nguyện là vô tích sự. Sự thật là, để có thể yêu thích Lời Chúa, bạn phải tiếp tục đọc; để có thể yêu thích cầu nguyện, bạn phải tiếp tục cầu nguyện! Cầu nguyện là ‘ngước mắt lên’, nói với Chúa, “Lạy Chúa, xin ban Lời, này con đang nghe!” - George Muller.

Kính thưa Anh Chị em,

“Lạy Chúa, xin ban Lời, này con đang nghe!”. Sống động đến thế, sao bạn lại từ bỏ? Với khuyến cáo của Muller, một chi tiết của Lời Chúa hôm nay sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên đến bất ngờ. Đó là, khi cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời! ‘Ngước mắt lên’, Chúa Giêsu chiêm ngưỡng sự huy hoàng của Chúa Cha trong một chiều kích mới mẻ, tuyệt đối lạ lẫm; một chiều kích mà bạn và tôi cần cả đời để khám phá. Đó là “chiều kích siêu việt” của Thiên Chúa!

Chúa Cha, Đấng siêu việt! “Siêu việt” là trổi vượt, trên hết và vô cùng. Ngài vượt trội mọi sự, Ngài “bất tử”; thế giới không chứa nổi Ngài, không phàm nhân nào hiểu hết Ngài. Siêu việt của Thiên Chúa còn là siêu việt của Ba Ngôi; tuy là Ba nhưng là Một! Quan hệ giữa Ba Ngôi là quan hệ hỗ tương sâu sắc tự bản chất của từng Ngôi. Và dẫu hai từ “bất tử” và “siêu việt” khá xa lạ, những khái niệm này vẫn cần được suy gẫm; ý nghĩa của chúng cần được nắm bắt. Bởi lẽ, hiểu được mối quan hệ nội tại của Ba Ngôi, chúng ta mới hiểu được ‘ảnh hưởng trực tiếp của nó’ đến mối quan hệ của mỗi chúng ta với Ngài. Chia sẻ sự sống và tình yêu của Ngài, chúng ta sống chính sự sống và tình yêu của Thiên Chúa; và cùng Chúa Giêsu, bạn và tôi ‘ngước mắt lên’, chiêm ngắm vẻ uy nghi ngập tràn vinh quang và quyền năng của Chúa Ba Ngôi!

Thật trùng hợp, bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho thấy sự thông hiệp của chúng ta với Thiên Chúa khi chúng ta tin xác loài người ngày sau sống lại, tin các thiên thần và linh hồn bất tử. Như vậy, cùng với Phaolô và người Pharisêu, chúng ta không chỉ tin vào sự “bất tử” và “siêu việt” của Thiên Chúa, nhưng còn tin vào sự “bất tử” và “siêu việt” của chính mình, những kẻ tìm nương thân nơi Ngài! Thánh Vịnh đáp ca thật sâu sắc, “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện!”. Cùng Chúa Giêsu, chúng ta ‘ngước mắt lên’ và làm như Ngài; đồng thời, biết rằng, Thiên Chúa hiển vinh và siêu việt này đang đoái thương hạ cố, ở lại và cắm lều trong linh hồn chúng ta. Ngài thiết lập quan hệ cá nhân bền bỉ với chúng ta. Ngài, Đấng tạo thành, ngàn trùng chí thánh; Đấng duy trì vạn vật, nhưng cũng là Đấng đang ở với tôi, trong tôi, đang yêu thương tôi! Vinh quang Ngài cửu trùng thăm thẳm không chứa nổi, nhưng Ngài lại đang ngự trong sâu kín bí nhiệm của linh hồn tôi. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn và tôi thừa nhận sự hiện diện của Ngài, và ‘ngước mắt lên’, kính uý Ngài, yêu mến Ngài, Đấng đang sống trong mỗi người. “Sống động đến thế, sao bạn lại từ bỏ?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thế gian luôn kéo ghì con xuống, xin Thánh Thần đỡ con lên, cho con chiêm ngưỡng sự huy hoàng của Chúa. ‘Lạy Chúa, xin ban Lời, này con đang nghe!’”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây