TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. (Ga 20, 19-23)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT CTT HIỆN XUỐNG

Chủ nhật - 05/05/2024 14:18 |   123
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,19-23)

19/05/2024
chúa nhật chúa thánh thần hiện xuống

cn CTT hiện xuống

Ga 20,19-23


“những người loan báo tin mừng đầy thánh thần”
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,19-23)

Suy niệm: Chúa Giê-su là ‘người loan báo Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất’, vì đã thi hành cách tuyệt hảo sứ mạng Chúa Cha giao phó, trong tình yêu và vâng phục. Ngay trong chiều ngày phục sinh, Ngài đã hiện ra với các môn đệ và ủy thác sứ mạng ấy cho các ông. Niềm vui vì được thấy Chúa Phục Sinh xua tan nỗi sợ trong lòng các môn đệ. Căn phòng đóng kín không thể nhốt được Tin Mừng quá đỗi lớn lao này. Nó cần được loan truyền, chia sẻ! Chúa Giê-su không để các môn đệ ‘đơn thương độc mã’ trên hành trình sứ mạng, nhưng gửi Chúa Thánh Thần cùng đi với các ông để thánh hóa, dạy dỗ và trợ lực. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của công cuộc loan báo Tin Mừng. Thánh giáo hoàng Phao-lô VI xác quyết: “Nếu Chúa Thánh Thần không hoạt động thì sẽ không có bất cứ công cuộc Loan báo Tin Mừng nào”. Thật vậy, Người là Đấng hướng dẫn chúng ta bước đi trong tự do nhờ sức mạnh của Thần Khí (x. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, 280).

Mời Bạn: Loan báo Tin Mừng không phải là việc làm phụ tùy, nhưng là sứ mạng thuộc bản chất của Giáo Hội, là lý do hiện hữu của Giáo Hội! Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khích lệ mọi Ki-tô hữu trở nên đích thực là những môn đệ thừa sai, đầy Thánh Thần, nghĩa là luôn mở lòng mình ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Lời mời gọi này có đánh động trái tim của bạn không?

Sống Lời Chúa: Lời cầu nguyện đầu ngày của bạn là xin Thánh Thần biến mọi việc trong ngày của bạn thành việc loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai con đi loan báo Tin Mừng cho anh em.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Lễ vọng Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến!  Sự vắng mặt hữu hình của Chúa Giêsu Phục Sinh đã được bù lại, bằng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Nhưng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cũng không phải là sự hiện diện hữu hình mà chỉ có thể cảm nghiệm được, vì rất mạnh mẽ, thường tạo nên những thay đổi lớn lao, diệu kỳ, trong tâm hồn và cuộc sống con người. Chúng ta hãy tìm cách nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta, trong Hội Thánh và trong xã hội. Sách Tông Đồ Công Vụ đã thuật lại các hoạt động của Chúa Thánh Thần thời Giáo Hội sơ khai. Ngài đã biến đổi con người cách vô cùng kỳ diệu. Không chỉ các Tông Đồ và các môn đệ đã theo Chúa Giêsu từ đầu, mả cả những người mới được nghe Tin Mừng cũng được biến đổi. Thậm chí cả những kẻ chưa chịu phép Thánh Tẩy cũng được tràn đầy Thánh Thần. Chính nhờ Thánh Thần mà các Tông Đồ ra đi loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh và xây dựng Hội Thánh khắp nơi. Giờ đây chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần “Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng ta” để xứng đáng dâng Thánh Lễ tôn thờ Ngôi Ba Thiên Chúa.

Ca nhập lễ

Tình yêu của Thiên Chúa tràn đầy tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần của Người ngự trong chúng ta – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn chúng con dành trọn năm mươi ngày để cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Xin tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần. Ðể các dân tộc trên thế giới, tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa. Chúng con cầu xin…

Hoặc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho ánh huy hoàng rực rỡ của Chúa là chính Ðức Kitô, giãi sáng trên chúng con. Và xin ban sức mạnh của Thánh Thần làm cho tâm hồn con cái Chúa, đã được tái sinh nhờ bí tích thánh tẩy, ngày càng thêm bền vững trung kiên. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Xh 19,3-8a. 16-20b

“Trước mắt toàn dân, Chúa sẽ ngự xuống trên núi Sinai”

Bài trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môisen lên cùng Thiên Chúa.

Từ trên núi, Chúa gọi ông và bảo: “Ngươi hãy nói với nhà Giacób, và thông báo cho con cái Israel thế này: “Chính các ngươi đã thấy những gì Ta làm cho người Ai cập. Ta đã mang các ngươi trên cánh phượng hoàng, và đem các ngươi đến với Ta. Từ nay, nếu các ngươi nghe lời Ta và giữ giao ước Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta được tách biệt khỏi mọi dân, vì cả trái đất là của Ta. Ðối với Ta, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế, một dân tộc hiến thánh. Ðó là những lời ngươi sẽ nói lại với con cái Israel”.

Môisen trở xuống triệu tập các trưởng lão trong dân và trình bày cho họ mọi điều Chúa đã truyền cho ông.

Toàn dân đồng thanh đáp: “Mọi điều Thiên Chúa dạy, chúng tôi xin thi hành”.

Qua ngày thứ ba, trời vừa sáng, có sấm vang chớp loè và mây dày đặc che phủ ngọn núi và tiếng tù và rền vang.

Toàn dân trong trại kinh hãi.

Môisen đưa dân ra khỏi trại để gặp Chúa, họ đứng dưới chân núi.

Khắp núi Sinai bốc khói, vì Chúa ngự xuống đó trong ngọn lửa: khói bốc lên như bởi lò lửa và cả núi rung chuyển dữ dội.

Tiếng tù và càng rúc mạnh.

Môisen nói và Thiên Chúa đáp lại trong tiếng sấm.

Chúa ngự xuống trên đỉnh núi Sinai, Người gọi Môisen lên đỉnh núi.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 103, 1-2a và 25c, 27-28, 29bc-30

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất.

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, lạy Chúa là Thượng Ðế của tôi, Ngài quá ư vĩ đại! Ngài mặc lấy oai nghiêm huy hoàng, ánh sáng choàng thân như mang áo khoác. – Ðáp.

Xướng: Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ngài đã tạo thành vạn vật cách khôn ngoan, địa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài, kìa biển khơi mênh mông bát ngát, những vật tý hon sống chung cùng loài to lớn. – Ðáp.

Xướng: Hết thảy mọi vật đều mong chờ ở Chúa, để Ngài ban lương thực cho chúng đúng thời giờ. Khi Ngài ban cho thì chúng lãnh, Ngài mở tay ra thì chúng no đầy thiện hảo. – Ðáp.

Xướng: Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi tới, chúng được tạo thành, vì Ngài canh tân bộ mặt trái đất. – Ðáp.

Bài Ðọc II: Rom. 8,22-27

“Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả”.

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta biết rằng cho đến nay, mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta. Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ.

Nhưng hễ nhìn thấy điều mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa.

Vì ai đã thấy điều gì rồi, đâu còn hy vọng nó nữa?

Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm trông đợi.

Ðàng khác, cũng có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta.

Vì chúng ta không biết cầu ngyện thế nào cho xứng hợp.

Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả.

Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn.

Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.

Ðó là Lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia – Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 7,37-39

“Phát sinh nước hằng sống”

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Gioan.

Vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, Chúa Giêsu đứng lên giảng lớn tiếng rằng: “Ai khát nước hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như giòng sông”.

Người nói điều ấy về Chúa Thánh Thần mà các kẻ tin nơi Người sẽ lãnh lấy, vì bởi Chúa Giêsu chưa được tôn vinh.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, hiệp nhất với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Mẹ Giáo Hội, chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa. Với tâm tình đó, chúng ta dâng lời cầu nguyện.

1. Chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, xin Ngài ban Chúa Thánh Thần cho nhân loại, để họ nhận biết Ngài, đón nhận Ngài và yêu mến Ngài, như Đức Mẹ Maria và các thánh Tông Đồ.

2. Chúng ta dâng lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám Mục, các linh mục, để trong thần khí của sự hiệp nhất, các ngài nhiệt thành thi hành sứ mạng Chúa đã trao phó.

3. Chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Chúa Thánh Thần, xin Ngài đến đổi mới mặt địa cầu, ban bình an, thịnh vượng cho các dân tộc, và ban hy vọng cho các gia đình.

4. Chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Chúa Thánh Thần, xin Ngài nâng đỡ mỗi người trong cộng đoàn chúng ta, cách riêng các bạn trẻ, các em thiếu niên, nhi đồng, xin cho mỗi người trung tín với ơn gọi Kitô hữu của mình.

Chủ tế: Lạy Cha, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Cha đổ đầy tình yêu của Cha vào tâm hồn chúng con. Xin đổi mới tâm hồn chúng con, xin ban cho chúng con sống hiệp nhất với anh chị em, và nhiệt thành góp phần xây dựng nước Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cử Thánh Thần đến thánh hoá những của lễ chúng con dâng. Và nhờ những của lễ này, xin cho Giáo Hội sống trọn tình yêu mến hầu trở nên dấu hiệu cho muôn dân nhận biết ơn cứu độ của Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Ðể hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, hôm nay Chúa rộng ban Chúa Thánh Thần cho những người đã được Chúa nhận làm nghĩa tử, nhờ kết hợp với Con Một Chúa. Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin. Vì thế, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu, lòng tràn ngập niềm vui ngày Chúa sống lại, đều mừng rỡ hân hoan. Ðồng thời, cả triều thần thiên quốc hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Vào ngày cuối cùng dịp lễ, Chúa Giêsu đứng lên giảng lớn tiếng rằng: Ai Khát nước, hãy đến cùng Ta và hãy uống – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, như xưa Chúa đã ban cho các Tông Ðồ Chúa những ơn kỳ diệu của Thánh Thần, giờ đây, nhờ thần lương chúng con vừa lãnh nhận, xin cho lòng chúng con cũng cháy lửa yêu mến của Thánh Thần. Chúng con cầu xin…

Suy niệm
 

LẠY CHÚA THÁNH THẦN, XIN NGÀI NGỰ ĐẾN

SUY NIỆM THÁNH LỄ VỌNG (Ga 7,37-39)
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Thánh lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng: “Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông” (Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất

Nếu như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa tự sức riêng của mình muốn “xây một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời” (x. St 11,4). Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.

Chúa Thánh Thần là Đấng sáng tạo

Câu đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết: “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo...” làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang (x. St 1,2).

Phải khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần, Ðấng sáng tạo, nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của Giáo hội, nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng tạo của Thiên Chúa. Vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Ngài làm” (Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô nói: “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt, nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về Chúa Thánh Thần).

Ðứng trước những hình thức khác nhau của việc lạm dụng trái đất, “mọi tạo vật đang rên siết trong cơn đau đớn như lúc sinh nở. Nhưng không phải chỉ tạo vật mà thôi đâu, mà cả chúng ta nữa, tức là những kẻ đã được hưởng của đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi mong Thánh Thần nhận làm nghĩa tử, và cứu chuộc thân xác chúng ta“. (Rm 8,22-24)

Chúng ta tự hỏi: Chúa Thánh Thần là ai hay là gì? Làm sao chúng ta có thể nhận ra Ngài? Bằng cách nào, chúng ta đến với Ngài và Ngài đến với chúng ta? Ngài tác động điều chi? Thưa, Chúa Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.

Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra

Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh Thần, các môn đệ nói mà không sợ hãi. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu xin Chúa Cha ban xuống cho Giáo hội như là “nước hằng sống chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38) vì nước ấy ở trong cung lòng của Thiên Chúa, cùng một lúc, chúng ta khám phá ra rằng, cũng trong Giáo hội, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống thật. Thường chúng ta đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong phương diện cá nhân, tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay hiển nhiên cho thấy tác động Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Kitô hữu: “Thánh Thần mà những kẻ tin Người sẽ lãnh lấy” (Ga 7,39). Thánh Thần duy nhất biến cộng đoàn thành một thân thể duy nhất, thân thể Chúa Kitô. Hơn nữa, Ngài là suối bẩy nguồn đa dạng về các ơn: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… làm cho mỗi người chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.

Sự duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn tín hữu. Điều quan trọng nhất của Giáo hội chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần Đấng ban sự sống. Với con mắt loài người nhìn vào Giáo hội, chúng ta không thể nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để “các dân tộc trên thế giới, tuy ngôn ngữ bất đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.” (Lời nguyện nhập lễ).

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa!” Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống kết thúc mùa Phục Sinh. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần đã làm thay đổi con người các tông đồ. Chúa Thánh Thần ban cho các ông một sức sống mới từ Thiên Chúa. Kể từ giây phút đó, các ông đã đứng lên rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh, Hội Thánh được khai sinh và bắt đầu đi đến tận cùng trái đất, một Hội Thánh luôn luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi người Kitô hữu đều cảm nhận được sức sống mới đang họat động trong cuộc đời mình. Bằng sự sống của Chúa chúng ta làm cho người khác sống đúng với phẩm giá con người. Để được như vậy chính chúng ta cũng phải được biến đổi nhờ Bí tích Thánh Thể.

Ca nhập lễ

Thánh Thần Chúa tran hoà khắp vũ trụ, Người nắm giữ mọi sự và thông biết mọi lời – Alleluia.

Hoặc đọc:

Tình yêu Thiên Chúa tràn đầy trên tâm hồn chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ngự trong lòng chúng ta – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hoá Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai, và sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện và tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 2, 1-11

“Các vị được tràn đầy Chúa Thánh Thần và bắt đầu lên tiếng nói”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói.

Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình. Mọi người đều sửng sốt và bỡ ngỡ nói rằng: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi: Chúng tôi là người Parthi, Mêđi, Êlam, Mêsopotamia, Giuđêa, Cappađôcia, Pôntô, Tiểu Á, Phrygia, Pamphylia, Ai-cập, Lybia, cận Cyrênê, và người Rôma cư ngụ ở đây, là Do-thái và tòng giáo, là người Crêta và Á-rập, chúng tôi đều nghe họ nói tiếng của chúng tôi mà ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa!”

[Mọi người đều sửng sốt bỡ ngỡ nói với nhau rằng: “Thế này nghĩa là gì?” Nhưng lại có người khác nhạo báng rằng: “Họ đầy rượu rồi”.]

Ðó là lời Chúa.

Ðáp ca: Tv 103, 1ab và 24ac. 29bc-30. 31 và 34

Ðáp: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến, và xin canh tân bộ mặt trái đất (c. 30).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng:  Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa. Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Ngài quá ư vĩ đại! Lạy Chúa, thực nhiều thay công cuộc của Ngài! Ðịa cầu đầy dẫy loài thụ tạo của Ngài. – Ðáp.

Xướng: Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gởi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất. – Ðáp.

Xướng:  Nguyện vinh quang Chúa còn tới muôn đời, nguyện cho Chúa hân hoan vì công cuộc của Chúa. Ước chi tiếng nói của con làm cho Chúa được vui; phần con, con sẽ hân hoan trong Chúa. – Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 12, 3b-7. 12-13

“Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, không ai có thể nói “Ðức Giêsu là Chúa” mà lại không do Thánh Thần. Vậy có nhiều thứ ân sủng, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều thứ chức vụ, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều thứ công việc, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, là Ðấng làm mọi sự trong mọi người. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho từng người, tuỳ theo lợi ích.

Cũng như chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, mà các chi thể tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Vì chưng trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do: tất cả chúng ta đã uống trong một Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra!

Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến;

Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!

Lạy Ðấng an ủi tuyệt vời,

là khách trọ hiền lương của tâm hồn,

là Ðấng uỷ lạo dịu dàng.

Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than,

là niềm an ủi trong lúc lệ rơi.

Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc,

xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài.

Nếu không có Chúa trợ phù,

trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội.

Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,

và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,

chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,

là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,

được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

(Amen. Alleluia.)

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-23

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã tuôn đổ Thánh Thần của Ngài vào trong tâm hồn chúng ta và biến đổi chúng ta trở nên con cái trong Đức Kitô. Giờ đây hiệp nhất trong một Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, chúng ta xin Chúa Cha sai Thánh Thần đến thánh hóa Hội Thánh và đổi mới thế giới.

1. Chúa Thánh Thần làm cho dân chúng thập phương tại Giê-ru-sa-lem nghe Tin Mừng bằng thổ ngữ của họ. Xin cho Hội Thánh luôn kiên trì tìm kiếm những cách thức mới hữu hiệu để rao giảng chân lý cứu độ cho con người thời nay.

2. Chúa Thánh Thần là Đấng mang lại bình an và đổi mới mặt địa cầu. Xin cho các vị lãnh đạo chính quyền biết chăm lo cho hòa bình và lợi ích chung.

3. Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi. Xin cho những người đau khổ, bệnh tật, tù đày, nhất là những ai đang cần đến lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay, được cảm nghiệm lòng Chúa xót thương.

4. Chúa Thánh Thần là tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Xin cho những người đang sống ơn gọi hôn nhân và gia đình luôn biết mở rộng tâm hồn đón nhận nhau trong yêu thương chân thành.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin đổ đầy Thánh Thần Chúa trên chúng con, để chúng con cũng cảm nghiệm được sức mạnh của Thánh Thần đã ban cho các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, nhờ đó chúng con có được đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng, đức mến nồng nàn và can đảm ra đi giới thiệu Chúa cho mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thực hiện lời hứa của Thánh Tử Giêsu Kitô, mà cử Thánh Thần đến giúp chúng con thấu hiểu mầu nhiệm hy lễ, và hướng dẫn chúng con tới chân lý vẹn toàn. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Ðể hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua, hôm nay Chúa rộng ban Chúa Thánh Thần cho những người đã được Chúa nhận làm nghĩa tử, nhờ kết hợp với Con Một Chúa. Chính trong ngày khai sinh Hội Thánh, Chúa Thánh Thần đã làm cho hết thảy chư dân nhận biết Thiên Chúa và liên kết mọi ngôn ngữ khác biệt lại, để họ tuyên xưng cùng một đức tin. Vì thế, toàn thể nhân loại trên khắp địa cầu, lòng tràn ngập niềm vui ngày Chúa sống lại, đều mừng rỡ hân hoan. Ðồng thời, cả triều thần thiên quốc hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và ca tụng những kỳ công của Thiên Chúa – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã rộng ban cho Giáo Hội những hồng ân cao cả là Thần Khí và bánh bởi trời; xin bảo toàn ơn Chúa tặng ban, để Thần Khí Chúa luôn tác động mạnh mẽ trong đời sống chúng con, và bánh bởi trời ban sinh lực giúp cho người thế đạt tới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ðể giải tán dân chúng, phó tế hay Linh mục nói:

Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an. Halêluia. Halêluia.

Ð. Tạ ơn Chúa. Halêluia. Halêluia.

Suy niệm

TÁC ĐỘNG CỦA THẦN KHÍ
LM ĐAN VINH

Thanh_than



1. LỜI CHÚA: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

2. CÂU CHUYỆN: THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG NƠI CÁC TÍN HỮU:

Trên một toa tàu chợ phát xuất từ thành phố Can-quýt-ta nước Ấn Độ, giữa đám hành khách nghèo khổ đang ngồi la liệt trên sàn tàu, có một phụ nữ tay cầm tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng lẩm bẩm đọc kinh. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là bà Tê-rê-sa. Về sau người đời đã gọi bà bằng một cái tên thân thương: “Mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta”. Bà là người đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, với nhiệm vụ chuyên lo tìm kiếm những bệnh nhân nghèo khổ đang hấp hối và bị bỏ rơi trên các góc phố thành Can-quýt-ta. Họ thuộc giai cấp cùng đinh trong xã hội nước Ấn. Sứ vụ của chị em dòng Thừa sai Bác ái là mang những người đó về tu viện chăm sóc và giúp họ được chết trong bình an. Về sau mẹ Tê-rê-sa đã kể lại ơn gọi ấy như sau: “Khi nhìn thấy đám người nghèo khổ kia đang nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu, đột nhiên có một sức mạnh đã đổ ập xuống trên tôi, làm cho tôi tự nhiên cảm thấy họ chính là những Chúa Giêsu đang bị bỏ rơi. Tôi sẽ phải làm gì để giúp đỡ họ đây?”. Sau đó bà đã quyết định lập một dòng nữ chuyên lo phục vụ cho những người nghèo khổ này. Rồi bà bắt tay vào việc đầu tiên là tìm thuê mướn một căn nhà để làm nơi tạm trú cho họ, đang khi trong túi của bà chỉ còn vỏn vẹn ba đồng bạc Ấn! Nhưng nhờ ơn Chúa giúp mà ngày nay dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã lan khắp các nước trên thế giới. Quả thực, điều này cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và họat động nơi mọi thành phần dân Chúa là Hội Thánh.

3. SUY NIỆM:

– THÁNH THẦN TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊSU: Về việc đầu thai của Đức Giêsu, trong kinh Tin kính có câu này: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh” (x. Lc 1,35). Chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Đức Maria đã thụ thai Hài Nhi Giêsu mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn. Rồi khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng, Người đã đến xin chịu phép rửa của Gioan tại sông Gio-đan. Vừa chịu phép rửa xong, Thánh Thần như chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người (x. Mt 3,16b). Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện và chịu ma quỷ thử thách. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giêsu đã chiến thắng ba cơn thử thách cám dỗ của ma quỷ (x. Mt 4,1-10). Rồi trong quyền năng Thánh Thần, Người đã đi rao giảng Tin mừng Nước Trời bắt đầu từ Ga-li-lê (x. Lc 4,14-15). Cũng nhờ Thánh Thần mà Đức Giêsu đã xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,28) và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân (x. Mt 4,23). Khi được Thánh Thần tác động, Ngừơi đã vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha (x. Lc 10,21). Rồi sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần, Người đã hiện ra chúc bình an (x. Ga 20,19), rồi sai các ông đi rao giảng Tin mừng (x. Ga 20,21), tiếp tục sứ vụ của Ngừơi (x. Mt 28,19-20). Người cũng thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các ông chu toàn sứ vụ (x. Ga 20,22). Cuối cùng, Người còn ban cho các ông quyền tha tội hay cầm giữ người ta nữa (x. Ga 20,23).

– HOẠT ĐỘNG CỦA THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH: Thời Hội thánh sơ khai, Thánh Thần đã tác động biến đổi các Tông đồ (x. 1 Cr 12,4-11): Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm và công khai làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu thấu mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hy vọng (x. Lc 24,32-35). Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã thâu nạp được nhiều người có lòng sám hối xin chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu (x. Cv 2,41). Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà cộng đoàn tín hữu đầu tiên luôn sống hiệp thông, siêng năng tham dự lễ Bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ đó số tín hữu gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47).

Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục giúp Hội thánh chu toàn sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu. Đặc biệt Thánh thần soi sáng cho các vị chủ chăn để các ngài chu toàn ba sứ vụ được Đức Giêsu trao phó: Một là sứ vụ ngôn sứ để công bố Lời Chúa. Hai là sứ vụ tư tế để thánh hóa các tín hữu bằng các bí tích. Ba là sứ vụ vương đế để chăn dắt và phục vụ Hội thánh. Do đó, khi Đức Giáo hòang triệu tập Công Đồng Chung mà công bố điều gì về đức tin và luân lý thì đều bất khả ngộ nghĩa là không thể sai lầm, vì luôn được Thần Chân Lý soi dẫn, như trong quyết nghị của công đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 có viết: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28).

4. THẢO LUẬN:
1) Phân biệt Thánh Thần và thiên thần giống và khác nhau thế nào?
2)Ngày nay các tín hữu nhận được ơn Thánh Thần khi nào?
3) Mỗi tín hữu hôm nay phải làm gì để được Thánh Thần tác động giống như các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi xưa?

5. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊSU. Nhiều khi chúng con cảm thấy Thánh Thần xa lạ, đang khi Ngài thật là một người bạn, người thầy của chúng con. Ngài luôn ở bên và ở trong chúng con. Ngài cần cho đức tin của chúng con, giống như hơi thở cần cho sự sống. Chúng con chỉ có thể gọi Thiên Chúa là “Áp-ba!- Ba ơi !” nhờ Thánh Thần, Đấng làm cho chúng con trở nên nghĩa tử (x. Rm 8,15). Chúng con chỉ có thể gọi Đức Giêsu là “Chúa” khi chúng con ở trong Thánh Thần (x. 1 Cr 12,3). Chính nhờ có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng con mới dám cầu nguyện và mới cảm nghiệm được sự ngọt ngào của Lời Chúa Giêsu. Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà Hội thánh không ngừng canh tân đổi mới.

– LẠY CHÚA GIÊSU PHỤC SINH, xin ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi âu lo sợ hãi cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ vụ được sai đi, với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Thánh Thần để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở thành khí cụ bình an của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ trần gian.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA. - Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
 

Chúa Thánh Thần

Lễ hiện xuống chính là ngày lễ 50 của Cựu Ước. Đó là cao điểm kết thúc cho mùa mừng lễ Vượt Qua, ngoài ra đó còn là ngày lễ tạ ơn vì Chúa đã cho mùa màng tốt tươi, cũng như để kỷ hiệm ngày Chúa công bố lề luật qua Môsê trên đỉnh núi Sinai.

Đối với chúng ta hôm nay, thì lễ Hiện Xuống cũng chính là cao điểm, kết thúc cho mầu nhiệm Phục sinh. Như ngày Hiển Linh đối với ngày Giáng Sinh thế nào thì ngày lễ Hiện Xuống cũng vậy đối với lễ Phục Sinh. Tôi xin đưa ra một vài hình ảnh để so sánh.

Trong ngày lễ Phục sinh, Đức Kitô như mặt trời hừng đông ló dạng. Còn trong ngày lễ Hiện xuống thì mặt trời ấy đã đứng bóng, chói loà và đem lại sức sống. Trong ngày lễ Phục sinh thửa vườn của Giáo Hội nở bông với những tín hữu mới được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Còn trong ngày lễ Hiện xuống, những bông hoa ấy đã kết thành trái chín vàng trên cành cây. Người làm vườn là Đức Kitô đã trồng những mầm non mới. Còn mặt trời làm cho trái chín vàng đó là Chúa Thánh Thần. Trong ngày lễ Phục sinh chúng ta mới chỉ là những trẻ nhỏ của Thiên Chúa, chúng ta cần đến sữa mẹ là Chúa Thánh Thần. Chúng ta lớn lên trong nhà mẹ là Giáo Hội, một cách vô tư và hạnh phúc như những em nhỏ. Nhưng khi chúng ta trưởng thành, Giáo Hội, người Mẹ hiền của chúng ta, không ngần ngại bảo cho chúng ta biết rằng khoảng thời gian êm đẹp và thơ mộng ấy đã qua đi, giờ đây chúng ta là những lữ khách, sẽ gặp phải nhiều đau khổ, nhiều buồn phiền. Với lễ Hiện xuống, chúng ta trở nên là những người trưởng thành. Với lễ hiện xuống Chúa Thánh Thần làm việc và tác động.

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã hứa không để cho chúng ta phải mồ côi, Người sẽ gởi đến cho chúng ta một Đấng an ủi, để nhắc lại những điều Người đã giảng dạy. Ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần vẫn còn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ tưởng đến Ngài, và chúng ta có thể gặp gỡ Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta kể từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, để biến tâm hồn và thể xác chúng ta thành đền thờ cho Thiên Chúa, như lời thánh tông đồ đã khuyên nhủ: Anh em không nhớ rằng thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần hay sao. Hãy mang lấy Thiên Chúa và hãy tôn vinh Người trong thân xác anh em. Chúng ta sẽ dễ dàng trở nên thánh thiện, nếu chúng ta luôn ý thức rằng Chúa Thánh Thần đang ngự trị trong chúng ta. Còn đối với Giáo Hội, Chúa Thánh Thần luôn thánh hoá và hoạt động bằng các bí tích. Chúa Giêsu đã về trời và trở nên vị trung gian bầu cử cho chúng ta trước toà Đức Chúa Cha. Nhưng Giáo Hội trên trần gian hằng được Chúa Thánh Thần giúp đỡ và hướng dẫn. Trong bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu thực sự hiện diện, nhưng Ngài không thể tiếp nối những hành động mà ngày xưa Ngài đã thực hiện ở Palestin. Trong bí tích Thánh Thể Người chỉ là của lễ và của ăn cho chúng ta,. Thế nhưng, bí tích Thánh Thể lại chính là một dụng cụ Chúa Thánh Thần dùng để thánh hoá chúng ta.

Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội. Và như chúng ta đã biết Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô. Thân xác muốn sống thì phải có linh hồn. Vai trò của linh hồn thật là quan trọng, nó là nguyên lý của sự sống, nếu linh hồn lìa khỏi thì thân xác sẽ phải chết. Cũng vậy Chúa Thánh Thần là linh hồn của nhiệm thể Giáo Hội, chính Ngài trao ban và bảo tồn đời sống ơn sủng trong chúng ta. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể cầu nguyện và làm được những việc tốt lành. Bởi đó, trong ngày mừng kính Ngài hôm nay, chúng ta hãy mặc lấy ba tâm tình sau đây: Tâm tình thứ nhất là tâm tình vui mừng. Chính vì thế mà Giáo Hội đã mời gọi chúng ta qua lời kinh Tiền Tụng: Trong niềm hân hoan chứa chan, toàn thể vũ trụ đều nhảy mừng. Tâm tình thứ hai là tâm tình tin tưởng vào sự hiện diện và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội cũng như trong tâm hồn mỗi người. Chúng ta phải cảm nghiệm và nhận ra quyền năng ấy. Và sau cùng chúng ta hãy mong mỏi xin Ngài ngự đến như lời Giáo Hội tha thiết nguyện cầu: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến và đổ tràn đầy trong lòng các tín hữu những hồng ân của Ngài.


Ra đi - tha thứ
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.

Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.

Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.

Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Đức Chúa Thánh Thần mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không?

2- Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh?

3- Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi?

4- Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không?


Ý nghĩa cuộc sống

Chúa Thánh Thần đem lại gì cho chúng ta. Đó là câu hỏi chúng ta cùng nhau tìm hiểu. Và ơn huệ đầu tiên Ngài đem lại đó là đức tin. Chính đức tin sẽ tạo nên nơi chúng ta một cái nhìn mới.

Kể từ nay, chúng ta không còn cúi mặt nhìn xuống đất, mà còn có thể ngước mắt nhìn lên trời. Và qua những thực tại trần gian, chúng ta sẽ tìm thấy những giá trị siêu nhiên. Chúa Thánh Thần sẽ mở ra một chân trời mới, sẽ hướng dẫn chúng ta bước vào cõi sống đời đời. Hẳn rằng đã hơn một lần chúng ta băn khoăn và tự hỏi: Hỡi người, người là ai? Tại sao người lại sống trên mặt đất này. Rồi người sẽ đi về đâu? Mục đích cuộc sống của người là gì? Ý nghĩa cuộc sống của người là gì?

Có một nhà hiền triết nọ cũng đã suy tư như thế. Hôm đó, ông đi lang thang trong rừng, miệng không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối.

Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh. Cụ tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.

Nhà hiền triết hốt hoảng và chạy trốn khỏi khu rừng để không còn nghe tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn chưa được giải quyết.

Còn chúng ta thì sao? Rất có thể chúng ta cũng đã băn khoăn như nhà hiền triết, để rồi cảm thấy như bế tắc, không tìm ra đáp số cho bài toán.

Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Với ơn Chúa Thánh Thần chúng ta cũng sẽ nếm thử được niềm an bình và nỗi mừng vui, bởi vì chúng ta xác tín rằng: quê hương chúng ta không phải ở mặt đất này, nhưng là ở chốn trời cao. Cuộc sống tạm bợ phù du này sẽ kết thúc để rồi mở ra một chân trời hạnh phúc, kéo dài tới vĩnh cửu. Nhờ đức tin lãnh nhận, chúng ta có được cái nhìn mới và biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian, biết xử dụng chúng để xây dựng cuộc sống siêu nhiên.

Thánh Cyrillo đã so sánh: Chúa Thánh Thần tác động trong chúng ta như ánh sáng mặt trời tác động trên con mắt. Nếu đi từ bóng tối ra ánh sáng, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều vật trước kia chúng ta không nhìn thấy. Cũng vậy, với Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ nhìn xem tất cả bằng cặp mắt siêu nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra những giá trị thiêng liêng cho cuộc sống tạm gửi này, để rồi chúng ta sẽ không dừng lại, sẽ không đầu tư cho những vui thú chóng qua, nhưng sẽ tìm kiếm và đầu tư cho hạnh phúc vĩnh cửu.

Ngày xưa Chúa Thánh Thần bay lượn trên nước và đã biến cái đám hỗn mang thành một vũ trụ có trật tự thế nào, thì bây giờ Ngài cũng bay lượn, cũng hiện diện trong tâm hồn để biến con người tội lỗi, vô trật tự của chúng ta thành một Kytô hữu đích thực, Ngài sẽ cởi bỏ con người cũ của chúng ta, biến chúng ta trở nên một tạo vật mới, một con người mới. Vậy con người mới ấy là như thế nào? Chắc hẳn bề ngoài chúng ta vẫn như trước vẫn giống với mọi người, có đầu, có mắt, có trái tim, nhưng cách thức chúng ta nhìn ngắm, cách thức chúng ta suy nghĩ, cách thức chúng ta yêu mến thì lại hoàn toàn thay đổi, như lời tiên tri Êgiêkiel đã diễn tả: Ta sẽ rảy nước tinh tuyền trên các ngươi và các ngươi sẽ được trong sạch. Ta sẽ cất khỏi các ngươi trái tim bằng đá, nhưng sẽ ban cho các ngươi một trái tim bằng thịt. Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới và một thần khí mới.

Với Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn, chúng ta sẽ nhìn cuộc sống, nhìn những người anh em, nhìn thế giới, nhìn dòng lịch sử một cách khác. Chúng ta sẽ nhìn những khổ đau, những thử thách và những đắng cay một cách khác. Chúng ta sẽ tìm thấy được những giá trị siêu nhiên của chúng.

Bởi đó, hãy mở cửa đón nhận Chúa Thánh Thần, hãy lắng nghe tiếng nói của Ngài, hãy bước đi dưới sự soi dẫn của Ngài, hãy sống theo những gì Ngài chỉ bảo. Đừng dập tắt ngọn lửa của Ngài, để nhờ đó, Ngài sẽ hun đúc đức tin, để nhờ đó chúng ta biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian.


Chúa Thánh Thần

Trong phần chia sẻ sáng hôm nay tôi muốn đưa ra một câu hỏi như thế này: Chúa Thánh Thần là Đấng nào? Với câu hỏi này chúng ta đi sâu vào bản tính Thiên Chúa, nhưng chỉ có đức tin mới trả lời được cho chúng ta mà thôi. Đúng thế, thánh Tôma tiến sĩ đã nói: Hiện tại chúng ta không thể nào hiểu thấu vì mầu nhiệm ấy vượt quá khả năng hạn hẹp của trí khôn con người.

Trong Cựu Ước chúng ta chỉ ghi nhận được một vài hình ảnh thật mù mờ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải chờ đến Đức Kitô, người Con duy nhất của Thiên Chúa đến và mạc khải, chúng ta mới thấy được cái đặc tính cốt yếu của Thiên Chúa, đó là tình yêu.

Còn về Chúa Thánh Thần, trong kinh Tin Kính chúng ta đã tuyên xưng Ngài là Thiên Chúa ngôi thứ ba, là Đấng ban sự sống, Ngài bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra. Ngài cũng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, Ngài đã dùng các tiên tri mà phán dạy.

Qua Chúa Con, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta như lời thánh Gioan đã xác quyết: Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để những ai tin nơi Con Một Ngài thì sẽ có sự sống vĩnh cửu. Ngay từ thuở đời đời, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con và sợi dây liên kệ thắm thiết và đầy yêu thương ấy chính là Chúa Thánh Thần.

Thực vậy, Chúa Thánh Thần chính là sợi dây yêu thương nối kết Chúa Cha và Chúa Con, chi phối nhịp điệu của đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng như toả lan cho tất cả chúng ta. Như thế, qua Chúa Thánh Thần chúng ta hiểu được bản chất tình yêu của Thiên Chúa. Đồng thời Chúa Thánh Thần cũng đã trực tiếp cộng tác vào công trình cứu độ, một công trình của tình thương yêu mà Thiên Chúa đã ươm mơ từ muôn thuở trước.

Đức Kitô vâng theo thánh ý của Chúa Cha và với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần đã chết đi để đem lại sự sống cho trần gian. Kể từ khi được diễm phúc làm con cái Thiên Chúa, chúng ta đã được Ngài yêu thương như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa được toả lan trong tâm hồn chúng ta. Để rồi từ đó, tất cả những tình yêu trong lành nhất của chúng ta đều là một tia sáng, một phản ánh trung thực cho tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta chỉ có thể yêu thương một cách đúng nghĩa khi liên kết với Ngài.

Đúng thế Ngài ở giữa những cặp vợ chồng để họ biết trung thành và hy sinh cho nhau. Ngài ở giữa những người con để họ biết nói lên hai tiếng thưa ba, thưa má với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Ngài ở giữa những người bạn để họ biết tâm đầu ý hiệp với nhau.

Trong ngày lễ Hiện Xuống hôm nay, Giáo Hội mừng kính Chúa Thánh Thần, Giáo Hội mừng kính tình yêu của Thiên Chúa, được tượng trưng qua hình lưỡi lửa trên đầu các tông đồ. Giáo Hội cũng muốn chúng ta thành khẩn kêu xin: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin hãy ngập tràn tâm hồn các tín hữu Chúa và xin thắp lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa. Ngài không phải là một vị Thiên Chúa vô danh và bị quên lãng. Trái lại Ngài luôn ở giữa chúng ta và hoạt động. Ước gì mỗi người chúng ta hãy cộng tác với Ngài bằng cách thắp lên một ngọn lửa yêu thương, bởi vì chỉ có tình yêu mới có thể làm tiêu tan thù hận, thất vọng và tăm tối.

CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA
(LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cử Thánh Thần đến thánh hóa Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai, và sai Hội Thánh đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Hôm nay khi mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng con nài xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện mà tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới.

Xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện, công trình làm cho tất cả mọi người trở thành nghĩa tử của Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô nói: Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba! Cha ơi!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.

Xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện, công trình làm cho muôn dân trở thành môn đệ, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Irênê nói: Khi ban cho các môn đệ quyền cho người ta được tái sinh làm con Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói với các ông: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện, công trình làm cho muôn dân được nghe giảng Tin Mừng, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc: Các môn đệ được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho: nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Dothái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Cơrêta hay người Ảrập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!

Xin Chúa tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện, công trình làm cho tất cả được hiệp nhất trong một thân thể, một Thần Khí, như trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô: Tất cả chúng ta, dầu là Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.

Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 103, vịnh gia đã ca ngợi công trình thiên hình vạn trạng của Chúa: Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới, và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất. Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, cho tâm hồn tín hữu được nhuần thấm muôn ơn, và cháy lửa yêu mến Ngài. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Chúng ta như mảnh đất hoang khô cằn, không thể sinh hoa trái, nếu như, không nhờ nước Thánh Thần tưới gội. Chúng ta như những hạt lúa miến không thể thành nắm bột để trở nên tấm bánh, nếu như, không được hòa trộn trong nước Thánh Thần. Chúng ta tuy nhiều, nhưng, được nên một trong Đức Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đã đến thánh hóa Hội Thánh ngay từ buổi sơ khai, và Hội Thánh đã hăng say ra đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, ước gì chúng ta luôn biết mở lòng ra để đón nhận những luồng gió mới của Chúa Thánh Thần, để cuộc đời chúng ta luôn được tươi mới. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống -Năm B

CTTb 2

Ga 20, 19-23
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”.

          
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
          
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

Ðó là lời Chúa.

Suy niệm Tin Mừng Chúa Thánh Thần hiện xuống
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm

 

HOA TRÁI THÁNH THẦN
(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) - Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Mùa Phục Sinh kết thúc với Lễ Kính Thờ Thiên Chúa Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần, đặc biệt qua mầu nhiệm Người hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần, chính thức khai sinh nên Hội Thánh. Chân dung Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể, nhập thế đã được lịch sử ghi nhận, cách riêng bốn Tin Mừng đã góp phần trình bày cách rõ nét. Người ta cũng có thể dùng loại suy để hướng về Thiên Chúa Cha. Vì ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Còn Chúa Thánh Thần là Đấng mà chúng ta dường như chỉ có thể nhận ra qua hoa trái của Người theo dòng lịch sử và đặc biệt theo dòng lịch sử cứu độ. Chúa Kitô đã từng ví Người như là gió (x.Ga 3,8). Điều này không chỉ nói lên sự tự do của Thánh Thần mà còn giúp ta nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần qua các kết quả hành động của Người. Qua một vài hoa trái đặc trưng của Thánh Thần, chúng ta cũng có thể biết được cách thế hữu hiệu để trải lòng mình ra đón nhận tác động của Người.
          
1. ƠN NGÔN NGỮ:

          
Ngôn ngữ được biểu hiện dưới nhiều hình thái như chữ viết, ký hiệu... nhưng ở đây chỉ muốn đề cập đến tiếng nói. Tiếng nói là một trong những ưu phẩm của loài người trổi vượt trên các loài thụ tạo hữu hình. Nhờ có tiếng nói mà con người có thể truyền thông cho nhau tâm tư tình cảm và những nghĩ suy của mình. Nhờ có tiếng nói con người có thể hiệp thông với nhau cách đầy đủ và hiệu quả hơn, rộng rãi và sâu đậm hơn.

          
Đọc Thánh Kinh, nhất là đọc Tân Ước, chúng ta có thể chân nhận một trong những hoa trái của Thánh Thần là ơn ngôn ngữ. Khi Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa hiện xuống trên các Tông đồ ngày Lễ Ngũ Tuần, Người đã ban cho các ngài ơn được nói các thứ tiếng khác nhau (x.Cvtđ 2,1-13). Sách Công vụ tông đồ cũng tường thuật nhiều trường hợp những người lãnh nhận ơn Thánh Thần thì được ơn nói tiếng lạ, nói tiên tri (x.Cvtđ 10,45-46; 19,6-7). Chúa Giêsu an ủi động viên các tông đồ khi chịu bắt bớ thì Thánh Thần sẽ nói thay cho các ngài (x.Mt 10,20). Được Chúa Thánh Thần tác động chúng ta sẽ biết nói điều phải đạo, nói điều phải nói, nói lời tình yêu, nói lời chân lý.

          
Các nhà y học cho ta hay một sự thật về những người vừa câm vừa điếc từ thưở mới sinh. Chính vì bị tật bệnh điếc bẩm sinh nên người ta mới bị câm. Khả năng nói là một khả năng mà người ta học được nhờ bắt chước tha nhân. Không nghe được tiếng nói của tha nhân thì trẻ thơ không thể tập nói được. Như thế một trong những điều kiện tối cần để có thể nói được đó là có khả năng nghe.

          
Từ dữ kiện ở bình diện thể lý tự nhiên trên đây chúng ta có thể diễn suy lên bình diện siêu nhiên. Để có thể nói lời phải đạo, lời đáng nói, cần nói và nên nói, để có thể nói lời chân lý, lời tình yêu, nghĩa là nói dưới tác động của Chúa Thánh Thần thì tiên vàn chúng ta cần biết nghe. Dĩ nhiên là phải biết nghe Chúa Thánh Thần thúc đẩy, biết nghe Người phán dạy.

          
Xin hãy biết nghe bằng đời sống cầu nguyện chuyên chăm, bằng sự chiêm niệm sâu lắng. Xin hãy biết nghe lời chỉ dạy của mẹ Hội Thánh, nhất là trong lãnh vực đức tin và luân lý. Xin hãy biết nghe những nhà lãnh đạo các quốc gia, đặc biệt trong lãnh vực công bình và ích chung. Xin hãy biết nghe, bằng việc tiếp xúc tha nhân, nhất là những người nghèo, những người thấp cổ, kém phận. Xin hãy biết nghe những người không đồng thuận với chính kiến của ta, biết nghe cả những người trái ý ta... trong sự trân trọng và khiêm nhu chân thành. Một khi ta biết sẵn sàng lắng nghe, lắng nghe để thuận theo những gì phải đạo, để ngăn ngừa và phòng tránh những gì sai lạc... là lúc ta đang sẵn sàng đón nhận tác động của Chúa Thánh Thần. Và khi ấy chắc chắn chúng ta sẽ biết cách nói theo hướng dẫn của Đức Chúa Trời Ngôi Ba.

          
2. ƠN XÂY DỰNG SỰ HIỆP NHẤT:

          
Ngày lễ Ngũ Tuần, khi hiện xuống trên các Tông đồ, Chúa Thánh Thần một cách nào đó thông ban ơn xây dựng sự hiệp nhất. Nhiều người thuộc nhiều quốc gia, dân tộc và tiếng nói có mặt lúc bấy giờ đã hiểu những lời rao giảng của các Tông đồ (x.Cvtđ 2,13). Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của sự hiệp nhất. Người làm cho muôn dân nên một trong Đức Kitô.

          
Nói đến sự hiệp nhất là giả thiết phải nhìn nhận sự khác biệt. Có những sự khác biệt chính đáng vốn là tất yếu khách quan. Đó là sự khác nhau về màu da, chủng tộc hay ngôn ngữ. Đó là sự khác nhau về phận vị, nghề nghiệp do sự phân công, phân nhiệm của xã hội. Đó là sự khác nhau về tư tưởng, chính kiến hay quan niệm sống do bởi hoàn cảnh lịch sử hay nền văn hóa chi phối hoặc do ý thức tự chọn của mỗi người xét như một chủ thể có lý trí và ý chí tự do... Nếu không nhìn nhận và tôn trọng những khác biệt chính đáng này thì chỉ có sự đơn nhất và đồng nhất trong bạo lực của độc tài, độc đoán, độc quyền. Và sự chia rẽ sẽ xuất hiện vì nhu cầu đấu tranh sinh tồn.

          
Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người mỗi ơn... nhưng tất cả là để phục vụ ích chung (x.1Cor 12,4-6). Sự hiệp nhất ở đây được thể hiện nơi việc cùng huớng đến một mục đích: ích chung. Văn hào St Exupéry cảm nhận chân lý này khi nói: “yêu nhau không phải là ngồi nhìn nhau mà cùng nhau nhìn về một hướng”. Tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tháng 4/2008 Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: ích chung của nhân loại xét như là con người đó là nhân quyền. Những quyền lợi căn bản của con người (quyền sống, lao động, học tập, cư trú, đi lại, ngôn luận...) mà Liên Hiệp Quốc tuyên bố cách đây trên 60 năm chính là một trong những mục đích chính yếu giúp ta hiệp nhất với nhau khi ta nỗ lực dệt xây.

          
Mong sao người ta đừng đánh lận con đen giữa ích chung và ích riêng, ích riêng của cá nhân hay phe phái của mình. Mong sao hai từ phục vụ được thể hiện cách đích thực là việc làm của người tôi tớ. Cũng mong sao ngày càng hiếm dần và mất hẳn cái cảnh các “quan đầy tớ đạo đời” vinh thân phì da, miệng lưỡi gang thép, chỉ tay năm ngón... để cho đoàn đoàn lớp lớp ông chủ phải khom lưng chầu chực và cật lực hầu hạ.

          
Chúa Thánh Thần đã được ban cho nhân loại từ Trái Tim Cực Thánh của Chúa Kitô chịu đâm thâu trên thập giá (x.Ga 19,31-37). Chúa Thánh Thần đã được ban cho Hội Thánh cách đặc biệt ngày Lễ Ngũ Tuần. Mong sao khi “lửa cháy” và “gió lên” thì phát sinh nhiều hiệu quả tốt đẹp, nhờ chúng ta biết sẵn sàng đón nhận, nếu không thì hậu quả sẽ là “tro và bụi” thật nguy hiểm và thật khó lường.


RA KHỎI NHÀ TÙ TỰ TẠO
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế  

“Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín!”.

“Satan, thủ lãnh thế giới, giam hãm chúng ta vào nhà tù riêng của mình bằng các chấn song tính hư nết xấu và tội lỗi. Nhưng Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Thế Giới, bẻ gãy các chấn song, giải thoát chúng ta ra khỏi nhà tù tự tạo của mình!” - Anon. 

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Thế Giới, giải thoát chúng ta ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’ của mình!”. Đúng! Tin Mừng Chúa Nhật Hiện Xuống chứng tỏ điều đó với một chi tiết khá thú vị, dẫu “các cửa đều đóng kín”, Chúa Phục Sinh vẫn hiện ra, ban Thánh Thần cho các tông đồ!

Với Chúa Phục Sinh, cửa khoá không là vấn đề! Ngài không ngại cửa khoá! Không chỉ đi vào, Ngài còn đi ra; mở toang cửa tâm hồn, cửa trái tim; tiếp đến, Ngài thổi hơi Thánh Thần, giục chúng ta mau ra khỏi đó. “Cửa đóng kín!” nghĩa là cửa ‘khoá phía trong!’. Vậy điều gì khiến trái tim bạn ‘khoá phía trong’ và chững lại trên con đường dấn thân và hoán cải? Không lẽ chỉ vì sự ươn lười nội tâm mà bạn và tôi không nhận ra quyền năng sống động của Thánh Thần? Chúng ta hoàn toàn có thể ra khỏi ‘ra khỏi nhà tù tự tạo’ bằng những ‘trải nghiệm phục sinh’ trong quyền lực Thánh Thần. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, các tông đồ không còn sợ hãi, các ngài có thể nói các thứ tiếng địa phương để “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa”, vì “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”. 

Chúa Phục Sinh nói, “Bình an cho các con!”. Nào xem, bình an của bạn có phải là “bình an” của phòng Tiệc Ly? Trong tuần qua, những nơi nào bạn đã cố tìm ủi an; bạn “thoả mãn”, “hài lòng” hay “bình an” với chúng? Bạn có thể biết ơn một số thoả mãn vốn là một phần cuộc sống; nhưng khi tìm chúng vì ích kỷ, bạn có thể dễ dàng nhấn chìm sự sống của Thánh Thần! Lễ Hiện Xuống phải thuyết phục bạn và tôi trên hết và trước hết ‘về cầu nguyện và về trật tự cuộc sống’, vốn cho phép mỗi người tiếp cận ân sủng của Thánh Thần, Đấng “canh tân bộ mặt trái đất”, Đấng “đổi mới tâm hồn” - Thánh Vịnh đáp ca.

Trong Bí tích Hoà Giải, bạn được thứ tha nhờ tác động của Thánh Thần. Bạn tin ơn tha thứ, tin sự biến đổi nhờ lòng thương xót Chúa; vậy tại sao bạn không tin ân sủng Thánh Thần có thể giúp bạn ‘ra khỏi tù’ để trở nên những vị thánh anh hùng, chiến thắng trong thử thách, nhẫn nại trong gian truân và hiệu quả trong tư cách tông đồ? Chúa Kitô luôn ở với chúng ta; vì vậy, không lý do gì để bạn và tôi - trong cuộc sống - “trung lập” hay “thoả hiệp” sau một vài sự cố tồi tệ!

Kính thưa Anh Chị em,

“Các cửa đều đóng kín!”. Thế giới càng mở ra bao nhiêu, tâm hồn mỗi người càng khép kín bấy nhiêu! Tại sao? Vì thế giới luôn mở ra với bao chèo kéo, nhằm cuốn hút con người vào vòng xoáy cơn lốc của hưởng thụ; mồi chài nó bằng sự dễ dãi của thuyết tương đối. Từ đó con người ngày càng dễ đóng kín, ích kỷ, nếu không nói là ‘khoá chặt phía trong’. Không, đừng để mình vong thân, bạn và tôi không phải là những tù nhân. Chúa Phục Sinh, “Đấng bẻ gãy các chấn song tính hư nết xấu và tội lỗi” sẽ giải thoát chúng ta vốn là con cái tự do của “Đấng làm mọi sự trong mọi người” - bài đọc hai. Ngài đang làm hết sức để chúng ta sớm mở khoá mà ra khỏi đó.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, giúp con mở những ‘cánh cửa khoá phía trong’; bẻ gãy ‘các chấn song’. Đưa con ra khỏi ‘chốn tù đày’ mà không bao giờ luyến tiếc!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây