TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 7 PHỤC SINH

Chủ nhật - 05/05/2024 14:01 |   550
Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-mon con ông Gio-an anh có yêu mến Thầy không?... Ông đáp: Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15-19)

17/05/2024
thứ sáu tuần 7 PHỤC SINH

t6 t7 PS

Ga 21,15-19


trắc nghiệm lòng mến
Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-mon con ông Gio-an anh có yêu mến Thầy không?... Ông đáp: Lạy Thầy, Thầy biết rõ mọi sự Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15-19)

Suy niệm: Nói theo kiểu học trò thời nay, ba câu trắc nghiệm của Chúa Giê-su hỏi Phê-rô quá dễ. Cả ba câu cùng một nội dung, mà nhắm mắt cũng biết đáp án đúng phải trả lời là ‘có’. Nhưng đây không phải là bài kiểm tra kiến thức trong sách giáo khoa. Để chính thức trao cho Phê-rô quyền lãnh đạo Hội Thánh ở trần gian, Chúa khảo sát về một phẩm chất duy nhất mà người mục tử cho đoàn chiên của Ngài cần có: “Có yêu Thầy hơn tất cả những người này không?” Câu trả lời cũng không dễ dàng vì không có đáp án đúng trong sách vở; Phê-rô chỉ trả lời đúng với tấm lòng của mình: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Con số 3 là con số thể hiện mức độ cao nhất. Ba lần thưa “có” của Phê-rô cũng chính là lời tuyên thệ nhậm chức, lời tuyên khấn trọn đời của ngài. Để rồi từ đây Phê-rô hiến trọn tình yêu và cuộc sống của mình chăm sóc đoàn chiên Thầy giao phó.

Mời Bạn: Người Anh có câu: “Chỉ mất ba giây để nói ‘anh yêu em’ nhưng phải mất cả đời để chứng minh điều đó”. Bạn đã thưa có khi Ngài hỏi bạn có yêu Ngài không. Mời bạn hãy dùng cuộc sống của bạn để thực hành giới răn yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương bạn.

Sống Lời Chúa: Lòng mến Chúa là lý do sâu xa nhất và động lực thúc đẩy tôi làm việc phục vụ gia đình, cộng đoàn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa. Xin giúp con ngày càng yêu Chúa qua các việc bác ái cụ thể với anh em con, chứ không chỉ trong một ít giờ thờ phượng Chúa trong nhà thờ. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 7 PHỤC SINH

Ca nhập lễ

Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta, Người đã dùng máu mình mà rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi, và đã làm cho chúng ta trở nên vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa Cha của Người – Alleluia.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tôn vinh Ðức Kitô và tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần, hầu mở đường cho chúng con vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa đã ban ơn trọng đại này cho chúng con, xin cũng làm cho chúng con thêm lòng tin kính để phụng sự Chúa tận tình. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Cv 25, 13-21

“Ðức Giêsu đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, vua Agrippa và Berni xuống Cêsarêa chào Phestô. Vì hai người lưu lại đó nhiều ngày, nên Phestô đem chuyện Phaolô trình nhà vua rằng: “Ở đây có một người tù Phêlixê để lại. Lúc tôi ở Giêrusalem, các thượng tế và kỳ lão Do-thái đã đến xin tôi lên án hắn. Tôi đã trả lời với họ rằng: “Người Rôma không có thói quen lên án người nào trước khi bị cáo đối diện với nguyên cáo, và có cơ hội bào chữa để thanh minh tội mình”. Vậy họ liền đến đây, ngày hôm sau tôi ngồi toà án, truyền điệu bị cáo đến. Các nguyên cáo đều có mặt, nhưng không đưa ra một tội trạng nào, như tôi đã ngờ trước; họ chỉ tố cáo hắn mấy điều về mê tín, về một Giêsu nào đó đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống. Ðang phân vân về vấn đề ấy, tôi hỏi hắn có muốn đi Giêrusalem để được xét xử tại đó về các điều ấy không. Nhưng Phaolô nại đến thẩm quyền của hoàng đế Augustô, nên tôi đã truyền giữ hắn lại để nạp cho hoàng đế”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 11-12. 19-20ab

Ðáp: Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Ðáp.

Xướng: Cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. – Ðáp.

Xướng: Chúa thiết lập ngai vàng Người ở cõi cao xanh, và vương quyền Người phủ trị trên khắp muôn loài. Hãy chúc tụng Chúa đi, chư vị thiên thần, dũng lực hùng anh, thi hành lời Chúa. – Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 18

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng”. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Alleluia)

Phúc Âm: Ga 21, 15-19

“Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi Chúa Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ, Người dùng bữa với các ông, và hỏi Simon Phêrô rằng: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người lại hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”.

Người hỏi ông lần thứ ba: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” Phêrô buồn phiền, vì thấy Thầy hỏi lần thứ ba “Con có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy” Người bảo ông: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho con biết: khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu mặc ý, nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin ghé mắt nhân từ nhìn đến của lễ chúng con dâng và sai Thánh Thần đến thanh tẩy chúng con cả xác hồn, khiến của lễ này đáng được Chúa Cha vui nhận. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng Phục Sinh hay Thăng Thiên

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Khi thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật – Alleluia.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con dự tiệc thánh để thanh tẩy và bồi dưỡng chúng con; xin cho hồng ân chúng con vừa lãnh nhận đem lại cho chúng con sự sống đời đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA TRAO QUYỀN CHĂN DẮT CHO PHÊ-RÔ (Ga 21,15-19)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi Phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, lần này Chúa hiện ra với các môn đệ tại bờ hồ Ti-bê-ri-a và trong lần này Chúa trao cho Phê-rô được quyền tuyệt đối trong Hội thánh và nói tiên tri về đời sống của ông.

2. Trước khi trao quyền trông coi Giáo hội cho Phê-rô, Chúa Giê-su hỏi ông ba lần: Anh có yêu mến Thầy không”? Câu hỏi được lặp đi lặp lại để Phê-rô phải suy nghĩ, lựa chọn và xác định tầm quan trọng của vấn đề. Để thi hành sứ vụ, Phê-rô cũng như các môn đệ, phải có lòng yêu mến thiết tha, vì có yêu Thầy tha thiết, thì mới chăm sóc được đoàn chiên của Thầy.

Mỗi người chúng ta được sống trong những môi trường khác nhau, với sứ vụ khác nhau trong công cuộc xây dựng Nước Trời tại thế, chúng ta cũng phải có một tình thương! Vì tình thương xóa bỏ hận thù, là mối dây liên kết mọi điều thiện hảo.

3. Tại sao Chúa Giê-su lại hỏi Phê-rô tới ba lần như vậy? Có nhiều nhà giải thích Thánh kinh nói rằng: Chúa Giê-su hỏi Phê-rô ba lần như vậy là để tỏ ra tầm quan trọng của nhiệm vụ mà Chúa sắp trao phó cho ông.

Có những tác giả khác cho rằng: Chúa hỏi đi hỏi lại như vậy là muốn cho mọi người biết rõ rệt Chúa trao quyền Tông đồ trưởng cho Phê-rô, và quyền ấy phải đi đôi với tình yêu của ông đối với Chúa, quyền lợi đi đôi với tình yêu, tình yêu bao trùm mọi trách nhiệm.

Một số người khác lại cho rằng: Ba câu trao sứ mạng, lần lượt nói “chiên con” ở hai lần đầu và “chiên mẹ” ở lần sau cùng, là Chúa có ý đề cập đến quyền lãnh đạo của Phê-rô trên cả giáo dân và các chủ chăn khác,

Có người lại cho rằng Chúa hỏi Phê-rô ba lần như vậy là có ý gợi lại ba lần ông đã chối Chúa.

Có người lại cho rằng ba lần hỏi, ba lần trao nhiệm vụ như thế, cũng hiểu là Chúa trao ba quyền cho Phê-rô: giảng dạy, tế lễ và cai trị, tức là ba chức vụ: giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo (Lm. Phạm văn Phượng).

4. Khi thiết lập người đứng đầu Giáo hội, Chúa Giê-su lại đặt một vị đã từng ba lần chối Chúa. Nếu xét theo cái nhìn của chúng ta thì có lẽ Phê-rô không xứng đáng và không đủ tiêu chuẩn làm mục tử. Nhưng dưới cái nhìn của Chúa Giê-su, Người không nhìn Phê-rô của ngày hôm qua mà là bắt đầu từ lúc này và hướng về tương lai. Phê-rô lầm lỡ và khiêm tốn ăn năn để đứng lên, nên cũng chính Phê-rô cảm thông được với những con chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho Ngài. Thiên Chúa đi tìm chiên lạc thay vì ở nhà  với 99 con chiên không lạc. Thiên Chúa cũng chọn một vị mục tử đã từng lầm lỗi, nhưng quan trọng là: Này Phêrô, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em vững tin”.

5. “Người nói vậy… Hãy theo Thầy”.

Câu này giải thích ý nghĩa lời của Chúa Giê-su trong câu 18: đó là cuộc tử đạo của Phê-rô. Kiểu nói “anh sẽ phải giang tay ra”: có thể ám chỉ đến khổ hình thập giá mà Phê-rô sắp phải chịu vào cuối đời

Và Chúa thêm: “Hãy theo Thầy”. Hẳn là Chúa muốn nhắc lại lời trước đây: Khi người bảo Phêrô: Nơi Thầy đi, nay con không theo được, nhưng sau này con sẽ theo” (Ga 13,16), thì từ nay, Phêrô theo thật, nghĩa là Phêrô cùng chịu chết trên thập giá.

Truyện: Nhà hiền triết Socrate gặp chàng trai trẻ Xenophon lần đầu. Thoạt tiên, ông hỏi chàng có biết ở đâu bán cái này, cái nọ, và ở đâu người ta chế ra vật này, vật kia, Xenophon chỉ cho Socrate những thông tin cần thiết. Rồi Socrate hỏi:

– Anh có biết người ta chế tạo điều lành và nhân đức ở đâu không?

– Không.

– Vậy anh hãy theo ta.

Đó cũng là câu Chúa Giê-su nói với ông Phê-rô: Hãy theo Thầy” (Góp nhặt).

6. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết Chúa Giê-su đã trực tiếp ban quyền tối thượng cho Phê-rô, Chúa chính thức trao cho ông quyền thủ lãnh trên Tông đồ đoàn và trên cả Giáo hội của Ngài. Chúng ta là những tín hữu trong Giáo hội, chúng ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận vai trò Chúa ban cho mỗi vị Chủ chăn, và trong đức tin, chúng ta nhìn nhận rằng: Chúa đang lãnh đạo Giáo hội qua những vị đó. Cho nên, chúng ta hãy lấy tình con thảo mà yêu mến, chia sẻ niềm vui nỗi buồn và sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ, nhất là cầu nguyện cho các vị chủ chăn của chúng ta.

7. Truyện: “Quo vadis”: Ngài đi đâu đó.

Câu chuyện truyền kỳ về những ngày chót của cuộc đời ông chắc chắn cũng chứa đựng ít nhiều sự thật. Ông đến Rôma trong thời kỳ bắt đạo. Lúc cơn bắt đạo dâng cao, ông đã sợ hãi và muốn lẩn trốn nhưng vừa ra khỏi thành thì ông gặp một người vai mang Thập giá đang đi hướng về phía thành.

Ông hỏi: “Quo vadis”: Ngài đi đâu đó?

Người ấy trả lời: “Ta đi vào Rô-ma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”.

Phêrô quay đầu trở lại. Ông vào Rôma và chịu tử đạo tại đó. Truyền thống kể rằng ông cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh như Thầy nên ông xin được chết trên Thập giá trong tư thế đầu lộn ngược xuống đất.

Ông thực hiện đúng lời của Chúa: “Khi về già ngươi sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho và lôi ngươi đi đến nơi ngươi không muốn” (Ga 21,18-19).

TUÔN ĐỔ ÁNH SÁNG THÁNH THẦN
(THỨ SÁU TUẦN 7 PHỤC SINH)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 7 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã tôn vinh Đức Kitô và tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần, hầu mở đường cho chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa đã ban ơn trọng đại này cho chúng ta, thì xin cũng làm cho chúng ta thêm lòng tin kính mà phụng sự Chúa tận tình.

Xin tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần để chúng ta có thể đứng vững trước những lạc thuyết, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Gioan cho thấy: Tình yêu mến nhau chưa đủ để làm cho các cộng đoàn được hợp nhất. Điều quan trọng là tất cả phải cùng tuyên xưng một đức tin: Vì có nhiều người mê hoặc đã lan tràn khắp thế gian, họ là những kẻ không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm. Đó là kẻ mê hoặc và là tên phản Kitô. Anh em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh đầy đủ phần thưởng. Phàm ai đi quá xa, không ở lại trong giáo huấn của Đức Kitô, thì không có Thiên Chúa. Còn ai ở lại trong giáo huấn, thì người ấy có Chúa Cha và Chúa Con.

Xin tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần để chúng ta có thể hiểu biết mầu nhiệm Thiên Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Hilariô đã nói: Vì chúng ta yếu đuối không thể hiểu được Chúa Cha cũng như Chúa Con, cho nên, Thánh Thần can thiệp để thiết lập một thứ giao ước, giữa chúng ta với Thiên Chúa, và ban ơn soi sáng cho đức tin của chúng ta, vốn khó chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể. Linh hồn con người tuy có khả năng tự nhiên hiểu biết Thiên Chúa, nhưng, cần có ánh sáng hiểu biết, qua việc đón nhận hồng ân của Thánh Thần nhờ đức tin.

Xin tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần để chúng ta kiên trung làm chứng cho Đức Kitô Phục Sinh, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật lại việc thánh Phaolô vẫn một mực tuyên xưng: Đức Giêsu đã sống lại, cho dẫu, bị bắt bớ, bị xét xử. ông Phéttô đã nói với vua Ácríppa rằng: Ông Phaolô đã kháng cáo, xin dành vụ này cho Thánh Thượng xét xử, nên tôi đã ra lệnh giữ ông ta lại cho đến khi giải lên hoàng đế.

Xin tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần để chúng ta nhớ lại những ân huệ Chúa đã ban cho chúng ta, như trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 102, vịnh gia đã kêu gọi: Chúa đặt ngai báu trên trời cao thẳm. Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật lại việc: Đức Giêsu giao cho thánh Phêrô nhiệm vụ chăm sóc và chăn dắt chiên của Người. Thánh Phêrô đã nhận sứ vụ chăm sóc và chăn dắt chiên: để chiên không bị các giáo lý sai lạc mê hoặc, để chiên có thể hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa, và để chiên có thể can đảm làm chứng cho Chúa giữa những tấn công, bách hại. Tuy nhiên, để có thể làm được những điều đó, cả mục tử và đàn chiên đều cần có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dạy dỗ chúng ta mọi điều. Chúa Cha đã tôn vinh Đức Kitô và tuôn đổ ánh sáng Thánh Thần, hầu mở đường cho chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Cha đã ban ơn trọng đại này cho chúng ta, ước gì chúng ta biết gia tăng lòng tin kính và hết lòng phụng sự Người như những người con hiếu thảo. Ước gì được như thế!



TỘI LỖI CÓ THỂ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC CHO TÌNH YÊU
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Con có yêu mến Thầy không?”.

Năm 1795, Joséphine phải lòng Napoléon; năm sau, họ thành hôn! Napoléon say đắm, nhưng xem ra Joséphine chẳng mấy rung động với vị tướng trẻ hơn mình 6 tuổi. Sau đám cưới, Napoléon viễn chinh; Joséphine công khai cặp bồ với các tình nhân; nổi tiếng, Trung Uý Hippolyte Charles. 9 năm sau, Napoléon trở thành Đại Đế, nàng được triệu vào cung với sắc phong “Hoàng Hậu”. Tại sao một người phản bội đến thế lại được yêu? Một học giả chuyên về Napoléon trả lời, “Tội lỗi có thể trở thành động lực cho tình yêu!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Napoléon quên hết quá khứ của Joséphine, Chúa Giêsu quên hết quá khứ của Phêrô! Trong Tin Mừng hôm nay, đến ba lần, Ngài hỏi ông, “Con có yêu mến Thầy không?”. Hẳn Ngài không cần Phêrô hối lỗi ba lần, nhưng Phêrô cần bày tỏ tình yêu ‘gấp ba lần’. Thông điệp Lời Chúa thật rõ, ‘Tội lỗi có thể trở thành động lực cho tình yêu!’.“3”, con số hoàn hảo! Khi chúng ta tuyên xưng “Thánh, Thánh, Thánh!”, biểu thức này cho biết, Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối thánh khiết. Trả lời ba lần, “Con yêu mến Thầy”, Phêrô có cơ hội bày tỏ tình yêu của mình theo cách thánh khiết nhất; ba lần ‘tỏ tình’ thay cho ba lần ‘chối tình!’. Điều này tiết lộ nhu cầu của bạn và tôi, chúng ta phải yêu mến Chúa, tìm kiếm lòng thương xót của Ngài theo cách ‘gấp ba lần’. Hãy để Chúa Giêsu hỏi bạn ba lần với một câu hỏi, và biết rằng, Ngài không hài lòng với một câu trả lời qua quít, “Con yêu mến Chúa”. Ngài muốn nghe nó một lần, hai lần, và một lần nữa cách thánh khiết nhất, “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự; Chúa biết con yêu mến Chúa!”.

Hơn cả Joséphine, tất cả chúng ta đều phạm tội; bôi mặt Thiên Chúa khi cặp bồ với đủ loại hình ‘ngẫu tượng!’. Nhưng điều đáng mừng là Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta biết rằng, ‘Tội lỗi có thể trở thành động lực cho tình yêu!’. Ngài không ghê tởm, nhưng chỉ đòi chúng ta một điều: đau buồn chân thành và hoán cải thực sự từ con tim; đồng thời, từ bỏ tội lỗi đến mức tối đa. Vì lẽ, Ngài đã chịu chết để rửa sạch muôn vàn tội lỗi; đã sống lại và vẫn sống! Bài đọc một cho biết, Phaolô - tù nhân - xác tín điều đó! Phestô nói với vua Agrippa, “Họ chỉ tranh luận với ông ta về một số vấn đề liên quan đến tôn giáo riêng của họ, và liên quan đến một ông Giêsu nào đó đã chết, mà Phaolô quả quyết là vẫn sống!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Con có yêu mến Thầy không?”. Hãy dành thời giờ lặp lại câu hỏi này không chỉ một lần, ba lần, nhưng nhiều lần! Chúa Thánh Thần sẽ tỏ cho bạn và tôi thấy được chiều sâu tình yêu và cách chúng ta bày tỏ tình yêu với Chúa Giêsu. Hãy bày tỏ tình yêu với Ngài theo cách ‘gấp ba lần’. Hãy để nó trở nên sâu sắc, thánh khiết và không đổi thay! Chúa Giêsu sẽ đón nhận hành động chân thành này và trả lại cho bạn không chỉ gấp ba, nhưng gấp “n” lần! Đừng sợ vì những bất xứng của mình. Trước Thiên Chúa, nào ai xứng! Hãy đến kín múc ân sủng thứ tha của Ngài, dù bạn có thế nào đi nữa; cặp bồ ‘công khai hay không công khai!’. Hãy nói với Ngài, không chỉ một lần, ba lần nhưng nhiều lần, với hết tâm hồn; rằng, bạn yêu mến Ngài. Bởi lẽ, ‘Tội lỗi có thể trở thành động lực cho tình yêu!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa; và biết con yêu cả ‘những gì ít hơn Chúa!’. Xin biến đổi con, hầu con dâng Chúa tình yêu và ước muốn hoán cải đến mức tối đa!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây