TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 01/08/2024 14:13 |   459
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24-28)

09/08/2024
thứ sáu tuần 18 thường niên
Thánh Têrêsa Bênêđicta Thánh giá, nữ tu, tử đạo

t6 t18 TN

Mt 16,24-28

vác thập giá đi theo chúa
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24-28)

Suy niệm: Những năm gần đây, hiện tượng các ca sĩ đeo thánh giá lúc trình diễn ngày càng phổ biến. Thánh giá lớn có, nhỏ có, mang trên cổ, đeo bên tai hoặc vòng trên tay… Thánh giá càng khác lạ càng gây ấn tượng! Ngược lại, hiện tượng người công giáo mang thánh giá ngày càng ít đi. Phải chăng dấu hiệu thánh giá đang mất đi ý nghĩa là biểu trưng căn tính người Ki-tô hữu? Hay phải chăng hiện tượng đó là hệ quả của việc nhiều Ki-tô hữu muốn dấu, hoặc nghiêm trọng hơn, quên đi căn cước thật của mình? Lời Chúa hôm nay nhắc nhở rằng là Ki-tô hữu tức là mang lấy thánh giá, là chấp nhận những hệ luỵ của thánh giá. Thánh giá liên quan đến trọn cuộc đời của họ, từ trong xóm làng quen thuộc đến nơi phố chợ xa lạ, trong môi trường học tập hay nơi công trường lao động. Với Chúa Giê-su, Đấng vác thập giá và chết trên thập giá, thánh giá vừa bày tỏ niềm say mê dành cho Chúa Cha và thế giới, vừa là lời loan báo về tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Người môn đệ Chúa cũng được mời đón nhận và loan báo thập giá như thế.

Mời Bạn: Thánh giá có nhiều hình dạng: có khi là bổn phận học tập, lao động hoặc đạo đức, có lúc là mối quan tâm dành cho người bị bỏ rơi, đôi khi là chịu đựng một sự hiểu lầm, chống đối…

Chia sẻ trong nhóm bạn kinh nghiệm của bạn về việc đón nhận thánh giá.

Sống Lời Chúa: Trong thánh lễ, hiệp dâng những thánh giá trong đời bạn cùng với hiến lễ của Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con say mê thánh giá Chúa, xin giúp con làm chứng nhân bằng việc vác thánh giá của con mỗi ngày đi theo Chúa.

Ngày 9: Lạy Chúa! Nếu chúng con không ý thức sự hiện diện của Chúa trong những công việc mà chúng con đang làm, thì chúng con sẽ tự đánh mất chính mình trong những công việc ấy. Tương tự như thế, khi quên lãng Chúa, chúng con sẽ đánh mất mình trong những lo sợ vẩn vơ, và trong những suy nghĩ miên man bất tận, khi đó, chúng con sẽ dễ bị cuốn theo những gì đang xảy ra chung quanh chúng con. Chúa đã đến “cắm lều” ở giữa chúng con, xin cho chúng con luôn biết “neo đậu” vào Chúa, để cuộc đời chúng con luôn được bình an hạnh phúc. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ sáu tuần 18 thường niên

Ca nhập lễ

Ôi Thiên Chúa, xin Chúa vui lòng giải thoát tôi, Lạy Chúa, xin Ngài hãy mau mau giúp đỡ tôi. Chúa là Đấng giúp đỡ và giải thoát tôi; Ôi lạy Chúa, xin Ngài chớ nên chậm trễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðnl 4, 32-40

“Người đã yêu thương cha ông các ngươi và sau đó đã tuyển chọn con cháu các ông ấy”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Tất cả những điều đó, Người chỉ cho các ngươi xem thấy, để các ngươi biết rằng Chúa là Thiên Chúa thật, và ngoài Người, không có chúa nào khác. Từ trên trời, Người cho các ngươi nghe tiếng Người; ở dưới đất, Người cho các ngươi thấy đám lửa to lớn của Người; và từ giữa đám lửa ấy, các ngươi đã nghe lời Người, vì Người đã yêu thương cha ông các ngươi và sau đó đã tuyển chọn con cháu các ông ấy. Người đã dẫn các ngươi ra khỏi Ai-cập khi Người dùng quyền năng cao cả mà đi trước mặt các ngươi, để tiêu diệt trước mặt các ngươi những dân tộc lớn mạnh hơn các ngươi, và đem các ngươi vào trong xứ của họ và ban đất của họ cho các ngươi làm gia nghiệp, như các ngươi vẫn thấy hiện nay. Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chứ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc, và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 76, 12-13. 14-15. 16 và 21

Ðáp: Tôi hồi tưởng lại những việc làm của Chúa 

Xướng: Tôi hồi tưởng lại những việc làm của Chúa; tôi cũng nhớ những điều kỳ diệu thuở trước của Ngài. Tôi nghiền ngẫm về mọi việc làm của Chúa, và tôi suy tư về những đại sự của Ngài.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, đường lối của Ngài thánh thiện; có thần minh nào vĩ đại như Thiên Chúa chúng tôi? Ngài là Thiên Chúa làm nên những điều kỳ diệu, làm sáng tỏ quyền năng ở giữa chư dân. 

Xướng: Ngài đã ra tay thục mạng dân Ngài, thục mạng con cháu của Giacóp và Giuse. Nhờ tay Môi-sen và Aaron, Chúa chăn dắt dân Ngài như thể đoàn chiên.

Bài Ðọc I: (Năm II) Nk 1, 15; 2, 2; 3, 1-3. 6-7

“Khốn cho thành khát máu”.

Trích sách Tiên tri Nakhum.

Kìa xem, trên núi có người đưa tin mừng chạy đến. Hỡi Giuđa, hãy mừng các ngày lễ trọng của ngươi, hãy thi hành lời ngươi khấn nguyện. Vì Bêlial từ nay sẽ không còn đi qua đất ngươi: nó đã bị hoàn toàn tận diệt.

Vì Chúa sẽ trồng lại cây nho Giacóp, cũng như cây nho Israel, bởi quân phá phách đã tàn phá chúng và đã bẻ cành chúng.

Khốn cho thành khát máu, tràn đầy gian dối, hung bạo, người ta không ngừng cướp phá ngươi. Hãy nghe tiếng roi quất, tiếng bánh xe lăn, ngựa hí, xe phóng nhanh, quân kỵ binh xông đến, gươm lấp lánh, giáo sáng ngời, nhiều người bị giết, tàn phá nặng nề, xác chết vô vàn, ngã quỵ trên nhau.

Ta sẽ vứt đồ ô uế trên mình ngươi, làm nhục ngươi, bêu xấu ngươi. Lúc bấy giờ, hễ ai thấy ngươi cũng ngoảnh mặt mà nói: “Ninivê thật tiêu điều! Ai thương được ngươi? Tìm đâu ra người an ủi ngươi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðnl 32, 35cd-36ab. 39. 41

Ðáp: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại (c. 39c).

Xướng: Ngày huỷ diệt đã gần rồi, và kỳ hẹn lại chóng đến. Chúa sẽ phán xét dân Người, và xót thương kẻ làm tôi Chúa.

Xướng: Các ngươi hãy xem có một mình Ta, và ngoài Ta, không có Chúa nào khác: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại; Ta sẽ đánh đập và sẽ chữa lành.

Xướng: Nếu Ta mài sáng gươm Ta như chớp, và nắm giữ phán quyết trong tay Ta, Ta sẽ trả oán những kẻ thù nghịch, sẽ trả thù những kẻ ghen ghét Ta.

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vị Nước Trời là của họ. – Alleluia.) 

Phúc Âm: Mt 16, 24-28

Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

“Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh bởi trời, có đủ mọi mùi thơm ngon và mọi hương vị ngọt ngào.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐIỀU KIỆN PHẢI CÓ ĐỂ THEO CHÚA (Mt 16,24-28)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau khi quở trách Phê-rô vì đã ngăn cản Ngài đi con đường Thập giá, Chúa Giê-su nói thêm rằng con đường ấy là con đường mà bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải đi theo: “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”.

Lời tuyên bố trên là một điều kiện Chúa đề ra và đòi ý chí tự do của mỗi người. Chúa không cưỡng bách ai, Chúa không ép buộc ai phải theo Chúa. Đây là quyền tự do của con người để có thể tự do lựa chọn hay từ chối, nhưng mỗi người phải chịu trách nhiệm  về sự tự do lựa chọn của mình.

2. Đối với người Do thái thời ấy hằng ngày chứng kiến những tội nhân vác khổ giá ra nơi hành hình, thì chắc hẳn hình ảnh mà Đức Giê-su dùng trong Tin Mừng hôm nay đã quá rõ ràng. Cuộc  sống của những người theo Đức Ki-tô cũng như của chính Ngài là cuộc sống của từ bỏ, hy sinh, chấp nhận đau khổ. Chúa Giê-su không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nhưng là hãy vác lấy thập giá mình.

Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi thập giá trong cuộc sống. Tại sao con người phải đau khổ? Tại sao con người phải vác thập giá? Chúa Giê-su không đưa ra một giải đáp nào. Ngài vác lấy Thập giá. Ngài sống như một con người đau khổ, và Ngài nói với chúng ta: Thập giá là con đường giải thoát, con đường dẫn tới sự sống… (Mỗi ngày một tin vui).

3. “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Qua câu nói này, Chúa muốn dạy các môn đệ cũng như mọi người thấy rõ những gì họ tin và bằng lòng trả giá. Chúa muốn những ai tin Chúa, phải quyết tâm đi vào con đường mà Chúa đã đi. Đó là con đường từ bỏ mình và vác thập giá. Từ bỏ mình là từ bỏ con người vị kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi, ti tiện, sai trái, từ bỏ tất cả những gì mình muốn nhưng Chúa không muốn để hoàn toàn trống rỗng mà chứa đựng một mình Chúa thôi. Còn vác thập giá mình là chấp nhận và chịu đựng những đau khổ tinh thần và thể xác của cuộc đời.

4. Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của đau khổ nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giê-su biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giê-su chịu treo trên thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận đau khổ, chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giê-su mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.

5. “Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất…”.

Muốn hiểu câu nói này, chúng ta phải biết thánh Mát-thêu viết sách này vào khoảng năm 80-90 SC, nghĩa là ông viết vào những ngày cay nghiệt nhất. Những lời này có ý nói rằng: “Đã đến lúc con người có thể cứu mạng sống mình bằng cách chối bỏ niềm tin, nhưng như thế thì chẳng những không cứu được mạng sống mình theo đúng nghĩa thật sự mà là đánh mất nó”. Người giữ lòng trung tín có thể chết, nhưng chết để mà sống. Còn người bỏ đức tin mình để được an thân thì có thể sống để mà chết. Trong thời đại chúng ta, không có những cuộc cấm đạo khắt khe như thế, nhưng của cải vật chất, chức quyền, danh vọng… có thể làm cho chúng ta chết mà mất linh hồn.

6. Thánh Mát-thêu đã dùng từ “Sự sống” để nói lên hai thực tại khác nhau: sự sống trần gian và sự sống đời đời. Sứ điệp của Chúa xem ra ngược đời và chói tai, nhưng nếu không chế ngự tính ích kỷ và không dẹp bỏ những tham vọng của mình, chúng ta sẽ làm hư đi cuộc sống hiện tại lẫn cuộc sống tương lai. Nếu không dám liều, không thích nghi chương trình sống theo các bậc thang giá trị của Chúa, chúng ta sẽ đứng ngoài lề Tin Mừng và tình yêu của Chúa.

Khi kêu gọi con người từ bỏ mình để đi theo Ngài, Chúa Giê-su cũng không mời gọi con người khinh chê hay ghét bỏ sự sống đến mức hủy diệt sự sống, nhưng là đừng để mình làm nô lệ cho lợi lộc vật chất, trái lại đặt Chúa và tìm kiếm Nước Chúa trên hết mọi sự.

7. Truyện: Thánh giá vừa sức mình.

Thánh giá ta đang mang là thánh giá vừa sức ta. Câu chuyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó: có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một ngày kia, thiên thần hiện đến phán bảo:

– Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và lựa chọn thánh giá vừa sức con. Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được: có cây quá dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần:

– Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.

– Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.

BỊ BÁCH HẠI VÌ SỐNG CÔNG CHÍNH
(THỨ SÁU TUẦN 18 TN NĂM CHẴN)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Sáu Tuần 18 Thường Niên, năm Chẵn này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn, xin Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, cùng ban ơn đổi mới và giữ gìn mọi loài Chúa dựng nên, để cho chúng ta được hưởng nhờ.

Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, khi Người luôn sẵn sàng tái lập hôn ước, mà chúng ta thường hay bội tín thất trung, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Hôsê đã cho thấy: Thiên Chúa cho ta hiểu rõ ràng ý nghĩa những đau khổ, mà ngôn sứ đã phải chịu: Cũng như người vợ ngoại tình, Ítraen đã có những mối tình tội lỗi với các tà thần, vì thế, Ítraen phải tìm ra đường về với Thiên Chúa của mình qua cái nghèo khó cùng cực của kiếp người tù tội hay lưu đày. Đã tới ngày cử hành hôn lễ Chiên Thiên Chúa và Hiền Thê của Người đã điểm trang lộng lẫy. Hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.

Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, khi Người hằng yêu thương, cho chúng ta luôn được hiệp thông, được nên giống Người, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Gioan Thánh Giá cho thấy trong Khúc Linh Ca của ngài: Linh hồn có thể đạt tới mức cao siêu đó, thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: khi Thiên Chúa đã ban cho linh hồn ân huệ được trở nên giống Người và được kết hợp với Ba Ngôi chí thánh… Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào. Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.

Chúa hằng rủ thương nâng đỡ chúng ta, Người sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong những lúc ngặt nghèo, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, ngôn sứ Nakhum nói: Đức Chúa khiến cho Giacóp và Ítraen lấy lại sức kiêu hùng. Trong bài Đáp Ca, sách Đệ Nhị Luật cũng cho chúng ta thấy: Chúa phán: Ta cầm quyền sinh tử. Ngày chúng lâm nạn đã gần, và vận hạn chúng đang sầm sập tới. Chúa sẽ xét xử cho thần dân, sẽ dủ lòng thương hàng tôi tớ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Nếu người ta được cả thế giới, mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính. Con cái Thiên Chúa luôn bị con cái thế gian bách hại, nhưng, Chúa luôn gìn giữ, chở che con cái mình. Phần thưởng mà Chúa hứa ban cho những ai sống công chính, đó chính là: Nước Trời. Nước Trời là gì? Nước Trời là được hiệp thông với Thiên Chúa, được thần hóa, được ở trong Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, được hít thở hơi thở của thượng giới, giống như hơi thở của chính Thiên Chúa. Những việc đó được thực hiện ra sao, thì không tài năng nào, không trí tuệ nào, có thể diễn tả được, chúng ta chỉ biết rằng: Con Thiên Chúa đã đem lại cho chúng ta chức phận, và vị thế cao trọng này: cho chúng ta được làm con cái Thiên Chúa. Người lấy tình thương mà kết hợp chúng ta với Người và thần hoá chúng ta. Nhờ được thông phần với Thiên Chúa, chúng ta thật sự là những vị thần. Chúng ta nên giống Thiên Chúa và được chung phần với Người. Sự thông phần này, đời sau mới trọn vẹn, nhưng, ngay bây giờ, chúng ta cũng đã được cảm nghiệm và hưởng trước phần nào, khi chúng ta thông phần vào Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Chúa đã dựng nên và hướng dẫn chúng ta. Chúa hằng rủ thương nâng đỡ ta, cùng ban ơn đổi mới và giữ gìn mọi loài Chúa dựng nên, để cho ta được hưởng nhờ. Ước gì ta luôn biết đồng thừa kế với Đức Kitô trong Mầu Nhiệm Thập Giá, để ta cũng được đồng thừa hưởng gia nghiệp vĩnh cửu với Người. Ước gì được như thế!

THÁNH HOÁ NÓ!
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”.

Nick Vujicic không có tứ chi; đúng hơn, chỉ có 1 bàn chân 2 ngón. Từ 8 tuổi, anh muốn tự tử; lên 10, tự dìm mình vào bồn tắm. Ấy thế, tình yêu đã giúp anh vượt qua! “Chúa đã lên kế hoạch cho cuộc đời tôi, tôi không thể tự dìm mình xuống. Tự coi mình là vô giá trị, bạn đặt giới hạn cho những điều kỳ diệu! Tôi không có tay để chạm vào người khác, nhưng trái tim tôi sẽ làm điều đó; nó sẽ làm rung động trái tim nhiều người!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một khi ôm lấy thập giá đời mình, Vujicic trở nên khí cụ tuyệt vời của Chúa. Phải chăng Vujicic đã sống bí quyết Chúa Giêsu tiết lộ trong Tin Mừng hôm nay, ‘thánh hoá nó!’, “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”.

Đối mặt với đau khổ do chính mình hoặc người khác gây ra, chúng ta có thể nghe, “Đây là ý Chúa” và chúng ta tiếp tục thu thập hy sinh như những con tem được sưu tầm với hy vọng sẽ trình chúng tại cửa thiên đàng. Thế nhưng, bản thân đau khổ chẳng có giá trị gì! Chúa Kitô không phải là người khắc kỷ. Ngài khát, Ngài đói, Ngài mệt, Ngài không thích bị bỏ rơi; Ngài để người khác giúp đỡ và bất cứ khi nào có thể, Ngài xoa dịu nỗi đau, dù là thể xác hay tinh thần của người khác. Vậy thì, điều gì đang xảy ra?

Trước khi mang thập giá, điều đầu tiên chúng ta làm là đi theo Chúa Kitô! Vấn đề không phải là chịu đau khổ rồi mới theo Ngài. Chúa Kitô phải được chúng ta theo đuổi ‘từ Tình Yêu’; để từ đó, bạn và tôi hiểu được ý nghĩa của hy sinh và từ bỏ chính mình! Chính tình yêu dẫn chúng ta đến hy sinh. Bất kỳ tình yêu đích thực nào cũng sinh ra theo cách này; nhưng không phải mọi hy sinh đều sinh ra tình yêu. Thiên Chúa không cần hy sinh; Thiên Chúa là Tình Yêu - và chỉ từ góc nhìn đó - nỗi đau, mệt mỏi và thập giá mới có ý nghĩa theo mô hình đã được mặc khải trong Chúa Kitô. “Khi một người yêu, người đó không đau khổ; nhưng nếu một người đau khổ, thì sự đau khổ đó đã được yêu!”.

Trong những sự kiện của cuộc sống, bạn đừng tìm nguồn gốc thiêng liêng để giải thích những thập giá đời mình - “Tại sao Chúa gửi nó đến tôi?” - nhưng tìm cách ‘thánh hoá nó’, “Làm sao tôi có thể biến nó thành một hành động của đức tin và tình yêu?”. Từ đó, chúng ta dõi theo Chúa Kitô và làm sao tin chắc chúng ta có thể xứng đáng với cái nhìn thương xót của Chúa Cha cùng một cái nhìn mà Ngài đã nhìn Con mình trên thập giá.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”. Nhiều Kitô hữu sẵn sàng làm bạn với Chúa Giêsu khi thuận lợi; tuy nhiên, vẫn có một số khác là bạn thực sự của Ngài, họ luôn ôm lấy thập giá, ‘thánh hoá nó’ cả trong những hoàn cảnh xấu nhất. Đời sống Kitô hữu là một trận chiến liên tục, khốc liệt và kéo dài cả đời - trận chiến từ bỏ mình. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ để đào ngũ khỏi chiến cuộc khắc nghiệt lúc này lúc khác; tuy nhiên, sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu chúng ta không bằng lòng ôm chặt thập giá đời mình để ‘thánh hoá nó’ như Chúa Kitô đã thánh hoá!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con giới hạn cho những điều kỳ diệu; điều đó bao hàm việc con sẵn sàng ôm lấy thập giá đời con, ‘thánh hoá nó’. Được như thế, con sẽ nên thánh!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây