TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 01/08/2024 14:02 |   411
Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,13-23)

08/08/2024
thứ năm tuần 18 thường niên

Thánh Đaminh, linh mục

t5 t18 TN

Mt 16,13-23


đôi mắt đức tin
Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,13-23)

Suy niệm: Tại một vùng của nước Pháp, dân chúng có tập tục rất đặc biệt: sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh, khi hồi chuông đầu tiên của nhà thờ vang lên, mọi người đều thức dậy, chạy ra giếng để rửa mặt. Nhiều bạn trẻ không hiểu vì sao lại chạy ra giếng rửa mặt, trong khi ngày nay gia đình nào cũng có vòi nước trong nhà. Các bô lão mới giải thích: đó là hình thức cầu nguyện bằng hành động, qua đó dân làng xin Chúa ban cho họ đôi mắt đức tin mới, để họ thấy Đức Giê-su phục sinh đang hiện diện sống động giữa họ. James Woodbridge viết: “Đức tin là con mắt để nhìn thấy Chúa, là bàn tay để nắm lấy Người, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Người.” Nhờ đôi mắt đức tin, Phê-rô nhận ra Con Thiên Chúa hằng sống và đi theo Ngài.

Mời Bạn: Phê-rô đã biểu lộ niềm xác tín của mình bằng lời tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Bạn có một hành vi nào, cử chỉ nào để diễn tả niềm tin của bạn trong cuộc sống hằng ngày không? Mỗi khi gặp đau khổ, bạn có xác tín rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong bạn, để nâng đỡ và bổ sức cho bạn không?

Chia sẻ: Có khi nào bạn nhút nhát, hay sợ bạn bè chê cười, mà không dám tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa trong lớp học, nơi hội họp, xí nghiệp… không? Mời bạn chia sẻ cho nhóm.

Sống Lời Chúa: Tập tuyên xưng đức tin bên ngoài nhà thờ bằng một đời sống vui tươi và quảng đại chia sẻ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con. Xin giúp chúng con cũng biết tuyên xưng niềm tin vào Chúa trong môi trường chúng con sống. A-men.

Ngày 8: Lạy Chúa! Chúa nói: ngày mai để ngày mai lo. Chúa muốn chúng con sống ngay giây phút hiện tại này với Chúa: bước đi với Chúa là chính yếu, còn nơi đến chỉ là thứ yếu. Khi chúng con đi đến đích, thì những gì chúng con gặp ở đó, sẽ tùy thuộc vào chất lượng của bước đi này. Nói khác đi, những gì tương lai mà Chúa dành cho chúng con, tùy thuộc vào trạng thái nhận thức của chúng con về Chúa ngay trong phút giây này. Nếu chúng con không gặp Chúa ngay tại phút giây này, thì đừng mong gì gặp được Chúa nơi xa xôi nào đó. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
thứ năm tuần 18 thường niên


Ca nhập lễ

Ôi Thiên Chúa, xin Chúa vui lòng giải thoát tôi, Lạy Chúa, xin Ngài hãy mau mau giúp đỡ tôi. Chúa là Đấng giúp đỡ và giải thoát tôi; Ôi lạy Chúa, xin Ngài chớ nên chậm trễ.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ds 20, 1-13

“Xin Chúa mở kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, vào tháng Giêng, con cái Israel và toàn thể cộng đồng đến rừng Sim. Dân chúng định cư ở Cađê. Tại đây bà Maria đã qua đời và được chôn cất.

Và khi dân chúng thiếu nước, họ toa rập nhau chống đối Môsê và Aaron. Họ công kích Môsê rằng: “Phải chi chúng tôi chết đi như anh em chúng tôi đã chết trước mặt Chúa. Tại sao các ông dẫn cộng đoàn của Chúa vào rừng vắng này, để chúng tôi lẫn súc vật chúng tôi phải chết? Tại sao bắt chúng tôi bỏ Ai-cập mà dẫn lên chỗ rất xấu xa này, chẳng cày cấy được, chẳng sinh quả vả, nho lựu, hơn nữa không có nước mà uống”.

Môsê và Aaron lánh mặt khỏi dân chúng và vào nhà xếp giao ước. Hai ông sấp mình xuống đất, kêu van cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin nghe tiếng dân này kêu van, và xin mở cho họ kho tàng châu báu của Chúa là mạch nước hằng sống, để họ uống no đầy mà hết kêu trách”.

Sự vinh quang của Chúa hiện ra trên họ. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy cầm lấy gậy và tập họp dân chúng lại, ngươi và Aaron khiến hòn đá, trước mắt họ, và đá liền chảy nước. Khi ngươi làm cho nước từ hòn đá này chảy ra, thì toàn dân và súc vật sẽ được uống”.

Môsê cầm lấy cây gậy để trước mặt Thiên Chúa như Chúa đã truyền dạy ông. Khi tập họp cộng đồng đến trước hòn đá, ông bảo họ rằng: “Hỡi bọn người phản loạn và cứng lòng, hãy nghe đây. Chúng tôi có thể làm cho nước từ hòn đá này chảy ra cho các ngươi được không?” Môsê giơ tay cầm gậy đánh vào hòn đá hai lần: nước chảy ra tràn trề. Dân chúng và súc vật được uống.

Bấy giờ Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Vì các ngươi không tin Ta mà tuyên xưng thánh danh Ta trước mặt con cái Israel, thì các ngươi không được đem dân này vào Ðất Ta sẽ ban cho chúng nó”.

Ðây là nước mâu thuẫn nơi con cái Israel trách Chúa, và Người dùng nước để tỏ ra thánh danh Người.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9

Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8a).

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử thách Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 31, 31-34

“Ta sẽ ký kết giao ước mới và Ta sẽ không còn nhớ tội lỗi nữa”.

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Chúa phán: “Ðây tới ngày Ta ký kết giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa, giao ước này không giống như giao ước Ta ký kết với tổ phụ chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dắt ra khỏi đất Ai-cập, giao ước ấy chính chúng đã phản bội, mặc dầu Ta thống trị chúng”. Chúa phán: “Ðây là giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày đó. Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong đáy lòng chúng, và sẽ ghi trong tâm hồn chúng; Ta sẽ là Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân của Ta”. Chúa phán: “Người này sẽ không còn phải dạy người nọ, anh sẽ không còn phải dạy em rằng: ‘Ngươi hãy nhìn biết Chúa’, vì mọi người từ nhỏ chí lớn đều nhìn biết Ta, vì Ta sẽ tha tội ác của chúng, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của chúng”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 50, 12-13. 14-15. 18-19

Ðáp: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch (c. 12a).

Xướng: Ôi lạy Chúa, xin tạo cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con. Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi con.

Xướng: Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Con sẽ dạy kẻ bất nhân đường nẻo Chúa, và người tội lỗi sẽ trở về với Ngài.

Xướng: Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ; nếu con dâng lễ toàn thiêu, Chúa sẽ không ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát; lạy Chúa, xin đừng chê tấm lòng tan nát, khiêm cung.

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

(Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! – Anh là Phê-rô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đà này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. – Alleluia

Phúc Âm: Mt 16, 13-23

“Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Chúa Giê-su đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Ê-li-a, kẻ khác lại bảo là Giê-rê-mi-a hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Si-mon Phê-rô thưa rằng: “Thầy là Ðức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giê-su trả lời rằng: “Hỡi Si-mon con ông Giô-na, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Ki-tô.

Kể từ đó, Chúa Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phê-rô kéo Người lại mà can gián Người rằng: “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu”. Nhưng Người quay lại bảo Phê-rô rằng: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thánh hóa và chấp nhận của lễ này là biểu hiện lễ tế thiêng liêng của Giáo Hội; xin Chúa cũng thương tình biến đổi chúng con thành của lễ muôn đời đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin ban cho chúng tôi bánh bởi trời, có đủ mọi mùi thơm ngon và mọi hương vị ngọt ngào.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA GIÊ-SU LÀ AI? (Mt 16,13-23)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Sau một thời gian giảng dạy và làm nhiều phép lạ, Đức Giê-su muốn biết người ta nghĩ sao về mình và Ngài cũng muốn hỏi các Tông đồ nghĩ sao về Ngài.

Dân chúng biết mù mờ về Đức Giê-su bởi họ không chú ý đến giáo huấn của Ngài. Lúc này đã gần đến giờ của Đức Giê-su, giờ Ngài sắp bước vào cuộc Thương khó – đỉnh cao của chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài muốn các môn đệ xác tín lập trường của mình, để các ông can đảm theo Ngài. Chúng ta cũng không thể biết Đức Giê-su là ai, nếu chúng ta không quan tâm học hỏi và khám phá. Không biết Đức Giê-su là một thiệt thòi lớn lao. Vì chỉ khi biết Đức Giê-su, chúng ta mới đạt được nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

2. Có nhiều câu trả lời về Chúa Giê-su: người thì bảo là Ê-li-a, kẻ khác lại bảo là Giê-rê-mi-a hay một tiên tri nào đó. Mọi câu trả lời đều nói lên phần nào sứ mệnh của Chúa, nhưng chưa đúng hẳn, tức là dân chúng chỉ coi Chúa Giê-su là một tiên tri, tức là một người được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Thiên Sai, chứ chưa phải là Đấng Thiên Sai. Vì thế, chỉ với câu trả lời của ông Phê-rô: Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giê-su mới hoàn toàn bằng lòng, tức là ông Phê-rô tuyên xưng Chúa là Đấng Thiên Sai. Quả thực, tin nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa hằng sống là diễn tả được cả sứ mạng lẫn con người của Ngài.

3. Lời đáp trả của Phê-rô quả là một lời tuyên xưng: Ngài là Đức Ki-tô” tức là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên chúng ta thấy, trong cái nhìn của Phê-rô và phù hợp với giấc mơ chung của các ông, thì Đức Ki-tô mà các ông mong đợi là Đấng sẽ đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh.

Chính vì thế, khi Chúa Giê-su loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phê-rô đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Đức Ki-tô Cứu Thế mà không chấp nhận con đường thập giá, Chúa Giê-su gọi đó là thái độ của Sa-tan. Ba cám dỗ của Sa-tan đối với Chúa Giê-su đều qui về một mối là khước từ con đường Thập giá. Do đó, khi Phê-rô can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Ngài đã gọi Phê-rô là Sa-tan.

4. Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống và được Ngài khen là người có phúc. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ và chịu chết như thế được. Cũng như bao người Do thái khác, Phê-rô mong đợi một Đấng Ki-tô như là một vị vua trần thế nắm quyền lực chính trị, giải phóng Ít-ra-en khỏi ánh thống trị Rô-ma, làm bá chủ thế giới. Nhưng đường lối của Chúa thì khác, con đường hiến thân phụ vụ: Con người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10,45) (5 phút Lời Chúa).

4. Phê-rô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giê-su khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Đấng Ki-tô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Ki-tô, tuyên xưng Đức Ki-tô cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài. Phê-rô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của các ông. Tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Đức Ki-tô.

Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta mang thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là biểu dương của một sức sống của Đấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động trong chúng ta. Nói như thánh Phao-lô: Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Chúa Ki-tô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất chương trình cứu rỗi loài người. Chúa Ki-tô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải được tiếp tục qua các Ki-tô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói: Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc tử nạn của Chúa Ki-tô (Mỗi ngày một tin vui).

5. Truyện: Ý nghĩa của một bức tượng.

Nhà điêu khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một bức tượng của Chúa Giê-su bằng cẩm thạch. Trong hai năm đầu, bức tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của mình và hỏi em bé rằng:

– Ai đó?

Em bé tức khắc trả lời:

– Một vĩ nhân.

Nhà điêu khắc buồn và nghĩ rằng, công khó của mình trong hai năm kể như đã hỏng. Ông tiếp tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé khác vào phòng vẽ và hỏi:

– Em biết bức tượng này là ai không?

Sau khi nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt tràn ra đôi mi, em khẽ nói:

– Hỡi những con trẻ đau khổ hãy đến cùng ta!

Nhà điêu khắc thỏa mãn, thành công về tác phẩm của mình. Nhà điêu khắc Dannecker sau đó đã tuyên bố:

– Thôi đã thấy Chúa Cứu Thế Giê-su và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức tượng Ngài bằng cẩm thạch này.

Sau đó ít lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu cầu nhà điêu khắc tạc cho hoàng đế bức tượng nữ thần Vệ Nữ để trưng bầy trong việc bảo tàng Louvre, Paris. Hoàng đế hứa sẽ trả cho ông một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker từ chối. Ông nói rằng: “Một người đã thấy Đấng Ki-tô và đã tạc vẽ mặt của Ngài rồi thì không thể dùng nghệ thuật của mình vào những việc ở đời này được nữa, bởi vì làm như thế là tục hóa nghệ thuật của mình mất rồi”.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Đaminh, linh mục

Ca nhập lễ

Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì thế ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, chữa lành những người đau khổ trong tâm hồn.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một Tông Ðồ nhiệt tâm truyền giảng chân lý là thánh Ða-minh. Xin nhận lời thánh nhân hằng tha thiết chuyển cầu mà ban cho Hội Thánh luôn tiến triển nhờ công đức và lời giảng dạy của người. Chúng con cầu xin…

Bài đọc

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, vì lời chuyển cầu của thánh Ða-minh, xin mở lượng nhân từ lắng tai nghe dân Chúa cầu khẩn, ước chi lễ tế này thêm sức mạnh và ơn nâng đỡ cho những người đang chiến đấu bảo vệ đức tin. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Này là đầy tớ trung thành và khôn ngoan, mà Chúa đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để đúng giờ phân phát lúa thóc cho họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhân ngày mừng lễ thánh Ða-minh, Chúa đã dùng bí tích thánh thể nuôi dưỡng chúng con, xin cho Hội Thánh đang nhiệt thành phụng sự Chúa được hưởng nhờ hiệu quả lễ tế này, và giờ đây, được thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cũng như xưa đã nhờ người giảng dạy mà trở nên rạng rỡ vinh quang. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Ghi nhận lịch sử – phụng vụ

Lễ thánh Đa-minh được cử hành hai ngày sau ngày Ngài qua đời (6 tháng 8 năm 1221) ở Bologne. Ngài được Đức Grégoire IV phong thánh năm 1234.

Dominique de Guzman sinh tại Caleruega gần Burgos, Tây Ban Nha, vào khoảng năm 1170. Mẹ Người là chân phước Jeanne d’Aza. Sau khi học xong trường kinh sĩ ở Palencia, Dominique nhận chức thành viên kinh sĩ hội ở Osma. Năm hai mươi bốn tuổi, Dominique theo Đức giám mục Diego de Azevedo sang Rôma, nhưng Đức giáo hoàng Innocent III sai người sang miền Nam nước Pháp lúc đó đang bị các lạc giáo Albigeoir và Cathare gây rối. Tại đây Ngài tổ chức một đoàn truyền giáo, và trong nơi trú ngụ của mình tại Prouille, gần Toulouse, Ngài thành lập một tu viện nữ theo luật dòng thánh Augustin để các chị trợ giúp công việc truyền giáo. Cũng tại đây, năm 1215, gần nhà thờ Saint-Romain ở Toulouse, đã xuất hiện hạt nhân đầu tiên của cộng đoàn tu sĩ thuyết giáo, theo luật dòng thánh Augustin. Các tu sỹ đặc biệt chú trọng lời khấn khó nghèo và việc giảng thuyết, sau một thời gian chuẩn bị nghiêm túc về mặt trí thức. Đức Giáo Hoàng Honorius III chấp thuận dòng mới năm 1216.

Dòng thuyết giáo (hay còn gọi là dòng Đa minh) trước tiên phát triển tại các thành phố đại học như Paris, Roma và Bologne. Cũng tại Bologne này đã có cuộc tổng hội đầu tiên của dòng năm 1220-1221. Nhưng hao tổn do một cuộc sống căng thẳng lao động và đền tội, thánh Đa minh đã qua đời lúc mới năm mươi mốt tuổi, chỉ năm năm sau khi Dòng của ngài được chuẩn nhận. Di hài Người an nghỉ tại Bologne, trong đại thánh đường Saint-Nicôlas-des Vignes. Nữ chân phước Cécile d’Andalo, nữ tu Đa minh, tả về con người của thánh Đa minh: “Thánh nhân tầm thước trung bình, mình hơi dẹp, mắt đẹp, tay đẹp và dài, tiếng nói rổn rảng. Vành tóc của Người thật hoàn hảo, thỉnh thoảng có điểm sợi bạc. Nét mặt người lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ, trừ khi bị xúc động trước nổi khổ nào đó của tha nhân”.

Thông điệp và tính thời sự

Lời nguyện trong ngày gọi thánh Đa minh là “Nhà giảng thuyết siêu việt của chân lí”. Ngài bắt đầu sứ mệnh tại Languedoc bằng một cách sống nghèo, đi bộ, không tiền bạc, giống như các tông đồ xưa. Trong mười năm, Ngài hoàn toàn việc “giảng thuyết thánh”, nghĩa là loan báo phúc âm và làm chứng bằng nếp sống nghèo của phúc âm. Dòng của Ngài đã có công đem tin mừng đến khắp các thành phố lớn bằng lời giảng thuyết và các trường đại học qua việc giảng huấn. Các trách nhiệm quản trị trong Dòng được trao phó qua việc bỏ phiếu bầu chọn với nhiệm kỳ ngắn hạn.

Lời nguyện trên lễ vật nhắc tới “những người chiến đấu cho đức tin”. Quả thế, thời nào cũng vậy, cũng có những sai lầm mà Kitô hữu được kêu gọi phải chiến đấu; khí giới chiến đấu cũng chính là những thứ thánh Đa minh sử dụng xưa là lấy sự tinh truyền của phúc âm chống lại lạc giáo, lấy tự nguyện nghèo khó chống lại của cải.

Lời nguyện tạ lễ cầu xin Chúa cho Giáo hội “được nâng đỡ nhờ lời cầu nguyện của đấng đã soi chiếu Giáo hội bằng lời giảng của mình”. Phụng vụ bài đọc trích dẫn một đoạn trong bản phong thánh cho thánh nhân, theo đó Ngài “chỉ nói với Chúa trong khi suy niệm, hoặc nói về Chúa, và Ngài thúc giục các tu sỹ của mình cũng làm như thế”. Lòng mộ mến việc suy niệm đó bắt nguồn từ tình yêu và việc học tập Kinh thánh: “Ngài luôn mang theo mình cuốn Phúc âm thánh Matthêu và các thư của thánh Phaolô, và ngài siêng năng nghiên cứu đến nỗi thuộc lòng những sách đó” (Phụng vụ bài đọc).

Họa sĩ Fra Angelico đã vẽ thánh Đa minh với một ngôi sao chiếu phía trên đầu. Ánh sáng của ngôi sao ban đầu hiểu là hình ảnh sự thánh thiện của đấng sáng lập dòng Đa minh, người mà Đức giáo hoàng Grégoire IV nói: “Tôi biết cha Đa minh là một người hoàn toàn tuân thủ qui luật các thánh tông đồ”. Nhưng ngôi sao đó cũng chính là hình ảnh ánh sáng lớn mà thánh Đa minh cùng các đệ tử đã chiếu giải lên thế giới qua các thế kỷ, bởi vì Dòng Thuyết giáo đã đem lại cho Giáo hội những vị thánh lớn, như thánh Albert Cả và Thomas Aquinô. Ngài cũng còn được trình bày với cổ chuỗi trên tay để nhắc nhớ lòng sùng kính của ngài với chuỗi Mân Côi mà Ngài thường giải thích các mầu nhiệm trong khi thuyết giảng.

Enzo Lodi


HỘI THÁNH LUÔN TIẾN TRIỂN
(LỄ THÁNH ĐAMINH 08/08)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Thánh Đaminh hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một Tông Đồ nhiệt tâm truyền giảng chân lý là thánh Đaminh. Xin Chúa nhậm lời thánh nhân hằng tha thiết chuyển cầu, mà ban cho Hội Thánh luôn tiến triển nhờ công đức và lời giảng dạy của người. Thánh nhân sinh quãng năm 1170, tại Calêruêga, Tây Ban Nha. Người học thần học tại Palenxia rồi làm kinh sĩ giáo phận Ốtma. Trước hết, người quy tụ một số phụ nữ về sống tại Pơrôvinlơ (Pháp), theo một tu luật, rồi sau người lập dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Tuludơ để đối lại lạc giáo Catha. Chính người đã chiến đấu với lạc giáo bằng lời giảng thuyết, bằng gương sáng và đã thu hoạch được kết quả khả quan. Người muốn các anh em trong Dòng phải sống khất thực, và lời giảng dạy phải xuất phát và được nuôi dưỡng bằng chiêm niệm. Người đã đặt trung tâm Dòng ở Rôma trước khi qua đời ở Bôlônha ngày 6 tháng 8 năm 1221.

Hội Thánh luôn tiến triển, khi thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngược với thái độ kín đáo cố hữu của người Á Đông, Hôsê không ngần ngại kể cho chúng ta những nỗi bất hạnh trong đời sống hôn nhân của ông, là vì những bất hạnh đó, giúp ta hiểu thái độ của Thiên Chúa, khi bị tội lỗi con người xúc phạm. Người sẽ từ bỏ Dân bất trung, như ngôn sứ từ bỏ đám con ngoại hôn, sau khi đặt cho chúng những cái tên nặng nghĩa đe doạ, nhưng rồi ra, tình yêu của Người sẽ thắng, như khi Hôsê đón nhận lại người vợ sám hối. Phần anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là dân của Thiên Chúa. Chính ở nơi đã nói: “Các ngươi không phải là dân của Ta”, thì ở đó dân này sẽ được gọi là con cái của Thiên Chúa hằng sống.

Hội Thánh luôn tiến triển, khi nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, các văn kiện lịch sử dòng Anh Em Thuyết Giáo cho thấy: Thánh Đaminh nghĩ rằng: người chỉ thật sự là chi thể của Đức Kitô khi đem trọn vẹn con người và sức lực ra cứu các linh hồn như Chúa Giêsu là Đấng cứu độ mọi ngườiNgười xuất hiện chẳng khác nào ngọn lửa, người là ngôn sứ mới của ơn cứu độ. Môi miệng người không nói điều gian ác, nhưng chỉ nói toàn điều chân thật. Lời người tựa đuốc cháy bừng bừng.

Hội Thánh luôn tiến triển, khi biết sống tâm tình sám hối, quay trở về với Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia rằng: Ta sẽ lập một giao ước mới và sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 50, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng. Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói với thánh Phêrô: Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Hội Thánh sẽ luôn tiến triển và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi, nhờ được xây dựng trên niềm tin đá tảng của thánh Phêrô. Chúa đã trao cho Hội Thánh chìa khóa Nước Trời, chìa khóa mở cửa Lòng Thương Xót. Chúa đã cho xuất hiện trong Hội Thánh một Tông Đồ nhiệt tâm truyền giảng chân lý là thánh Đaminh. Ước gì ta cũng biết bắt chước người: luôn hăng hái lên đường, rao truyền Lòng Thương Xót Chúa cho tất cả mọi người, nhất là, cho những ai đang ngã lòng thất vọng. Ước gì được như thế!

QUÀ TẶNG NĂNG QUYỀN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời!”.

“Chìa khoá cuối cùng trong chùm chìa khoá thường mở được ổ khoá!” - Paul Dickson.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay không nói đến chìa khoá cuối cùng mở được ổ khoá, nhưng nói đến chìa khoá đầu tiên mở được Nước Trời, một ‘quà tặng năng quyền’ đáng kinh ngạc mà Chúa Giêsu trao cho Phêrô, “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời!”.

Chúa Giêsu nói rất rõ, “Dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng ràng buộc” và ngược lại! Đây không phải là một quà tặng bình thường, nhưng là một cam kết ‘theo nghĩa đen’ giữa Chúa Giêsu và Phêrô - Giáo Hoàng tiên khởi. Thoạt đầu, hẳn Phêrô không hiểu hết ý nghĩa của món quà vô giá này, nhưng khi Giáo Hội bắt đầu vào những năm đầu tiên, các tông đồ và Phêrô sẽ được Chúa Thánh Thần nhắc nhở rằng, Chúa Giêsu đã nói điều đó. Để rồi, với thời gian, các ngài hiểu rõ ý nghĩa của nó hơn. Thẩm quyền này được áp dụng lần đầu tiên rõ nét nhất tại Công Đồng Giêrusalem khi trong Giáo Hội có sự bất đồng về việc cắt bì. Sau nhiều cuộc tranh luận, Phêrô đứng lên, tuyên bố với thẩm quyền của mình và những người khác vâng theo. Vấn đề được giải quyết.

Từ đó, các tông đồ tiếp tục công việc giảng dạy, chăn dắt và thánh hoá. Phêrô, cuối cùng, đã đến Rôma để rao giảng và trở thành Giám mục đầu tiên ở đây. Tại Rôma, Phêrô đã chết và những người kế vị ngài đã thừa kế món quà đáng kinh ngạc này. Bởi lẽ, Chúa Giêsu không có ý định giới hạn ‘quà tặng năng quyền’ này chỉ khi Phêrô còn sống nhưng nó được truyền lại cho tất cả những người kế vị Phêrô là các Giám mục Rôma. Đó là lý do tại sao Giáo Hội Chúa Kitô là Giáo Hội Công Giáo Rôma. Thật thú vị, nếu Phêrô đã đến Malta, hoặc Giêrusalem, hoặc Châu Á thì ngày nay rất có thể sẽ có một tên gọi khác như Giáo Hội Malta, Giêrusalem hoặc Giáo Hội Công Giáo Châu Á. Vì thế, Giáo Hội Chúa Kitô là Giáo Hội Công Giáo Rôma, nơi Phêrô đã đến, cũng là nơi đặt ngai toà của ngài.

Qua nhiều thế kỷ, năng quyền tối cao của quà tặng này được định nghĩa và chúng ta hiểu được ý nghĩa của nó. Điều đó có nghĩa là Phêrô và tất cả các đấng kế vị được ‘toàn quyền và tức thì’ để giảng dạy một cách dứt khoát về đức tin và luân lý cũng như cai quản, hoặc chăn dắt, theo tâm trí và ý muốn của Chúa Kitô. Vì vậy, nếu Giáo Hoàng nói một điều gì đó là đúng về đức tin hoặc luân lý thì - khá thẳng thắn - đó là sự thật. Và nếu Giáo Hoàng đưa ra một quyết định về việc quản trị Giáo Hội thì - khá đơn giản - đó là điều Chúa Kitô muốn thực hiện. Nó đơn giản đến như vậy!

Kính thưa Anh Chị em,

“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời!”. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống trong tâm tình tạ ơn và yêu mến khi đón nhận những giáo huấn của Mẹ Hội Thánh; đồng thời, cầu nguyện cách riêng cho Đức Thánh Cha, người đón nhận trực tiếp ‘quà tặng năng quyền’ của Chúa Kitô. Bởi lẽ, quà tặng yêu thương này - liên quan đến việc giảng dạy về đức tin và luân lý cho dân Chúa, cho chúng ta - được gọi là “không thể sai lầm” của đấng kế vị Phêrô. Hãy yêu mến Đức Thánh Cha, cầu nguyện cho Ngài, và nhất là lắng nghe ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, thật dễ dàng để con tiếp cận những giáo huấn của Mẹ Hội Thánh, đừng để con sử dụng các phương tiện để đọc và nghe những gì nhảm nhí, vô bổ!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây