TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 12/11/2023 13:11 |   637
Khi ấy, Đức Giê-su nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,23-26)

24/11/2023
THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Các thánh tử đạo Việt Nam

các thánh TĐVN 1

Lc 9,23-26


MỘT LỰA CHỌN SINH TỬ
Khi ấy, Đức Giê-su nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,23-26)

Suy niệm: 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh, 42 giáo dân, là thành phần của 117 vị được tôn phong trong số 130 ngàn tín hữu đã đổ máu để làm chứng cho Đạo Chúa trên đất Việt. Khác nhau về vai trò xã hội, tuổi tác, màu da, ngôn ngữ, nghề nghiệp,… nhưng điều đó không ngăn cản các vị tiền bối của ta có một tiếng nói chung: chấp nhận trả giá đắt cho đức tin của mình. Các vị đã đứng trước một chọn lựa: hoặc chọn những giá trị trần gian như tiền bạc, chức tước, và cả mạng sống… hoặc chọn những giá trị của Nước Trời là niềm tin, Thập giá. Và các vị đã chọn những giá trị Nước Trời, chọn cách dứt khoát, mạnh mẽ và anh dũng. Điều gì đã thúc đẩy các ngài chọn lựa như vậy? Chính là niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, tin rằng những giá trị Nước Trời cũng vĩnh hằng như thân xác phục sinh của Ngài.

Mời Bạn tự kiểm điểm: Tôi thường chọn lựa những giá trị của Nước Trời hay những giá trị trần thế? Bạn hãy xác tín như các thánh tử đạo tổ tiên của mình: Chấp nhận những mất mát khổ đau tạm bợ để chọn những giá trị vĩnh hằng của Nước Trời, đâu có lỗ, phải không bạn?

Sống Lời Chúa: Tập chọn những giá trị Nước Trời qua những việc thường ngày: chống lại cám dỗ tìm một thú vui bất chính, nỗ lực hy sinh cho một công tác tông đồ, cho việc bổn phận.

Cầu nguyện: Lạy các thánh tử đạo Việt Nam, ước gì máu của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương, để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

Ngày 24 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: Sự sống thay đổi, chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần bị hủy diệt, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Quê Trời. Trong cuộc sống hằng ngày, xin cho chúng con biết xử sự: như hôm nay mình phải chết, để lương tâm chúng con được thanh thản, không quá sợ hãi cái chết khi biết: đời người là có hạn, thân xác sẽ trở về bụi đất, và sinh khí sẽ trở về với Chúa, Đấng đã dựng nên chúng con, xin cho chúng con được diễm phúc chết trong ân nghĩa Chúa. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

 


 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
 

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 4, 36-37, 52-59

“Họ làm lễ cung hiến bàn thờ và hân hoan dâng lễ toàn thiêu”.

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Giuđa và anh em ông nói rằng: “Quân thù chúng ta đã bị tiêu diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Ðền thánh lại”.

Toàn thể quân đội được triệu tập, rồi cùng lên núi Sion.

Ngày hai mươi lăm tháng chín (tức là tháng Kislêu) năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm, dâng lễ tế như Luật dạy trên bàn thờ dùng để dâng lễ toàn thiêu mà họ vừa mới thiết lập. Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục huyền cầm, phong cầm cùng tiếng não bạt, đúng mùa, đúng ngày trước kia dân ngoại đã xúc phạm đến bàn thờ. Toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Ðấng ngự trên trời đã ban chiến thắng cho họ.

Họ làm lễ cung hiến bàn thờ suốt tám ngày, hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội và lễ tạ ơn. Họ trang hoàng mặt tiền Ðền thờ với những triều thiên vàng và bảng chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức vui mừng vì đã rửa sạch được nỗi tủi nhục do dân ngoại gây nên. Giuđa cùng với anh em ông và cộng đoàn Israel quyết định rằng: Hằng năm, từ ngày hai mươi lăm tháng Kislêu, lễ cung hiến bàn thờ sẽ được cử hành trong vui mừng hân hoan suốt tám ngày.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11abc. 11d-12a. 12bcd

Ðáp: Lạy Chúa, chúng con chúc tụng thánh danh vinh hiển của Chúa (c. 13b).

Xướng: Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, Người thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng từ đời đời tới muôn muôn thuở”. 

Xướng: Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. 

Xướng: Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. 

Xướng: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay của Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 10, 8-11

“Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và trên đất”. Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người nói với tôi: “Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật”. Tôi cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật, nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng lại phán cùng tôi rằng: “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

Ðáp: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).

Xướng: Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang. 

Xướng: Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. 

Xướng: Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. 

Xướng: Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. 

Xướng: Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ.

Xướng: Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 45-48

“Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC GIÊ-SU THANH TẨY ĐỀN THỜ (Lc 19,45-48)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Đức Giê-su được sai đến để chu toàn sứ mạng: phụng sự Thiên Chúa Cha và dạy cho người ta cũng tôn thờ Thiên Chúa cách xứng đáng. Việc đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ cho thấy Chúa muốn người ta phải thay đổi thái độ thờ phượng và phải tôn trọng Đền thờ. Hành động của Đức Giê-su gồm có hai khía cạnh:

a) Loại khỏi Đền thờ những gì đi lệch khỏi mục đích của nó. Việc buôn bán trong Đền thờ đã biến “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện” trở thành “sào huyệt của bọn cướp” cho nên Đức Giê-su đã đánh đuổi những người buôn bán trong đó.

b) Trả lại cho Đền thờ ý nghĩa đích thực của nó “Hằng ngày Ngài giảng dạy trong Đền thờ”.

2. Đền thờ Giê-ru-sa-lem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do-thái. Ngay lúc được vua Sa-lô-môn xây cất khoảng năm 950 (trước Công nguyên), đền thờ Giê-ru-sa-lem đối với người Do-thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Ít-ra-en. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su vào Đền thờ, xua đổi những người lạm dụng Đền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.

3. Hôm nay Tin Mừng cho thấy, Đức Giê-su nổi nóng và đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, vì họ đã sử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì thế. Đức Giê-su nói: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp”. Khi đánh đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giê-su đã thánh hiến Đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là chốn trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn bán…

4. Lời khiển trách của Đức Giê-su nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của Đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong Đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người (Mỗi ngày một tin vui).

5. Hitler được kể tên trong số những nhà hùng biện hàng đầu của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền bí có sức thu hút quần chúng tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng năng lực đó để xô đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tranh hủy diệt tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giê-su; Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng sự thù hận giết chóc; sứ điệp của Ngài là tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỷ, tha thứ tội lỗi, khơi dậy hy vọng cho người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu sắc, đánh động tâm hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn dây say mê nghe lời Người” (5 phút Lời Chúa).

6. Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa. Đức Giê-su đã từng nói: “Cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Nghĩa là Ngài muốn ám chỉ về thân xác của Ngài bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh. Và cũng từ những chứng từ này, thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô đã nói: Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá hủy Đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em”. Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm dấu Thánh giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó (Hiên Lâm).

7. Truyện: Nhà thờ để làm gì?

Hay tin một Linh mục mới vừa được đổi đến để thay cho cha xứ cũ về hưu, lại được biết Linh mục mới này giảng rất hay, người ta đến nhà thờ dự lễ rất đông. Nhưng lần đầu tiên xuất hiện trước giáo dân trong xứ, vị Linh mục mới cố tình ra mắt họ với bộ mặt rất xấu xí. Bởi đó, khi vừa thấy mặt cha, một số người đã thất vọng lui ra cửa. Vị Linh mục bình thản giơ tay làm dấu bảo im lặng, rồi tuyên bố: “Hôm nay ai đến đây để nhìn mặt cha xứ mới và để nghe cha xứ mới giảng thì có thể về nhà; còn ai đến đây để thờ phượng Chúa thì hãy ở lại” (Chritian Beacon).

LÀM CHO THANH KHIẾT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán”.

“Cuộc sống là một công trình! Xây trên đá cẩm thạch, nó sẽ bị huỷ diệt; trên đồng thau, thời gian sẽ làm trôi đi; trên danh tiếng, gió thổi và nó biến mất. Nhưng nếu được xây trên lòng kính sợ Chúa và tình yêu đồng loại, nó sẽ bền vững đến muôn đời. Và điều quan trọng, nó phải được ‘làm cho thanh khiết’ bên trong mỗi ngày!” - Daniel Webster.

Kính thưa Anh Chị em,

Nó phải được ‘làm cho thanh khiết’ bên trong!”, đó cũng là chủ đề của Lời Chúa hôm nay. Bài đọc Macabê nói đến cuộc thanh tẩy đền thờ vốn đã bị ô uế bởi dân ngoại; Tin Mừng nói đến cuộc thanh tẩy đền thờ vốn có nguy cơ biến thành sào huyệt trộm cướp.

Sau thuở hồi hương, dân Chúa tẩy uế đền thờ; Giuđa và anh em ông nói, “Này, chúng ta lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh!”; “Dân chúng vui mừng khôn xiết”. Như lời Thánh Vịnh đáp ca, họ hoan hỷ hát khen, “Lạy Chúa, xin ca tụng Danh Thánh hiển vinh!”.

Với bài Tin Mừng, câu chuyện tẩy uế đền thờ Giêrusalem của Chúa Giêsu không chỉ tường thuật một hành động xa xưa nhưng còn tiết lộ ước muốn sâu xa của Ngài: ‘làm cho thanh khiết’ ‘đền thờ thế giới’; và ‘làm cho thanh khiết’ đền thờ tâm hồn mỗi người.

‘Đền thờ thế giới’ trước hết là Hội Thánh vốn là con tim của thế giới, nơi thông chuyển sự sống Chúa Kitô; thông chuyển mọi ước muốn của con người lên Thiên Chúa và ngược lại. Nhưng qua dòng lịch sử, tà tâm và tham vọng của nhiều người đã ngấm vào nó. Điều này không có gì mới! Vì thế, không ít người đã bị tổn thương vì các thành viên của Hội Thánh. Chúa Giêsu không hứa một Hội Thánh hoàn hảo, Ngài chỉ hứa ở cùng nó.

Đức Phanxicô nói, “Đền thờ là biểu tượng của Hội Thánh. Hội Thánh sẽ luôn chịu sự áp lực của những cám dỗ thế tục và cám dỗ của quyền lực; đó không phải là quyền năng Chúa Giêsu muốn dành cho Hội Thánh. Ngài không nói, “Không, đừng làm điều này! Đem ra ngoài kia!”; thay vào đó, Ngài nói, “Các ngươi đã tạo nên một ổ trộm cướp ở đây!”. Bước vào tiến trình suy thoái này, kết cục thật là khủng khiếp. Rất tệ! Một con tim có vấn đề, không thể làm tốt công việc của nó; và khi ‘con tim của thế giới’ èo uột, Hội Thánh không thể thông chuyển sự sống Chúa Kitô và đóng vai trò trung gian của mình!”.

Thứ đến, linh hồn mỗi người là đền thờ cần được Chúa Giêsu ‘làm cho thanh khiết’ mọi bẩn thỉu trong đó. Thật không dễ, nó đòi hỏi một sự khiêm nhường và đầu phục tuyệt đối; bằng không, nó sẽ trở nên vô hồn, trống rỗng, hoặc chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, một bảo tàng viện, hay thậm chí là một nhà kho khi bên trong không có chỗ cho Thiên Chúa.

Kính thưa Anh Chị em,

“Nó phải được ‘làm cho thanh khiết!’”. Chúa Giêsu hiểu thế nào là sức nặng của tội lỗi, thế nào là ô uế trong cái không gian linh thánh của mỗi người. Ngài đã dùng nước và máu từ cạnh sườn mà “thanh tẩy lương tâm chúng ta sạch mọi vết nhơ tội lỗi”. Ngài muốn thanh tẩy Hội Thánh, xã hội, cộng đoàn và gia đình chúng ta; đặc biệt, tâm hồn mỗi người. Đừng sợ để cơn thịnh nộ thánh thiện của Ngài phát huy tác dụng. Hãy cầu nguyện để được tẩy sạch bên trong trên mọi cấp độ, hầu có thể cùng Ngài xây dựng Vương Quốc.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không xây dựng cuộc sống trên cẩm thạch, trên đồng thau; nhưng phần nào trên danh tiếng. Cứ mạnh tay thanh luyện con ở mọi cấp độ hầu con được sạch!”, Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Các thánh tử đạo Việt Nam

Ca nhập lễ

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin…

Bài đọc I: 2 Mcb 7, 1.20-23.27b-29

Hồi ấy, có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn luật Mô-sê cấm.

Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi; bà nói với các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình.”

Bà nói với người con út : “Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ.”

Hoặc đọc: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng trông cậy của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như Người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: “Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng”. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang những bó lúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 17-25

“Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không.

Vì chưng lời rao giảng về Thập giá là sự điên rồ đối với những kẻ hư mất; nhưng đối với những người được cứu độ là chúng ta, thì điều đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Vì như đã chép rằng: “Ta sẽ phá huỷ sự khôn ngoan của những kẻ khôn ngoan, sẽ chê bỏ sự thông thái của những người thông sáng. Người khôn ngoan ở đâu? Người trí thức ở đâu? Người lý sự đời này ở đâu?” Nào Thiên Chúa chẳng làm cho sự khôn ngoan của đời này hoá ra điên rồ đó sao? Vì thế gian tự phụ là khôn, không theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã muốn dùng sự điên rồ của lời rao giảng để cứu độ những kẻ tin. Vì chưng, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 5,10

Alleluia, alleluia! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Alleluia

Phúc Âm: Lc 9,23-26

Khi ấy, Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Chúa Kitô, vị chứng nhân trung thành của Chúa Cha đã ban cho các thánh tử đạo Việt Nam ơn can đảm làm chứng cho Tin Mừng. Giờ đây, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa và cầu xin.

1. Giáo Hội có sứ mạng làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo Hội luôn là chứng nhân cho Chúa ở giữa trần gian bằng lời rao giảng và bằng chứng tá đời sống.

2. Máu các thánh tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các tín hữu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho đồng bào Việt Nam nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất phải tôn thờ.

3. Các thánh tử đạo Việt Nam đã can đảm vác Thánh Giá Chúa mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô hữu biết kết hiệp những nỗi vất vả, lầm than trong cuộc sống hằng ngày với cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

4. Các thánh tử đạo Việt Nam đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta trở thành chứng nhân cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương.

Chủ tế: Lạy Chúa, chúng con là con cháu các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cho chúng con biết noi theo mẫu gương các ngài đã để lại, ngõ hầu làm chứng cho Chúa ở đời này, và mai sau được hưởng hạnh phúc vô biên trong nhà Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, Chúa đã vui lòng chấp nhận lễ hy sinh của cha ông chúng con, xin cũng thương chấp nhận của lễ tiến dâng đây và làm cho chúng con trở nên của lễ đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con.

Cha đã kêu gọi các bậc tiền bối của chúng con bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá để làm chứng cho Cha ngay từ lúc Tin Mừng mới được loan báo trên quê hương đất nước chúng con. Nhờ Cha ban ơn trợ giúp, những con người vốn mỏng dòn yếu đuối đã trở nên can đảm phi thường. Chính khi các ngài chịu trăm bề đau khổ, Cha biểu lộ cho mọi người thấy sức mạnh của tình thương.

Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Cha uy linh cao cả và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Dầu là sự sống hay sự chết, hoặc bất cứ một thọ sinh nào: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô Con Chúa để mừng các thánh tử đạo tại Việt Nam. Xin cho chúng con vẫn một lòng tin tưởng giữa bao thử thách của cuộc đời, để mai sau cùng với các ngài chung hưởng phúc vinh quang. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Thập giá

Nhân ngày lễ kính các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thập giá trong cuộc sống của các ngài.

Hơn ai hết, các thánh tử đạo Việt Nam là những bậc cha ông của chúng ta đã sống mầu nhiệm thập giá một cách sâu xa nhất. Đúng thế, chẳng những vác thập giá mình hằng ngày bằng một đời sống thánh thiện quên mình, chết đi cho lòng vị kỷ và cho tội lỗi như các tín hữu khác, các ngài còn thực sự uống chén đắng và trải qua cuộc thanh tẩy bằng máu mà Chúa Giêsu đã trải qua trong cuộc khổ nạn.

Các ngài chịu đau khổ và chết trong thân xác như Đức Kitô trên thập giá. Cuộc đời các ngài lặp lại từng bước những chặng được thập giá của Chúa Giêsu và kết thúc bằng lời phó thác: Lạy Cha, con xin phó hồn con ở trong tay Cha. Bằng đời sống và bằng cái chết các ngài nói lên niềm xác tín của mình: Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô. Tình yêu của các ngài còn mạnh hơn cả sự chết và là yếu tố tạo nên chiến thắng. Các ngài sống cho tình yêu và chết cho tình yêu, đối với tình yêu thì giá nào cũng vẫn còn là thấp, kể cả sự chết.

Các ngài đã làm chứng và loan truyền mầu nhiệm thập giá. Cái chết của các ngài không còn là một việc riêng tư, nhưng đã trở nên một biểu hiện cho niềm tin chung của Giáo Hội vào giá trị tuyệt đối của Nước Trời, vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Sự chết đó còn là một tiếng gọi, một lời thúc giục toàn thể dân Chúa hãy sống trọn vẹn niềm tin của mình và chiếu sáng niềm hy vọng giữa lòng cuộc đời. Nếu sống được như vậy, thì dẫu không trải qua cái chết tử đạo, chúng ta cũng vẫn có thể loan truyền mầu nhiệm thập giá. Sống như một chứng nhân là điều kiện thiết yếu để có thể chết như một chứng nhân. Các thánh tử đạo Việt Nam đã làm chứng bằng cả sự sống lẫn sự chết.

Thập giá đã đưa Đức Kitô đến phục sinh. Sau khi đã tự hạ vâng lời cho đến chết, Đức Kitô đã được suy tôn cùng với uy quyền và vinh quang. Còn các thánh tử đạo thì sao? Dù các ngài chưa thể sống lại trong thân xác như Đức Kitô, nhưng cũng đã đạt tới sự sống vinh quang của Ngài, bởi vì ngay lúc chết, các ngài đã được tham dự vào sự sống vinh quang của Đức Kitô phục sinh chỉ còn phải chờ đợi ngày được tỏ hiện mà thôi. Sự liên đới với Đức Kitô trong cái chết chắc chắn sẽ tạo nên sự liên đới trong sự sống.

Dù trong cảnh ngộ nào, Đức Kitô và các môn đệ Ngài cũng vẫn chung một số phận: Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng Ngài phục sinh. Nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị. Vẫn là một quy luật muôn thuở của Nước Trời: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Trong mùa gặt phong phú của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khởi, các thánh tử đạo đã loan truyền mầu nhiệm thập giá một cách kiên trì trên mảnh đất thân yêu. Xin các ngài giúp chúng ta, là những người công giáo Việt Nam hôm nay luôn sống trọn vẹn niềm tin, và làm chứng cho tình thương Chúa bằng đời sống phục vụ và yêu thương của chúng ta.

Các Vị Tử Đạo Mới Của Thời Đại
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Mỗi lần nói đến các thánh tử đạo, là chúng ta nghĩ ngay đến cảnh đầu rơi, máu đổ, gông cùm, gươm giáo… Thế nhưng, ở thời đại đang tiến dần tới Thế kỷ 21, những cảnh hành trình tàn bạo, cổ điển ngày xưa và sự bắt đạo của các chính quyền hầu như không thể tái diễn. Vì hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng và các quyền cơ bản của con người. Đàng khác, các án tử hình cũng dần dần được loại bỏ trong các bộ luật hình sự trên thế giới.

Ngày nay, khái niệm về tử đạo được hiểu rộng rãi hơn. Vì tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, chết cho con người, nhất là những người nghèo khổ hay bị áp bức, nói chung là chết vì chính Đạo, chết vì muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu, sống cho chân lý Phúc Âm. Trường hợp của cha Maximilianô Kolbê, ngài đã tự nguyện chết thay cho một người tù khác có gia đình, trong trại tập trung của Đức Quốc xã. Vào năm 1971, Đức Phaolô VI không coi Cha là vị tử đạo, chỉ coi Cha là một người chịu đau khổ vì đức tin thôi (Confessor). Nhưng khi phong thánh cho cha vào năm 1982, Đức Gioan Phaolô II đã coi cha là một vị tử đạo. Trong bài giảng phong thánh cho Cha Kolbê, Đức Thánh Cha nói: “Cái chết được cha hồn nhiên đón nhận vì yêu người đồng loại, cái chết ấy lại không làm cho cha Kolbê đặc biệt giống Đức Kitô sao, Đức Kitô là mẫu mực của mọi vị tử đạo, là Đấng hiến mạng sống mình cho anh em?”

Trong Tông Thư “Tiến đến thiên niên kỷ thứ ba” (TMA), Đức Thánh Cha kêu gọi các Giáo Hội địa phương lập danh mục các vị tử đạo mới của thế kỷ này. Vì “trong thế kỷ này lại có những người tử đạo, thường là âm thầm, họ như thể là “những chiến sĩ vô danh”vì đại cuộc của Thiên Chúa. Giáo Hội không chỉ có những người đổ máu vì Đức Kitô mà còn có những bậc thày về đức tin, những nhà truyền giáo, những người tuyên xưng đức tin, những Giám mục, Linh mục, các trinh nữ, những người kết hôn, góa bụa và trẻ em” (TMA. 37).

Anh chị em thân mến,

Các Thánh Tử đạo là những người sống, làm chứng, loan truyền mầu nhiệm Thánh giá. Mỗi Kitô hữu, dầu không phải trải qua cái chết tử đạo thì đời sống vì đạo, sống vì Chúa, cho Chúa, cũng vẫn có thể loan truyền mầu nhiệm Thập giá cho thế giới. Sống như một chứng nhân là điều kiện thiết yếu để có thể chết như một chứng nhân.

Không hiểu vì lý do gì mà các vua quan Việt Nam ngày xưa đã dùng Thập giá làm phương tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạo. Họ gọi đó là “Quá Khóa”để dùng Thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết: bước qua hay không bước qua Thập giá. Bước qua là được tiếp tục sống ở đời này, được trả lại tất cả những gì đã mất, được tặng thêm bao phú quý vinh hoa. Không bước qua là chấp nhận tù đày, mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một quyết định là mọi chuyện sẽ thay đổi. Chỉ cần một bước chân…

Đã có người bước qua và đã có nhiều người không bước qua, không quá khóa. Đã có người được khiêng qua Thập giá, nhưng đã co chân lên, như Thánh Antôn Nguyễn Đích. Đã có người bước qua Thập giá, nhưng sau lại hối hận, đó là trường hợp của ba vị thánh Augustino Phan Viết Huy, Nicôla Bùi Đức Thể và Đaminh Đinh Đạt. Vua Quan đã bày ra trước mặt các ông 10 cây vàng, một tượng Chúa Chịu Nạn và một thanh gươm, rồi nói: “Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi người bay ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển”. Đúng đây là một chọn lựa nghiêm chỉnh, chọn lựa này đụng đến tương lai và sinh mạng của tôi. Chọn lựa này bày tỏ thái độ của tôi đối với Đức Giêsu. Tôi chọn Chúa hay tôi chọn tôi. Thánh Anrê Kim Thông nói với quan tỉnh: “Thánh giá tôi kính thờ, tôi giẫm lên sao được”. Thánh Stêphanô Ven nói: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về đạo Thập giá, nay tôi lại đạp lên Thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!”

Nhiều vị tử đạo đã được mời giả vờ bước qua Thánh giá, để quan có cớ mà tha cho, còn đức tin bên trong thì quan không đụng đến. Đây là một cám dỗ khá tinh vi và hấp dẫn, có vẻ được cả hai, đời này và đời sau. Nhưng liệu tôi có thể bên ngoài chà đạp một Đấng mà bên trong tôi tôn thờ không? Đứng trước Thánh giá là đứng trước một chọn lựa dứt khoát, không có giải pháp dung hòa hay lập lờ. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Điều này vẫn đúng cho những chọn lựa mỗi ngày của các Kitô hữu qua mọi thời đại.

Không bước qua Thánh giá là làm chứng về niềm tin vào Đức Kitô. Dù chỉ là cây gỗ xếp chéo nhau, nhưng đó vẫn là một biểu tượng cho Thầy Chí Thánh, Đấng đã chịu chết trên Thánh giá. Các vị tử đạo đã không bước qua Thánh giá, vì họ tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Nhưng các ngài không phải chỉ là những chứng nhân đức tin mà còn là những chứng nhân đức mến. Đức Giêsu không phải chỉ là Đấng các ngài tin, mà còn là Đấng các ngài yêu mến bằng một tình yêu lớn nhất: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Cuối cùng, các vị Tử đạo còn là những chứng nhân cho một niềm hy vọng mãnh liệt vào sự sống đời sau. Cái chết khủng khiếp đang chờ họ, nhưng họ như nhìn thấy thế giới ở đàng sau cái chết tạm thời. Họ thấy Thiên đàng, thấy sự sống vĩnh cửu và hạnh phúc trường tồn. Chính vì thế, cái chết tử đạo không bao giờ mang nét bi đát của sự tuyệt vọng. Trái lại, nó ẩn chứa một sự bình an, vui tươi của người được hạnh phúc gặp Đấng mình mới tin mà chưa giáp mặt.

Anh chị em thân mến,

Các vị tử đạo là những chứng nhân dám chết cho niềm tin, cho tình yêu, cho chân lý của Tin Mừng. Có thể chúng ta không được ơn tử đạo, nhưng chắc chắn chúng ta phải trở nên chứng nhân cho Chúa. Làm chứng cho Chúa, nếu không phải đổ máu thì cũng phải chấp nhận mất mát thiệt thòi, bị coi rẻ. Làm chứng đòi trả giá. Giá càng cao thì lời chứng càng đáng tin. Mỗi thời đại nhạy cảm với một lối làm chứng. Lối làm chứng của cha Kolbê, của Mẹ Têrêsa Calcutta, của các tu sĩ bị ám sát ở Algêri, rất hấp dẫn con người hôm nay. Cần tìm được những lối sống Tin Mừng phù hợp khiến người ta dễ tin có Chúa, có linh hồn, có đời sau. Giữa một thế giới chạy theo tiện nghi vật chất và không cần đến Thiên Chúa, phải chăng người Kitô hữu được mời gọi sống một đời sống đơn sơ, chia sẻ và phụ vụ trong vui tươi? Khi con người hôm nay như bị cuốn hút vào cơn lốc của hưởng thụ, khoái lạc, quyền lực, phải chăng người Kitô hữu được mời gọi làm chứng bằng thái độ thanh thoát, trong sáng và vô vụ lợi? Làm chứng bao giờ cũng là lội ngược dòng thế gian. Các Thánh Tử đạo đã làm chứng trong thời bị bách hại. Là con cháu các ngài, chúng ta được mời gọi làm chứng trong thời đất nước chuyển mình theo kịp thế giới. Thời nào, người Kitô hữu cũng được đặt trước Thánh giá, dấu hiệu của một tình yêu hiến thân, một sự từ bỏ tận căn, một sự khiêm hạ đến tận cùng. Hãy đặt Chúa lên trên mạng sống của mình, yêu Chúa trên hết mọi sự.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây