25/11/2023
THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Thánh Catarina Alêxanđria, trinh nữ, tử đạo
Lc 20,27-40
TIẾP NỐI HAY BIẾN ĐỔI?
“Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng..., vì được ngang hàng với các thiên thần.” (Lc 20, 27-40)
Suy niệm: Câu chuyện đời sau luôn là mối bận tâm hàng đầu của con người ở mọi thời: “Tôi sẽ về đâu sau cái chết?” Tuy nhiên, cũng có kẻ không tin có đời sau như những người Sa-đốc. Họ trưng dẫn một trường hợp giả tưởng để biện hộ cho lập trường của họ: một người phụ nữ có bảy đời chồng, rồi hỏi khi sống lại chị sẽ là chồng ai? Chúa Giê-su cho thấy lập luận ấy không có cơ sở vì trên thiên đàng, không còn chuyện cưới vợ gả chồng như ở trần thế; tất cả mọi người đều như thiên thần.
Mời Bạn: Nhiều người vẫn quan niệm ‘dương sao âm vậy’: cuộc sống đời sau là sự tiếp nối như nguyên bản của cuộc sống đời nay. Có thể nói đời sau là tình trạng biến đổi chứ không phải sự chuyển tiếp hay tiếp nối; nhất là với tình trạng ấy, con người đạt tới hạnh phúc viên mãn nơi Thiên Chúa là Tình Yêu đích thực của họ. Thánh Phao-lô dạy: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,2). Lời đó mời gọi bạn hãy hướng tầm nhìn về trời cao, để những sự đời này đạt được ý nghĩa và giá trị đích thực.
Chia sẻ: Bạn cần chuẩn bị gì cho hành trang mai sau trên quê trời với bậc sống hôn nhân hoặc tu trì của bạn?
Sống Lời Chúa: Nỗ lực hết mình với những công việc trong ngày và cư xử tử tế với người xung quanh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết để tâm đến hạnh phúc Nước Trời bằng cách sống các giá trị Tin Mừng mà Chúa dạy con: phụng thờ Chúa và yêu thương người khác. Amen.
Ngày 25 tháng 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con nhớ rằng: Cái chết đã vào trần gian vì loài người đã phạm tội, nhưng Chúa muốn chúng con không phải chết, bởi vì, cái chết đi ngược lại với ý định của Chúa. Xin cho chúng con ý thức rằng: Cái chết đã được biến đổi nhờ Đức Giêsu, đã chịu chết vì mang thân phận loài người chúng con, và nhờ vâng phục Cha, Đức Giêsu đã biến đổi cái chết: từ chỗ là lời nguyền rủa, trở thành lời chúc lành cho tất cả loài người chúng con. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Ca nhập lễ
Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.
Lời nguyện nhập lễ
Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…
Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 6, 1-13
“Vì các tai hoạ trẫm đã gây cho Giêrusalem mà trẫm phải buồn bực mà chết”.
Trích sách Macabê quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, vua Antiôcô rảo khắp các tỉnh miền bắc. Vua nghe nói tại Ba-tư có thành Êlymai nổi tiếng là giàu có và lắm vàng bạc; trong thành lại có một ngôi đền thờ lắm bảo vật, đầy những binh giáp bằng vàng, chiến bào, khiên mộc di sản của Alexanđrô, con Philipphê, vua xứ Macêđônia, là vua tiên khởi cai trị dân Hy-lạp. Vậy ông đến tìm cách chiếm lấy thành để cướp của. Nhưng ông không thành công, vì dân thành đã biết trước ý định của ông, nên đã vùng lên chống lại. Ông bỏ chạy và buồn bực lui quân trở về Babylon.
Lúc vua còn ở Ba-tư, có người đến đem tin cho vua hay toán quân của ông ở Giuđa đã bị đánh bại chạy tán loạn, và Lysia, vị tướng chỉ huy một đoàn quân hùng hậu, cũng đã phải tháo lui chạy trốn quân Do-thái; quân Do-thái lại càng mạnh thêm nhờ ở khí giới, lương thực và chiến lợi phẩm rất nhiều đã lấy được của các đoàn quân họ đánh bại. Họ đã hạ tượng thần vua đã đặt trên bàn thờ ở Giêrusalem; họ cũng đã xây thành đắp luỹ cao như trước chung quanh Ðền thờ và chung quanh thành Bethsura.
Nghe tin ấy, nhà vua khiếp đảm và rất xúc động. Vua vật mình xuống giường và buồn đến lâm bệnh, (bởi vì) sự việc đã không xảy ra như vua ước muốn. Vua liệt giường nhiều ngày, càng ngày càng buồn. Và tưởng mình sắp chết, vua liền triệu tập tất cả bạn hữu lại mà nói với họ rằng: “Trẫm không còn chớp mắt được nữa và lòng trẫm tan nát vì ưu tư. Trẫm tự nghĩ: trước kia khi trẫm còn quyền thế, trẫm vui sướng và được người ta quý mến, mà giờ đây trẫm lâm cảnh buồn sầu và đau khổ biết bao! Bây giờ trẫm hồi tưởng lại các tai hoạ trẫm đã gây cho Giêru-salem: trẫm đã chiếm đoạt các chén bằng vàng bạc tại đó, và đã ra lệnh tiêu diệt dân Giuđêa cách vô cớ. Trẫm nhìn nhận là vì các việc ấy mà phải khốn khổ như thế này, mà giờ đây trẫm phải buồn bực mà chết nơi đất khách quê người”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 9, 2-3. 4 và 6. 16b và 19
Ðáp: Lạy Chúa, con mừng rỡ vì ơn Ngài cứu độ
Xướng: Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Con sẽ mừng rỡ hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao.
Xướng: Vì quân thù của con đã tháo lui, chúng chạy trốn và vong mạng trước thiên nhan Chúa. Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên tuổi chúng tới muôn đời.
Xướng: Người chư dân rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cạm bẫy mà họ đã che. Vì kẻ cơ bần không bị đời đời quên bỏ, hy vọng người đau khổ không mãi mãi tiêu tan.
Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 11, 4-12
“Hai vị tiên tri ấy đã làm cho dân trên hoàn cầu chịu nhiều khổ cực”.
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Có lời phán cùng tôi là Gioan rằng: “Hai chứng tá của Ta là hai cây ôliu và hai cây đèn đặt trước mặt Chúa Tể địa cầu. Và nếu ai toan hãm hại các ngài, thì sẽ có lửa từ miệng các ngài phun ra tiêu diệt các địch thù; ai toan làm hại các ngài thì chính kẻ ấy phải bị giết như vậy. Các ngài có quyền đóng cửa trời, khiến trời không mưa trong những ngày các ngài nói tiên tri. Các ngài lại có quyền biến nước thành máu, và gieo tai hoạ cho trần gian bất cứ lúc nào tùy ý. Và khi các ngài đã hoàn tất nhiệm vụ chứng tá rồi, thì con mãnh thú từ vực thẳm lên sẽ giao chiến với các ngài, nó sẽ thắng và giết chết các ngài. Thi thể các ngài sẽ bị bêu nơi công trường của Thành lớn, gọi cách bóng bảy là Sôđôma và Ai-cập, là nơi Chúa các ngài đã bị đóng đinh. Thiên hạ thuộc mọi chi tộc, mọi dân, mọi nước, và mọi ngôn ngữ, đã xem thấy thi thể các ngài trong ba ngày rưỡi, và người ta không để cho thi thể các ngài được chôn cất trong mộ. Dân chúng trên khắp mặt đất sẽ vui mừng vì cái chết của các ngài và hoan hỉ tặng quà cho nhau, vì hai vị tiên tri ấy đã từng làm cho họ chịu nhiều khổ cực. Nhưng sau ba ngày rưỡi, (sinh khí từ) Thiên Chúa nhập vào các ngài. Và các ngài đứng dậy, khiến cho những người trông thấy phải khiếp sợ. Rồi các ngài nghe có tiếng vang lớn từ trời phán cùng các ngài rằng: ‘Hãy lên đây’. Các ngài liền lên trời, trong đám mây trước mắt các địch thù của các ngài.
Chính lúc đó đất chuyển động dữ dội, và một phần mười của thành thị bị sụp đổ, làm bảy ngàn người thiệt mạng trong cơn động đất ấy. Còn các người sống sót thì kính sợ và cao rao vinh danh Ðức Chúa Trời”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 143, 1. 2. 9-10
Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).
Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến.
Xướng: Chúa là tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu; Ngài bắt chư dân phải khuất phục con.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, con sẽ hát mừng Ngài bài ca mới; với cây đàn mười dây, con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài.
Alleluia: Pl 2, 15-16
Alleluia, alleluia! – Anh em hãy tích trữ lời ban sự sống, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian. – Alleluia.
Hoặc đọc
Alleluia, alleluia! – Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh.- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 20, 27-40
“Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ góa đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?”
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa”.
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: “Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm”. Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Lời nguyện tiến lễ
Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…
Ca hiệp lễ
Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.
Hoặc đọc:
Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.
Lời nguyện hiệp lễ
Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…
Suy niệm
KẺ CHẾT SỐNG LẠI (Lc 27-40)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
1. Nhóm luật sĩ và biệt phái tin có sự sống lại, còn nhóm Sa-đốc thì không. Mặc dầu nhóm Sa-đốc không tin vào cuộc sống đời sau, nhưng qua lời lẽ của họ, người ta thấy họ có một quan niệm hết sức vật chất về cuộc sống ấy: ở đời sau người ta cũng cưới vợ lấy chồng sinh con và hưởng thụ tất cả những lạc thú như ở đời này. Nhưng Đức Giê-su đã mạc khải cho họ có sự sống lại và cách thức sống cuộc sống đời sau. Ngài cho thấy cuộc sống ấy không còn giống như ở đời này, không còn lệ thuộc vào không gian và thời gian. Trái lại, cuộc sống của người công chính khi phục sinh sẽ được thần thiêng hóa như đời sống của các thiên thần.
2. Hôm nay, nhóm Sa-đốc đã đứng lên để bàn mưu tính kế nhằm hại Đức Giê-su. Cái bẫy mà họ đưa ra chính là câu chuyện liên quan đến sự sống lại. Vấn nạn mà họ đặt ra cho Đức Giê-su và yêu cầu Ngài trả lời: theo luật Mai-sen, nếu người anh lấy vợ, khi chết đi mà chưa có con, thì người em phải lấy vợ của anh mình để có con nối dõi. Vậy cả 7 anh em nhà kia lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết, sau cùng người đàn bà kia cũng chết. Vấn đề đặt ra là: khi sống lại, người đàn bà kia sẽ là vợ của người nào trong 7 anh em đó?
3. Để trả lời cho họ, Đức Giê-su trưng dẫn sách Ngũ Kinh như ông Mai-sen đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống. Ngài ban và duy trì sự sống ngay cả sau khi chết.
Đức Giê-su luôn luôn từ chối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng người đứng trên phương diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sa-đốc đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng hạnh phúc đời sau” và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được sống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa.
4. Đức Giê-su còn trả lời thêm cho biết trật tự, cách tổ chức, cách thế hiện hữu của cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải cưới vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa (Hiền Lâm).
5. Nói chung, trên mọi bình diện, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Đức Giê-su đã quả quyết mạnh mẽ vì sự thật có sự sống lại, nhưng Chúa không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi như thế nào và vào lúc nào là hai điều không quan trong cho ơn cứu rỗi, nên Đức Giê-su đã không giải thích, không mạc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Đức Giê-su Ki-tô. Đức Ki-tô Phục sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời (R. Veritas).
6. Tất cả cuộc sống chúng ta đều xây dựng trên niềm tin vào sự sống lại của Đức Giê-su và sự sống mai hậu. Tất cả những nỗ lực xây dựng công bằng bác ái của chúng ta chỉ có ý nghĩa là bởi vì chúng ta tin vào cuộc sống vĩnh cửu và sự sống lại.
7. Truyện: Kinh nghiệm cận tử.
Mấy năm gần đây, một số bác sĩ Đức và Mỹ đã rất chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay một lý do nào đó đã ngất đi trong một thời gian khá dài. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết. Nhưng sau đó họ sống lại. Các bác sĩ đã phỏng vấn 1370 người ấy. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm mà ai cũng nhất trí, như sau:
– Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
– Sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai ham muốn kiếm tiền bạc danh vọng lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người (Tóm bài của Willie Hoffsuemmer).
ĐỜI ĐỜI, RẤT ĐỜI ĐỜI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống”.
Frederick, người theo thuyết bất khả tri; Von Zealand, tướng quân thân tín của vua, ngược lại, là một Kitô hữu. Trong một lễ hội, Frederick giễu cợt Chúa Giêsu, mọi người cười ngất ngưỡng, đến nỗi người lính già đứng dậy thưa, “Bệ hạ, ngài biết tôi không sợ chết! Tôi thắng 38 trận cho ngài. Tôi sẽ sớm trình diện Giêsu, Đấng ngài đang phạm thượng; Đấng vĩ đại hơn ngài, Đấng ‘đời đời, rất đời đời!’. Giờ đây, tôi chào ngài như một người yêu mến Đấng Cứu Rỗi mình, tôi đang ở ngưỡng cửa vĩnh cửu!”. Không gian trở nên im ắng, và với cung giọng run rẩy, vua nói, “Tướng quân! Tôi xin ngài thứ lỗi!”. Bữa tiệc lặng lẽ kết thúc!
Kính thưa Anh Chị em,
Đấng ‘đời đời, rất đời đời’ của Von Zealand chính là “Thiên Chúa của kẻ sống” mà Tin Mừng hôm nay tiết lộ. Để hiểu được lời này, Karl Rahner nói, “Bạn hãy thả mình vào cung lòng của Thiên Chúa một cách vô điều kiện!”.
Tin Mừng tường thuật việc những người Sadducêô đưa ra một kịch bản trái khoáy để gài bẫy Chúa Giêsu: một phụ nữ đã là vợ của bảy anh em; khi sống lại, nàng sẽ là vợ ai? Chúa Giêsu giải thích, “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”. Hôn nhân chỉ dành cho đời này, không phải cho đời sau. Vì vậy, sẽ không ai là chồng của nàng!
Với giáo huấn này, một số người sẽ gặp khó khăn! Họ mong muốn vẫn là vợ, là chồng của người phối ngẫu của mình trên thiên đàng. Hãy yên tâm, các mối dây yêu thương chúng ta đã hình thành trên dương thế sẽ vẫn còn, và thậm chí, được củng cố hơn ở trên trời! Chúng sẽ vẫn bền chặt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, hôn nhân, theo nghĩa trần thế, sẽ không còn; nó được thay thế bằng tình yêu trong sáng của một cuộc sống mới.
Karl Rahner nói, “Bước theo Chúa Kitô, niềm tin vào sự phục sinh mai ngày của Kitô hữu được móc, được đính chặt tận chóp đỉnh trên cùng bản tính hằng sống của Thiên Chúa; Ngài hằng sống, vô cùng, ‘đời đời, rất đời đời’… nên tình yêu của Ngài cũng vĩnh hằng, miên viễn và đời đời như Ngài”. Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ niềm tri ân, “Lạy Chúa, con mừng rỡ vì ơn Ngài cứu độ!”. Không có thiên đàng, không có cuộc sống vĩnh cửu, Kitô giáo sẽ giảm thiểu chỉ còn là đạo đức học hay một triết lý sống. Niềm tin vào sự phục sinh là cần thiết để mọi hành động yêu thương không phải là phù du và tự nó kết thúc, nhưng có thể trở thành hạt giống định sẵn để nên hoa trái vĩnh cửu trong ngôi vườn của Cha.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống!”. Với câu trả lời của Chúa Giêsu, Đức Phanxicô kết luận, “Trước hết, Chúa Giêsu mời gọi những người đối thoại với Ngài - và cả chúng ta - hãy biết, chiều kích trần thế mà chúng ta đang sống không phải là chiều kích duy nhất, nhưng còn có một chiều kích khác, không chịu tác động của sự chết, sẽ biểu lộ đầy đủ rằng, chúng ta là con trai con gái của Thiên Chúa! Thật là một niềm an ủi và hy vọng vô bờ khi được nghe những lời đơn giản và rõ ràng này của Chúa Giêsu về cuộc sống bên kia cái chết. Chúng ta rất cần nó, nhất là trong thời đại hôm nay, một thời đại rất giàu kiến thức về vũ trụ nhưng lại thiếu khôn ngoan về sự sống đời đời!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con sợ chết, không thắng trận nào cho Chúa, lại sợ sớm trình diện Ngài. Cho con dám thả mình vào cung lòng Chúa. Đừng để con sống như không có đời sau!”, Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn