TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Thứ tư - 13/04/2022 19:52 |   1630
“Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 18, 36)

15/04/2022
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa

(Giữ chay và kiêng thịt)

 

t6 tuanthanh

Ga 18, 1-19,42

NƯỚC TRỜI
“Nước tôi không thuộc về thế gian này.”
(Ga 18, 36)

Suy niệm: Ngang nhiên lập căn cứ quân sự cách phi pháp trên vùng biển đảo thuộc chủ quyền của nước khác như Trung Quốc đang làm trên Biển Đông, hoặc tiến hành “chiến dịch quân sự” bằng việc không kích cùng với xe tăng, bộ binh xâm lăng nước láng giềng như Nga đang làm tại Ukraina, đó cách những người ôm mộng bá chủ, muốn xây dựng đế quốc cho mình trên trần gian này. Hôm nay Giáo hội kỷ niệm việc Chúa Giê-su chịu khổ nạn. Đứng trước toà án Phi-la-tô, đại diện cho đế quốc Rô-ma hùng mạnh đang thống trị thế giới, Chúa Giê-su là hiện thân của một Thiên Chúa “yếu đuối”, việc Ngài chịu tử nạn như một dấu chấm hết cho công cuộc rao giảng Nước Trời đầy thất bại của Ngài. Trong bối cảnh đó, Chúa dõng dạc tuyên bố trước mặt Phi-la-tô rằng: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” Giữa những đau khổ tang thương mà nhân loại phải chịu vì những tham vọng độc ác đó, Chúa Giê-su muốn dùng đau khổ và cái chết trên thập giá của Ngài để nói với nhân loại rằng: Thế gian này không phải là vĩnh cửu; trái lại, hãy hướng về Nước Trời vĩnh cửu, một nước được xây dựng bằng tình yêu thương, hy sinh, tha thứ, bằng việc cùng Ngài “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Mời Bạn nhìn lại cuộc sống của bạn có chứng tỏ người khác thấy rằng: “Nước Chúa không thuộc về thế gian này” không? Hay là bạn vẫn đang quá bám víu vào đời này mà quên mất nước Trời?

Sống Lời Chúa: Xác tín rằng chỉ có thể xây dựng Nước Trời theo phong cách “hiền lành và khiêm nhường” của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG NGHI THỨC
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa

Linh mục tiến ra bàn thờ, cúi chào rồi phủ phục xuống đất hoặc quỳ gối, và tất cả mọi người thinh lặng cầu nguyện trong giây lát. Sau đó, quay về phía giáo dân, giang tay đọc một trong hai lời nguyện sau đây:

Lời nguyện (không đọc: chúng ta cùng cầu nguyện)

Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con vô ngần, Chúa đã vui lòng cho Con Một Chúa đổ máu đào trên thập giá để hoàn thành mầu nhiện Vượt Qua, đem lại ơn cứu độ cho loài người. Giờ đây, xin Chúa nhớ lại tình thương ấy mà thánh hoá và che chở đoàn con luôn mãi. Chúng con cầu xin…

Hoặc:

Lạy Chúa, từ lòng mẹ, chúng con đã phải mang án chết do tội A-đam truyền lại, nhưng nhờ mầu nhiệm Con Chúa chịu khổ hình, Chúa đã tiêu diệt sự chết. Vậy giờ đây, xin Chúa ban ơn thánh hóa biến đổi chúng con nên giống hình ảnh A-đam mới là Đức Ki-tô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

Phần Thứ I: Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: Is 52, 13-53, 12

“Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta”.

(Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Này tôi tớ Ta sẽ được cao minh, sẽ vinh thăng tấn phát, cao cả tuyệt vời. Cũng như nhiều người đã kinh ngạc, vì thấy người tàn tạ mất hết vẻ người, dung nhan người cũng không còn nữa, cũng thế, muôn dân sẽ sửng sốt, các vua không còn biết nói chi trước mặt người. Vì họ sẽ thấy việc chưa ai kể cho mình, sẽ biết điều mình chưa hề được nghe.

Ai mà tin được điều chúng ta nghe? Và Chúa đã tỏ ra sức mạnh cho ai? Người sẽ lớn lên trước mặt Ngài như một chồi non, như một rễ cây, tự đất khô khan. Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người.

Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta.

Người hiến thân vì người tình nguyện và không mở miệng như con chiên bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, người thinh lặng chẳng hé môi. Do cưỡng bách và án lệnh, người đã bị tiêu diệt; ai sẽ còn kể đến dòng dõi người nữa, bởi vì người đã bị khai trừ khỏi đất người sống; vì tội lỗi dân Ta, Ta đánh phạt người. Người ta định đặt mồ người giữa những kẻ gian ác, nhưng khi chết, người được chôn giữa kẻ giàu sang, mặc dầu người đã không làm chi bất chánh, và miệng người không nói lời gian dối. Chúa đã muốn hành hạ người trong đau khổ.

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ thấy một dòng dõi trường tồn, và nhờ người, ý định Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của người, người sẽ thấy và sẽ được thoả mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy những tội ác của họ. Bởi đó, Ta trao phó nhiều dân cho người, người sẽ chia chiến lợi phẩm với người hùng mạnh. Bởi vì người đã hiến thân chịu chết và đã bị liệt vào hàng phạm nhân, người đã mang lấy tội của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 30, 2 và 6. 12-13. 15-16. 17 và 25

Ðáp: Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha

Xướng: Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ, vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con.

Xướng: Con trở nên đồ ô nhục đối với những người thù, nên trò cười cho khách lân bang, và mối lo sợ cho người quen biết; gặp con ngoài đường, họ tránh xa con. Con bị người ta quên, không để ý tới, dường như đã chết, con đã trở nên như cái bình bị vỡ tan.

Xướng: Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài, con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại.

Xướng: Xin cho tôi tớ Chúa được thấy long nhan dịu hiền, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa. Lòng chư vị hãy can trường mạnh bạo, hết thảy chư vị là người cậy trông ở Chúa.

Bài Ðọc II: Dt 4, 14-16; 5, 7-9

“Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”.

Trích thư gởi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, chúng ta có một thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có thượng tế không thể cảm thông sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.

Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm

Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

PHÚC ÂM: Ga 18, 1 – 19, 42

“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

C: Người đọc Chung, Thánh Sử; S: Người đối thoại khác, hoặc Cộng đoàn. J: Chúa Giêsu

C. Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi với môn đệ sang qua suối Xêrông, ở đó có một khu vườn, Người vào đó cùng với các môn đệ. Giuđa, tên phản bội, đã biết rõ nơi đó, vì Chúa Giêsu thường đến đấy với các môn đệ. Nên Giuđa dẫn tới một toán quân cùng với vệ binh do các thượng tế và biệt phái cấp cho, nó đến đây với đèn đuốc và khí giới. Chúa Giêsu đã biết mọi sự sẽ xảy đến cho Mình, nên Người tiến ra và hỏi chúng:

J. “Các ngươi tìm ai?”

C. Chúng thưa lại:

S. “Giêsu Nadarét”.

C. Chúa Giêsu bảo: “Ta đây”.

C. Giuđa là kẻ định nộp Người cũng đứng đó với bọn chúng. Nhưng khi Người vừa nói “Ta đây”, bọn chúng giật lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi chúng:

J. “Các ngươi tìm ai?”

C. Chúng thưa:

S. “Giêsu Nadarét”.

C. Chúa Giêsu đáp lại: “Ta đã bảo các ngươi rằng Ta đây! Vậy nếu các ngươi tìm bắt Ta, thì hãy để cho những người này đi”.

C. Như thế là trọn lời đã nói: “Con chẳng để mất người nào trong những kẻ Cha đã trao phó cho Con”. Bấy giờ Simon Phêrô có sẵn thanh gươm, liền rút ra đánh tên đầy tớ vị thượng tế, chém đứt tai bên phải. Ðầy tớ ấy tên là Mancô. Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng:

J. “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén Cha Ta đã trao lẽ nào Ta không uống!”

C. Bấy giờ, toán quân, trưởng toán và vệ binh của người Do-thái bắt Chúa Giêsu trói lại, và điệu Người đến nhà ông Anna trước, vì ông là nhạc phụ của Caipha đương làm thượng tế năm ấy. Chính Caipha là người đã giúp ý kiến này cho người Do-thái: để một người chết thay cho cả dân thì lợi hơn. Còn Phêrô và môn đệ kia vẫn theo Chúa Giêsu. Môn đệ sau này quen vị thượng tế nên cùng với Chúa Giêsu vào trong sân vị thượng tế, còn Phêrô đứng lại ngoài cửa. Vì thế, môn đệ kia là người quen với vị thượng tế, nên đi ra nói với người giữ cửa và dẫn Phêrô vào. Cô nữ tì gác cửa liền bảo Phêrô:

S. “Có phải ông cũng là môn đệ của người đó không?”

C. Ông đáp:

S. “Tôi không phải đâu”.

C. Ðám thủ hạ và vệ binh có nhóm một đống lửa và đứng đó mà sưởi vì trời lạnh, Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế hỏi Chúa Giêsu về môn đệ và giáo lý của Người. Chúa Giêsu đáp:

J. “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ, Tôi thường giảng dạy tại hội đường và trong đền thờ, nơi mà các người Do-thái thường tụ họp, Tôi không nói chi thầm lén cả. Tại sao ông lại hỏi Tôi? Ông cứ hỏi những người đã nghe Tôi về những điều Tôi đã giảng dạy. Họ đã quá rõ điều Tôi nói”.

C. Nghe vậy, một tên vệ binh đứng đó vả mặt Chúa Giêsu mà nói:

S. “Anh trả lời vị thượng tế như thế ư”.

C. Chúa Giêsu đáp:

J. “Nếu Ta nói sai, hãy chứng minh điều sai đó; mà nếu Ta nói phải, thì tại sao anh lại đánh Ta?”

C. Rồi Anna cho giải Người vẫn bị trói đến cùng vị thượng tế Caipha. Lúc ấy Phêrô đang đứng sưởi. Họ bảo ông:

S. “Có phải ông cũng là môn đệ người đó không?”

C. Ông chối và nói:

S. “Tôi không phải đâu”.

C. Một tên thủ hạ của vị thượng tế, có họ với người bị Phêrô chém đứt tai, cãi lại rằng:

S. “Tôi đã chẳng thấy ông ở trong vườn cùng với người đó sao?”

C. Phêrô lại chối nữa, và ngay lúc đó gà liền gáy.

Bấy giờ họ điệu Chúa Giêsu từ nhà Caipha đến pháp đình. Lúc đó tảng sáng và họ không vào pháp đình để khỏi bị nhơ bẩn và để có thể ăn Lễ Vượt Qua. Lúc ấy Philatô ra ngoài để gặp họ và nói:

S. “Các ngươi tố cáo người này về điều gì”.

C. Họ đáp:

S. “Nếu hắn không phải là tay gian ác, chúng tôi đã không nộp cho quan”.

C. Philatô bảo họ:

S. “Các ông cứ bắt và xét xử theo luật của các ông”.

C. Nhưng người Do-thái đáp lại:

S. “Chúng tôi chẳng có quyền giết ai cả”.

C. Thế mới ứng nghiệm lời Chúa Giêsu đã nói trước: Người sẽ phải chết cách nào. Bấy giờ Philatô trở vào pháp đình gọi Chúa Giêsu đến mà hỏi:

S. “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?”

C. Chúa Giêsu đáp:

J. “Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?”

C. Philatô đáp:

S. “Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?”

C. Chúa Giêsu đáp:

J. “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng nước tôi không thuộc chốn này”.

C. Philatô hỏi lại:

S. “Vậy ông là Vua ư?”

C. Chúa Giêsu đáp:

J. “Quan nói đúng: Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng tôi”.

C. Philatô bảo Người:

S. “Chân lý là cái gì?”

C. Nói lời này xong, ông lại ra gặp người Do-thái và bảo họ:

S. “Ta không thấy nơi người này có lý do để khép án. Nhưng theo tục lệ các ngươi, ta sẽ phóng thích cho các ngươi một tù nhân vào dịp Lễ Vượt Qua. Vậy các ngươi có muốn ta phóng thích Vua Do-thái cho các ngươi chăng?”

C. Họ liền la lên:

S. “Không phải tên đó, nhưng là Baraba”.

C. Baraba là một tên cướp. Bấy giờ Philatô truyền đem Chúa Giêsu đi mà đánh đòn Người. Binh sĩ kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người và nói:

S. “Tâu Vua Do-thái!”

C. Và vả mặt Người. Philatô lại ra ngoài và nói:

S. “Ðây ta cho dẫn người ấy ra ngoài cho các ngươi để các ngươi biết rằng ta không thấy nơi người ấy một lý do để kết án”.

C. Bấy giờ Chúa Giêsu đi ra, đội mão gai và khoác áo đỏ. Philatô bảo họ:

S. “Này là Người”.

C. Vừa thấy Người, các thượng tế và vệ binh liền la to:

S. “Ðóng đinh nó vào thập giá! Ðóng đinh nó vào thập giá!”

C. Philatô bảo họ:

S. “Ðấy các ngươi cứ bắt và đóng đinh ông vào thập giá, phần ta, ta không thấy lý do nào kết tội ông”.

C. Người Do-thái đáp lại:

S. “Chúng tôi đã có luật, và theo luật đó nó phải chết, vì nó tự xưng là Con Thiên Chúa”.

C. Nghe lời đó Philatô càng hoảng sợ hơn. Ông trở vào pháp đình và nói với Chúa Giêsu:

S. “Ông ở đâu đến?”

C. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại câu nào. Bấy giờ Philatô bảo Người:

S. “Ông không nói với ta ư? Ông không biết rằng ta có quyền đóng đinh ông vào thập giá và cũng có quyền tha ông sao?”

C. Chúa Giêsu đáp:

J. “Quan chẳng có quyền gì trên tôi, nếu từ trên không ban xuống cho, vì thế nên kẻ nộp tôi cho quan, mắc tội nặng hơn”.

C. Từ lúc đó Philatô tìm cách tha Người. Nhưng người Do-thái la lên:

S. “Nếu quan tha cho nó, quan không phải là trung thần của Xêsa, vì ai xưng mình là vua, kẻ đó chống lại Xêsa”.

C. Philatô vừa nghe lời đó, liền cho điệu Chúa Giêsu ra ngoài rồi ông lên ngồi toà xử, nơi gọi là Nền đá, tiếng Do-thái gọi là Gabbatha. Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua. Philatô bảo dân:

S. “Ðây là vua các ngươi”.

C. Nhưng họ càng la to:

S. “Giết đi! Giết đi! Ðóng đinh nó đi!”

C. Philatô nói:

S. “Ta đóng đinh vua các ngươi ư?”

C. Các thượng tế đáp:

S. “Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Xêsa”.

C. Bấy giờ quan giao Người cho họ đem đóng đinh.

Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Và chính Người vác thập giá đến nơi kia gọi là Núi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đinh Người trên thập giá cùng với hai người khác nữa: mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa. Philatô cũng viết một tấm bảng và sai đóng trên thập giá. Bảng mang những hàng chữ này: “Giêsu, Nadarét, vua dân Do-thái”. Nhiều người Do-thái đọc được bảng đó, vì nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh thì gần thành phố, mà bảng viết thì bằng tiếng Do-thái, Hy-lạp và La-tinh. Vì thế các thượng tế đến thưa với Philatô:

S. Xin đừng viết “Vua dân Do Thái”, nhưng nên viết: “Người này đã nói: ‘Ta là vua dân Do-thái'”.

C. Philatô đáp:

S. “Ðiều ta đã viết là đã viết”.

C. Khi quân lính đã đóng đinh Chúa Giêsu trên thập giá rồi thì họ lấy áo Người chia làm bốn phần cho mỗi người một phần, còn cái áo dài là áo không có đường khâu, đan liền từ trên xuống dưới. Họ bảo nhau:

S. “Chúng ta đừng xé áo này, nhưng hãy rút thăm xem ai được thì lấy”.

C. Hầu ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Chúng đã chia nhau các áo Ta và đã rút thăm áo dài của Ta”. Chính quân lính đã làm điều đó.

Ðứng gần thập giá Chúa Giêsu, lúc đó có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng:

J. “Hỡi Bà, này là con Bà”.

C. Rồi Người lại nói với môn đệ:

J. “Này là Mẹ con”.

C. Và từ giờ đó môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. Sau đó, vì biết rằng mọi sự đã hoàn tất, để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, Chúa Giêsu nói:

J. “Ta khát!”

C. Ở đó có một bình đầy dấm. Họ liền lấy miếng bông biển thấm đầy dấm cắm vào đầu ngành cây hương thảo đưa lên miệng Người. Khi đã nếm dấm rồi, Chúa Giêsu nói:

J. “Mọi sự đã hoàn tất”.

C. Và Người gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Hôm đó là ngày chuẩn bị lễ: để tội nhân khỏi treo trên thập giá trong ngày Sabbat, vì ngày Sabbat là ngày đại lễ, nên người Do-thái xin Philatô cho đánh dập ống chân tội nhân và cho cất xác xuống. Quân lính đến đánh dập ống chân của người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu treo trên thập giá với Người. Nhưng lúc họ đến gần Chúa Giêsu, họ thấy Người đã chết, nên không đánh dập ống chân Người nữa, tuy nhiên một tên lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người; tức thì máu cùng nước chảy ra. Kẻ đã xem thấy thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cho các người cũng tin nữa. Những sự việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Người ta sẽ không đánh dập một cái xương nào của Người”. Lời Kinh Thánh khác rằng: “Họ sẽ nhìn xem Ðấng họ đã đâm thâu qua”.

Sau đó, Giuse người xứ Arimathia, môn đệ Chúa Giêsu, nhưng thầm kín vì sợ người Do-thái, xin Philatô cho phép cất xác Chúa Giêsu. Philatô cho phép. Và ông đến cất xác Chúa Giêsu. Nicôđêmô cũng đến, ông là người trước kia đã đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Ông đem theo chừng một trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương. Họ lấy xác Chúa Giêsu và lấy khăn bọc lại cùng với thuốc thơm theo tục khâm liệm người Do-thái. Ở nơi Chúa chịu đóng đinh có cái vườn và trong vườn có một ngôi mộ mới, chưa chôn cất ai. Vì là ngày chuẩn bị lễ của người Do-thái và ngôi mộ lại rất gần, nên họ đã mai táng Chúa Giêsu trong mộ đó.

Sau bài giảng tiếp tục lời cầu nguyện cho mọi người.

Cầu nguyện cho mọi người

I. Cho Hội Thánh

Anh chị em thân mến, ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa. Xin cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an, được Chúa bảo toàn ở khắp nơi trên hoàn cầu. Xin Chúa cũng ban cho ta được an cư lạc nghiệp hầu tôn vinh Người là Cha toàn năng.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho muôn dân được thấy vinh quang Chúa tỏ hiện nơi Ðức Ki-tô, là Ðấng yêu thương gầy dựng Hội Thánh Chúa. Cúi xin Chúa bảo vệ giữ gìn, để Hội Thánh đang hiện diện khắp nơi, luôn tin kính một niềm mà xưng tụng danh Chúa. Chúng con cầu xin…

II. Cho Ðức Thánh Cha

Ta hãy cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha T… Chính Chúa đã chọn người giữa hàng giám mục, xin Chúa cũng ban cho người luôn an khang để lãnh đạo toàn thể dân thánh.

Thinh lặng cầu nguyên. Rồi đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa an bài mọi sự cách khôn ngoan lạ lùng. Chính Chúa đã tuyển chọn Ðức T… và trao cho người nhiện vụ lãnh đạo dân thánh Chúa. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện, mà ân cần săn sóc giữ gìn người; để nhờ người, đức tin của mọi tín hữu luôn bền vững sắt son. Chúng con cầu xin…

III. cho hàng giáo sĩ và giáo dân

Ta hãy cầu cho Ðức Giám Mục T. của Giáo Phận chúng ta, cho hàng Giám Mục, linh mục, phó tế, cũng như mọi người phục vụ dân thánh, và cho toàn thể cộng đoàn tín hữu khắp địa cầu.

Thinh lặng cầu nguyên. Rồi đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Thánh Thần Chúa luôn hướng dẫn và thánh hoá toàn thể Hội Thánh. Này chúng con tha thiết nguyện cầu: xin Chúa thương cho mỗi thành phần Hội Thánh biết theo ơn đặc sủng Chúa ban để trung thành phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

IV. Cầu Cho Dự Tòng

Ta hãy cầu cho anh Chị Em dự tòng (có mặt nơi đây). Xin Chúa thương soi sáng tâm hồn họ, để họ được hiểu biết Chúa hơn. Xin Người mở lượng từ bi ban cho họ ơn tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, để họ được thứ tha tội lỗi và trở thành chi thể của Chúa Kitô.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi linh mục đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa làm cho Hội Thánh không ngừng sinh thêm nhiều con cái. Xin cho anh chị em dự tòng (có mặt nơi đây), được thêm lòng tin kính và hiểu biết Chúa hơn, hầu xứng đáng lãnh nhận ơn tái sinh nhờ bí tích Thánh Tẩy, và gia nhập đoàn nghĩa tử của Chúa. Chúng con cầu xin…

V. Cho mọi tín hữu được hiệp nhất

Ta hãy cầu cho mọi anh chị em cùng tin vào Ðức Kitô, và đang cố gắng sống theo sự thật, xin Chúa thương quy tụ và gìn giữ tất cả trong Hội Thánh duy nhất của Người.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi linh mục đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa muốn làm cho những ai ly tán được trở về đoàn tụ, và những kẻ sum vầy được luôn luôn hiệp nhất. Xin Chúa thương nhìn đến đoàn chiên của Ðức Kitô, và cho mọi người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy được mãi mãi đoàn kết với nhau, nhờ sống cùng một đức tin toàn vẹn, và chia sẻ một đức ái vững bền. Chúng con cầu xin…

VI. Cầu cho người Do-thái

Ta hãy cầu cho người Do-thái. Cha ông họ là những người đầu tiên đã được nghe lời Chúa phán dạy. Giờ đây xin Chúa làm cho họ ngày càng mến yêu danh thánh Chúa và trung thành với giao ước của Người.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi linh mục đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã hứa ban ơn cứu độ cho tổ phụ Áp-ra-ham và con cháu của người. Xin Chúa thương nghe lời Hội Thánh cầu nguyện cho dân tộc Chúa đã chọn xưa kia cũng được hưởng nhờ ơn cứu độ viên mãn của Ðức Kitô, Ðấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VII. Cho người ngoài Kitô giáo

Ta hãy cầu cho những người ngoài Kitô giáo. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn đưa họ vào đường cứu độ.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi linh mục đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cho những người tuy không tin vào Ðức Kitô, nhưng trước mặt Chúa vẫn ăn ngay ở lành, được hồng ân tìm thấy chân lý. Xin cũng ban cho chính chúng con, ngày càng biết tương thân tương ái và thiết tha sống kết hợp với Chúa, để trước mặt thế gian, chúng con có thể minh chứng rằng Chúa chính là tình thương. Chúng con cầu xin…

VIII. Cho người vô thần

Ta hãy cầu cho những người không nhận biết Thiên Chúa, nhưng vẫn sống theo lương tâm ngay thẳng: xin cho họ một ngày kia được gặp thấy Người.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi linh mục đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đặt vào trái tim con người niềm khát vọng đi tìm kiếm Chúa, khiến con người chỉ được bình an khi đã gặp thấy Chúa. Xin cho mọi người khắp thế gian, dù đang sống giữa muôn vàn nghịch cảnh, vẫn có thể nhận ra những dấu chỉ của tình yêu Chúa; và khi thấy các tín hữu sống đời bác ái yêu thương, họ sẽ vui mừng tin nhận duy có Chúa là Thiên Chúa đích thực và là Cha của hết mọi người. Chúng con cầu xin…

IX. Cho những nhà lãnh đạo quốc gia

Ta hãy cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia. Xin Chúa thương soi trí mở lòng để họ biết hành động theo thánh ý mà tận tình lo cho dân nước được an cư lạc nghiệp và vui hưởng tự do.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi linh mục đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa làm chủ lòng người, và bảo vệ quyền lợi của nhân dân các nước. Xin ghé mắt nhân từ mà ban ơn soi sáng trợ lực cho những nhà lãnh đạo quốc gia, để họ biết cùng nhau làm cho thế giới được hoà bình, muôn dân được thịnh vượng, và mọi người được hưởng tự do tôn giáo. Chúng con cầu xin…

X. Cho những người đau khổ

Anh chị em thân mến, ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng, dủ lòng thương giải thoát thế giới khỏi mọi sai lầm, khử trừ muôn bệnh tật, xua đuổi cơn đói kém, mở cửa ngục tù, bẻ tan xiềng xích, giữ gìn lữ khách được bình an, đưa kẻ tha hương về xứ sở, chữa lành các bệnh nhân, ban ơn cứu độ cho người đang hấp hối.

Thinh lặng cầu nguyện. Rồi linh mục đọc:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa hằng an ủi kẻ ưu phiền, ban sức mạnh cho người vất vả lầm than. Xin nghe tiếng nhân loại khổ đau nài van Chúa, và ban cho những người lâm cơn hoạn nạn được vui mừng cảm thấy Chúa nhân hậu phù trì. Chúng con cầu xin…

Phần Thứ II: Kính Thờ Thánh Giá

Hình Thức Thứ Nhất

(15) Ðem thánh giá có phủ khăn ra bàn thờ, hai người giúp lễ cầm nến cháy đi hai bên. Linh mục, đứng trước bàn thờ, nhận thánh giá, mở phần khăn che phía đầu thánh giá, nâng thánh giá lên và hát câu kêu mời: “Ðây là cây thánh giá…”, phó tế hoặc ca đoàn hát giúp linh mục. Mọi người đáp: “Ta hãy đến bái thờ”. Hát xong, mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát, linh mục vẫn đứng nâng cao thánh giá.

(16) Rồi linh mục mở khăn che cánh phải thánh giá, nâng cao thánh giá lên hát kêu mời như trên.

Sau cùng linh mục bỏ hết khăn che thánh giá, lại nâng lên và hát kêu mời như trên.

Hình Thức Thứ Hai

(17) Linh mục, hoặc phó tế, hay một thừa tác viên khác xứng hợp, cùng các người giúp lễ, đến cửa nhà thờ, nhận thánh giá không phủ khăn, các người giúp lễ thì nhận nến cháy, rồi đi kiệu qua lòng nhà thờ lên cung thánh. Tại ba nơi: ở gần cửa, ở giữa nhà thờ và ở lối vào cung thánh, người cầm thánh giá nâng cao lên và hát câu kêu mời: “Ðây là cây thánh giá…”; mọi người đáp: “Ta hãy đến bái thờ”, rồi quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát như trên. Sau đó đặt thánh giá và đèn nến ở lối vào cung thánh như trên. (số 17).

Lời Mời Gọi Kính Thờ Thánh Giá

X. Ðây là cây thánh giá, nơi đã treo Ðấng Cứu Ðộ trần gian

Ð. Ta hãy đến bái thờ.

Để kính thờ Thánh Giá, linh mục và giáo dân lần lượt tiến lên và tỏ lòng tôn kính Thánh Giá bằng cách bái gối, hoặc bằng một dấu hiệu nào khác thích hợp theo phong tục địa phương, ví dụ hôn Thánh Giá.

Phần Thứ III: Rước Lễ

(21) Trải khăn phủ bàn thờ và khăn thánh, rồi đặt sách lễ lên. Ðoạn phó tế hoặc chính linh mục nếu không có phó tế, đi rước Mình Thánh từ bàn thờ phụ theo đường tắt về bàn thờ chính, trong lúc đó mọi người đứng thinh lặng. Hai người giúp lễ cầm nến cháy cùng đi rước Mình Thánh với linh mục, sau đó đặt nến trên hay bên cạnh bàn thờ.

(22) Khi phó tế đã đặt Mình Thánh trên bàn thờ và mở bình đựng Mình Thánh rồi, linh mục tiến lại, cúi mình và bước lên bàn thờ. Nếu không có phó tế thì chính linh mục đặt Mình Thánh trên bàn thờ, mở bình đựng Mình Thánh, cúi mình, rồi chắp tay đọc lớn tiếng:

Vâng lệnh Chúa Cứu Thế và theo thể thức Người dạy, chúng ta dám nguyện rằng:

Lạy Cha chúng con… khỏi mọi sự dữ.

Linh mục giang tay đọc tiếp:

Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi, và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ chúng con.

Linh mục chắp tay. Giáo dân tung hô:

Vì vương quyền, uy lực và vinh quang là của Chúa đến muôn đời.

(23) Linh mục chắp tay đọc thầm:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, con sắp rước Mình và Máu Thánh Chúa, xin đừng để con vì thế mà bị xét xử và luận phạt, nhưng nhờ lòng Chúa nhân từ, xin che chở và cứu chữa hồn xác con.

(24) Linh mục cúi mình, tay trái cầm bình đựng Mình Thánh, tay phải cầm bánh thánh, giơ cao một chút, quay về phía giáo dân, đọc lớn tiếng:

Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian; phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.

Linh mục đọc chung một lần với giáo dân:

Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.

Rồi linh mục cung kính rước Mình Thánh Chúa.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Giêsu Kitô chịu chết và sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con. Xin tiếp tục công trình Chúa đã thực hiện mà làm cho chúng con tích cực thông phần vào mầu nhiệm cao cả này, để suốt đời chúng con hăng say phục vụ Chúa. Chúng con cầu xin…

Ðể giải tán, linh mục đứng quay về phía giáo dân, giơ tay trên họ và đọc lời nguyện sau đây:

Lời nguyện chúc lành trên dân Chúa

Lạy Chúa, cộng đoàn dân Chúa đây vừa tưởng niệm Con Một Chúa đã chịu chết vì chúng con, và tin tưởng sẽ được phục sinh với Người. Xin Chúa thương giáng phúc dồi dào, mà ban cho họ ơn tha thứ và niềm an ủi. Xin cho họ ngày càng thêm tin kính Chúa, và vững lòng trông cậy sẽ được ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Mọi người yên lặng ra về. Vào lúc thuận tiện lột khăn bàn thờ.

Suy niệm:

NGHỊCH LÝ CỦA THÁNH GIÁ (Ga 18, l-19.42)
Jos Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Buổi chiều hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Buổi chiều hôm nay là “giờ” của Thiên Chúa Cha đã định, và cũng là “giờ” của Đức Giêsu hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại; “giờ” của người Tôi Trung mà tiên tri Isaia đã loan báo. “Giờ” đó được hoàn tất trên Thánh Giá. Vì thế, phụng vụ chiều hôm nay đều quy chiếu về Thánh Giá Đức Kitô như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối.

1. Nghịch lý của Thánh Giá

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8); và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3).

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã là nguyên nhân để nhiều người được cứu độ, nhưng cũng không thiếu những kẻ cứng lòng, cố chấp và trai lỳ trong ích kỷ, kiêu ngạo. Những người như thế, họ coi đó như là hình phạt mà Đức Giêsu là người đáng phải chịu do tội mình gây nên.

Thật vậy, khi thập giá được dựng lên, và khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh thường. Họ coi thập giá như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm… Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Đức Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ chế độ và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Đức Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội!

Thật vậy, thập giá của Đức Giêsu hôm nay được tôn vinh, đã làm không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xét theo người đời, thì đây chính là sự ô nhục, hận thù, đáng ghét… là biểu tượng của sự chết tróc và thập giá vẫn chỉ là dụng cụ ghê rợn được dùng để sử tử tội nhân mà thôi.

Nhưng đối với Thiên Chúa, thì đây chính là sự khôn ngoan khôn dò thấu của Người. Thánh Phaolô đã nói: “Con Thiên Chúa chết trên thập giá là một trong những đường lối khôn ngoan sâu thẳm mà không một ai dò thấu” (x. Rm 11,33). Bởi vì Thiên Chúa đã dùng thập giá như một sự nghịch lý để cứu độ con người.

Thực ra thập giá luôn mang tính nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ.

Nhưng với những người tin, hẳn sự cảm nghiệm, suy nghĩ và thái độ hoàn toàn ngược lại. Những người đó sẽ coi thập giá trở thành Thánh Giá và Thánh Giá lúc này trở thành phương dược, để qua đó Đức Giêsu chuộc tội thay con người và cứu độ nhân loại.

Nếu xưa kia trong vườn Địa Đàng, Ađam đã ngã gục trước Cây Trái Cấm, và gieo rắc tội lỗi cho nhân loại, thì giờ đây, trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì mà Ađam đã đánh mất và để lại hậu quả cho nhân loại.

Như vậy, từ Cây Trái Cấm, sự chết đã tiêu diệt thế gian, và Trái Cấm là rào cản lớn đến độ con người không thể vượt qua, thì giờ đây, từ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì đã mất do Nguyên Tổ gây nên và mặc cho nó thành cây Sự Sống, quả Phúc Trường Sinh.

Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ điều này khi nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên xưng niềm tin và ơn cứu chuộc của mình nơi Thánh Giá, ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa […] Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (nhưng) cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,18-25).

Vì thế, “Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).

2. Đón nhận Thánh Giá như nguồn ơn cứu rỗi

Cuộc đời của người Kitô hữu, tức là cuộc đời của những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người luôn nghe thấy lời mời gọi của Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? ” (Mc 8,34-36); và: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).

Lời mời gọi đó đã được gióng lên ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội cũng như suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Như vậy, Thánh Giá trở nên cứu cánh và việc vác Thánh Giá trở thành điều kiện cần của chúng ta trên hành trình dõi bước theo Đức Giêsu.

Thánh Giá mà mỗi chúng ta phải vác ở đây chính là bổn phận phải chu toàn; là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa; là từ bỏ ý riêng… và phục vụ trong yêu thương.

Làm được như thế, ấy là chúng ta sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Giêsu. Đặt bước chân của ta vào dấu chân của Chúa, để sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng.

Như vậy, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy khi tuyên xưng: “ Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá […] (Và) tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi ” (Gl 2,19-20).

Mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, người kitô hữu chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, để được hiệp thông cách trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Ngài, và như một định luật đối với những người tin và theo Đức Giêsu là: qua đau khổ thì mới được vào vinh quang.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu treo trên Thánh Giá, xin thương xót và cứu chuộc chúng con. Amen.
 

DẠ, MUỐN LẮM NHƯNG KHÔNG DÁM
 

tbd 130422c

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật dữ kiện Chúa Giêsu lần thứ nhất tiên báo cuộc khổ nạn của Người và đưa ra những điều kiện để theo Người. Không thấy Tin Mừng tường thuật tiếp thái độ của đám đông là dừng lại hay tiếp tục đi theo, tuy nhiên các tông đồ thì vẫn còn theo Thầy (x.Mt 16,21-26; Mc 8,31-38; Lc 9,22-26 ). Đặt mình vào hoàn cảnh đám đông đang theo Chúa Giêsu năm xưa, nghe Người nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34) chắc hẳn rất nhiều Kitô hữu nhiệt thành và đạo đức sẽ nói rằng “con muốn”. Tuy nhiên, nếu chịu khó tìm hiểu khúc gỗ hình chữ thập trên vai Chúa Giêsu là gì, thì có đó không ít người khiêm nhu và trung thực thân thưa: “Dạ con muốn lắm nhưng không dám”.

Khúc gỗ hình chữ thập trên vai Chúa Giêsu là gì? Thập giá là án phạt tử hình độc ác, rùng rợn, dã man mà đế quốc Rôma đặt ra để trừng trị các phạm nhân mắc trọng tội. Cách riêng thời Chúa Giêsu thì nó được dùng làm vũ khí đàn áp những chí sĩ Do Thái muốn giải phóng quê hương khỏi ách nô lệ đế quốc Rôma, dành lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Quan Philatô lúc bấy giờ rất thích dùng án hình này. Chắc chắn khi Chúa Giêsu tiên báo án hình khổ giá mình sẽ phải chịu thì có thể nhiều môn đệ hiểu lý do về mặt chính trị, vì đây như là mục đích chính mà các vị “từ bỏ mọi sự” mà đi theo Người.

Cùng xét xem bối cảnh mà Chúa Giêsu nói lời tiên báo về cuộc khổ nạn thập giá. Sau khi rao giảng chân lý về nước Thiên Chúa và miệt mài giáng phúc thi ân bất chấp một vài luật lệ của Do Thái giáo, cách riêng là luật ngày lễ nghỉ thì Chúa Giêsu đã bị nhiều lãnh đạo Do Thái giáo, nhiều người biệt phái và kinh sư ganh ghét, tìm cách hãm hại. Hai trong ba lần tiên báo về cuộc khổ nạn thập giá của mình Chúa Giêsu đã nói rõ chính các Thượng tế, kỳ lão và kinh sư ở Giêrusalem là những người trực tiếp áp đặt khúc gỗ chữ thập trên vai của Người (x.Mt 16,21-23; Mc 8,31-33; Lc 9,22; Mt 20,17-19; Mc 10,32-34; Lc 18,31-34).

Theo bối cảnh này chúng ta thoáng nhận ra lý do Chúa Giêsu phải đón chịu khúc gỗ hình chữ thập đó là vì Người muốn dùng ánh sáng chân lý qua lời giảng dạy và việc làm để giải thoát nhân loại ra khỏi ách kìm hãm của thần dữ, ra khỏi cung cách sống đạo như là người nô lệ mà nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ đang áp đặt trên dân. Trước tòa Philatô, chính Người đã khẳng định: “Phải, tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Trước đó Người đã từng nói với những người Do Thái: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ của tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông:” (Ga 8,31-32).

Là loài có sự sống, con người chúng ta bị chi phối bởi ba bản năng là sinh – tồn và thống trị. Bên cạnh hai bản năng sống, tồn tại và lưu truyền nòi giống thì bản năng thống trị luôn chi phối các hoạt động của chúng ta. Đặc biệt khi có chút quyền lực về mặt xã hội hay tôn giáo thì bản năng này có dịp nổi lên dưới nhiều hình thức mà mục đích đến là kiểm soát, nô lệ hóa tha nhân để bảo vệ vị thế và quyền lực của mình. Đã và đang có đó nhiều vị lãnh đạo ngoài xã hội nơi này, nơi kia dù rằng vẫn tuyên bố là tôn trọng sự tự do của người dân nhưng lại bắt dân phải sử dụng “tự do trong khuôn khổ”. Sự xảo quyệt ở đây nằm ở phạm trù “khuôn khổ”. Thực chất đó chính là những cơ chế, luật lệ do chính những người lãnh đạo đặt ra mà nhiều khi rất bất minh và thiếu công bình. Và thế là người dân, nhất là dân nghèo được “tự do sống đời nô lệ”. Đã và đang có đó nhiều lãnh đạo các tôn giáo nô lệ hóa các tín hữu bằng những lời giảng dạy một chiều, bằng tập tục và truyền thống của mình, nhất là bằng việc thần thánh hóa cách tuyệt đối quyền bính mình đang đảm nhận. Và thế là nhiều tính hữu cách vô tri sống đạo cách thiếu trưởng thành, chỉ biết “xưa bày nay làm”, “trên bảo sao thì dưới nghe vậy”.

Chúa Giêsu cam chịu vác thập giá là để giải thoát nhân loại chúng ta khỏi kiếp nô lệ, đưa chúng ta về với cảnh đời con cái tự do của cùng một Cha trên trời. Thiết nghĩ rằng vì lý do nào đó mà chúng ta cam chịu cảnh sống vong thân, quá lệ thuộc thì có lẽ thập giá của Chúa Kitô đã ra vô ích với chúng ta. Cũng xin hãy cẩn trọng với nhiều hình thức nô lệ hóa tha nhân bằng thần quyền qua những truyền thống do chính bàn tay chúng ta làm ra. Dù rằng rất nhiều trường hợp chúng ta vẫn được Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ vì chúng ta “lầm, không biết việc mình làm là sai trái” (x.Lc 23,34), nhưng chính chúng ta đang góp phần đặt lên vai Người khúc gỗ hình chữ thập.

Vác thập giá mình mà đi theo Chúa Giêsu là không chỉ muốn sống đời tự do như là con cái Nước Trời mà còn phải nỗ lực giúp tha nhân thoát khỏi vòng nô lệ dưới mọi chiều kích và hình thức. Chắc chắn có đó nhiều gian truân, cách riêng sự phản kháng và đàn áp của những người quyền cao chức trọng đang nô lệ hóa tha nhân để bảo vệ quyền uy của mình. Sự khốn khó mỗi người mỗi khác nhưng đó là thập giá. Lạy Chúa, chúng con muốn theo Chúa nhưng vác thập giá thì lại không dám. Ước gì chúng con cảm nhận được lời của Chúa xưa ngõ với các tông đồ: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33), và với vị tông đồ dân ngoại, Phaolô: “Ơn ta đủ cho con” (2Cr 12,9).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây