Mùng Hai Tết Nguyên Đán
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.”
Suy niệm Tin Mừng Mùng Hai Tết
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh
Suy niệm
Người Việt Nam chúng ta đón xuân không chỉ một ngày nhưng tới ba ngày. Dù có ba ngày tết nhưng mỗi ngày có một ý nghĩa riêng biệt và có tính cách thiêng liêng trong tương quan giữa Thiên – Địa – Nhân. Ngày đầu tiên của năm mới được mời gọi hướng lên trời và hướng về tương lai, ngày thứ hai được mời gọi hướng về quá khứ với những niềm vui gia đình, từ ông bà tổ tiên cho tới Cha Mẹ, anh chị em trong cùng một mái ấm. Có cháu rồi mới có Ông, có con rồi mới được gọi là Cha. Các bậc tổ tiên là Ông Bà luôn được coi là cây cao bóng cả cho một gia đình, một dòng tộc, Kinh thánh cũng luôn nhắc nhở hãy thảo kính Cha Mẹ, Ông Bà trong mọi hoàn cảnh. Phụng vụ Lời Chúa ngày mồng hai tết mời gọi người tín hữu Kitô hãy hướng về cội nguồn của mình, để cầu nguyện cho các ngài, nếu đã qua đời, hãy phụng dưỡng các ngài, nếu còn sống bên cháu con.
Tĩnh lặng một chút trong bầu khí của ngày mồng hai tết, mỗi người hãy lắng nghe lời dạy bảo của tác giả sách Huấn Ca trong tâm tình thảo hiếu với tổ tiên: “Các vị sau đây là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ”. Với những tâm tình tôn giáo bình dị, trái tim của các bậc tiền nhân luôn cháy bỏng, luôn khát khao, làm sao để có một đức tin kiên vững như là một gia bảo lưu lại cho con cháu. Các ngài đã làm hết tất cả, hy sinh tất cả, ngay cả sự sống của mình, để lưu truyền cho hậu thế một đời sống đạo trung kiên, một trái tim mở luôn sẵn sàng dành trọn cho Thiên Chúa.
Sau khi lãnh nhận sứ vụ tông đồ dành riêng cho dân ngoại, thánh Phaolô không để quên hình ảnh gia đình, trong lá thư gởi giáo đoàn Ê-phê-sô, thánh nhân đã nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là con cháu, hãy nhớ đến Cha Mẹ trong mọi hoàn cảnh, hãy sống đạo hiếu làm con mỗi ngày cho vuông tròn: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này. Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi”. Được Thần Khí hướng dẫn, người tín hữu Kitô hãy dùng lời cầu nguyện như là lễ vật đầu tiên dâng về tổ tiên. Lời cầu nguyện của người công chính rất hiệu nghiệm và cũng rất đẹp lòng Thiên Chúa, bởi đó là lời cầu nguyện của những người con cháu sống đạo hiếu vuông tròn với Cha Mẹ, với tổ tiên.
Đức Giêsu, khi nhập thể cứu đời, đã chọn một gia đình, nơi đó có người Cha, người Mẹ rất mực yêu thương con. Yêu thương không là chiều chuộng, nhưng là dạy dỗ, yêu thương không là nghiêm phạt, nhưng là chỉ dạy, tất cả cho con nên người, nên con Thiên Chúa. Người con nơi gia đình Thánh đó đã sống đạo làm con thật vẹn toàn, luôn biết lắng nghe và chăm chỉ làm việc, luôn biết đón nhận và tôn trọng, vì thế, dù có phải chu toàn bổn phận với Cha trên trời, Ngài luôn trở về với gia đình, với Mẹ Cha. Ngài còn dạy dỗ các học trò của mình hãy sống với Cha Mẹ cho tròn chữ hiếu, đạo làm con: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. Đây là lời dạy của Thiên Chúa Cha, vì thế, dù là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu luôn tìm ý Cha để thực hiện, không biết các học trò của Ngài, khi được dạy dỗ như thế có biết thực hành để thành người con hiếu thảo với Mẹ Cha, với Thầy Chí Thánh của mình không.
Ánh sáng của Lời Chúa trong ngày mồng hai tết hướng dẫn cho các tín hữu Kitô như thế, làm sao có thể nói ai theo đạo Công Giáo là từ bỏ Cha Mẹ, từ bỏ tổ tiên. Mỗi ngày khi hiệp dâng Thánh lễ, người Kitô hữu luôn tưởng nhớ và cầu nguyện cho các bậc tổ tiên, cầu nguyện cho những người thân yêu đã ra đi trước chúng con. Lời cầu nguyện cho các bậc tổ tiên luôn chất đầy những tâm tình biết ơn và cung kính. Không phải dâng kính cho các bậc tổ tiên những lễ vật quý giá, đắt tiền, hay mâm cao cỗ đầy mới là hiếu thảo, nhưng thái độ sống của con cháu mỗi ngày mới là lễ vật đẹp lòng các bậc tổ tiên, bởi các ngài luôn mong con cháu hãy biết lắng nghe và đem ra thực hành những gì các ngài đã được dạy dỗ, để từng ngày trở thành con người thực sự, trở thành con cái Thiên Chúa mỗi ngày.
Sống đạo hiếu không chỉ là một chiều kích từ con cái đến Cha Mẹ, Ông Bà, nhưng còn là sự tương tác giữa các thế hệ với nhau. Các bậc Cha Mẹ, Ông Bà được coi là những người thầy dạy dỗ đức tin cho con cháu. Để được gọi là những người thầy dạy dỗ đức tin, các bậc Cha Mẹ có nên sửa đổi thái độ sống đức tin của mình cho phù hợp với tinh thần của Giáo hội, sửa đổi hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn mình cho thích nghi với hoàn cảnh cuộc sống xã hội của từng thế hệ và giai đoạn lịch sử không. Đó mới là những người thầy mẫu mực. Đức Giêsu, dù là Con Thiên Chúa, khi sống giữa gia đình của con người, Ngài luôn ý thức mình là con của Cha Mẹ, phải vâng lời và lắng nghe, còn thánh Giuse và mẹ Maria, là những người làm Cha làm Mẹ, biết con mình là Đấng Cứu Thế, nhưng luôn lấy truyền thống tôn giáo, lấy tinh thần lề luật để dạy con sống với Thiên Chúa cho đẹp lòng Ngài. Đó có phải là một mẫu mực của những người sống đạo hiếu trong các gia đình hôm nay không?
Lạy Chúa, mỗi người chúng con được sinh ra trong các gia đình, có Cha có Mẹ, có tổ có tiên, các ngài đã nuôi dạy chúng con bằng đức tin và sự sống của các ngài, xin Chúa chúc lành cho các ngài khi các ngài còn sống, và ban bình an Nước Trời cho các ngài khi đã qua đời. Là một người con trong gia đình thánh, Chúa luôn chu toàn bổn phận làm con của mình, xin Chúa dạy chúng con sống đạo làm con đó mỗi ngày trong từng hoàn cảnh, để chúng con luôn là những người con hiếu thảo, sống đẹp lòng Mẹ Cha. Xin Chúa chúc lành cho những người đã dạy dỗ chúng con nên người cách này cách khác, để chúng con biết Chúa, biết tha nhân là ai, từ đó, mỗi người chúng con tiếp bước các ngài, loan truyền ánh sáng tin mừng cho mọi người đang sống chung quanh chúng con. Amen.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn