TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – B

Thứ hai - 12/02/2024 13:39 |   758
“Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” (Mc 9,2-10)

25/01/2024
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – B

cn t2 MCb

Mc 9,2-10


CÁI GIÁ CỦA VINH QUANG
Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.(Mc 9,2-10)

Suy niệm: Không có con đường nào dẫn tới vinh quang lại trải đầy hoa” (La Fontaine). Để đạt được tấm huy chương vàng danh giá, các vận động viên Olympics đã khổ công tập luyện. Cái giá họ phải trả là mồ hôi và cả máu họ đổ ra suốt thời gian tập luyện và thi đấu nữa. Được chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Trên núi Ta-bo, ba môn đệ đã mê mẩn, chỉ muốn ‘dựng lều’ để ở lại mãi trên núi với Thầy và các ông Mô-sê và Ê-li-a. Cho các ông thấy vinh quang của Ngài, Chúa muốn củng cố đức tin của họ trước cú ‘sốc’ của Ngài sẽ chịu khổ hình. Nhưng Chúa bắt các ông ‘xuống núi’ với mệnh lệnh phải giữ kín việc hiển dung này cho đến khi “Con Người từ cõi chết sống lại” để họ ý thức rằng thập giá Núi Sọ là cái giá phải trả cho vinh quang họ thấy trên Núi Hiển Dung, vinh quang chỉ đạt được nếu họ cùng đi với Ngài trên con đường thập giá.

Mời Bạn: Những cây thánh giá bằng vàng bạc sẽ chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc trang sức nếu như bạn không vác những cây ‘thập giá’ trong đời bạn. “Vinh quang của ta là Thánh giá Đức Ki-tô”, đúng là vậy, nhưng chỉ đúng khi chúng ta “cùng vác thập giá với Ngài” rồi mới có thể “cùng Ngài phục sinh”.

Chia sẻ: Bạn sẽ hy sinh điều gì hoặc từ bỏ nết xấu nào nơi mình để có thể gọi là bạn vác thập giá mình theo Chúa Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Đón nhận một sự gây  khó dễ, một lời chỉ trích hay phê phán từ người khác với thái độ tích cực.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giê-su chí thánh, xin cho con biết vác thập giá đời mình theo Thầy, hầu mai ngày cùng Thầy đạt tới phúc vinh quang. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật II Mùa Chay -Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Qua cuộc biến hình trên núi Taborê Thiên Chúa đã long trọng giới thiệu cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan: “Đây là con Ta yêu dấu”. Biến cố đó cũng nói với chúng ta ràng cuộc đời có những lúc đầy thử thách và khổ đau, nhưng cũng có lúc được vinh quang, với điều kiện là chúng ta luôn bước theo con đường Chúa đi, với niềm tin tưởng cậy trông, không bao giờ ngã lòng thất vọng. Mùa chay cho chúng ta cơ hội quí báu, để nhìn lại chính mình, biết chết đi cho những lối sống của thế gian, bằng cách hy sinh và từ bỏ chính mình. Chúa không đòi chúng ta phải hiến tế như Abraham xưa, nhưng kêu gọi chúng ta quay lưng lại với tính ích kỷ của mình. Để thắng vượt được những yếu hèn tội lỗi và trở nên con người trưởng thành chín chắn, chúng ta cần kiên nhẫn, nỗ lực suốt đời và thành tâm thống hối.

Ca nhập lễ

Tâm hồn tôi thưa cùng Chúa, mắt tôi tìm kiếm Chúa. Lạy Chúa, tôi tìm kiếm dung nhan Chúa. Xin đừng ẩn mặt xa tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18

“Của hiến tế của Abraham Tổ phụ chúng ta”.

Trích sách Sáng Thế.

Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”.

Khi hai người đến nơi Chúa đã chỉ, Abraham làm một bàn thờ và chất củi lên, rồi trói Isaac lại, đặt lên bàn thờ trên đống củi. Abraham giơ tay lấy dao để sát tế con mình. Bấy giờ thiên thần Chúa từ trời gọi ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông thưa lại: “Dạ, con đây”. Người nói: “Ðừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta”. Abraham ngước mắt lên, thấy sau lưng mình có con cừu đực đang mắc sừng trong bụi cây, Abraham liền bắt nó và tế lễ thay cho con mình. Thiên thần Chúa gọi Abraham lần thứ hai và nói rằng: “Chúa phán: Ta thề rằng: vì ngươi đã làm điều đó, ngươi không từ chối dâng đứa con duy nhất của ngươi cho Ta, nên Ta chúc phúc cho ngươi, Ta cho ngươi sinh sản con cái đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển; miêu duệ ngươi sẽ chiếm cửa thành của quân địch, và mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 10 và 15. 16-17. 18-19

Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (Tv 114, 9).

Xướng: Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: “Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!” Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

Xướng: Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, con là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tỳ Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giê-rusalem hỡi! .

Bài Ðọc II: Rm 8, 31b-34

“Thiên Chúa không dung tha chính Con mình”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố cáo những kẻ Chúa chọn? (Chẳng lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án? (Chẳng lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại, đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 17, 5

Từ trong đám mây sáng chói, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Phúc Âm: Mc 9, 1-9

“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế : Anh chị em thân mến! Để mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Đức Kitô nên nguồn trợ lực chúng ta trong cuộc sống,và giữa muôn vàn thử thách, chúng ta vẫn luôn giữ trọn niềm tin, lòng trung thành với Chúa và Hội Thánh, chúng ta cần khiêm tốn kêu xin :

1 .”Giờ đây Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất”.- Xin cho các vị Chủ chăn trong Hội Thánh sẵn sàng vâng phục tôn ý của Thiên Chúa, hầu nên gương sáng cho đoàn tín hữu biết tuân hành Thiên Ý trong cuộc đời.

2. “Nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta thì ai có thể chống lại chúng ta ”.- Xin cho giới trẻ công giáo, đang sống trong xã hội mà trào lưu tư tưởng phủ nhận Thiên Chúa, biết sáng suốt và can đảm đặt hết niềm xác tín vào Đức Giêsu, để vượt thắng mọi cám dỗ của ba thù.

3. “Người biến hình trước mặt các ông”.- Xin cho người tín hữu đã tiếp nhận ánh sáng ngày chịu phép Rửa Tội, luôn biết chiếu tỏa ánh quang thánh thiện của Đức Kitô, trong mọi môi trường sinh sống của mình.

4. “Lạy Thầy chúng con ở đây thì tốt lắm”.- Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, cảm thấy hạnh phúc có Chúa luôn đồng hành, để trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc gặp thử thách, chúng ta có thể can đảm thưa như Thánh Phêrô.

Chủ tế:  Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con đến trao ban Con Chí Ái làm lễ tế đền tội chúng con. Xin cho chúng con hiểu được thảm trạng của tội lỗi, và tình thương bao la của Chúa, để nỗ lực chống lại các dịp tội, tích cực sống thánh thiện, hầu xứng đáng với ơn nghĩa tử Chúa ban. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chớ gì của lễ này đem lại cho chúng con nguồn ơn tha tội và thánh hoá, hầu chuẩn bị hồn xác chúng con và toàn thể tín hữu được xứng đáng mừng lễ Vượt Qua. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Chúa là Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con, nhờ Ðức Ki-tô, Chúa chúng con. Sau khi cho các môn đệ biết Người sẽ chịu chết, thì trên núi thánh Người đã tỏ bày vinh quang của Người cho các ông. Nhờ lề luật và các ngôn sứ làm chứng, Người đã cho các môn đệ hiểu rằng; phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh. Vì thế, cùng với triều thần thiên quốc, chúng con ở dưới trần gian luôn ca tụng Chúa uy linh cao cả, và không ngừng tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh…

Ca hiệp lễ

Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, các ngươi hãy nghe lời Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con được vinh dự rước Mình và Máu Thánh Ðức Ki-tô là bí tích nhiệm mầu cao cả. Chúng con xin chân thành cảm tạ vì Chúa đã cho chúng con được nếm thử phúc lộc trên trời ngay khi còn ở dưới thế. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐƯỜNG LỐI CỦA THIÊN CHÚA VÀ TƯ TƯỞNG CỦA CON NGƯỜI
(St 22, 1-2.9a.10-13.15-18.Rm 8, 31b-34. Mc 9, 2-10)
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Hôm nay, thánh sử Máccô trình thuật câu chuyện Đức Giêsu biến hình. Việc Đức Giêsu biến hình được diễn ra sau khi vị Tông đồ trưởng tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Tuy nhiên, ngay sau khi ông tuyên tín như vậy, Đức Giêsu đã tiên báo cho các ông biết trước về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ phải chịu. Thấy vậy, Phêrô đã can ngăn kịch liệt khi nhân danh Thiên Chúa để bảo vệ Thầy mình, ông nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22).

Nhưng Đức Giêsu đã quở mắng cách nặng nề khi nói ông là “Xatan”. Ngài cũng nói thêm: Tư tưởng của Phêrô là tư tưởng của loài người, không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.

Chính vì lý do trên, mà hôm nay, Đức Giêsu đã dẫn ba môn đệ thân tín với mình lên núi Tabor và biến hình trước mắt các ông, để qua đó, dần dần Ngài mặc khải và dẫn các ông vào đường lối cũng như tư tưởng của Thiên Chúa.

1. Lý do Đức Giêsu hiển dung

Các môn đệ là những người được Đức Giêsu đích thân tuyển chọn làm trợ tá cho Ngài, để rồi mai đây chính Ngài sẽ trao phó Giáo Hội cho các ông, ngõ hầu các ông sẽ tiếp bước đường lối và tư tưởng của Thiên Chúa!

Tuy nhiên, không thể trao phó một công trình vĩ đại, quan trọng, mang tính trường tồn cho những người lơ mơ…, trao phó như thế thì chẳng khác gì “trao trứng cho ác”.

Thiếu hiểu biết và nhiều khi hiểu sai đường lối của Đức Giêsu nơi các môn đệ thật là rõ nét, vì đã có những lúc các ông phỏng chiếu một Đức Giêsu oai phong, quyền lực, chẳng khác gì các vị tướng lãnh chốn trần ai.

Thế nên, nơi các ông, nhiều lần họ đã đôi co với nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời; có những người lại còn dẫn cả mẹ mình đến để năn nỉ cho được ngồi bên tả và bên hữu trong Nước mà Đức Giêsu sẽ thiết lập; rồi cụ thể như Phêrô, chỉ cách đó có 6 ngày, ông đã đại diện cho anh em để tuyên xưng hùng hồn niềm tin của mình vào Thầy Giêsu, nhưng sau đó, khi nghe thấy Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ phải chịu, ngay lập tức, ông đã không chần trừ, mà đã khẳng khái lên tiếng can ngăn! Như vậy, các môn đệ là những người kề vai sát cánh bên Đức Giêsu, nhưng tư tưởng của các ông vẫn lè phè dưới đất, chưa vươn lên để hiểu được tâm tư của Thầy mình.

Chính vì những lý do này, nên các ông không thể chấp nhận một Vị Tôn Sư mà mình chọn làm người dẫn dắt, lại là một người thất bại qua cái chết đau thương và nhục nhã trên cây thập tự giá như một tử tội được!

Để giúp các môn đệ, nhất là ba môn đệ thân tín mà sau này chính các ông sẽ là các chứng nhân trong những chuyện đặc biệt, nên Đức Giêsu đã đưa các ông lên núi Tabor để biến hình trước mắt các ông, nhằm củng cố đức tin, ban hành sứ điệp và đưa các ông đi vào đường lối cứu chuộc của Thiên Chúa.

2. Qua đau khổ mới đến vinh quang

Câu chuyện biến hình được khởi đi từ việc Đức Giêsu dẫn ba môn đệ của mình lên núi, và đang khi Ngài cầu nguyện “rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy  (x. Mc 9, 3).

Bên cạnh Ngài còn có Môsê là người đại diện cho lề luật Cựu Ước, và Elia là ngôn sứ vĩ đại nhất. Cả hai cùng hiện ra và đàm đạo với Đức Giêsu. Điều này cho thấy: toàn bộ lề luật và lời các ngôn sứ đều quy hướng về Đức Giêsu và về cuộc khổ nạn, phục sinh của Ngài như là trung tâm của công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Đức Giêsu!

Khi thấy diện mạo Đức Giêsu biến đổi và khung cảnh thánh thiêng, huy hoàng tuyệt đẹp như vậy, tâm hồn các ông ngây ngất và lòng các ông hân hoan quá đỗi.

Chắc chắn trong cuộc đời của các ông chưa một lần nào được hạnh phúc như vậy! Vì thế, Phêrô đã thay lời cho Gioan và Giacôbê để thưa lên với Đức Giêsu, ông nói: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mc 9, 5).

Qua lời đề nghị này của Phêrô, lại một lần nữa, nơi ông toát lên tính hưởng thụ, thực dụng…! Ông muốn được ở lại trong vinh quang với Đức Giêsu mãi mãi và không chịu đối diện với thực tế mà ông và các bạn của ông sẽ còn phải tiếp tục…!!!

Thấy được điều đó, Đức Giêsu đã không để cho các ông rơi vào tình trạng bi đát của tư tưởng: “Thích sướng, ngại khổ”. Nên Ngài đã không những khước từ đề nghị của ông, mà còn mặc khải cho ông hiểu được quy luật tất yếu của Tin Mừng, đó là: “Phải qua đau khổ mới tới vinh quang.”

Sau khi cho các ông lạc vào thiên cung, cho các ông nếm trước vinh quang Thiên Quốc, Đức Giêsu đã mời gọi các ông phải xuống núi.

Xuống núi với anh em, với đồng loại, và với những công việc thường ngày.

Xuống núi để tiếp tục cuộc hành trình theo Thầy của mình. Xuống núi trong tâm tình cảm nghiệm rõ nét con đường mà Thầy đã, đang và sẽ đi, để mai đây chính mình sẽ tiếp bước.

3. Sứ điệp Lời Chúa

Trong đời sống thực tế của nhiều người nơi cộng đoàn, đã có nhiều lần chúng ta cũng mang trong mình tư tưởng của các Tông đồ khi xưa, đó là: tham sân si; tranh gành địa vị; trọng hình thức mà quên đời sống nội tâm. Nhiều khi gây chia rẽ, lên mặt dạy đời, hay luôn chọn cho mình những công việc nhàn hạ, còn việc nặng nhọc để lại cho người khác. Rồi cũng không thiếu những người theo Chúa, tin Chúa, nhưng theo và tin kiểu công dân hạng hai, tức là lúc thuận tiện thì theo và tin…, nhưng khi gian nan thử thách đến là bỏ giữa chừng và sẵn sàng đi cầu ông nọ, khấn bà kia thay Chúa.

Đôi khi chúng ta cũng có tư tưởng thực dụng như: tìm mọi cách để níu kéo Thiên Chúa về với mình. Thiên Chúa là Đấng ta được hưởng độc quyền, còn người khác, chúng ta luôn muốn Chúa phải thẳng tay để đánh phạt họ….

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có tư tưởng của Thiên Chúa thay cho tư tưởng của loài người. Đó là: luôn đặt ý Chúa lên trên hết. Phải biết yêu thương nhau chân thành. Xây dựng tình huynh đệ, hiệp nhất và bình an. Sẵn sàng kề vai sát cánh bên nhau cả những công việc nhẹ nhàng lẫn công việc nặng nề.

Biết đón nhận những đau khổ, thử thách trong đời sống đạo với tâm tình: Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28). Và: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Sẵn sàng lột xác để biến đổi, để từ con người ích kỷ, thành bao dung; từ chỗ thực dụng thành vô vị lợi; từ chỗ chỉ biết nghĩ đến mình, thì giờ đây biết nghĩ đến người khác; từ chỗ muốn được hạnh phúc và sung sướng mà không chấp nhận đau khổ, thành một người mang trong mình tư tưởng của Thiên Chúa và đi vào đường lối của Đức Giêsu đã đi, đó là: “Qua đau khổ mới đến vinh quang”.

Muốn thực thi được những điều trên, quan trọng nhất, chúng ta phải biết lắng nghe lời Đức Giêsu, thi hành điều Ngài dạy và đi theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đã đi khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn đã có nhiều lần chúng con như các môn đệ khi xưa, đó là: chỉ thích sung sướng, hạnh phúc mà không biết đón nhận khổ đau. Xin Chúa khai trí mở lòng chúng con, để chúng con hiểu được đường lối cũng như tư tưởng của Chúa, từ đó, biết đi theo Chúa trên chính con đường mà Ngài đã đi để được sống đời đời. Amen. 

LỜI HẰNG SỐNG NUÔI DƯỠNG ĐỨC TIN
(CHÚA NHẬT TUẦN 2 MÙA CHAY NĂM B)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay, năm B này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa muốn chúng ta phải vâng nghe Con yêu dấu của Người, phải biết lấy Lời Hằng Sốngnuôi dưỡng đức tin của chúng ta, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn của chúng ta sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng ta.

Dân Chúa nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong dòng lịch sử, trên đường dẫn tới Đất Hứa, vượt qua Biển Đỏ. Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Xuất Hành cho thấy: Đức Chúa dẫn đầu Dân của Người, mặc dù, dân Aicập có đuổi theo và bắt kịp, nhưng, có Chúa hiện diện, Chúa sẽ ra tay bảo vệ Dân của Người: Thuở Ítraen ra khỏi Aicập, thuở nhà Giacóp rời bỏ ngoại bang, thì Giuđa trở thành nơi Chúa ngự, Ítraen nên lãnh địa của Người. Bấy giờ ĐỨC CHÚA đi đằng trước họ, trong một cột mây để dẫn đường.

Chúng ta phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa, bởi vì, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Lêô Cả đã cho thấy: Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. Anh em đã tới cùng Vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giêsu. Anh em phải coi chừng, chớ từ chối không nghe Đấng phán dạy. Quả thật, những ai từ chối không nghe Đấng tuyên sấm ở dưới đất, đã không thoát khỏi hình phạt, huống hồ là chúng ta, làm sao chúng ta thoát được, nếu chúng ta quay lưng lại không chịu nghe Đấng tuyên sấm từ trời.

Trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Sáng Thế cho thấy: Ông Ápraham đã tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa của Chúa, khi cầm dao sát tế con mình. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 115, vịnh gia cũng đã tuyên xưng đức tin, ngay cả trong tình cảnh ê chề nhục nhã: Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời trong cõi đất dành cho kẻ sống. Tôi đã tin cả khi mình đã nói: “Ôi nhục nhã ê chề !” Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô cũng kêu gọi chúng ta: hãy đặt hết niềm tin tưởng nơi Chúa, bởi vì, đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?

Đức Giêsu nói: Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Chúa Cha, Người luôn đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha, vì thế, Người rất đẹp lòng Chúa Cha, mà bài Tin Mừng, và câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay đã nói lên điều đó: Từ đám mây sáng chói, tiếng Chúa Cha phán rằng: Đây là Con yêu dấu, làm vui thoả lòng Ta, hãy vâng nghe lời Người.

Đức Giêsu đã làm gì, để được Chúa Cha ca ngợi là Con yêu dấu, làm vui thỏa lòng Cha? Chúng ta cũng đã từng nghe Đức Giêsu ngợi khen Cha vì Cha đã mặc khải những mầu nhiệm cao cả cho những kẻ bé mọn. Đức Giêsu đã biết được ý định và cách thức cứu độ nhân loại của Chúa Cha, và với ý chí nhân loại, Người đã hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha: Người đã chấp nhận đi vào con đường tự hủy, hóa mình ra không, tự nguyện trở nên Người Tôi Tớ trung thành, hy sinh mạng sống mình để hòa giải nhân loại với Chúa Cha. Ước gì chúng ta cũng biết vâng nghe Con yêu dấu của Chúa Cha, biết lấy Lời Hằng Sống mà nuôi dưỡng đức tin của mình, hầu, chúng ta có thể nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời mình, nhất là, trong những tình cảnh éo le, bi đát nhất, để chúng ta cũng được Chúa Cha khen tặng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con, như lời Ca Hiệp Lễ hôm nay. Ước gì được như thế!

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay -B

CN2MCb 2

Mc 9, 1-9
“Ðây là Con Ta rất yêu dấu”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
          
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.
          
Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ.
          
Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
          
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”
          
Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay -B
Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
Giọng đọc: Thanh Tâm



CHỮ TÌNH?

(Chúa Nhật II Mùa Chay B) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Tình yêu, hai tiếng thân quen mà rất khó diễn đạt. Chuyện cũng thường tình vì nhiều thi nhân đã từng hỏi: đố ai biết chữ tình là chữ chi chi? Mùa Chay là mùa đặc biệt mời gọi đoàn tín hữu hoán cải ăn năn. Ăn năn hoán cải, không nguyên chỉ vì thấy sự xấu xa của kiếp tội đòi nhưng trên hết là vì cảm nhận mối tình bao la mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thấy sự xấu xa và bi đát của thân phận tội lỗi, để rồi quay bước trở về là điều chính đáng và hợp lý, nhưng chưa hẳn là sâu xa và lâu bền. Một sự hoán cải, trở về dựa trên niềm xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa mới thực sự là bền vững và sâu xa hơn nhiều. Giáo lý Công giáo đề cập đến hiện thực này khi phân biệt hai hình thức ăn năn tội đó là ăn năn tội vì Chúa và ăn năn tội vì mình. Để góp phần giúp chúng ta trở về cách trọn hảo hơn, xin được chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa qua các bài đọc của Chúa Nhật II Mùa Chay năm B này.
          
Yêu mến ai thì không chỉ muốn mà còn tìm mọi cách thế để hiến dâng điều tốt nhất của mình cho người mình yêu. “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm của lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22, 2). Được hiểu như là lệnh truyền của Thiên Chúa, nhưng đó chính là tấm lòng của Abraham dành cho Đấng đã kêu gọi ông ra khỏi nơi quê cha đất tổ mà tiến về hứa địa. Dù băn khoăn, đau xót, nhưng Abraham vẫn muốn hiến dâng điều tốt nhất của mình là chính sự sống nối dài của mình, qua người con một.

          
Tình yêu thật diệu kỳ. Chính khi trao dâng là lúc lãnh nhận và lãnh nhận gấp trăm, gấp nghìn lần. Abraham đã không mất người con một yêu quý, mà đã trở thành cha của một đoàn con đông đảo “như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển”. Tình yêu thật diệu kỳ, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8). Là Đấng phải được mọi vật mọi loài tôn thờ và chúc tụng, là Đấng đáng được mọi người thần phục mến yêu và hiến dâng tất cả, thì Thiên Chúa lại trao ban tất cả cho chúng ta. Thánh Tông đồ dân ngoại đã luận lý rằng: Một khi Thiên Chúa đã ban chính Con Một cho chúng ta thì lẽ nào Người lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? (x.Rm 8,32).

          
Các Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê. Có Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Người. Nội dung đàm đạo là về cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu sắp chịu tại Giêrusalem. Và đó chính là đỉnh cao của tình yêu Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại. Vì không có tình yêu nào cao quý cho bằng mối tình của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Đây không phải là một tình cảm nhất thời mang tính tự phát, nhưng là một ý định có từ ngàn đời qua một chương trình được chuẩn bị từ ngàn xưa, mà sự hiện diện của Môsê và Êlia, đại diện cho Lề luật và hàng Ngôn sứ là một minh chứng hiển nhiên.

          
Nếu nói rằng Thiên Chúa trao ban chính Con Một, vì nhân loại bội phản, bất trung, sa ngã, phạm tội thì quả không sai. Nhưng nếu nói rằng Thiên Chúa hiến ban Con Một của Người cho nhân loại để mạc khải chính Người là Tình Yêu thì đúng hơn nhiều. “Biên giới của tình yêu là một tình yêu không biên giới”.

          
Thập giá Chúa mời gọi ta hoán cải. Mùa Chay, mùa đặc biệt mời gọi đoàn tín hữu chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Đấng cứu độ. Các khổ hình Chúa Kitô đã chịu và cái chết tủi nhục của người trên thập giá như một lời tố cáo tội ác của nhân loại chúng ta. Thấy được sự xấu xa của bản thân mình, hẳn nhiên ít nhiều, chúng ta cũng được thúc đẩy chê ghét tội lỗi và hoán cải ăn năn. Tuy nhiên, chính tình yêu của Chúa mới làm chúng ta vươn lên, đổi mới, nên hoàn thiện và nhất là biết sống yêu thương cách quên mình.

          
Được chiêm ngắm dung nhan sáng láng của Thầy chí thánh, đúng hơn là nhờ được thông phần một cách nào đó “bản thể của Đấng là Tình Yêu”, thì Phêrô đã lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia” (Mc 9,5). Sao chỉ có ba cái lều mà không là bốn, năm hay là sáu? Dù đang kinh hoàng và không biết phải nói gì, nhưng Phêrô đã thay hai bạn đồng môn Gioan và Giacôbê nói lên tấm lòng của mình, một tấm lòng quên mình vì người khác.
          
“Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Ước  gì  chúng  ta hằng  luôn ghi khắc vào tâm khảm những lời từ miệng của Đấng Cứu Độ sau đây: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 14,24). “Vậy, nếu Thầy là Thầy và là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,12). “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).

          
Ai hiểu được chữ tình? Có thể nói rằng đó là những ai biết ở lại trong tình yêu Đấng Cứu Độ, đồng thời, nhờ và với tình yêu của Người, một cách nào đó họ đã biết yêu thương như Người yêu thương. Thấy tội ác của mình, người ta có cơ may hối hận, ăn năn. Nhưng nghiệm thấy được tình yêu cứu độ thì người ta sẽ biết canh tân và hướng thiện.

 

Chúa nhật thứ hai Mùa Chay -Năm B
Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

CN2MCb a3


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (Mc 9, 1-9).

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

 

Suy niệm Tin Mừng -Chúa Nhật II Mùa Chay B
Tác giả: Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh
Giọng đọc: Nguyễn Trinh


Suy niệm

Bước vào mùa chay, Đức Giêsu đã giới thiệu cho mỗi người những việc làm cụ thể, nhưng rất linh thánh, để giúp người tín hữu thay đổi cuộc đời và trái tim của chính mình. Lời hướng dẫn đó không đưa con người đến ngõ cụt trong hành trình đức tin, nhưng dẫn con người tới chỗ được nên đồng hình, đồng dạng với Thầy mình trong chặng đường khổ nạn, từ đây, Thầy dẫn các học trò tới mầu nhiệm phục sinh vinh quang, tất cả được biến đổi thành con người mới, tất cả được tắm trong máu con Chiên vô tì tích. Để có thể thực hiện những việc làm linh thánh đó, đòi hỏi người tín hữu cần có một niềm tin chân thành nhưng mãnh liệt, một niềm tin trung tín nhưng khiêm tốn, để có thể đối diện với muôn vàn thách đố trong đời sống hiện tại, từ đây, niềm tin sẽ là động lực giúp người tín hữu gặp được Thầy mình đang vác thập giá, được cùng vác với Thầy, được đứng dưới chân thập giá, chia sẻ với Thầy những nỗi đau vì tội lỗi của nhân loại, của chính mình.

Sách Sáng Thế kể lại câu chuyện ông Ap-ra-ham được Thiên Chúa thử thách, khi Ngài bảo ông hãy sát tế đứa con trai duy nhất của ông, để tế lễ cho Thiên Chúa. Nỗi lòng xót xa của một người cha phải giết đứa con trai duy nhất đau đớn biết chừng nào. Nỗi niềm của người cha đó chưa thể sánh được nỗi niềm của người Cha trên trời, khi phải trao người Con duy nhất của mình cho con người, rồi còn bị giết chết đau thương: “Trong những ngày ấy, Chúa thử Abraham và nói với ông rằng: “Abraham, Abraham!” Ông đáp lại: “Dạ, con đây”. Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Chứng kiến người Con bị đóng đinh đau đớn, chắc chắn người Cha của Ngài trên trời cũng sẽ xót xa, đau khổ đến chừng nào, nhưng đau khổ hơn là không có một bàn tay nào giữ ngọn giáo không cho đâm vào cạnh sườn của Con, như bàn tay thiên thần giữ tay người cha trên núi Mo-ri-a kia. Nỗi đau tột cùng của người Cha sâu thẳm dường nào, Ngài chấp nhận tất cả, chỉ vì yêu con người.

Đọc lại tâm tình của thánh Phaolô khi ngài chia sẻ với con cái thành Roma, mới hiểu được phần nào nỗi niềm của người cha xót xa trước những lầm lỗi của con cái. Là con người, bao trái tim của người cha đã tan vỡ trước những lầm lỗi của con cái, Thiên Chúa là một người cha yêu, đau khổ tột cùng, xót xa cùng cực khi trao người con cho nhân loại: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta? Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta, há Người lại chẳng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao?”. Thiên Chúa Cha đã phải nuốt nước mắt vào trong khi chứng kiến nhân loại treo người con duy nhất của mình lên thập giá. Chứng kiến nỗi đau đó, nếu không có niềm tin đủ lớn, làm sao con người có thể hiểu được chiều sâu của tình yêu, của mầu nhiệm tự hiến mà Thiên Chúa đã thực hiện, tất cả vì yêu và yêu con người.

Được chứng kiến vinh quang của Thầy trên núi cao, các môn đệ hết sức vui mừng và hạnh phúc ngập tràn, ước gì được ở lại mãi trong bầu khí hạnh phúc đó. Vậy mà Thầy lại bắt xuống núi với sự im lặng khó hiểu. Nghe lời Thầy là nghe lời Cha, Thầy thì thấy, Cha thì không, làm sao nghe được lời Cha: “Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Được chứng kiến vinh quang của Thầy trên núi, thế mà khi đối diện với thực tế, các ông đã có những thái độ ngược lại, kẻ thì theo Thầy đến cùng, người thì bỏ của chạy lấy thân, kẻ thì dửng dưng, hững hờ trước mọi sự việc. Niềm tin bấy lâu nay Thầy gieo và chăm sóc trên mảnh đất tâm hồn các ông, như là muối bỏ biển. Có phải các Tông đồ cũng thiếu đi một chút cố gắng để đứng lại với niềm tin, chứng kiến Thầy đang thất bại hay đang thành công.

Thực tế và niềm tin là hai phạm trù khác nhau hoàn toàn, nhưng luôn bổ trợ cho nhau để tương lai tốt đẹp, nhịp cầu để kết nối hai phạm trù này là niềm tin. Chứng kiến Thầy biến hình rực rỡ, ai cũng mơ được ở lại đó mãi, nhưng chứng kiến Thầy bị bắt, bị kết án, bị vác thập giá và bị đóng đinh, các ông mất định hướng, mất luôn niềm tin, bỏ Thầy một mình để bảo toàn mạng sống. Niềm tin vào Thầy là Con Thiên Chúa của các ông bấy lâu nay, bị đánh đổi bởi sự phản bội niềm tin. Những bài giáo huấn Thầy dạy, nhằm giúp họ đối diện với những thách đố trong tương lai, nay tan biến theo mây khói. Thế thì làm sao các ông đủ điều kiện để nói về một Thiên Chúa tình yêu đã trao người Con cho nhân loại, và người Con đó đã hy sinh sự sống để cứu con người. Niềm tin chính thống của các ông có đủ mạnh để lời chứng các ông đủ thuyết phục mọi người trước một viễn cảnh xem ra mơ hồ.

Thiên Chúa luôn hy sinh cho con người hơn con người hy sinh cho Thiên Chúa. Ngài đã hy sinh đứa con duy nhất của mình cho con người, nhằm đưa con người trở về với ngôi nhà ban đầu, thế nhưng, con người thay vì đón nhận người Con đó trong niềm tin và lòng mến, họ đã quay lưng, phủ nhận sự hiện diện của người Con đó, hơn nữa, họ còn kết án và đóng đinh Ngài trên thập giá. Tình thương cao cả của một người cha đã bị tổn thương, tất cả bởi thiếu niềm tin nơi con người. Hiện diện trên trần gian với con người, nhưng họ chưa nhận ra đó là Con Thiên Chúa làm người, có thể nói tôn giáo của họ là tôn giáo tin thờ Thiên Chúa chứ chưa phải là tôn giáo tin thờ vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ trung gian duy nhất. Và hôm nay con người cũng đang đi lại con dường đó khi tin có một Thiên Chúa, nhưng chưa chấp nhận sự hiện diện của Đức Giêsu, chưa chấp nhận con đường khổ nạn mang tên Giêsu. Chính con đường đó cùng với giáo lý của Ngài, mới đem con người tới chỗ được cứu độ và được sống.

Lạy Chúa, biến cố Chúa biến hình giúp củng cố niềm tin cho các Tông đồ trước khi bước vào cuộc khổ nạn, thế mà các ông vẫn chưa vững tin, còn chúng con hôm nay, được chứng kiến bao việc Chúa làm trong chương trình cứu độ, nhưng niềm tin của chúng con vẫn mơ hồ, vẫn mong manh, xin Chúa củng cố niềm tin và giúp chúng con kiên định hơn với niềm tin của mình trước mọi nghịch cảnh cuộc đời. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng con thay đổi nhận thức về ơn gọi Kitô hữu của mình để sám hối, xin Chúa ban thêm cho chúng con những ơn cần thiết, để chúng con dám mạnh dạn sống công chính hơn các Biệt phái và Luật sĩ. Amen.

CAI SỮA VÀ CHIÊM NGẮM
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao”.

“Số phận của mỗi Kitô hữu được viết giữa hai ngọn núi: Golgotha, nơi cai sữa; và Taborê, nơi chiêm ngắm. Phẩm chất đời sống đức tin của mỗi người được quyết định bởi mức độ hy sinh và chiêm ngắm của họ!” - Vima Dasan.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, ý tưởng ‘cai sữa và chiêm ngắm’ của Vima Dasan được gặp lại qua phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay. Sự trưởng thành trong niềm tin vào Thiên Chúa của bất cứ ai nhất định phải trải qua hai giai đoạn không thể thiếu trên ‘hai ngọn núi’ cuộc đời của họ!

Thiên Chúa không nhặt những chiếc bình của con người để sử dụng mà trước hết không cai sữa cho họ và huấn luyện họ. Ngài đã huấn luyện từ xa cho Abraham, “Hãy rời quê hương, bà con và nhà cha ngươi để đến xứ Ta sẽ chỉ!”. Abraham phải dò dẫm, tập lắng nghe, và Thiên Chúa đã chuẩn bị ông bằng việc cai sữa khỏi mọi tình cảm và của cải. Khắc nghiệt nhất là việc ông phải hiến tế Isaac, con ruột, trên núi Môrigia - bài đọc một.

Mùa Chay, ‘mùa lên núi’, mùa bạn học biết việc ‘cai sữa’, mùa hiến tế những gì còn ràng buộc cái tôi vốn đang dính trết với những gì thuộc thế gian. Tuy nhiên, đừng lo! Thiên Chúa đã dự liệu. Núi Môrigia, nơi Abraham hiến tế con, còn có tên là núi ‘Chúa sẽ liệu’; ở đó, ông nhận biết một Thiên Chúa có trái tim thương xót. Ngài tha chết cho con ông! Nhờ đó, lòng tin của ông vào Ngài ngày càng tuyệt đối, và ông sẽ là “Cha các kẻ tin”. Phaolô hẳn đã nhớ lại ngọn núi ân phúc này để nói đến cái chết không thể thiếu cho ơn cứu độ nhân loại vốn cũng đã xảy ra trên một ngọn núi ‘Chúa sẽ liệu’ khác, “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” - bài đọc hai.

Bạn và tôi phải đến Môrigia, hoặc Golgotha đời mình, nơi chúng ta học cách ‘cai sữa’ và hiến tế những gì yêu quý nhất, ‘những Isaac’ đời mình; đồng thời, phải đến Taborê, nơi chúng ta sẽ học cách chiêm ngắm và cầu nguyện trong Thánh Linh. Vấn đề của Kitô hữu thời hiện đại là nhiều người không còn muốn đến bất kỳ ngọn núi phát triển tâm linh nào. Và đó là lý do tại sao một số trong chúng ta chậm trưởng thành trong đời sống đức tin.

Một ngọn núi cấp thiết khác không thể thiếu trong đời sống là ngọn núi chiêm ngắm và cầu nguyện. Trên Taborê, Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ thoáng thấy Ngôi Vị thần linh của Ngài. Việc chứng kiến vinh quang thần tính nơi Thầy mình hẳn sẽ giúp họ mỗi khi bị cám dỗ nản lòng hay tuyệt vọng trước những quẫn bách hoặc những đòi hỏi thánh thiện Ngài đặt ra. Cũng thế, bạn và tôi hãy thường xuyên sống lại những giây phút ngọt ngào Chúa ban bằng việc chiêm ngắm và cầu nguyện hầu đủ sức vượt những chướng ngại cuộc đời.

Kính thưa Anh Chị em,

“Người đưa các ông… tới một ngọn núi cao”. Tất cả chúng ta cần phải rời xa nhau, thường xuyên lên những ngọn núi đời mình trong một không gian thinh lặng để tìm lại chính mình và nhận biết rõ hơn tiếng nói của Chúa. Nhưng chúng ta không thể ở lại đó! Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong chiêm ngắm và cầu nguyện truyền cảm hứng cho chúng ta một lần nữa để “xuống núi” và trở về thung lũng, nơi chúng ta gặp nhiều anh chị em đang bị đè nặng bởi sự mệt mỏi, bất công, nghèo đói cả về vật chất lẫn tinh thần và nâng đỡ họ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chẳng có cuộc lên núi nào là dễ chịu, cho con yêu mến việc ‘cai sữa và chiêm ngắm’ mà Chúa đã chuẩn bị cho con cách này cách khác!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây