Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 17/06/2023 08:54 |
861
Đọc lại hành trình ơn gọi và mục vụ của mình, tôi khám phá sự dẫn dắt của Lời Chúa như chiếc la bàn giúp định hướng cho cuộc đời và như Bạn đồng hành trên từng chặng đường phục vụ Hội Thánh.
HIỆP THÔNG TRONG LOGOS VÀI CẢM NGHIỆM TỪ CÁC NHÓM CHIA SẺ LỜI CHÚA Lm. Phanxicô Xaviê Bảo Lộc
Đọc lại hành trình ơn gọi và mục vụ của mình, tôi khám phá sự dẫn dắt của Lời Chúa như chiếc la bàn giúp định hướng cho cuộc đời và như Bạn đồng hành trên từng chặng đường phục vụ Hội Thánh.
Vào những năm cuối thập niên 70 – giai đoạn Chủng viện Thánh Giuse chưa hoạt động bình thường, anh em chủng sinh chúng tôi hiệp thông với nhau qua các buổi Kinh chiều và chia sẻ Lời Chúa, sau ngày làm việc tại Hợp tác xã hay tổ sản xuất mây tre lá. Nhờ sinh hoạt chung này, dù không sống nội trú nơi Nhà trường như trước 1975 hay như anh em chủng sinh năm dự bị ngày nay, chúng tôi vẫn được Lời Chúa nuôi dưỡng ơn gọi và gắn kết với nhau.
Trong dịp tĩnh tâm hay linh thao, để cho Lời Chúa soi sáng các biến cố bước ngoặt trong cuộc sống, tôi nhận ra tiếng Chúa và tiếng lòng, hiểu rõ con người mình hơn, rồi phân định và quyết định đáp trả ơn gọi. Những kinh nghiệm tâm linh này cùng việc thực hành chia sẻ hằng tuần Phúc âm Chúa nhật với anh em chủng sinh 5 giáo phận khác trong thời gian đào tạo linh mục, đã huấn luyện tôi nên người linh hoạt các nhóm chia sẻ Lời Chúa của anh em dự tu. Tôi được thúc đẩy tập lắng nghe nhiều hơn, để hiểu Lời trong đời sống của anh em và đồng hành ơn gọi một cách cá vị hơn.
Hoàn cảnh sống của giáo dân khác xa nhịp sống của chủng sinh. Hiểu biết Kinh Thánh còn giới hạn, bận rộn với con cái và việc mưu sinh, làm thế nào hình thành nhóm chia sẻ Lời Chúa (CSLC) trong họ đạo? Học biết cách cầu nguyện Lectio divina, nhưng làm sao áp dụng phương pháp này vào môi trường giáo xứ? Đó là thao thức của người linh mục trẻ đầu thập niên 90, khi đặc trách một giáo họ hơn 1.200 giáo dân, trên một địa bàn 24.000 dân cư.
Không ít người ngộ nhận rằng Lectio divina xuất phát từ truyền thống đan tu, và do đó không phù hợp với giáo dân. Thực ra đây là một phương pháp sư phạm đã được Kitô hữu thực hành trong những thế kỷ đầu của Giáo hội. Phương pháp này dần dần rút vào các tu viện và đan viện vì người ta không còn biết đọc nữa. Lectio divina xuất hiện trở lại vào hậu bán thế kỷ XX. Hai vị giáo hoàng góp phần quan trọng đưa phương pháp này ra khỏi tu viện là thánh Gioan Phaolô II và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Vị giáo hoàng vừa từ trần ngày cuối năm 2022 đã từng khích lệ: “Việc thực hành này, nếu được phát huy hiệu quả, tôi tin chắc rằng sẽ mang đến cho Giáo hội một mùa xuân thiêng liêng mới”[1].
Lectio divina làm cho toàn diện con người tham dự vào việc cầu nguyện, từ trí năng, cảm xúc đến các quan năng như thị giác và thính giác. Phương pháp cầu nguyện với Kinh Thánh này gồm 4 bước cơ bản: (1) lectio, (2) meditatio, (3) oratio và (4) contemplatio. Khi “đọc”, mắt nhìn bản văn và tai nghe Lời Chúa. Trong bước “suy niệm”, trí tuệ được vận dụng để hiểu và thấm nhuần Lời. Khi “cầu nguyện”, ta dâng lên Chúa tâm tình mà Thần Khí đã khơi dậy trong tâm hồn. Bước “chiêm niệm” là đỉnh cao của cuộc gặp gỡ Lời. Ta sống trong sự hiện diện của Chúa. Việc chiêm niệm này được sống trong một thinh lặng tràn đầy yêu thương. Contemplatio giống như thời gian chầu, ta dìm mình trong Chúa và cảm nếm tình yêu Chúa.
Sau khi trao đổi với Ban hành giáo và các đại diện đoàn thể, chúng tôi bắt đầu nhóm họp mỗi tuần sau Thánh lễ chiều thứ Năm để học hỏi và chia sẻ Phúc âm Chúa nhật. Nhóm không tới 20 người, nhưng gồm cả giáo dân, tu sĩ và linh mục, nên kinh nghiệm sống Lời Chúa phong phú. Buổi chia sẻ làm nổi bật tính tương tác và bổ trợ giữa các thành phần dân Chúa, nhờ đó xây dựng và nuôi dưỡng sự hiệp thông trong cộng đoàn.
Khi áp dụng Lectio divina cho nhóm, phải thừa nhận rằng so với tu sĩ, việc thực hành bước “chiêm niệm” không dễ dàng đối với giáo dân – vốn quen với việc đọc kinh, nhưng “mưa lâu thấm đất”, với thời gian họ tập sống sự thinh lặng tràn đầy ý nghĩa và kết hiệp mật thiết với Chúa.
Tu sĩ nhận thức được những thách đố và khó khăn của người giáo dân khi thực hành Lời Chúa. Linh mục thấu cảm tâm trạng của người tín hữu khi họ cố gắng sống như Kitô hữu, trong những tình huống hay hoàn cảnh phức tạp giữa chợ đời.
Nhờ lắng nghe và chia sẻ những trải nghiệm của anh chị em giáo dân, bài giảng của mục tử gắn liền với cuộc sống qua những chứng từ và câu chuyện thực tế, nâng đỡ Đức Tin và khích lệ các tín hữu thực hành Lời Chúa giữa đời thường.
Hoa trái của buổi chia sẻ nhóm còn được tổng hợp lại làm thành lời nguyện tín hữu dâng lên Chúa trong phần Phụng vụ Lời Chúa của Thánh lễ Chúa nhật.
Ngoài việc quy tụ nhóm nhỏ quanh Phúc âm Chúa nhật, khi họp Hội đồng Mục vụ, chúng tôi cũng bắt đầu với việc lắng nghe một trích đoạn Kinh Thánh, trước khi bàn bạc về sinh hoạt mục vụ. Sự hiệp thông trong Lời, trước khi cùng tham gia vào hoạt động, tạo nên bầu khí thiêng liêng của buổi họp và giúp các thành viên ý thức mình đang làm việc cho vườn nho của Chúa.
Trong tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất, vài anh em linh mục Công giáo chúng tôi cùng một số mục sư thuộc các Hội Thánh (HT) Tin lành Báp tít Việt Nam, HT Cơ Đốc Phục Lâm, HT Lutheran Việt Nam, Hội Thánh Tin Lành Liên Hiệp Truyền Giáo, HT Tin Lành Lời Sự Sống, HT Phúc âm Toàn vẹn, Hiệp hội Thông Công Tin Lành Việt Nam… thường họp mặt trong một buổi Suy tôn Lời Chúa theo chủ đề do Hội đồng tòa Thánh cổ vũ Hiệp nhất Kitô hữu phổ biến hằng năm.
Lectio divina được ứng dụng trong những cuộc gặp gỡ đại kết Kitô giáo này thật thích hợp. Đặc biệt là thì “lectio”, vì mỗi Hội Thánh Kitô giáo có một bản dịch Kinh Thánh khác nhau, nên chúng tôi lần lượt đọc đoạn Lời Chúa theo bản dịch phổ thông của anh em Tin Lành, rồi đến bản dịch Công giáo và bản dịch đại kết (bằng Anh/ Pháp ngữ) khi có Kitô hữu ngoại quốc tham dự.
Thoạt tiên, lắng nghe Lời Chúa trong lối dịch hay ngôn từ khác với bản văn Kinh Thánh Công giáo khiến cho chúng tôi “lạ tai”, thậm chí “chia trí”. Nhưng tiếp cận và quen dần sau nhiều buổi gặp gỡ đại kết, tôi lại cảm thấy sự khác nhau nơi các bản dịch như thể âm sắc đa dạng của các nhạc khí khác nhau cùng tấu lên một bài thánh ca hay thánh thi. Đôi khi, từ ngữ khác nhau trong cách dịch cùng một ý lại biểu tỏ sự phong phú của Lời.
Tiếp theo, mọi người thinh lặng suy niệm, rồi đại diện các Hội Thánh dâng lời ca tụng, tạ ơn hay khẩn nài Thiên Chúa. Xen giữa các lời nguyện, cộng đoàn dâng những bài thánh ca của Công giáo lẫn Tin Lành. Sau đó đại diện vài Hội Thánh chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa. Thông thường buổi họp mặt đại kết trong Lời Chúa khép lại với bài ca Hiệp nhất.
Dìm mình vào Logos, với tâm thế cầu nguyện và lắng nghe – lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe nhau, chúng tôi không tranh cãi về những dị biệt, nhưng để Ngôi Lời liên kết lại với nhau, để làm cho “Danh Cha cả sáng”.
Cùng một Thần Khi linh hứng cho các tác giả nhân loại của Kinh Thánh, giúp môn đệ hiểu những gì Chúa Con muốn nói và khơi dậy lời cầu nguyện với Chúa Cha, rồi làm chứng bằng cảm nghiệm sống Đức Tin như Lời đã thành xác phàm – nhập thể và nhập thế, ở đây và bây giờ.
Chẳng phải sự Hiệp thông trong Lời Chúa là một cách thể hiện lời nguyện của Chúa Giêsu: “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21) đó sao?
“Hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ”(1 Pr 2, 2)
Tại Học viện Mục vụ TGP Sài Gòn, trong các khóa Thánh Kinh 100 tuần, anh chị em giáo dân đã làm quen với việc chia sẻ theo nhóm, trích đoạn sách Thánh sẽ được tìm hiểu trong tiết hai. Tại lớp Tìm hiểu Phúc âm Chúa nhật, các học viên được học hỏi, giải thích Lời Chúa theo chu kỳ năm Phụng vụ. Còn thực hành chia sẻ Lời Chúa thì thuộc nội dung khóa Thực hành cầu nguyện và chương trình đào tạo Tác viên Tin Mừng.
Qua khóa Tìm hiểu các cộng đoàn Kitô hữu nhỏ (SCC: Small Christian Community), nhận thấy phương pháp Chia sẻ Lời Chúa 7 bước (xem phụ trương) áp dụng nơi các Giáo hội anh em tại châu Á mang lại hoa trái cho dân Chúa và việc tông đồ giáo dân, Học viện đã hội nhập phương pháp này vào chương trình đào tạo giáo dân.
Học đi đôi với hành, một số học viên mãn khóa mong tiếp tục chia sẻ Lời Chúa với nhau định kỳ. Học viện cũng muốn xây dựng một nhóm “hạt nhân” có thể giúp linh hoạt nhóm chia sẻ Lời Chúa tại các giáo xứ. Đó là lý do Nhóm Gabriel chào đời, từ tháng Tư năm 2018, sinh hoạt 2 lần/ tháng, chia sẻ Tin Mừng Chúa nhật theo phương pháp 7 bước.
Mục đích của phương pháp này là:
- Cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh; - Giúp mỗi thành viên trong nhóm mở rộng cõi lòng để Lời Chúa đánh động mình; - Giúp nhau sống đức tin cách sâu sắc bằng cách chia sẻ kinh nghiệm cá nhân; - Tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau trong nhóm; - Tạo bầu khí thiêng liêng để hoạch định những hoạt động của cộng đoàn.
Có trưởng nhóm, nhưng mỗi thành viên đều luân phiên linh hoạt buổi chia sẻ, phân công anh chị em mời Chúa đến, đọc Lời Chúa, cầu nguyện tự phát, quyết định một hoạt động chung sau khi trao đổi bàn bạc. So với mô hình SCC, thì điểm khác biệt của nhóm chia sẻ Lời Chúa này là các thành viên thuộc nhiều giáo xứ khác nhau chứ không ở cùng một địa phương. Do đó, hoạt động chung thường không nằm trên cùng một địa bàn mà thành viên cư ngụ. Vài thành viên đang linh hoạt hay điều hành một nhóm Thánh kinh cầu nguyện. Điều khó khăn mà đa số anh chị em đều kinh nghiệm là đưa việc chia sẻ Lời Chúa vào giáo xứ hay chính gia đình của mình.
Giáo phụ Grêgôriô de Nysse († 394) đã nhận định thật tinh tế về giá trị của việc suy gẫm và chia sẻ Lời Chúa: “Thiên Chúa đã tô điểm cho lời Ngài bằng muôn vẻ đẹp, để mỗi người trong số những ai khảo sát kỹ lưỡng lời ấy đều có thể chiêm ngắm được điều mình yêu thích. Và Chúa đã cất giấu mọi kho tàng trong lời Ngài, để mỗi người chúng ta đều có thể tìm thấy sự phong phú trong những gì mình suy niệm”[2].
Dưới đây là tâm tình của vài thành viên tham gia nhóm chia sẻ Lời Chúa từ một đến bốn năm.
“Mời Chúa đến, chọn những câu đánh động, giữ thinh lặng để nghe Chúa nói, và quyết tâm thực hiên những công việc cảm thấy được mời gọi, là 4 bước trong phương pháp chia sẻ Lời Chúa 7 bước mà tôi tâm đắc nhất mỗi khi tham dự. Một điều may mắn cho nhóm nữa là có Cha linh hướng đồng hành, định hướng và đúc kết.
Trước đây, nơi các nhóm chia sẻ Lời Chúa tôi dự chỉ chia sẻ những suy nghĩ của mình theo bài Tin Mừng mà không biết mời Chúa đến, không có giây phút thinh lặng để nghe Chúa, không đưa ra một việc mà nhóm định thực hiện theo tinh thần bài Tin Mừng.
Chính những lúc thinh lặng nghe Chúa, chính những quyết tâm đặt ra để thực hiện theo tinh thần bài Tin Mừng là động lực cho tôi luôn dự những buổi chia sẻ Lời Chúa, là động lực cho tôi tăng thêm đời sống cầu nguyện và theo sát Chúa. (A. Phúc)
“Kể từ khi tham gia nhóm … Có những lúc thấy chán chường, tôi đã muốn rời nhóm. Rồi nhờ ơn Chúa mà mọi sự khó khăn đã thôi thúc tôi đến với những buổi chia sẻ định kỳ. Tôi cảm nhận mình bé nhỏ giữa anh chị em trong nhóm, tôi không có những lời hay ý đẹp để ca tụng Thiên Chúa, tôi vẫn chưa tự nói lên được những suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, tôi đã cảm nhận được lời Chúa qua các thành viên và ơn Chúa Thánh Thần đã soi sáng khả năng diễn đạt mà tôi vẫn còn thiếu.
Nhưng quan trọng nhất đối với tôi qua những tháng ngày đến với nhóm, là những thay đổi lớn từ tâm tính và việc thực thi lời Chúa đã thấm nhuần, tuy không hoàn toàn, nhưng ít nhiều đã cảm hóa, giúp tôi gần Chúa và yêu mến Chúa hơn. Nhờ đó, những lúc phiền muộn trong cuộc sống, tôi biết chạy đến Chúa để tâm tư được thanh thản, bình yên, và để nhận ra ý Chúa mà vâng theo và phó thác nơi Ngài.” (C. Trinh)
“Như phần đông người Công giáo ở độ tuổi U70, tôi thật diễm phúc được làm con Chúa từ thưở sơ sinh. Nhưng thực sự để tiếp cận với Lời Chúa trong đời sống Đạo thì chỉ mới được trên 4 năm, khi tham gia nhóm Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước.
Vô cùng xấu hổ khi nhận ra mình là Kitô hữu chưa trưởng thành, nhưng đó lại chính là Hồng ân. Nhìn lại đời sống trong thời gian hồng ân Chúa ban, tôi nhận được những gì?
1. Mở ra một cách thế giao tiếp mới là nền tảng cho các mối tương quan:
- Tương quan với chính Thiên Chúa là Cha qua tiếp nhận Lời của Ngài nơi Thánh Kinh. Cảm nhận sâu xa được Chúa ở cùng mình trong đời thường, để thụ huấn từ Ngài.
- Tương quan thân thiết với anh chị em đồng đạo, để hiệp thông trong thực thi Lời Chúa với mong cầu trở nên chứng nhân giới thiệu Chúa Kitô với mọi người.
- Tương quan với các anh chị em ngoài Công giáo trong tinh thần cầu thị, để nhận ra những nét đẹp niềm tin nơi họ và phân định những điểm sáng dẫn đến chân lý đức tin.
2. Biết “lắng nghe” bằng cả lý trí và con tim
- Thấu hiểu sâu sắc những huyền nhiệm Tình Yêu là chân lý qua Lời.
- Thấu cảm với tha nhân trong mọi hoàn cảnh sống xã hội, để biết thể hiện đức ái với mong cầu giới thiệu Tình Yêu của Thiên Chúa cho mọi người chưa nhận biết Chúa.” (A. Tiến)
“… Tới nay tôi đã tham gia với Nhóm được 10 tháng rồi. Ngoài những điều học hỏi nơi kinh nghiệm sống đức tin của các cô chú, tôi còn lãnh hội được niềm hăng say, nhiệt tâm, sự kiên trì và lòng yêu mến Lời Chúa. Chẳng hạn như vài thành viên trong nhóm ở khá xa Trung tâm Mục vụ, rồi những cô chú cao niên và bệnh tật… Có người phải ngưng sinh hoạt một thời gian vì nằm bệnh viện điều trị. Thế nhưng, khi vừa xuất viện là cô chú lại tới tham gia chia sẻ Lời Chúa. Vì yêu mến Tin Mừng và Nhóm mà các cô chú đã không quản ngại khó khăn, đường xá xa xôi, sức khỏe, tuổi tác... Những cố gắng của quý cô chú vừa khích lệ tôi vừa nên gương sáng cho chính tôi. Hơn nữa, kinh nghiệm sống Phúc âm của những giáo dân này còn trợ lực cho tiến trình đào tạo tu sĩ của tôi.” (phó tế Ký) * Hoa trái của suy niệm và chia sẻ Lời Chúa còn có thể cô đọng lại nơi thi ca - cầu nguyện. Trong những lần thăm viếng Đức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn, anh chị em Đồng Xanh Thơ Sài Gòn thường được ngài khuyến khích đọc và suy gẫm Lời Chúa, rồi diễn tả lại bằng thơ cho mọi người. Phải chăng đây cũng là một cách làm mục vụ văn hóa hay loan báo Tin Mừng qua thi ca? Thực vậy, Lời Chúa luôn năng động, sáng tạo và là nguồn cảm hứng vô tận – nhờ Thần Khí linh hoạt, cho các thi sĩ Công giáo chia sẻ qua thi nguyện.
Chẳng hạn bài “Lý Lời Thiêng” sau đây là tiếng lòng của tác giả An Thiện Minh sau khi cảm nếm Lời Hằng Sống được tiên tri Giêrêmia bày tỏ qua câu:
“Gặp được lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỷ, làm vui thỏa lòng con, vì con được mang danh Ngài.” (Gr 15,16) Lời thiêng đọng khiết trái tim Nhịp thương bật mở ru tìm Thiện Chân Ôi xao xuyến, bước cung trần Sống điều Sự Thật sáng vần ước giao Hớp Hương Khí, đón Lời trao Nghe lòng khấp khởi sóng trào muôn kinh Sao im tiếng, mãi lặng thinh Mùa yêu thúc bách chở Tình lên ngôi Lời ươm chín, đỏ bờ môi Hạt Vui dệt thắm khắp đồi hồng ân Mau nhanh hỡi, chớ ngại ngần Ùa vào Giọt Thánh đượm nhuần Ý Thiên Đời xanh mọng, thắm nét duyên Trong veo ánh mắt trinh nguyên dạ lành Vần thương hát, khúc dỗ dành Ru êm tiếng thở dìu thanh tiếng lòng.
Sau khi họa lại vài nét về những kinh nghiệm và ghi nhận qua sự đồng hành với các nhóm chia sẻ Lời Chúa, trong lòng tôi còn đọng lại ba điều:
1. Thao thức: vui mừng vì thấy thêm nhiều anh chị em giáo dân yêu mến học hỏi Kinh Thánh, đọc/ nghe bài giảng của các mục tử, chứng kiến các nhóm chia sẻ Lời Chúa hay Thánh Kinh cầu nguyện chuyên cần và kiên trì sinh hoạt. Đa số những “người trong cuộc” đều cảm nhận sinh lợi từ “Hạt giống Lời Chúa” trong đời sống của mình. Vấn đề không chỉ là làm sao nhân lên và thành lập các nhóm chia sẻ Lời Chúa tại mỗi giáo xứ, mà còn làm thế nào để mọi hoạt động tông đồ của cá nhân hay cộng đoàn đều phát xuất từ Lời Chúa như nền tảng? Và chúng ta cần làm gì để mỗi cuộc đời Kitô hữu trở nên một Lời Bình An-Hy vọng gieo vào đời – môi trường xã hội hôm nay!
2. Cảnh tỉnh: là người phục vụ Lời, thông truyền kho báu vô tận của Lời Chúa cho anh chị em, nếu không tỉnh thức và không để cho Lời tiếp tục nhập thể và nhập thế qua đời sống của mình, tôi có thể trở thành “kẻ hời hợt rao giảng lời Thiên Chúa ngoài môi miệng bởi đã không lắng nghe lời đó trong lòng” (x. Dei Verbum số 25). Có khi nào, vô tình hay hữu ý, tôi đã sử dụng Kinh Thánh để biện minh cho quan điểm cá nhân, cho lối hành xử hay hoạt động mục vụ nào đó làm thương tổn đến sự hiệp nhất trong Hội Thánh không?
3. Giấc mơ: tôi mơ đến một ngày mà anh chị em Kitô hữu Công giáo và Tin Lành có thể đồng bàn tiệc Lời Chúa, chia sẻ cho nhau Bánh Hằng Sống, ở nhiều nơi và dưới nhiều hình thức. Tôi mơ đến một ngày các tín hữu Kitô cùng nhau ca mừng Con Chúa Giáng sinh và hát khúc Alleluia mừng Chúa Phục sinh! Chắc hẳn ngày ấy Tin Mừng cứu độ sẽ lan tỏa sâu và xa trên quê hương tôi, vì “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy. Là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Không phải lời lẽ con người, nhưng là Lời Thiên Chúa mới làm cho chúng ta nên một trong Tình yêu! ***
(Sau phần hát và dâng lời cảm tạ, ngợi khen, cộng đoàn chúng ta mới bắt đầu bước vào phần Chia sẻ Lời Chúa)
BƯỚC
NGƯỜI
NỘI DUNG CÔNG VIỆC
1. MỜI CHÚA
Linh Hoạt Viên
“Xin mời Anh/Chị …… (nói tên người được đề nghị) thay mặt anh chị em trong Nhóm có lời mời Chúa Giêsu đến với chúng ta”
Người được đề nghị
Nói lời mời Chúa
2. ĐỌC LỜI CHÚA
Linh Hoạt Viên
“Xin mọi người mở sách… (nói tên sách rồi chờ một lát cho mọi người mở sách, rồi nói tiếp) chương… (nói số chương rồi chờ một lát cho mọi người tìm ra chương vừa nêu, rồi nói tiếp), chúng ta đọc từ câu… đến hết câu...” “Xin mời Anh/Chị… (nói tên người được đề nghị) đọc đoạn Kinh Thánh trên cho mọi người cùng nghe”.
Người được đề nghị
Đọc đoạn Kinh Thánh vừa nêu
Linh Hoạt Viên
Xin mời Anh/Chị… (nói tên người được đề nghị) đọc lại đoạn Thánh Kinh trên một lần nữa.
Người được đề nghị
Đọc đoạn Kinh Thánh vừa nêu
3. RÚT RAMẤY CÂU NGẮN
Linh Hoạt Viên
“Chúng ta rút ra mấy câu ngắn, đọc lớn tiếng những câu ấy trong bầu khí thinh lặng, cầu nguyện.”
ACE trong nhóm
(Mỗi anh chị em chọn một câu ngắn mà mình thích nhất, đọc lên một cách chậm rãi, rõ ràng, đọc đi đọc lại ba lần).
4. THINH LẶNG
Linh Hoạt Viên
“Chúng ta thinh lặng trong… phút (nói số phút và canh đồng hồ) để nghe Chúa nói với mình trong tâm hồn.”
5. CHIA SẺ
Linh Hoạt Viên
“Chúng ta chia sẻ điều mà chúng ta nghe được trong tâm hồn mình, cụ thể là chia sẻ: a) Lời nào đã đánh động tâm hồn mình? b) Tại sao Lời ấy đánh động tâm hồn mình? Nói cách khác, chúng ta chia sẻ mình đã sống Lời Sự Sống như thế nào?”
ACE trong nhóm
(Lần lượt anh chị em trong nhóm chia sẻ điều mà mỗi người đón nhận được khi nghe Lời Chúa. Nói vắn gọn, rõ ràng. Trong khi một người chia sẻ thì tất cả đều chăm chú lắng nghe và trân trọng đón nhận. Linh hoạt viên nên khuyến khích mọi người chia sẻ, nhất là những người chưa quen hay nhút nhát).
6. THẢO LUẬN
Linh Hoạt Viên
“Nội dung bước 6 là chúng ta thảo luận về một trách nhiệm mà nhóm được mời thực hiện. Trước khi thảo luận về điều ấy, xin mời mọi người cho biết mình đã thực hiện điều quyết tâm lần trước như thế nào.”
ACE trong nhóm
(Lần lượt mỗi người thuật lại vắn gọn việc thực hiện quyết tâm của mình lần trước: Nói đã thực hiện được hay không thực hiện được/ tại sao không thực hiện được/ gặp thuận lợi và khó khăn gì?)
Linh Hoạt Viên
(Sau khi mọi người báo cáo xong) “Bây giờ chúng ta thảo luận với nhau xem Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta làm gì trong tuần/tháng tới này.”