TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Của Thiên Chúa, trả Thiên Chúa

Thứ hai - 10/05/2021 06:33 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   712
Của Thiên Chúa, trả Thiên Chúa

Của Thiên Chúa, trả Thiên Chúa

Cổ nhân có nói: “họa tòng khẩu xuất”. Nghĩa là cái họa thường phát xuất từ lời nói. Hay nói theo kiểu nôm na là “cái miệng hại cái thân”. Đúng vậy…

Vừa mới đây, theo thông tấn xã Reuters, ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng của Hoa Kỳ Hank Williams đã phạm một sai lầm đáng tiếc, tự làm xấu đi hình ảnh của bản thân trước đồng nghiệp và dư luận cũng như các “fan” hâm mộ của ông ta.

Trên kênh truyền hình Mỹ Fox News ngày 3.10. Khi được hỏi về phản ứng đối với trận đánh golf giao hữu ngày 18-6 vừa qua giữa TT Obama với dân biểu John Boehner thuộc Đảng Cộng hòa, được coi là “trận đấu giao hữu lưỡng đảng”, ca sĩ Williams nói thẳng: “Hãy coi, chẳng khác gì Hitler chơi golf với Netanyahu (Thủ tướng Israel)!”. Ca sĩ giải thích TT Obama với John Boehner “đối nghịch nhau như mặt trăng với mặt trời, là kẻ thù của nhau, sẽ không bao giờ nhân nhượng nhau”.

Lời nói trên đã bị dư luận chỉ trích nặng nề. Dù ca sĩ Hank Williams đã xin lỗi trên trang web cá nhân, và dù ông ta thừa nhận câu nói của mình là “sự so sánh cực đoan và quá khích”.

Thế nhưng, kênh truyền hình cáp ESPN vẫn hủy bỏ ca khúc nổi tiếng All My Rowdy Friends của Williams trong chương trình ca nhạc thể thao tối 4-10. Bản thân ca sĩ cũng không dự chương trình truyền hình trực tiếp này. Có khả năng trong tương lai ESPN sẽ cân nhắc việc có nên tiếp tục phát sóng những bài hát của Williams hay không?! (nguồn: vanhoaviet.com)

MC Whoopi Goldberg, bạn thân của ca sĩ Williams, nói: “Williams là một ca sĩ tên tuổi. Đáng ra anh phải biết ăn nói khôn ngoan, vậy mà quá dại miệng. Thật đáng trách!”. Phải nói thêm, Hank Williams quên rằng: “Nhứt ngôn ký xuất. Tứ mã nan truy”. Một lời nói đã phát ra. Xe bốn ngựa kéo khó đuổi theo kịp.

Vâng, “dại mồm dại miệng” là điều hết sức nguy hiểm. Đối với những người nổi tiếng, những nhà lãnh đạo, họ luôn bị soi mói về những lời phát biểu. Những người đối lập hay kẻ đối nghịch luôn khai thác yếu điểm này như là một ngón đòn để hạ độc thủ đối phương.
……

Khi còn tại thế, là một người nổi tiếng, Đức Giêsu cũng không thoát khỏi tầm ngắm của những kẻ đối nghịch.

Trong ba năm Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, có rất nhiều người từ khắp “miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giodan lũ lượt kéo đến đi theo Ngài” (Mt 4…25). Trước những lời giảng dạy của Đức Giêsu, họ “sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7, 28-29).

Đối với các kinh sư và nhóm Phariseu. Những nhận xét đó quả là quá xúc phạm tới họ. Họ liên kết thành một nhóm đối nghịch với Đức Giêsu.

Chắc hẳn ai cũng biết, sở trường của những kẻ đối nghịch luôn là phá rối.

Đúng vậy, liên minh kinh sư-Phariseu luôn tìm cách phá rối Ngài. Họ dùng chiến thuật “xa luân chiến” hết nhóm này đến nhóm khác phá rối Đức Giêsu. Họ phá rối bằng cách tìm sự sơ hở về lời giảng dạy hoặc lời nói của Ngài để hạ độc thủ.

Khi thì họ chất vấn Ngài về luật giữ ngày Sabat. Khi thì họ đòi xin Ngài “một dấu lạ” từ trời. Khi thì họ đòi Đức Giêsu chứng minh rằng “Ai đã cho Ngài quyền” rao giảng Tin Mừng?! (Mt 21, 23).

Đức Giêsu luôn là người chiến thắng trước những cuộc tranh luận hay chất vấn của họ. Thế nhưng, như những con đỉa đói, họ vẫn bám chặt đôi chân của nhà truyền giáo Giêsu để tìm cách hãm hại Ngài.

Thật vậy, một hôm, quá bực tức vì Đức Giêsu đã ví họ như “những tá điền sát nhân”. Nhóm Phariseu rất muốn bắt Đức Giêsu nhưng họ sợ dân chúng phản đối. Thay đổi kế hoạch, họ “bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22, 5).

Thế là một liên minh mới được hình thành. Liên minh mới gồm “các môn đệ của họ” và “những người phe Hêrôđê”. Ghê chưa!!! Một liên minh giữa “thần quyền và thế quyền” hình thành.

Liên minh “Phariseu-Hêrôđê” đến gặp Đức Giêsu. Rút kinh nghiệm của những lần trước, lần này, họ không tấn công Đức Giêsu trực diện bằng những câu hỏi “tại sao Thầy làm thế này, tại sao môn đệ Thầy làm thế kia?! v.v…”.

Vâng, giống như một cao thủ cờ tướng, họ “dí chốt ba”, một thế đi có tên là “tiên ông chỉ lộ”, đó là một thế cờ để thăm dò đối phương rất bí hiểm.

Hôm nay, họ thăm dò Đức Giêsu bằng “chiêu” tâng bốc Ngài lên tận mây xanh. Nào là “Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa”. Nào là “Thầy cũng chẳng vị nể ai… Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” v.v…

Nói nào ngay! Họ tâng bốc đúng. Đức Giêsu đã chẳng từng nhận mình: “Là đường, là sự thật” đó sao? Ngài cũng đã chẳng “vị nể ai” khi đã dám “đuổi hết những người đang mua bán trong Đền Thờ”.

Thế nhưng đằng sau những lời tâng bốc đó lại “bốc” đầy mùi xảo trá, quỷ quyệt.

Vừa tâng bốc xong, họ quay ngoắt 180o bằng một câu hỏi đầy thách thức: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”

Trả lời không ư! Nhóm thế quyền “những người phe Hêrôđê” sẽ tố cáo Đức Giêsu không trung thành với Hoàng đế. Và điều gì sẽ xảy ra? Sẽ sập bẫy họ. Sẽ trúng kế “tá đạo sát nhân – mượn dao giết người” của họ chứ còn gì nữa! Một lũ ong-tự-phát sẽ xuất hiện tha hồ châm chích Ngài…

Còn nếu trả lời có! Vâng, mấy “ông kẹ” Phariseu dễ gì ngồi yên. Họ sẽ huy động “các môn đệ của họ” đi khắp Palestina, ra rả tố cáo Đức Giêsu là một tên “phản dân tộc”…

Binh pháp Tôn Tử có chép “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vâng, Đức Giêsu “biết họ có ác ý…”. Chính vì thế Ngài đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” để lôi cổ những con hổ giả hình Phariseu và phe nhóm Hêrôđê ra ánh sáng của chân lý và sự thật.

Dùng phương pháp thính thị, Đức Giêsu yêu cầu họ “cho tôi xem đồng tiền nộp thuế”. Và sự thật đã rõ. Đồng tiền nộp thuế quả đã mang “hình và danh hiệu của Xêda” theo như lời họ xác nhận.

Của-Xêda-ư?! “Của Xêda trả về Xêda”.


Một chút tâm tình

Câu chuyện được nhân chứng Matthêu viết tiếp rằng: “Nghe vậy. Họ ngạc nhiên…”.

Đúng ra, phải viết rằng “họ mắc cỡ”. Có lẽ Matthêu nể tình họ là người “đồng hương” nên mới hạ bút nhẹ tay như thế.

Thật vậy, không mắc cỡ sao được, lúc ra quân họ quyết tâm “tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời” kết cuộc “họ không tài nào bắt quả tang Người lỡ lời trước mặt dân” (Lc 20,26).

Đức Giêsu nói tiếp rằng: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22, …21).

Đây chính là điều họ đã phải lặng thinh.

Vâng, họ biết, họ đã đánh mất quyền được làm dân riêng “Của Thiên Chúa”! Họ đã hiểu những dụ ngôn trước kia Đức Giêsu đã kể, chính là nói về họ. Họ chẳng còn cái gì để mà “trả cho Thiên Chúa”…

Họ không nói gì. Có lẽ vì quá mắc cỡ nên họ đã “để Người ở lại đó mà đi”.

Một phút suy tư

Cái gì là “của Thiên Chúa”!?

Phải chăng là một số “nén bạc để sinh lợi”!? Phải chăng là những tài năng để làm lợi ích cho bản thân, gia đình, cộng đồng và Giáo Hội!?

Và phải chăng chính là Đức Giêsu với một hình hài tang thương trên Thập Tự giá tại Golgotha!?

Đúng vậy. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Những người Phariseu và các kinh sư đã không tin những điều nêu trên là quà tặng “của Thiên Chúa” ban cho họ.

Còn chúng ta… chúng ta tin!?

Nếu chúng ta tin và nhận “Đức Giêsu với hình hài tang thương trên Thập Tự giá tại Golgotha” chính là món quà “của Thiên Chúa” tặng cho chúng ta.

Nếu tin… Đừng “để Chúa Giêsu Kitô một mình trên thập giá”. Với ánh mắt đức tin, hãy đến bên Người và hãy nói rằng: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 9)

Vâng, đó chính là cách đáp “trả Thiên Chúa” tốt nhất.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây