TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Thường Niên -Năm C

“Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa”. (Ga 2, 1-12)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đáp lời mời gọi… và họ đi theo Ngài

Thứ hai - 10/05/2021 07:54 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   680
Đáp lời mời gọi… và họ đi theo Ngài

Đáp lời mời gọi… và họ đi theo Ngài

Mùa Giáng Sinh vừa mới khép lại. Tính từ khi Chúa Giêsu sinh ra tại Belem cho đến hôm nay đã được hơn hai mươi thế kỷ. Và tính từ ngày lễ ngũ tuần cho đến hôm nay đã có khoảng 2 tỷ người trên khắp thế giới tin vào Chúa. 

Chắc hẳn rằng, khi nghe được thông tin này chúng ta sẽ nhủ thầm rằng “Ồ! Tôi cũng có tên trong danh sách đó bởi vì tôi đã tin Chúa”. Thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng, tin Chúa rồi nhưng tôi có thật sự “theo Chúa”?

Kinh Thánh đã cho chúng ta biết rằng, ma quỷ cũng tin có Chúa và nó run sợ trước quyền năng của Người. Chính vì thế “tin Chúa” chưa đủ mà còn phải “theo Chúa”.

Bởi vì tin và theo Chúa mới nói lên được lòng quyết tâm sống chết với Chúa. Tin và theo Chúa mới tỏ rõ sự cam kết của chúng ta với Chúa. Và cuối cùng chỉ ai tin và theo Chúa, đời sống của họ mới thể hiện rõ chính Chúa trong mọi khía cạnh của đời sống đức tin.

…..

“Tin và theo Chúa” không phải là chuyện của một sớm một chiều. Tin và theo Chúa đó là một tiến trình tiệm tiến. Qua phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, với trích đoạn Tin Mừng thánh Gioan (Ga 1, 35-42), chúng ta sẽ được thấy  tiến trình đến với Chúa của các môn đệ đầu tiên ra sao. Hay nói cách khác, họ đã “tin và theo Chúa” như thế nào. 

Câu chuyện bắt đầu bằng hình ảnh có ba người đàn ông đang đứng bên nhau. Một người là Gioan Tẩy Giả và hai người kia là môn đệ của ông ta.

Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông Gioan lên tiếng nói “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Nghe ông Gioan tẩy giả nói như vậy, hai môn đệ “liền đi theo Đức Giêsu” (Ga 1, 37).

Có lẽ đối với chúng ta hôm nay, chúng ta sẽ tự hỏi rằng, tại sao ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu một cách “sơ sài” như vậy, thế mà hai môn đệ của ông lại vội vàng đi theo Đức Giêsu!!!

Vâng, cứ tưởng là như vậy nhưng không phải vậy. Tuy chỉ có năm chữ “Đây là Chiên Thiên Chúa”, nhưng nó còn hơn cả một “course” thần học về Đức Giêsu.

Thật vậy, với người Do Thái, họ rất nhạy cảm khi nhắc tới “chiên”. Chiên là một con vật gắn liền với đời sống tôn giáo của họ. Nó gợi cho họ nhớ đến ngày lễ vượt qua đầu tiên, ngày mà toàn dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập.

Nói tới “Chiên” làm sao người Do Thái quên được ngày mà cha ông họ được dạy bảo hãy giết một con chiên và lấy máu của con chiên đó bôi lên cửa nhà mình và nhờ dấu hiệu đó, thiên sứ Chúa vượt qua mà không giết hại con đầu lòng của họ.

Người Do Thái đã trung thành giữ ngày lễ vượt qua hàng ngàn năm. Họ hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của ngày lễ này, ngày họ được giải phóng, được cứu và có một con vật đã chết thay cho con trai đầu lòng của họ.

Chính vì thế, đối với người Do Thái “Chiên” đồng nghĩa với “chết thay”, đồng nghĩa với “giải phóng” và cuối cùng đồng nghĩa với “cứu chuộc”.

Bởi vậy, khi nghe thầy Gioan nói Đức Giêsu là “Chiên con của Đức Chúa Trời” hai người môn đệ không khỏi băn khoăn về “thần tính” của Đức Giêsu cũng như sứ mạng của Ngài.

Là môn đệ của ông Gioan tẩy giả, hẳn nhiên hai người môn đệ này đã được nghe thầy mình nói nhiều về một nhân vật được gọi là “Ngôi Lời” –  Người là Thiên Chúa. Người chính là “Lời hằng sống. Lời sự sáng. Lời nhập thể. Lời cứu chuộc”.

Hành động “liền đi theo” cho thấy hai môn đệ rất muốn biết rõ Đức Giêsu có thật là “Đấng xóa bỏ tội trần gian… Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” như lời thầy Gioan đã tuyên bố hay không!

Chính vì thế, khi Đức Giêsu hỏi “Các anh tìm gì thế?”, hai người môn đệ đã có một câu trả lời không ở trạng thái “hỏi thăm” nhưng ở trạng thái “tôn kính”, tôn kính Đức Giêsu như là bậc thầy của họ.  “Thưa Rappi. Thầy ở đâu?”.

“Thầy ở đâu?”. Phải chăng đó là một lời nói tỏ rõ quyết tâm tìm kiếm sự thật về Đức Giêsu của hai người môn đệ!

Đúng vậy. Đáp lại lời mời gọi “Đến mà xem” của Đức Giêsu… hai môn đệ đã “đi theo Ngài”. Họ “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy”.

Một chút tâm tình

Trích đoạn Tin Mừng nêu trên được ghi tựa đề là “các môn đệ đầu tiên”. Vâng, qua đoạn Tin Mừng này, thánh Gioan đã vẽ lại tiến trình “tin và đi theo Chúa” của hai người môn đệ. 

Việc đầu tiên là họ đã nghe về Chúa qua lời giới thiệu của Gioan tẩy giả. Kế tiếp là họ đi theo Chúa. Theo Chúa đến tận nơi Người ở, họ ở lại với Người. Và cuối cùng là khi trở về họ “làm chứng” về Chúa.

Vâng. “Tin và theo Chúa” mới chỉ là một phần trong tiến trình đến với Chúa. Tin và theo Chúa còn phải trở thành chất xúc tác như là “men trong bột” hay như lời Đức Giêsu đã nói với các môn đệ trước khi về trời, rằng “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 47).

Đừng bao giờ nghĩ rằng sứ mạng “rao giảng cho muôn dân” là công việc chỉ dành riêng cho các nhà truyền giáo, các linh mục, các tu sĩ.

Đừng hạ thấp vai trò “chứng nhân” cho Chúa bởi vì đó là lệnh truyền của Chúa. 

Rao giảng cho muôn dân hay là chứng nhân cho Chúa không ở đâu xa mà là ở ngay trong chính gia đình của mỗi người Kitô hữu.

Hãy nhìn tông đồ Anrê. Ngài đã làm chứng về Chúa Giêsu ngay trong gia đình của mình. Chuyện kể rằng, tông đồ Anrê sau khi “ở lại với Chúa ngày hôm ấy”. Ông ta đã về gặp em mình là Simon và nói “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Vâng, thật giản dị. 

Một gia đình Kitô hữu, mọi người luôn yêu thương nhau như yêu chính bản thân mình. Người chồng luôn nhận thức rằng “Yêu vợ là yêu chính mình” (Ep 5, …28). Và tránh xa tội gian dâm với kỹ nữ. Vợ chồng phải biết “phu xướng phụ tùy”.

Vâng, đó cũng là một cách làm chứng về Chúa qua hình thức, như lời thánh Phaolô đã nói,  “tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cor 6, 20).

Xin được nhắc lại một lần nữa. Vai trò chứng nhân cho Chúa không thể thiếu trong cuộc sống của một Kitô hữu. Thế giới ngày hôm nay đang nhìn cung cách chúng ta làm chứng về Chúa, cho Chúa như thế nào.

Chắc hẳn chúng ta đều biết triết gia Friedrich Nietzsche. Ông ta đã có một lời tuyên bố đầy khiêu khích rằng “Hãy chứng tỏ cho tôi thấy rằng anh thực sự được cứu, tôi mới tin vào Đấng cứu anh”.

Bằng cách nào chúng ta “chứng tỏ” cho mọi người thấy?

Tạ ơn Chúa. Thánh Phaolô có lời  khuyên dạy rằng “hãy làm gương về mặt đức hạnh”. Ngài nói tiếp rằng, có như thế, người chứng nhân mới có thể  “làm cho đạo lý của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, được rạng rỡ mọi bề” (Tt 2, …10).

Một phút suy tư

Chúng ta đã biết tiến trình đến với Chúa của những người môn đệ trong câu chuyện kể trên. Vâng, có thể nói cũng chẳng khác gì tiến trình đến với Chúa của chúng ta hôm nay.

Thật vậy, nếu xưa kia hai môn đệ tin và theo Chúa qua lời giới thiệu của Gioan tẩy giả, thì hôm nay, có phần chắc, rất nhiều Kitô hữu tin và theo Chúa qua Cha Mẹ của mình, qua người bạn đời của mình và cũng có thể qua một lời chứng của một Kitô  hữu nào đó.

Nhưng đó chưa phải là vấn đề quan trọng.

Điều quan trọng là nhiều năm đã tin và theo Chúa nhưng  chúng ta đã thật sự nghe tiếng Chúa gọi và ở lại với Ngài?

Đừng biện luận rằng, Chúa Giêsu đã về trời rồi, làm sao tôi nghe được lời Ngài mời gọi “Đến mà xem” để mà “ở lại với Ngài” như hai môn đệ xưa kia.

Không. Vẫn còn đó văng vẳng tiếng Gioan tẩy giả, qua môi miệng các linh mục, giới thiệu Đức Giêsu cho chúng ta “Đây Chiên Thiên Chúa. Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. 

Không. Đức Giêsu vẫn mời gọi mỗi chúng ta “đến mà xem” Ngài mỗi ngày trong từng trang Kinh Thánh. Ngài vẫn mời gọi chúng ta “Ở lại với Ngài” qua Bí Tích Thánh Thể. 

Xưa kia, Simon Phêrô đã nghe theo lời Anrê và đã “đến gặp Đức Giêsu”. Ông đã được Đức Giêsu đặt “tên thánh” là “Kêpha”. Ông đã tin và đi theo Chúa. Ông đã là một chứng nhân đích thực của Chúa bằng việc dùng chính cái chết của mình để loan báo ơn cứu độ.

Còn chúng ta! Chắc hẳn mỗi chúng ta cũng đã được cha mẹ, vị hôn thê, vị hôn phu hay một người anh em Kitô hữu nào đó đặt tên thánh cho mình!

Nếu chúng ta đã có một tên thánh, đừng chần chờ gì nữa, hãy đến bàn tiệc thánh nơi Đức Giêsu đang ở mà thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng… Nhưng xin Chúa phán một lời...”

Vâng. Chúa ơi! “Tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây