TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mọi điều tốt lành… Chúa làm được cả

Thứ sáu - 06/09/2024 09:36 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   296
“Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”.

Chúa Nhật XXIII – TN – B
Mọi điều tốt lành… Chúa làm được cả

tbd 06092024a

 

Như chúng ta được biết, trong Tin Mừng nhất lãm, (Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Maccô và Luca), cả ba thánh sử đều có ghi lại sự kiện Đức Giê-su về thăm Na-da-rét.

Đức Giê-su đã đến Na-da-rét, là nơi Ngài sinh trưởng. Đó là một ngày đáng buồn và thất vọng. Buồn và thất vọng vì những gì Đức Giê-su công bố đều không được những người đồng hương đón nhận.

Theo thánh sử Luca cho biết: Hôm đó là ngày sa-bát. Đức Giê-su vào hội đường như “Ngài vẫn làm trong ngày sabát”. Và thật vinh dự khi Ngài được đọc Sách Thánh. Người quản nhiệm hội đường trao cho Đức Giê-su cuốn sách ngôn sứ Isaia. Ngài mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4, 18-19).

Có thể nói, lời ngôn sứ Isaia là một “tin vui”. Rất vui, vì sau khi đọc xong, Đức Giê-su đã nói với mọi người, rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”

Vâng, mọi người vừa nghe và “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài.” Than ôi! lời tán thành và thán phục ngay lập tức bị thay thế bằng sự hoài nghi.

Cả hội đường, đại đa số là người đồng hương của Đức Giê-su, hoài nghi về thân thế của Ngài: “Ông ấy không phải là con ông Giu-se đó sao?” Và họ đã “vấp ngã về Ngài”. Đức Giê-su đã “không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.”

Cư dân Na-da-rét, nói theo cách nói ngày nay, toàn là “đạo gốc”, vậy mà họ đã không tin. Ngược lại, tại địa hạt Tia, “có một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, bà này là người Hy Lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri” là người ngoại giáo, khi biết Đức Giê-su “vào một nhà nọ” liền tìm đến Người. Bà tin rằng, Đức Giê-su sẽ trừ quỷ cho con gái bà.

Hôm ấy, sau một vài lời đối thoại, Đức Giê-su nhận thấy bà có một niềm tin mãnh liệt, Ngài nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà.” Quả thật, khi bà về đến nhà “bà thấy đứa trẻ nằm trên giường và quỷ đã xuất.” (x.Mc 7, 24-30).

**
Chữa con gái một bà gốc Phê-ni-xi xứ Xy-ri xong “Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh.”

Vừa đến nơi, tin tức về sự hiện diện của Ngài liền được loan truyền rộng rãi đến toàn dân. Thế là “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su.” Rồi, không một chút chần chừ, họ xin… “xin Ngài đặt tay trên anh.” (Mc 7, …32).

Không có cuộc đối thoại giữa bệnh nhân và người xin chữa bệnh, như trường hợp bà gốc Phê-ni-xi xứ Xy-ri. Tại sao? Thưa, bệnh nhân bị điếc.

Nói tới bệnh điếc, Jacques Hervieux, một nhà chú giải Kinh Thánh, rất tâm lý khi nói: “Theo một vài phương diện thì điếc còn khó chịu hơn đui. Người điếc biết mình không nghe được, nên trong đám đông khi có người tức tối hét vào tai, cố nói cho người ấy nghe, người ấy càng cảm thấy thất vọng hơn.”

Đức Giê-su, có phần chắc, thấu hiểu điều này. Và, đó là lý do “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông.”

Ra khỏi đám đông rồi, Người “đặt ngón tay vào lỗ tai anh.” Kế đến, “nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh.” Cuối cùng, “Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: Ép-pha-ta, nghĩa là hãy mở ra!” (x.Mc 7, 33-35).

Có bao giờ chúng ta thắc mắc, rằng: sao phép lạ này Chúa Giê-su không “phán một lời” như Ngài đã từng phán với một số phép lạ khác, và bệnh nhân đã khỏi bệnh!

Vâng, Jacques Hervieux đã giải đáp thắc mắc này như sau: “Chúa Giê-su đã hành động như sắp diễn một vở ‘kịch câm’, Ngài đặt tay lên lỗ tai người điếc, thấm nước miếng xức lưỡi anh ta, sau đó Chúa Giê-su ngước mặt lên trời để chứng tỏ rằng chỉ có Thiên Chúa mới giúp được cho loài người, rồi Ngài nói một tiếng và người điếc được chữa lành.

Câu chuyện này cho thấy cách hết sức sống động, Chúa Giê-su xem người này là một nhân vị có nhu cầu, một vấn đề đặc biệt, và bằng những cử chỉ dịu dàng, quan tâm, Chúa Giê-su giúp người ấy không cảm thấy khó chịu ngỡ ngàng và khiến anh có thể hiểu được.”

Còn với Noel Quesson! Vâng, chúng ta sẽ được nghe những lời chia sẻ rất sâu sắc của ông ta, lời chia sẻ rằng: “Thiên Chúa đã có thể ban hồng ân của Người cho chúng ta ‘từ xa’ một cách thiêng liêng, nhưng thực sự Người đã quyết định ‘tiếp xúc’ với chúng ta nhờ nhân tính Con của Người (là Đức Giê-su Ki-tô), đã nhập thể.”

Trở lại với “vở kịch câm”. (lời Jacques Hervieux). Vâng, tới lúc này, người câm, cứ tạm gọi là như thế, hết câm. Chuyện kể rằng: Sau khi Đức Giê-su nói: “Hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng”.

Có thể nói, đó là một phép lạ tỏ tường. Phép lạ này khiến cho mọi người “hết sức kinh ngạc” Mọi người đã kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”

Tuy, Đức Giê-su đã “truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả” Nhưng “càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.” (Mc 7, 36).

***
Đức Giê-su “truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả”. Nhưng “càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.” Thánh sử Mác-cô cũng đã “đồn ra” sự kiện này. Suốt hơn hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội, câu chuyện này vẫn tiếp tục được đồn ra.

Chúng ta đã được nghe. Nghe rất nhiều lần. Nghe xong thì sao! Thì tiếp tục “đồn ra” chứ sao! Hãy, hãy tiếp tục đồn ra. Tất nhiên là, không chỉ đồn ra câu chuyện Chúa Giê-su đã chữa khỏi một người vừa điếc vừa ngọng, mà còn phải đồn ra “những thực tại cao cả” mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều thứ lắm. Kể không xiết đâu! Thế nên, chúng ta không thể không đồn ra. Còn nếu… nếu chúng ta không đồn ra ư! Chúng ta sẽ bị gọi là những kẻ “điếc đặc về phương diện tâm linh”. Lm. Charles E.Miller có lời cảnh báo như thế.
Do vậy, đừng để mình mắc căn bệnh hiểm nghèo này. Bởi vì khi mắc phải, nó chính là dấu hiệu chúng ta “thiếu ơn đức tin”. Mà, thiếu ơn đức tin thì sao? Thưa, ngài Charles tiếp lời rằng: “Hậu quả là ta không thể ‘nghe’ Chúa nói với mình, cũng không thể ‘nói’ với Chúa như được trông đợi.”

Thực tế những gì xảy ra ở Na-da-rét năm xưa đã minh chứng cho nhận định của Lm. Charles. Cư dân Na-da-rét, vì thiếu niềm tin, nên đã không thể nghe được gì từ những lời công bố của Đức Giê-su. Và họ cũng chẳng nói được gì với Ngài ngoài những lời xầm xì bàn tán “ông không phải con bác thợ sao?”

Một bài thuốc, Lm. Charles đã kê một bài thuốc đặc trị để chữa trị căn bệnh “điếc đặc” này. Vâng, đó là bài thuốc mang nhãn hiệu “Lời Chúa”. Ngài Lm. nói: “Anh chị em phải nhận ra ‘Lời Chúa’ là nguồn mạch đức tin của mình.”

Như vậy, không có gì phải lo lắng nếu chúng ta chẳng may mắc căn bệnh vừa-điếc-vừa ngọng về phương diện tâm linh. Bài thuốc mang nhãn hiệu “Lời Chúa” sẽ giúp chúng ta thoát khỏi căn bệnh chết chóc này.

Nhưng, trước hết và trên hết, niềm tin vào Chúa phải là điểm mạnh của chúng ta. Mạnh như người phụ nữ gốc Phê-ni-xi xứ Xy-ri. Bởi vì, có như thế và chỉ như thế, Chúa Giê-su mới có thể nói với chúng ta, rằng: Ép-pha-tha – Hãy mở ra.

Vâng, hãy tin… chúng ta hãy tin rằng: “Mọi điều tốt lành… Chúa làm được cả.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây