TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Suy Tôn Thánh Giá

Thứ sáu - 13/09/2024 09:05 | Tác giả bài viết: Ezra Sullivan, O.P |   103
Hôm nay, người Công giáo chúng ta cử hành lễ Suy tôn Thánh giá. Đối với một số người, việc cử hành lễ này dường như khá phi lí, hoặc thậm chí họ xem ngày lễ này như là một sự kì dị của Kitô giáo.
Suy Tôn Thánh Giá

SUY TÔN THÁNH GIÁ
 
Hôm nay, người Công giáo chúng ta cử hành lễ Suy tôn Thánh giá. Đối với một số người, việc cử hành lễ này dường như khá phi lí, hoặc thậm chí họ xem ngày lễ này như là một sự kì dị của Kitô giáo.

Trước hết, người Công giáo có vẻ như có thái độ trái ngược với lời của Đức Kitô, vì Người nói rằng, Người đến thế gian để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn (x. Ga 15,11). Hơn thế nữa, nhiều người Công giáo dường như lại đang phủ nhận con người và mẫu gương của Chúa Kitô. Thay vì là những Kitô hữu tràn đầy niềm hoan hỉ, chúng ta lại ra như có xu hướng trở nên những người đau khổ và lập dị. Vượt ra khỏi bức tường vôi của những “không gian thờ phượng” hiện đại, người ta có thể nhận ra ai là con cái Giáo hội do bởi người tín hữu này yêu mến việc mô tả cách thực tế sự nhục nhã của Thiên Chúa. Họ thích hôn kính một tượng chịu nạn hơn là một thập giá đơn thuần; họ tin tưởng và tôn kính chính cây gỗ đã treo thân Chúa. Đứng trước điều này, một số người buộc phải đặt câu hỏi: Phải chẳng sự tôn kính Thánh giá là một cái gì đó thật bệnh hoạn? Một cách nào đó, chẳng phải người Công giáo đang tiếc nuối một sự kiện đã kết thúc trong quá khứ hay sao, như thể Chúa Giêsu không chiến thắng cái chết và hỏa ngục, như thể lúc này Người không ở trên trời, trị vì như là Vua các vua, Chúa các chúa? Tại sao, sau hàng ngàn năm, hình ảnh Đức Giêsu chịu chịu khổ nhục vẫn còn phổ biến hơn hình ảnh Chúa Giêsu vui cười?

Việc tìm hiểu kỹ lưỡng về căn nguyên tình yêu thập giá của người Công giáo sẽ cho thấy rằng, lòng sùng mộ này bắt nguồn từ nền linh đạo ở Pháp rất xa trước thế kỷ XIX, trước cả Công đồng Trentô[1], trước cả thời các nhà thần bí trường phái sông Rhin[2], thậm chí trước cả thời thánh Augustinô[3]. Theo những gì chúng ta biết hiện nay thì ngày lễ đặc biệt này đã được cử hành từ nửa đầu thế kỷ thứ IV, nhưng lòng yêu mến Thánh giá thậm chí còn khởi phát từ sớm hơn, điều này được thể hiện ngay trong ngòi bút các tác giả Tin Mừng. Các ngài dành phần lớn trang sách Tin Mừng để tường thuật các sự kiện dẫn đến việc Đức Giêsu chịu đóng đinh và bản thân sự kiện này hơn bất kỳ sự kiện nào khác trong cuộc đời của Người. Thánh Phaolô cũng có cùng cách viết như các thánh sử, vì ngài nói rằng ngài sẽ không rao giảng gì khác ngoài Thánh giá và Đức Kitô bị đóng đinh (x. 1 Cr 1,23; 2,2). Về phần Chúa Giêsu, Người đã tiên báo về việc Người phải chịu đóng đinh và bảo đảm với chúng ta rằng, Người sẵn sàng vác thập giá, vì Người đến “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10, 45).

Điều mà những người thánh thiện này (tức các tác giả Tin Mừng và thánh Phaolô) đã nói, và chính Thiên Chúa cũng nói, cho chúng ta thấy rằng, Thập giá chính là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa, vì đó là khí cụ, qua đó, Người ban ơn cứu độ cho chúng ta. Cây Thập giá là thánh, vì nơi ấy là nơi máu của Ngôi Hai đã chảy xuống. Cây ấy mang lại hiệu quả cứu độ vì Đức Giêsu là Đấng quyền năng. Đây là lý do tại sao, vào Thứ Sáu Tuần Thánh, người Công giáo chiêm ngắm cây gỗ Thập giá và từng người một tiến lên kính thờ Thánh giá bằng cử chỉ của một tình nhân. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta cử hành Lễ suy tôn Thánh giá.

Chúng ta còn suy tôn Thánh giá vì một lý do khác; lý do này phát xuất từ nơi Đức Giêsu và các tông đồ. Chúa Kitô không chỉ nói với chúng ta rằng chính Người phải vác Thập giá, nhưng Người còn truyền cho chúng ta vác Thập giá đời mình (x. Lc 9,23). Thánh Phaolô đã vâng lời Thầy và đi xa hơn, khi tuyên bố, chính thánh nhân cũng đã chịu đóng đinh với Đức Kitô, đã sống cuộc đời của Đức Kitô, Đấng yêu thương chúng ta và hiến thân cho tất cả chúng ta (x. Gl 2,20). Đây là điều huyền nhiệm của việc suy tôn Thánh giá trong Giáo hội và là bí mật thầm kín nơi tình yêu các thánh nhân dành cho Thánh giá: chính nhờ Thập giá, chúng ta được liên kết với Thiên Chúa, được thứ tha tội lỗi, vượt qua tử thần và được hứa hẹn về một tương lai huy hoàng.

Nhận biết được niềm vui lớn lao đến từ Thánh Giá, Giáo hội cùng với các thánh, trong suốt chiều dài lịch sử, đã luôn suy tôn Thánh giá. Các vị tử đạo đầu tiên, bắt đầu từ Stêphanô trở đi, đã vui mừng chịu đau khổ với và vì Đức Kitô. Các nhà thần học thời sơ khai, theo cách thế riêng, cũng đã hưởng nếm được niềm vui nơi thập giá trong các trước tác của mình. Do đó, thánh Mêtôđiô thành Olympus (mất năm 311) đã nói: 

“Nếu bạn muốn có được một định nghĩa, thì Thập giá là sự xác nhận sự vinh thắng, là con đường Thiên Chúa giáng trần, là chiến tích chống lại tinh thần sống duy vật chất, là sự đẩy lùi cái chết, là nền tảng cho việc tiến đến ngày tận thế; và là chiếc thang cho những người đang khao khát hưởng lấy ánh sáng nơi thiên quốc, cũng như là khí cụ giúp người ta sống xứng hợp, vì tòa nhà Giáo hội được nâng lên từ thẳm sâu…”

Ngay cả trong thời đại của chúng ta, các thánh cũng nhận ra niềm vui đến từ Thánh Giá. Thánh Josemaría Escrivá đoan nhận rằng, “những dấu hiệu không thể nhầm lẫn của Thập giá thật của Đức Kitô” là “sự thanh thản, một cảm giác bình yên thẳm sâu, một tình yêu sẵn sàng cho mọi sự hy sinh… Và luôn luôn – và rất rõ ràng – là hoan hỉ.” Cũng vậy, thánh Têrêsa Calcutta, đã dạy cho người nghèo và người đang hấp hối thấy rằng, “Sự đau khổ, sự đau đớn thể xác, và sự tủi nhục, chúng là nụ hôn của Đức Giêsu. Những lúc đó, bạn đến gần với Đức Giêsu trên Thập giá đủ để Người hôn bạn.”

Trong ánh sáng chứng tá của chính Đức Kitô và của rất nhiều những người thánh thiện bước theo Người, chúng ta có thể chắc chắn rằng việc suy tôn Thánh giá không phi lý bao giờ, đó cũng không phải là sự bóp méo đức tin. Thay vào đó, khi suy tôn Thánh giá, chúng ta vun đắp đức tin của mình và tán dương sự cao cả của Thiên Chúa, nhờ đó, chúng ta sẽ làm chủ được bản thân và sống một cuộc đời chứa chan niềm vui!

 
Tác Giải: Br. Ezra Sullivan, O.P\
Đức Hữu chuyển ngữ từ https://catholicexchange.com/exalting-the-cross-of-contradiction/

 

[1] Công đồng Trentô được nhóm họp từ giữa năm 1545 đến 1563 ở thành phố Trento và Bologna, miền bắc Ý. Công đồng này nổi tiếng với việc cải tổ phụng vụ, việc khẳng định đạo lý Kitô giáo về ơn công chính hóa, việc khẳng định giá trị các bí tích.  
[2] Phong trào “Huyền nhiệm sông Rhin” xuất hiện vào thế kỷ XIV-XV tại những lãnh thổ các nước Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ dọc bờ sông này. Các tác giả nổi tiếng của trường phái sông Rhin là các linh mục Eckhart, Tauler, Suso (đều thuộc Dòng Đa Minh). Xt. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh II – Những đường hướng linh đạo nổi bật trong lịch sử Kitô giáo, NXB. Phương Đông, 2015, chương 6, mục I.

[3] Thánh Augustinô (354-430) chiếm một vị trí đặc biệt trong nền tu đức Kitô giáo, không những bởi những tác phẩm do ngài viết, nhưng còn bởi sự ảnh hưởng trên nhiều thế hệ về sau. Xt. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh II – Những đường hướng linh đạo nổi bật trong lịch sử Kitô giáo, NXB. Phương Đông, 2015, chương 3, mục IV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây