TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ai là Phản Kitô?

Thứ tư - 29/12/2021 00:55 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1316
“Tên Phản Kitô” không phải là một mà là nhiều người và đã xuất hiện.
Ai là Phản Kitô?

AI LÀ PHẢN KITÔ (ANTICHRIST)?
(Ngày 31/12 – 1Ga 2,18-21 – Ga 1,1-18)

Với Kitô hữu và những người ảnh hưởng văn hóa Kitô giáo thì chủ đề “Phản Kitô” xem ra khá lôi cuốn không chỉ vì sự hiếu kỳ, thậm chí là tò mò mà còn vì có liên hệ đến ngày tận thế. Có người cho rằng “tên Phản Kitô” là một nhà độc tài vốn ghét dân tộc Do Thái như Hitler. Có người cho rằng đó là những vị nguyên thủ cường quốc nào đó hay là tác nhân của đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Kẻ Phản Kitô hay Kẻ chống Chúa Cứu Thế là một thuật ngữ lần đầu được Thánh Tông đồ Gioan nói trong thư thứ nhất của ngài: “Hỡi anh em là những người con thơ bé, đây là giờ cuối cùng. Anh em đã nghe biết là tên Phản Kitô sẽ đến; thế mà giờ đây nhiều tên Phản Kitô đã xuất hiện… Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta” (1Ga 2,18-19). Ngài nói rõ tên Phản Kitô là kẻ dối trá. Nó chối và nói rằng Đức Giêsu không phải là Đấng Kitô và như thế nó chối Chúa Cha và Chúa Con.

“Tên Phản Kitô” không phải là một mà là nhiều người và đã xuất hiện. Vậy đó là những ai mà thư thứ nhất thánh Gioan nói đến? Trước hết cần loại bỏ những người ngoài Kitô giáo vì tác giả nói “chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng ta”. Điều này thật dễ hiểu vì nếu anh chị em lương dân và bà con ngoài Kitô giáo không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (Kitô) vốn là chuyện bình thường không có gì đáng nói. Anh chị em Do Thái giáo đến nay cũng không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô và họ vẫn đang mong đợi Đấng Thiên Sai đến.

Chúng ta cũng cần loại bỏ các trường hợp “tên Phản Kitô” thuộc diện những người giả danh Kitô hữu hoặc gia nhập Kitô giáo theo cách “gián điệp”, “nằm vùng”. Những người ở ngoài được cài cắm vào trong một tập thể xã hội, chính trị hay tôn giáo nào đó thì không thể được gọi là “xuất thân từ hàng ngũ chúng ta” đúng nghĩa.

Chúng ta có thể phác họa chân dung “tên Phản Kitô” như sau: đó là những người Kitô hữu nhưng vì lý do nào đó đã tự tách biệt mình lên trên hay ra khỏi tập thể đoàn Dân Thiên Chúa. Tác giả Tin Mừng thứ tư trong Lời tựa đã nói: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,9-12). Quả thật có đó nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ tự tôn tự mãn về uy quyền cũng như sự hiểu biết của mình nên đã không đón nhận Chúa Giêsu và từ chối ánh sáng chân lý của Người. Thậm chí một số tự hào về “công lao đạo đức” của mình nên tự tách biệt mình khỏi đám đông dân chúng và vô tình hoặc hữu ý họ đã chối từ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Rất có thể có nhiều “Phản Kitô” trong Kitô giáo xưa lẫn nay. Khi tự tách biệt khỏi đoàn Dân Thiên Chúa bằng nhiều hình thức thì dễ bị cám dỗ cho mình đã nắm đủ đầy chân lý. Và thay vì quy về Chúa Kitô thì họ lại lấy mình làm điểm quy chiếu cho chân lý. Khi được xưng tụng là đại diện cho Chúa Kitô, là đấng thay mặt Chúa thì cũng dễ bị cám dỗ hành xử như mình là Chúa vậy. Khi được xem là “thầy dạy chân lý” thì cũng dễ bị cám dỗ cho rằng lời của mình là không bao giờ sai lầm. Khi được lãnh nhận chức tư tế thừa tác thì lại dễ bị cám dỗ đặt mình lên trên và tách khỏi đoàn chiên vì được xem như là đã “thay đổi bản tính”!

Khiêm nhu, biết lắng nghe nhau để nhận ra tiếng gió của Thần Khí Thiên Chúa, cùng nhau đồng hành về Giêrusalem trên trời là nỗ lực chống lại các hình thái “phản Kitô”. Theo thiển ý, qua Thượng Hội Đồng vừa mở ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội Công giáo cẩn trọng với động thái “Phản Kitô”. Ngài thường xuyên nhắc nhớ chúng ta, cách riêng hàng mục tử hãy hướng cái nhìn về Chúa Kitô thay vì chiêm ngắm chính mình. Phải chăng nhiều hình thức cho rằng mình “biết rồi”, “đủ rồi”, “đẹp rồi”… chính là hình thái “phản Kitô”?

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây