TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tế Bào

Thứ năm - 23/12/2021 02:23 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1218
Hằng năm vào Chúa Nhật tiếp ngay sau đại Lễ Giáng Sinh, Giáo hội cho đoàn tín hữu Công giáo mừng kính Thánh Gia Thất, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse.
Tế Bào

TẾ BÀO
(Lễ Thánh Gia Thất)

Hằng năm vào Chúa Nhật tiếp ngay sau đại Lễ Giáng Sinh, Giáo hội cho đoàn tín hữu Công giáo mừng kính Thánh Gia Thất, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse. Chúng ta được nhắc nhớ về tầm quan trọng của gia đình trong việc làm người, việc xây dựng xã hội cũng như Giáo hội. Theo viễn kiến này xin có một cái nhìn về gia đình như là tế bào, tế bào của xã hội, của Giáo hội.

Tế bào là một đơn vị cấu trúc cơ bản có chức năng sinh học của sinh vật sống. Tế bào là đơn vị nhỏ nhất của sự sống có khả năng phân chia độc lập, và các tế bào thường được gọi là “những viên gạch đầu tiên cấu tạo nên sự sống” (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Dịp chuyển giao năm cũ năm mới, bước vào thế kỷ XXI, chương trình VTV3 đã vinh danh hai tín hữu Công giáo là nhạc sĩ Ngọc Lễ và ca sĩ Phương Thảo vì có công đề cao giá trị của gia đình qua âm nhạc, một phương thế có tính xã hội và dễ đi vào lòng người. Bài hát “Ba ngọn nến” được cất lên từ các thành viên của gia đình được vinh danh. “Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh. Lung linh, lung linh tình mẹ tình cha…”.

Con Thiên Chúa chọn cách thế giáng trần từ một mái gia đình. Dù nghèo hèn nhưng tình mẹ tình cha mãi là chiếc nôi ấm cho Hài Nhi Giêsu chào đời, làm người. Sự hiện hữu của Con Thiên Chúa trong thân phận loài người nhờ Mẹ Maria cưu mang, sinh hạ, nhờ thánh cả Giuse giang tay đón nhận cả hai về nhà. Sự tồn tại của Hài Nhi nhờ tấm lòng và dòng sữa Mẹ Maria, nhờ sức lao công và sự bảo vệ của Giuse trước sự truy diệt của bạo vương Hêrôđê. Sự phát triển của Đấng làm người nhờ công lao giáo dục của bố mẹ Giuse – Maria. Một trong những ý nghĩa của việc đặt tên là giáo dục. Chính hai Đấng đã đặt tên cho trẻ là Giêsu theo lời sứ thần truyền (x.Mt 1,21; Lc 1,31).

Có thể nói rằng các tôn giáo và các chính thể xã hội đều nhìn nhận vai trò quan trọng của gia đình trong việc huấn luyện, giáo dục trẻ thơ thành người. Giáo hội Công giáo còn mạnh mẽ hơn khi xác quyết rằng vai trò ấy là không gì có thể thay thế. Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nói: Gia đình là mái trường đầu tiên dạy chúng ta biết sống nên người, nên người con cái Thiên Chúa. Từ trong nôi ấm, trong vòng tay của mẹ cha, trẻ thơ cảm nhận thế nào là tình thương. Và dần dà các bé học biết tin yêu, phó thác.

Gia đình còn được xem là tế bào của xã hội và của Giáo hội. Một cơ thể sống luôn tùy thuộc vào trạng thái của các tế bào. Căn bệnh thế kỷ HIV-AIDS hay nạn dịch Covid-19 đang hoành hành cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sức đề kháng của tế bào. Khi các tế bào cơ thể chúng ta mất sức đề kháng (liệt kháng) thì tính mạng sẽ bị đe dọa vì bất cứ sự tấn công nào của các loại virus độc hại. Nhìn vào xã hội các nơi trên thế giới, chúng ta phải nhìn nhận hiện thực này: Ở đâu giá trị gia đình bị hạ phẩm, nền tảng gia đình bị lung lay thì xã hội bị xáo trộn ngay và Giáo hội cũng gặp ngay nhiều vấn đề khó vượt qua.

Mừng kính Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, Giáo hội kêu gọi đoàn con cái chiêm ngắm Gia đình thánh. Thánh Gia Thất là một tổ ấm đầy tình yêu trong sự liên đới và tinh thần trách nhiệm. Tin Mừng cho chúng ta biết chìa khóa hướng dẫn các Ngài, cả ba Đấng vuông tròn nghĩa vụ của mình, đó là: “Thực hiện lời Thiên Chúa truyền dạy” (x.Mt 1,24; Lc 1,38; Ga 4,34).

Đọc câu chuyện kể trên mạng xã hội: “linh mục quản xứ than thở với cặp vợ chồng già đang hạnh phúc bên nhau: “Không hiểu sao đám trẻ giờ lại dễ cạn tình, cạn nghĩa với nhau thế?”. “Thưa cha, có gì đâu, thời chúng con, hễ cái gì hư thì cố sửa mà dùng; giờ tụi nó hà, hỏng một tí là vứt bỏ, thay cái mới”. Không ai là hoàn hảo, không ai là không hề lầm lỗi, chúng ta cầu xin cho các đôi vợ chồng biết yêu thương nhau trong tình quảng đại để gìn giữ mái ấm gia đình. Xin cho các người cha người mẹ mặn nồng nghĩa phu thê, đồng tâm hiệp ý giáo dục con cái bằng tình yêu, gương sáng và lời lẽ khôn ngoan của mình. Thật phúc thay các gia đình có những người con tự nhiên vui vẻ hát ca: “Ba thương con, vì con giống mẹ. Mẹ thương con, vì con giống ba. Cả nhà ta cùng yêu thương nhau. Xa là nhớ. Gần nhau là cười” (Phan Văn Minh).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây