TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

HƯỚNG VỌNG QUÊ HƯƠNG

Thứ năm - 13/05/2021 23:36 | Tác giả bài viết: Ứng sinh Lê Bảo Tịnh |   675
HƯỚNG VỌNG QUÊ HƯƠNG

HƯỚNG VỌNG QUÊ HƯƠNG

Ánh vàng nhẹ nhàng lan tỏa giữa trời thu tĩnh lặng. Trên những cành cao, từng chiếc lá phai màu nhẹ nhàng buông mình về với đất. Mới ngày nào, những mầm xanh được ôm ấm và nảy nở trong tình thương bao la của đất mẹ, nay đã biến nên nhạt nhòa và quay về với lòng mẹ, như một lữ khách phương xa nay lại trở về với cố hương. Quy luật cuộc đời là thế: có sinh ắt có tử, có ngày ra đi rồi cũng có lúc quay về. Cảm nghiệm sâu thẳm quy luật nhân sinh ấy, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thốt lên:“...trăm năm một cõi đi về” (Một cõi đi về). Trong tâm thức của cố nhạc sỹ, phận người chỉ như một hành trình ra đi và trở về: về với đất, về với cố hương là cát bụi. Vậy phải chăng kiếp người chỉ gói trọn trong một kiếp cát bụi ngắn ngủi thế thôi sao? Trong một ý niệm khác, niềm tin nhà Phật lại phản ánh cái chết như một sự siêu thoát, là bước tiếp trong kiếp luân hồi để mong đạt tới cõi niết bàn. Thế nhưng ý niệm ấy không đáp trả đầy đủ những hoài nghi sau cái chết: Linh hồn siêu thoát sẽ về đâu? Vòng luân hồi đến bao giờ mới tận? Cõi niết bàn là chốn nào?

Đắm chìm trong nỗi khắc khoải với sự chết, đức tin Ki-tô giáo mở ra một giải đáp trọn vẹn hơn về số phận con người: Cố hương của ta không phải chỉ là đất, nhưng cố hương đích thực của ta chính là Nước Trời. Đó chính là quê hương vĩnh cữu và viên mãn, là nhà của Thiên Chúa mà ta được diễm phúc gọi là Cha, nơi tràn ngập hạnh phúc và tình yêu trong không gian và thời gian vô hạn. Hằng năm cứ dịp tháng mười một đến, mẹ Giáo Hội lại thức tỉnh ta nhớ đến và hun đúc trong trái tim niềm yêu mến quê hương ấy, từ đó thắp sáng hy vọng một ngày nào đó sẽ được trở về “nhà” và được nép mình vào lòng Cha rất mực yêu thương.

Chắc hẳn nếu ai có dịp rảo quanh khắp các đất thánh Công giáo vào tháng mười một này đều cảm thấy một sự vấn vương, một chút bồi hồi chất chứa ân tình giữa người sống và người đã qua đời. Điều này có lẽ cũng là một nét đẹp hết sức bình dị đối với người dân Việt. Từ lâu, người Việt đã xem đạo lý “uống nước nhớ nguồn” như một nét nhân bản cao quý. Trong nhân sinh quan, thế giới giữa người sống và người chết luôn luôn tồn tại song song và rất mực gần gũi, ông bà qua đời phù hộ cho con cháu; con cháu dâng lên ông bà thành quả của cuộc sống như của lễ để đền ơn; người chết đi nhưng hương hồn vẫn quấn quýt đâu đó bên gia đình. Đó là những biểu hiện tâm linh thật đẹp, thật đáng trân trọng và phải lẽ biết bao. Còn với người Công giáo, những biểu hiện đó không chỉ dừng lại ở một nghĩa cử đẹp. Nhưng hơn thế, mối tương quan gần gũi giữa cõi sống và cõi chết được mặc lấy sự cao quý như một giới răn: Thảo kính cha mẹ; đồng thời được biểu lộ trọn vẹn trong một mầu nhiệm: mầu nhiệm các thánh thông công. Kho tàng đức tin của mẹ Giáo Hội dạy mỗi người tín hữu rằng Giáo Hội không chỉ hiện hữu và lữ hành đơn độc nơi thực tại với những con người trần thế. Nhưng Giáo Hội còn được gắn bó bởi mối dây thiêng liêng với các thánh trên trời, là Giáo Hội khải hoàn với những người đã tiến tới đích điểm quê hương Thiên Quốc và đang chung hưởng hạnh phúc vĩnh hằng nơi nhà Cha chí ái. Cũng trong mầu nhiệm này, người tín hữu còn hiệp thông sâu xa với Giáo Hội đau khổ, là những linh hồn còn dừng lại ở bến cuối, đang hoàn tất sự thanh luyện và chờ ngày “vượt qua” để bước vào cõi đất quê hương hằng sống muôn đời.

Tháng mười một mở ra với sự hướng vọng đến Giáo Hội khải hoàn, tôn vinh các thánh cùng chất chứa ước mong ngày sau được đoàn tụ với các ngài trên quê hương. Nhưng nối tiếp nỗi niềm mơ ước ấy còn là tình thương với các linh hồn nơi luyện ngục. Các ngài đã hoàn tất cuộc đời này nơi trần gian, nhưng còn đó những bụi bặm nơi linh hồn cần được giũ bỏ trước khi bước vào cõi vĩnh hằng. Ta hãy dừng lại đôi chút để hồi tưởng những khổ ải ta phải chịu trong cuộc đời này; ta hãy nhớ lại những ngấn lệ trào tuôn khi ta buồn đau; ta hãy chiêm ngắm ngọn lửa và cảm nhận sức nóng khủng khiếp có thể thiêu đốt mọi sinh linh. Những cảm xúc gần gũi đó cho ta cảm nghiệm một phần rất nhỏ nỗi đau khổ cùng cực của sự thanh luyện. Ta không chiêm ngưỡng, không hiểu thấu hết, nhưng cần lắm sự mở rộng tâm hồn để cảm thức đức tin dẫn đưa ta đến mối hiệp thông sâu thẳm đó. Các linh hồn cần lắm nơi ta một sự tương trợ bằng những hy sinh của ta với kinh nguyện và những việc lành. Hương hoa khói trầm cũng chỉ một chốc thoáng rồi tan biến theo gió theo mây, giọt lệ tiếc thương có lúc trào tuôn rồi cũng sẽ cạn, chỉ có tình yêu xuất phát từ tận tâm mới là món quà vô giá xoa dịu đi mọi nỗi khổ đau của các ngài. Những hy sinh tuy đơn sơ nhỏ bé nhưng chân thành của ta sẽ là giọt nước mát xua đi cơn nực nồng của chốn luyện hình thâm u. Còn gì quý giá hơn khi thánh lễ hằng ngày là một lễ dâng góp cộng từ những nhọc nhằn trong cuộc đời, hiệp với hy tế của Con Thiên Chúa làm thành của lễ đền bồi cho những khổ đau nơi ngục hình. Đẹp thay mối thân tình giữa cõi sống và cõi chết không bị đoạt tuyệt nơi những nấm mồ sâu, nhưng luôn được khắc ghi suốt chiều dài cuộc đời. ‘Nghĩa trang’ không còn là “một cõi đi về” với cát bụi bơ vơ lạnh lẽo, nhưng trở nên ‘nơi thấm đượm nghĩa tình’ ấm áp và thiêng liêng.

Thương nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục cũng là một dịp để ta soi chiếu vào chính cuộc đời của chính mình. Ta rồi cũng có lúc lên đường, bắt đầu một cuộc hành trình ‘vượt qua’ nỗi đau đớn của sự chết để tiến về “cố hương” Nước Trời, trở về với cội nguồn của mình trong Đấng Tạo Hóa. Nhớ về Quê Trời, cố thi sĩ linh mục Xuân Ly Băng đã thổn thức:

Tiếng quê hương vang phương trời cao rộng

Nhắc hồn ta, hồn viễn khách xa quê

Dừng bước chi đây? Ánh sáng ngày về

Đang tưng bừng Trời mến yêu vô tận. (Lời ca viễn khách - Xuân Ly Băng)

Tâm hồn người viễn khách đắm say trong tiếng quê hương đang mời gọi, để rồi không được dừng bước mà phải liên tục lên đường trong niềm tin yêu và tín thác. Ta cũng mang trong mình hình ảnh người viễn khách ấy, cũng khắc khoải và hoài mong biết bao ngày trở về. Cuộc đời không khi nào vơi đi nỗi thổn thức với cái chết. Ngày chào đời, ta cất tiếng khóc. Cũng chính bằng tiếng khóc, ta đưa tiễn những người thân yêu của ta về nhà Cha. Và rồi cũng trong những giọt lệ tiếc thương của bao người, ta sẽ yên nghỉ trong cõi thiên thu. Ta khóc cho người, nhưng cũng đừng quên khóc cho phận mình; ta hy vọng cho người, nhưng cũng phải ấp ủ niềm tin cho ta nữa. Niềm tin ấy thôi thúc ta mở đường và dọn sẵn cho mình một chỗ trên quê hương Nước Trời thông qua chính cuộc sống thực tại tốt đẹp. “Chuyện sống chưa biết hết thì làm sao cho biết được chuyện chết” (Khổng Tử), vì thế để đón nhận cái chết bình an thì cuộc đời trước tiên phải được đan dệt bằng những giây phút hiện tại sống hết mình và sống tốt.

Ai vào đời rồi cũng có ngày ra đi dù bình minh hay đã ngả bóng chiều, dù thanh xuân hay khi đã bạc đầu. Nhưng thiết nghĩ dù ở bất cứ giây phút hay hoàn cảnh nào, ta phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận tất cả. Vì không phải là thời điểm, nhưng tình trạng ân sủng trong giây phút của sự chết mới quyết định số phận sau cùng của ta. Tâm thế của một người đầy tớ luôn khôn ngoan và trung tín phải luôn luôn được thực hiện trong mọi nỗ lực sống, “để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là mở ngay” (Lc 12, 36). Thật diễm phúc cho ta nếu giây phút Thiên Chúa đến gần và gõ cửa cuộc đời, ta không rơi vào sợ hãi hoảng loạn, nhưng hân hoan tiến ra đón người như một đầy tớ đã “thắt đai lưng” dấn thân phục vụ trong hy sinh và thành tín, tay giơ cao ngọn đèn rạng ngời ánh sáng nhân đức và tin yêu.

Từ nguyên thủy, sự sống của ta vốn dĩ chỉ xuất phát từ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa mà thôi. Hơn thế nữa, nơi đỉnh cao của tình yêu, Người Con Thiên Chúa độc nhất đã đến lặng lẽ nơi kiếp người và đánh đổi sự sống đời đời của ta bằng chính hiến tế mạng sống của Ngài. Ước gì ta có thể khiêm tốn cảm nghiệm sâu xa mối tình bất diệt ấy, để mỗi khoảnh khắc trong đời, ta luôn sống như người đang yêu và tận hiến trọn vẹn bản thân cho tình yêu. Dòng máu hồng xuất phát từ trái tim sẽ trở lại với trái tim, vì thế tình yêu sẽ là đầu mối dẫn đưa ta trở về với Đấng Tình Yêu vĩnh hằng, nơi ta sẽ được yêu như những người con thật sự đáng yêu. “Tình yêu đáp đền tình yêu, sự sống đáp đền sự sống” (Chân phước tử đạo Việt Nam Anrê Phú Yên).

Đường lên thiên quốc còn lắm nguy nan, nhưng với một niềm tin mạnh mẽ, một lòng cậy trông vững vàng và một con tim yêu mến thủy chung, hành trình sẽ ngắn lại. Ngọn hải đăng duy nhất giữa sóng biển cuộc đời này chỉ có thể tìm thấy nơi Đức Ki-tô, vì người cũng đã sống kiếp người lầm lũi như ta, cũng bước vào hành trình ‘vượt qua’ nơi cái chết đau thương nhất để tiến về với Cha. “Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15, 20). Vì thế, ta hãy bám víu thật chặt lấy Đức Ki-tô, để Ngài dẫn ta đi trên con đường của sự thật và sự sống. Chắc chắn, với trọn niềm tín thác vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, Quê Trời mến yêu sẽ không còn quá xa vời, nhưng sẽ đến bên ta thật nhẹ nhàng vào lúc không ngờ.

Ứng sinh chủng viện Phao-lô Lê Bảo Tịnh - BMT

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây