CỎ DẠI
Màn đêm lui dần như bàn tay Thượng Đế vén bức màn cửa để lộ ra những ánh hừng đông lấp ló giữa lưng trời. Bình minh dường như ấm áp hơn biết bao sau những đêm mưa dầm dề của đất trời cao nguyên.
Trong ánh sáng nhẹ buổi sớm, tôi rảo bước trong khu vườn quen thuộc để tận hưởng bầu khí thanh thoát của ngày mới. Trước mắt tôi hiện lên màu xanh mát của thảm cỏ mơn mởn, màu xanh chứa chan sự sống và hy vọng. Tôi thầm cảm phục và yêu mến biết bao những bàn tay của người thợ đã tỉ mẩn vun trồng và chăm sóc thảm cỏ đẹp đẽ này. Nhưng niềm vui chưa dứt thì một nỗi buồn lại chộp lấy tâm hồn tôi. Khi ngắm nhìn thảm cỏ kỹ hơn, tôi bất chợt nhận ra trên thảm cỏ xanh ấy đã len lỏi những cây cỏ dại thật vô duyên và xấu xí biết chừng nào. Tôi phải làm gì đây?... Băn khoăn trong chốc lát, tôi quyết định sẽ nhổ chúng đi để dành lại vẻ đẹp mà thảm cỏ đáng ra phải có.
Thế nhưng, tôi đâu có ngờ... sau một hồi miệt mài nhổ cỏ dại, thảm cỏ xanh còn tệ hại hơn lúc đầu vì những mô đất lởm chởm và lỗ chỗ. Tôi ngắm nhìn thảm cỏ trong lặng lẽ buồn tênh. Thế rồi tôi tiếc nuối bỏ đi để lại thảm cỏ bơ vơ trơ trọi. Một ngày, hai ngày và vài ngày trôi qua, tôi không màng đoái hoài gì đến thảm cỏ ấy, để mặc cho nó làm bạn với nắng mưa của đất trời. Rồi đến một ngày nắng đẹp, tình cờ đi ngang qua thảm cỏ, lòng tôi lại trào dâng một niềm kinh ngạc vô cùng khi chứng kiến thảm cỏ nay bỗng trở nên khác lạ: không còn cỏ dại, những mô đất lô nhô đã được lấp đầy bằng những lá non xinh xắn. Trước mắt tôi giờ đây chỉ còn một màu xanh làm tươi mát tâm hồn. Thật thú vị và diệu kỳ biết bao!
“Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du- Truyện Kiều).
Nhớ chuyện cảnh, tôi lại chợt ngẫm về chuyện đời, vì phải chăng người và cảnh đều là tinh hoa của tạo hóa? Chẳng thế mà ngạn ngữ có câu: “Người ta là hoa đất”. Nhưng chắc chắn con người phải vượt trội hơn hẳn mọi thứ cây cỏ vô tri vô giác, vì con người là một sinh thể có linh hồn và thể xác. Trong đức tin của người Ki-tô hữu, con người là chóp đỉnh của công trình tạo dựng. Từ thuở ban đầu, Thượng Đế đã khoác cho con người một linh hồn thật đẹp đẽ và thanh khiết biết chừng nào. Tâm hồn mỗi người tựa như một mảnh vườn nhỏ. Trong mảnh vườn đó, người thợ vườn là chính Thiên Chúa đã vun trồng những bông hoa đỏ thắm rực rỡ của tình yêu và nhiệt huyết, những đóa hoa hồng thắm đượm hương thơm của đức tính dịu dàng, hoa trắng tỏa rạng nét khiết tịnh và đơn sơ, có cả những bông hoa sẫm màu chất chứa đời sống nội tâm; Ngài còn trải rộng trong ta thảm cỏ xanh bất tận của sức sống và niềm hy vọng. Còn mảnh vườn nào trên thế gian tuyệt vời hơn thế nữa!
Thế nhưng, mảnh vườn tâm hồn xinh tươi ấy tự bao giờ lại bị những cây cỏ hoang dại len lỏi và phá vỡ đi vẻ đẹp hài hòa vốn có. Có những thứ cỏ dại xuất phát từ những nguy hại của cuộc đời gieo vào, nhưng cũng có những cỏ dại do chính sự bạc nhược yếu đuối của tâm hồn. Ai cũng muốn và yêu thích sự thiện, ai cũng hiểu sự dữ luôn là những cỏ dại nguy hại biết bao. Thế nhưng, mấy ai đủ thiện tâm và can đảm để loại trừ những mầm mống nguy hại đó. Chính thánh Phao-lô, vị tông đồ dân ngoại dành trọn một đời loan báo Chúa Ki-tô chịu đóng đinh, cũng đã cảm nghiệm sâu xa sự bất lực của con người: “Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm; nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Mảnh đất hồn ta thay vì là đất lành để cưu mang cây tươi cỏ tốt, nay lại bị xâm lấn và bóp nghẹt bởi muôn chất hoang chất dại tầm thường và nhỏ nhen.
Cuộc sống con người luôn là một bức tranh đa hình vạn trạng vì con người hiện hữu trên cuộc đời phải luôn gắn mình trong nhiều mối tương quan: gia đình, xã hội, công việc, mưu sinh... Thế nhưng sự đa dạng đó lại lôi kéo con người vào nhiều mối đa đoan, nhiều loại cỏ dại cũng từ đó có cơ hội len lỏi trong tâm hồn. Trong đời mỗi người mọc lên lắm thứ cỏ dại, nhưng có lẽ thứ cỏ dại của bản năng luôn tiềm tàng một mối nguy hiểm lớn nhất; vì bản năng làm cho chất người trong con người bị tha hóa. Cỏ dại bản năng có sức bóp nghẹt những cây tốt lành của nhân bản và xúc cảm nội tâm, lúc đó con người trở nên vô tri và vô tình trước mọi biến động của cuộc sống. Hãy tưởng tượng ra viễn tưởng tệ hại biết bao nếu con người không còn khả năng phân định giữa điều tốt và cái xấu, giữa việc thiện và sự ác, giữa nhân tính và thú tính; lúc đó người ta hành động trong vô thức và quy hướng tất cả đến sự sinh tồn của mình chẳng khác gì mọi sinh vật khác.
Lại có những giống cỏ dại khác của tính tham lam và ích kỷ đang hút kiệt quệ dưỡng chất của lương tâm. Tính tham lam và ích kỷ đẩy con người vào chỗ vun vén tất cả mọi sự về bản thân, vị cái tôi và tôn thờ chủ nghĩa cá nhân đến nỗi thậm chí coi nhẹ sự sống còn của anh em đồng loại. Ngày hôm nay, đâu đó trên quê hương đất nước vẫn còn vang vẳng tiếng bi ai: môi sinh bị hủy hoại, con người vì mối lợi mà đầu độc lẫn nhau, rừng chết, biển chết, cá chết... tất cả đều đang chết dần chết mòn. Nhưng mấy ai nhận ra thứ đã tử vong trước tiên lại chính là lương tâm con người. Sự vô lương đã khiến con người mất hết cảm xúc trân trọng với tạo hóa, vì lòng tham lam mà hủy hoại trật tự thiên nhiên tươi đẹp vốn có, vì lợi ích cá nhân mà vô tâm dùng những chất độc hại hủy hoại sự sống người khác. Không những hành hạ lẫn nhau trong thể xác, mà lương tâm bị tha hóa đưa con người đến việc tra tấn nhau về nhân phẩm và tinh thần. Đó là những lúc người ta lăng mạ lên nhau để mà sống, hay dùng những lời dối trá và vu khống để bóp chẹt lẫn nhau, lấy bạo quyền tiêu diệt nhân quyền, hạ thấp phẩm giá và tính mạng con người ngang với những đồng tiền vô tri. Đánh mất lương tâm cũng đồng nghĩa với việc đánh mất cảm thức về tội lỗi. Một khi đã cảm thức tội lỗi đã không còn, bản ngã con người sẽ dễ dàng kết giao với sự dữ và không còn gì ngăn chặn bản thân rơi vào những con đường gian tà.
Bên cạnh đó, có một loại cỏ dại độc hại không kém là sự vô cảm. Nó nhẫn tâm giết chết lòng nhân ái của con người. Một tâm hồn vô cảm luôn thờ ơ trước mọi biến động của cuộc sống, không đón nhận và cũng không thể cho đi những giá trị tốt đẹp. Trong thời đại số hóa, người ta thường bị lôi cuốn trong thế giới ảo với những giá trị ảo mà vô tâm trước những giá trị thực. Cha mẹ con cái ngồi chung bàn ăn, nhưng tư tưởng và tình cảm thì ở trên bàn phím. Bạn bè họp mặt nhau, nhưng tình bạn lại nằm trong xã hội ảo của Facebook, Zalo,… Những thứ tình cảm rất đỗi bình dị bỗng dưng trở nên xa lạ bất thường. Nếu như những tình cảm gần gũi như vậy mà con người còn không cảm nhận được, không chiếm giữ được, thì làm sao có thể thấu cảm những nỗi đau khổ sâu xa mà nhân loại đang quằn quại trong đó. Chẳng trách tại sao con người lại vô tâm với nhau đến thế. Một người bị tai nạn đau đớn chờ chết bên vệ đường, không ai dám cứu giúp vị sợ muôn nỗi phiền phức ập tới. Một người anh em đang chịu áp bức bất công, không ai dám lên tiếng bênh vực sự thật vì sợ nhiều điều liên lụy và oan trái. Không những thế, vô cảm trong tình người còn đưa đến một hệ lụy to lớn hơn là vô cảm với những giá trị thiêng liêng. Sự tôn vinh thuần túy ngày nay đối với các bậc linh thánh dường như bị biến thành những những trò buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan khiến cho vẻ đẹp thuần khiết tôn giáo bị biến chất trầm trọng. Hay mới đây dư luận đã phải nhức nhối khi một nhóm người trẻ gán cho những biểu tượng tôn giáo rất mực tôn nghiêm những hình ảnh trần tục; dùng sự linh thánh để phô diễn cái xác thịt dung tục và tầm thường. Chủ nghĩa trần tục hóa sự thánh thiêng phải chăng là một biểu hiện của sự tiêu vong trong đời sống tâm linh của con người?
Còn tồn tại nhiều vô kể những thứ cỏ dại khác vẫn đang hoành hành và tàn phá mảnh vườn nội tâm của con người. Đó có thể là những cỏ dại của lòng tự phụ, tự cao đang giết chết đi đức tính khiêm nhường và đơn sơ. Có những cỏ dại của nóng nảy đang làm tiêu vong thái độ hiền hòa. Còn đó những cây cỏ dại của sự ngờ vực đang làm hao mòn niềm tin trong xã hội này. Có những cây dại của tính hư nết xấu, những thói quen xấu đang làm hư hao tinh thần và sức khỏe của con người. Nguy hiểm lắm thay nếu ta không nhận diện và nhổ bỏ kịp thời tận gốc rễ những thứ cỏ dại nguy hiểm ấy.
Ta cần sự thanh lọc nội tâm, cần nhổ bỏ trong tâm hồn ta những cây cỏ dại; nhưng ta cũng đừng quên ngăn ngừa chất hoang chất dại tiêm nhiễm trong ta, biến ta thành một cây cỏ dại khác. Lắm lúc đời sống thiếu đứng đắn của ta lại nên gương mù gương xấu cho người khác, có khi ta lại phá hoại cộng đồng bằng những chia rẽ và nói hành nói xấu lẫn nhau, hay nhiều lần ta lại trở nên cớ vấp phạm cho người khác. Những lúc như thế, chẳng phải chính ta là cây cỏ dại đang phá hoại những gì tốt đẹp chung quanh ta hay sao?
Dẫu biết rằng cuộc thanh lọc nội tâm nào cũng chất chứa những nỗi đau. Ta đau vì những ta đã quá quen với những cám dỗ hào nhoáng, những dễ dãi của thế gian. Ta sẽ cảm thấy khó chịu khi phải đi vào con đường hẹp của hy sinh và từ bỏ. Nhổ cỏ dại sẽ để lại những vết thương trong ta, để lại những mô đất nhấp nhô và trống vắng trong mảnh vườn tâm hồn. Nhưng vàng chỉ trở nên tinh ròng khi được luyện qua lửa, tâm hồn chỉ thực sự thanh khiết khi được thanh luyện qua con đường hy sinh. Khi đắm chìm trong nỗi đau, ta hãy trải rộng tâm hồn ta ra trước Đấng thương yêu ta vô cùng. Khi ta biết sẵn sàng đón nhận, những cơn mưa hồng ân sẽ làm tâm hồn ta dịu mát và mềm mại, tia nắng của lòng thương xót sẽ lan tỏa hơi ấm chữa lành. Và rồi những chồi non sẽ mọc lên và khỏa lấp đi những mảng trống xót xa trong tâm hồn.
Cỏ dại không ngừng lây lan và dai dẳng trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng không vì thế mà ta buông xuôi, vì cỏ dại thực chất cũng chỉ là một sinh vật bị giới hạn trong vòng diệt sinh. Cỏ dại tâm hồn tuy phát triển rất mạnh nhưng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng những tiết độ dứt khoát trong giác quan, tâm trí và cả con tim. Ta có thể nhổ tận gốc rễ cỏ dại bằng những cuộc thanh luyện nội tâm trong ơn Chúa và quyết tâm của bản thân ta.
Trở lại cuộc sống thực tại, ngay tại khoảnh khắc này, tốt đẹp biết bao nếu mỗi người bước vào cuộc hành trình nội tâm với một quyết tâm dứt khoát: Tôi đã sẵn sàng tận diệt cỏ dại trong tâm hồn tôi hay chưa?
Ứng sinh chủng viện Lê Bảo Tịnh, BMT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn