TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mến Chúa – Yêu Người

Thứ năm - 13/05/2021 23:32 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   791
Mến Chúa – Yêu Người

Mến Chúa – Yêu Người

Trong kinh “Mười Điều Răn”, Giáo Hội dạy chúng ta rằng: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.

Kính mến Chúa và yêu người, đây không phải là một lời mời gọi, nhưng là một lệnh truyền của Thiên Chúa, qua ông Mô-se, đã được truyền dạy. Kinh Thánh dạy rằng: “Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Đnl 5, 5).

Và, Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã nói với mọi người rằng, đó chính là giới răn quan trọng nhất. Chuyện kể rằng: “Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Sa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại”.

Những vị này “họp nhau lại” để làm gì? Thưa, để rút kinh nghiệm cho những lần thất bại trước, qua việc chất vấn Đức Giê-su về luật lệ. Hôm ấy, họ họp nhau lại để đưa ra đối sách mới. Một thầy thông luật trong nhóm dầy dạn kinh nghiệm về luật, đã được cử đến gặp Đức Giêsu.

Không như những lần trước, họ thường đặt thẳng vấn đề với Đức Giêsu về việc thực thi luật lệ. Ví dụ như, tại sao Ngài “không giữ ngày sa-bát!” Hoặc là, tại sao môn đệ Thầy “không rửa tay trước khi ăn?” v.v… và v.v…

Lần này, khi vị thông luật đến, ông ta tung một đòn hỏa mù bằng một câu hỏi đầy mưu mẹo, ông ta hỏi rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-se, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”

Ôi Trời! Đúng là quá mưu mẹo. Do Thái giáo dựa trên 10 điều răn. Mười điều răn mà Thiên Chúa, qua Mô-sê, đã truyền cho dân Do Thái. Thế rồi, trải qua nhiều thế hệ, những hậu duệ của Mô-se thêm rồng thêm rắn. Họ thêm đến 613 lề luật.

Trong số 613 lề luật, những vị thông giáo lại chia thành 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Nói tắt một lời, mỗi ngày là một luật cấm…

Vâng, giả sử ông Mô-se có sống lại, có lẽ, ông ta sẽ hỏi rằng, tại sao hồi trên núi Sinai xuống, ông chỉ truyền cho có “Mười Điều Luật”, nay, ở đâu lại lòi ra 613 điều là làm sao hở mấy ông thông luật kia?

Thật ra, khi đặt câu hỏi này, ông thầy thông luật đã đặt Đức Giê-su vào một cái bẫy. Thật vậy, trong bối cảnh Israel thời đó, mỗi một phe nhóm như Sa-đốc, kinh sư, luật sĩ, Phariseu v.v… họ thích điều luật nào thì cho điều luật đó quan trọng hơn cả.

Nếu Đức Giêsu trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng, Ngài sẽ bị “chụp mũ” là về phe nhóm này, chống nhóm kia. Và điều hiển nhiên là các nhóm khác sẽ “ném đá” Ngài…

Thế nhưng, dù ông thầy thông luật có ngụy trang cái bẫy đầy mầu sắc đạo đức, nó vẫn không làm cho Đức Giêsu sập bẫy.

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất ư?”. Đức Giêsu đáp “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (x.Mt 22, 37-38).

Chưa dừng ở đó, Đức Giê-su nói tiếp: “Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”

Kết thúc phần chất vấn, Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Tất cả Luật Môse và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều ấy”.

**

Tưởng chúng ta nên nhớ, một lần nọ, khi nói tới lề luật, Đức Giê-su có nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-se hoặc các lời ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17).

Và hôm nay, đứng trước nhóm Pha-ri-sêu, Ngài đã kiện toàn. Một sự kiện toàn tuyệt hảo. Vâng, lời truyền dạy của Đức Giê-su rất rõ ràng: “Mến Chúa” không chưa đủ, còn phải “Yêu người”.

***

Hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa nhắc lại cho chúng ta điều răn căn bản của Ki-tô giáo, đó là: “Mến Chúa và Yêu người”.

Vâng, chỉ là “tóm về hai này”, ấy thế mà không phải lúc nào chúng ta cũng thực thi điều truyền dạy này một cách trọn vẹn.

Có những lúc chúng ta “mến Chúa”, (mến đến độ), bỏ rất nhiều thời gian tiền bạc, công sức, cho việc “hành hương” đền thánh này, núi thánh kia. Có người đã bỏ ra cả trăm triệu cho việc hành hương Giê-ru-sa-lem. Họ tuyên bố rằng, qua thăm viếng Belem, kính cẩn nghiêng mình cầu nguyện nơi Đức Giê-su sinh ra, rồi về chết cũng mãn nguyện.

Điều đó cũng tốt thôi. Thế nhưng, Đức Giê-su trên trời sẽ vui hơn nếu người đó không làm ngơ trước cảnh ngộ khó khăn của một ai đó, đi ngang qua cuộc đời mình, của một người hàng xóm (chẳng hạn) đang trong cơn đau đớn của bệnh hoạn, đang vật lộn với hoàn cảnh nghèo khó.

Ngược lại, có những người lại “yêu người” (nhất là các bạn trẻ), một cách kỳ quái. Họ “yêu thần tượng”, họ “hôn” vào cái ghế thần tượng họ ngồi, đôi khi họ sẵn sàng chết cho thần tượng v.v… và v.v… Họ xem đó như là một cách thực thi lề luật “yêu người”.

Không. Mến Chúa và yêu người theo cung cách đó, Đức Giê-su không hoan nghênh. Không phải là điều Kinh Thánh và Hội Thánh dạy.

“Mến Chúa”… Vâng, Kinh Thánh dạy rằng: “Trước mặt Ta ngươi chớ có thần nào khác” và rằng: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 24)

Còn “yêu người” ư! Vâng, Hội Thánh dạy rằng: “Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn. Thứ hai: Cho kẻ khát uống. Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết”.

Kitô giáo là một tôn giáo được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương. Và tình yêu thương của người Ki-tô hữu chính là sự luôn sẵn sàng dấn thân, dẫu biết rằng để thể hiện sự dấn thân đó, đôi lúc sẽ phải “chết trong lòng một ít”, và đôi khi sẽ phải “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”.

Cung cách “YÊU NGƯỜI” của người Ki-tô hữu, đó là: chỉ cần “làm một việc bình thường với một tình yêu phi thường”. (Mẹ Têrêsa Calcutta)

Hãy nhớ rằng, phải yêu người như thế, chúng ta mới được gọi là “môn đệ của Đức Giê-su”.

Lời khuyên cuối cùng, rằng: “Mến Chúa và yêu người”. Vâng, với hai điều răn này, Lm Charles E Miller, CM có lời khuyên: “chúng không được tách rời trong tâm hồn hoặc trong hành động của chúng ta”.

Để có thể luôn sống trong tâm tình như thế, không gì tốt hơn là chúng ta hãy cất tiếng nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa’.

Vâng, là “khí cụ bình an của Chúa”, không ai có thể phủ nhận người đó đã thực thi trọn hảo lề luật mến Chúa – yêu người.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây