TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cần có lòng trắc ẩn… như Thầy Giê-su

Thứ sáu - 26/07/2024 10:06 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   336
“Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.”

Chúa Nhật XVII – TN – B
Cần có lòng trắc ẩn… như Thầy Giê-su

tbd 260724a

 

Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại, chúng ta được biết, một ngày nọ, Đức Giê-su đã lớn tiếng tuyên bố với mọi người, rất rõ ràng, rằng: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. (Và rằng) Tôi chính là Mục Tử nhân lành.” (x.Ga 10, 10-11).

Đức Giê-su không tuyên bố xuông. Ngài đã hiện thực hóa lời tuyên bố của mình qua những việc làm cụ thể. Những việc làm cụ thể đó chính là những phép lạ hay dấu lạ mà Đức Giê-su đã thực hiện.

Nói về những phép lạ ư! Vâng, Đức Giê-su đã làm rất nhiều phép lạ. Tin Mừng thánh Mát-thêu cho biết, “Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi kẻ đau ốm, bệnh hoạn tật nguyền trong dân.” Ngài thánh sử nói thêm: “Thiên hạ đem đến cho Người… những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt, và Người đã chữa họ.” (x.Mt 4, 23-24).

Còn dấu lạ thì sao! Thưa, cũng rất… rất nhiều dấu lạ được Đức Giê-su thực hiện. Đầu tiên là dấu lạ “nước hóa thành rượu”. Dấu lạ này được thực hiện trong một bữa tiệc cưới tại Ca-na. Dấu lạ thứ hai cũng ở Ca-na: Đức Giê-su chữa con của một sĩ quan cận vệ của nhà vua. Đặc biệt hơn cả, đó là dấu lạ “hóa bánh ra nhiều”. Vâng, dấu lạ này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (Ga 6, 1-15).

**
Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại: Hôm ấy “Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a.” Chuyến hải trình của Đức Giê-su, ngoài sự tháp tùng của Nhóm Mười Hai, còn có “đông đảo dân chúng đi theo Người.” Dân chúng đi theo Đức Giê-su “…bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (Ga 6, 2).

Đúng vậy. Trước đó không lâu, Đức Giê-su đã làm một dấu lạ khiến cho cư dân sống quanh vùng Biển Hồ phải “kinh ngạc sững sờ”. Đó là dấu lạ “chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại.” (x.Mc 5, 21-43).

Trở lại với chuyến hải trình, khi thuyền về neo bến cũ, chuyện kể tiếp rằng: “Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.”

Lên núi và ngồi đó với Nhóm Mười Hai, đó là điều cũng đã được thánh sử Mát-thêu, nói đến. Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: “Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.” (x.Mt 5, 1).

Và rồi, thánh sử Mát-thêu cho biết: “Người mở miệng dạy họ.” Đức Giê-su đã giảng dạy điều gì, chúng ta biết rồi. Người giảng dạy tám mối phúc thật. Điều mà hôm nay chúng ta gọi là “Hiến Chương Nước Trời”.

Còn hôm nay, khi Đức Giê-su “ngước mắt lên… nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình”, thì sao? Thưa, thánh sử Gio-an kể rằng: “Người hỏi ông Phi-líp-phê: Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”

Mua đâu ra bánh ư! Từ trên núi cao, có muốn mua thì cũng phải xuống núi, đi vào làng mạc, may ra mới có bánh mà mua chứ! Thầy ơi! mệt lắm. Cho họ tự túc đi! Nếu là chúng ta, chúng ta có “lẩm bẩm” như thế không?

Các môn đệ xưa, có đấy! Theo lời ba thánh sử Matthêu, Máccô và Luca, chúng ta được biết, các môn đệ đã gợi ý với Thầy Giê-su, rằng: cứ “để họ vào các làng mạc… để họ vào thôn xóm và làng mạc… để họ vào các làng mạc… mua lấy thức ăn.”(Mt 14, 13-21).
Còn thánh sử Gio-an kể rằng: ông Phi-lip-phê đáp lời Đức Giê-su: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”.

Như một nỗ lực “vote” cho ý kiến của Phi-líp-phê, “một trong các môn đệ là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (x.Ga 6, 7-8).
Mặc cho những lời trần tình (có vẻ rất hợp lý) của các môn đệ, Đức Giê-su vẫn truyền lệnh, lệnh rằng: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.”

Lệnh truyền của Thầy Giê-su, đã được các môn đệ truyền xuống dân chúng. Rồi sao nữa! Thưa, nghe lệnh truyền “người ta ngồi xuống” thôi! Thật vậy, đoàn dân đã ngồi xuống. Thống kê sơ bộ cho biết “nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn người”.

Năm-ngàn-đàn-ông, “không kể đàn bà và trẻ em”, thánh sử Mát-thêu, một nhân chứng sống hồi ấy, đã bổ túc thêm số liệu, như thế.

Vâng, tất cả số liệu đã được đưa ra. Và, nếu chúng ta sắp xếp lại thành một bài toán, một bài toán cộng: 5b+2c = 5.000ng. Với bài toán này, có lẽ chúng ta sẽ phải khóc thét lên và nói: Thầy Giê-su ơi! Làm sao giải bài toán này đây!

Thế nhưng, Thầy Giê-su đã giải được. Ngài giải bằng “quyền năng và lòng trắc ẩn”. Đó là những điều Đức Giê-su luôn thể hiện trong những ngày còn tại thế.

Về quyền năng của Đức Giê-su, Tin Mừng thánh Luca có ghi lại rằng: “Cả đoàn dân đều tìm cách chạm vào Ngài, vì quyền năng từ Ngài phát ra và chữa lành mọi người.” (Lc 6, 19).

Còn về lòng trắc ẩn ư! Thì đây! Hôm nay, nhìn đông đảo dân chúng đến với mình, động lòng trắc ẩn, vì họ “như đàn chiên không người chăn dắt”, Đức Giê-su đã “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Ngài cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.” (x.Ga 6, 11).

Với Đức Giê-su, bài toán (nêu trên) chỉ là một “phép thử”, phép thử về lòng tin và sự phó thác. Hôm ấy, khi nói với Phi-líp-phê: “ta mua đâu ra bánh cho họ ăn”, Đức Giê-su “nói thế là để thử ông” bởi vì “Người đã biết mình sắp làm gì rồi.”

Thì đấy, Đức Giê-su đã làm rồi! Chỉ là năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã làm cho mọi người được ăn no nê. No đến độ không còn ai muốn ăn nữa.

Hôm ấy: “Khi họ đã no nê rồi. Đức Giê-su bảo các môn đệ: Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Vâng, sẽ rất là phí, vì hôm ấy, họ thu lại những miếng bánh thừa “được mười hai thúng.”

***
Hôm ấy, chuyện kể tiếp rằng: “Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian.”

Đúng. Đức Giê-su đã đến thế gian. Và, như đã nói ở trên, Ngài đến là “để cho chiên được sống và sống dồi dào.” Đó chính là cách thể hiện lòng trắc ẩn, là “Agape”, là tình yêu thương vô điều kiện, của ông Giê-su người Na-da-rét.

Qua dấu lạ “hóa bánh ra nhiều” Đức Giê-su muốn các môn đệ xưa (và cũng là chúng ta hôm nay), hiểu rằng: phải có lòng trắc ẩn “ngay cả đối với những người có thể chẳng liên quan gì đến mình.”

Điều này cũng đã được Ngài nói, trong dụ ngôn “Người Samari tốt lành”. Chúng ta nên đọc lại dụ ngôn này trong Tin Mừng thánh Luca (Lc 10, 29-37).

Lòng trắc ẩn, “theo khuôn mẫu của Đức Kitô không dựa trên cảm tính; đúng hơn, đó là một hành động kiên quyết của ý chí, một quyết tâm luôn đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của chúng ta.” Lm Gioakim Nguyễn Quốc Nam đã dựa vào một bài viết tiếng Anh, với tựa đề “What is agape love?” và đã chuyển ngữ ra tiếng Việt, như thế.

Giáo Hội Việt Nam đã ghi khắc lòng trắc ẩn “theo khuôn mẫu của Đức Giê-su”, trong những lời giáo huấn của Giáo Hội. Những lời giáo huấn đó đã được ghi thành một bài kinh, bài kinh: Thương người có mười bốn mối. “Thương xác bảy mối: Thứ nhất, cho kẻ đói ăn. Thứ hai, cho kẻ khát uống. Thứ ba, cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm, cho khách đỗ nhà. Thứ sáu, chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy, chôn xác kẻ chết.”

Chúng ta đừng quên, trong ngày quang lâm, Đức Giê-su không chất vấn chúng ta điều gì, ngoài những điều có liên quan đến những lời giáo huấn nêu trên.

Ngày đó, Đức Giê-su sẽ nói: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù; các người đã hỏi han.”

Ngài tiếp lời rằng: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Chúng ta có xem những lời nói của Đức Giê-su (nêu trên) như là hành trang cho cuộc hành trình về Vương Quốc mà Chúa đã dọn sẵn cho mình, từ tạo thiên lập địa? Câu trả lời, tất nhiên, là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, đừng quên, Lm. Thái Nguyên, qua câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều”, có lời chia sẻ chân tình, rằng: “Cuộc sống không sợ thiếu lương thực, chỉ sợ thiếu những con người không mở lòng chia sẻ. Thế giới không sợ thiếu hoà bình, chỉ sợ thiếu những người xây dựng hoà bình. Nhân loại không sợ thiếu công lý, chỉ sợ con người không thực thi công lý. Là môn đệ Đức Giêsu, chúng ta phải là những người tiên phong mở lòng chia sẻ, xây dựng hòa bình, thực thi công lý. Chỉ như thế, chúng ta mới xứng đáng là Kitô hữu.”

Vâng, đúng vậy. Và, chúng ta có thể nói tiếp rằng: đã là Ki-tô hữu, “cần có lòng trắc ẩn như Thầy Giê-su”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây