TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Canh thức Vượt Qua

“Giêsu Nazarét chịu đóng đinh, đã sống lại”. (Mc 16,1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Con nhà tông

Thứ tư - 08/09/2021 17:55 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   659
Tất thảy chỉ vì điều căn bản này: “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.
Con nhà tông

KHÔNG GIỐNG LÔNG CŨNG GIỐNG CÁNH

Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Tin Mừng tường thuật có nhiều thể loại và sắc thái khác nhau tùy hoàn cảnh cũng như chủ đề Người đề cập. Khi nói về Nước Trời thì Chúa Giêsu thường dùng thể văn dụ ngôn. Khi dạy về đạo yêu thương thì Người lại hay dùng lối nói “thậm xưng” hay còn gọi là thể văn “ngoa ngữ” (hyperbole) nghĩa là nói quá đi để muốn nhấn mạnh điều muốn đề cập. Bài trích Tin Mừng thánh sử Luca ngày thứ Năm sau Chúa Nhật XXIII TN tường thuật những lời dạy của Người theo thể văn này. “Ai vả má bên này thì đưa cả má bên kia; Ai lột áo ngoài thì đừng cản họ lấy cả áo trong…” Đã từng có đó nhiều lối giải thích má phải má trái có ý nghĩa gì, áo ngoài áo trong có nghĩa ra sao. Dù rằng lối giải thích này cũng đem lại cho ta một vài ý tưởng đạo đức hơn. Tuy nhiên nếu biết thể văn thì chúng ta sẽ nắm được trọng tâm lời giảng dạy của Chúa Giêsu hơn. Cả đoạn Tin Mừng Lc 6,27-38 chỉ tập trung vào chủ đề rằng chúng ta phải nên trọn lành, phải có lòng thương xót như Cha trên trời. Tất thảy chỉ vì điều căn bản này: “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”.

Đã tin nhận Đấng dựng nên vũ trụ đất trời là Cha Toàn năng chí ái thì ắt hẳn chúng ta phải nhìn nhận mình là anh chị em cùng một nhà. Đã là anh chị em cùng một Cha thì phải sống đạo yêu thương nhau cách vô điều kiện và đến cùng. Kiểu nói “thậm xưng” mà Chúa Giêsu dùng qua các hình ảnh má này má kia, áo ngoài áo trong, một dặm hai dặm… là muốn nhấn mạnh đến tính nhưng không (vô điều kiện) và đến cùng của tình yêu. “Ăn cho buôn so”. Khi đã có điều kiện đặt ra thì chữ tình cách nào đó đã bị bóp méo. “Khi yêu thì yêu cả đường đi”. Nếu có sự giới hạn cách nào đó thì chữ tình cũng đã bị biến dạng, vì biên giới của tình yêu là một tình yêu không biên giới.

Tuy nhiên làm sao chúng ta có thể nên hoàn thiện hay có lòng thương xót như Cha trên trời? Câu trả lời là đây. Hãy nhìn vào người anh cả của nhân loại, Giêsu Kitô. Chúng ta có người anh cả là Con một của Chúa Cha đã hữu hình trong kiếp nhân sinh. Ai thấy Người là thấy Cha trên trời (x.Ga 14,9).

Với những người bé mọn (nghèo khổ, bất hạnh, kém may mắn, bị áp bức, tội lỗi biết khiêm nhu…) thì Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu cách rõ nét bằng việc chữa lành, tha thứ, cứu giúp, nâng đỡ… cách trọn vẹn cả hồn lẫn xác, cả đời này lẫn đời sau. Ngay cả với những người tội lỗi mang tính luân lý cá nhân thì Người cũng nhân từ, tế nhị trong cách ứng xử, tôn trọng phẩm giá và còn tìm cách cứu sống khỏi cái ách lề luật vô tình bấy giờ (x.Ga 8,1-11).

Trái lại với những người quyền cao chức trọng đặc biệt trong Do Thái giáo thời ấy thì Người xem ra có vẻ quá gắt gao, thẳng thừng trong lời nói cũng như hành động. Mới xem ra thì tưởng rằng Chúa Giêsu không yêu thương họ, nhưng thực ra Người đã yêu thương họ đến cùng khi thẳng thắn “sửa dạy kẻ mê muội”, khi can đảm “răn bảo kẻ có tội” đặc biệt khi đây là thứ tội mang tính luân lý xã hội, ảnh hưởng đến rất nhiều người bé mọn. Sự đến cùng của Người trong tình yêu được thể hiện qua việc Người chấp nhận trả giá bằng chính án hình thập giá đau thương. “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình của người dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu” (x.Ga 15,13).

Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Ước gì Kitô hữu chúng ta những người thường xuyên cầu nguyện với lời kinh “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,7-13) biết luôn nhìn vào Chúa Giêsu để sống đạo yêu thương cho đúng đẹp thánh ý Chúa. Một thực hành mà các nhà tu đức chỉ bày thật đáng tập luyện là trong mỗi hoàn cảnh mà chúng ta phân vân tìm cách hành xử thì hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu nếu Chúa trong hoàn cảnh này thì Chúa hành xử ra sao?” Và Chúa sẽ soi sáng và ban ơn cho chúng ta biết sống cách hoàn thiện và đầy lòng thương xót như Cha trên trời. Dĩ nhiên phần đón nhận và thực hành ra sao là còn tùy ở thiện chí và thành tâm của chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 Tags: Con nhà tông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây