TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mến Chúa – Yêu người: chính là thập giá tôi

Thứ ba - 07/09/2021 04:53 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   829
“Ông Phê-rô trả lời: Thầy là Đấng Ki-tô”.
Mến Chúa – Yêu người: chính là thập giá tôi

Chúa Nhật XXIV – TN – B

Mến Chúa – Yêu người: chính là thập giá tôi

Một nhà văn của miền nam Việt Nam, trong tác phẩm “Ngọn Nến Ăn Năn”, đã có lời nhận định về thế giới hôm nay, “là một thế giới mà quyền lực văn minh muốn ‘xóa sổ’ Thiên Chúa ra khỏi trái đất này”.

Vâng, xóa sổ Thiên Chúa, một từ ngữ nghe quen quen và đó không phải là điều mới xảy ra trong thế giới của chúng ta hôm nay, nhưng là điều “thường xảy ra ở huyện” trong suốt chiều dài lịch sử con người.

Xưa, con cái loài người đã xóa-sổ-Thiên-Chúa bằng việc thờ ngẫu tượng. Câu chuyện Israel thờ “bò vàng”, như một minh chứng.

Con cái loài người không chỉ xóa-sổ-Thiên-Chúa bằng việc thờ ngẫu tượng, nhưng còn bằng đao, bằng kiếm, bằng búa, bằng liềm. Những cuộc chiến tranh tôn giáo thời trung cổ, hay như những cuộc chiến tranh nhân danh “chủ nghĩa” thời cận đại, như điển hình.

Khéo léo… khéo léo hơn, nhân danh tự do, nhân danh quyền bình đẳng, nhân danh chống kỳ thị chủng tộc, “nhân danh quyền được nhân danh”… con cái loài người xóa sổ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời.
Rồi, chính vì muốn phô trương, chuộng hình thức, con cái loài người xóa-sổ-Thiên-Chúa bằng những sinh hoạt, những sinh hoạt tôn giáo “xô bồ tại những cộng đoàn tín hữu ở nhiều địa phương trong các buổi lễ lớn, long trọng, nhưng lại thiếu sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa”.

Đáng buồn hơn cả, con người đã xóa-sổ-Thiên-Chúa bằng cách “chẻ” Người ra thành trăm mảnh, dựng lên cả trăm ngàn giáo phái, với những danh xưng “nổ banh” thượng giới, đại loại như: giáo phái thịnh vượng, giáo phái hưng thịnh, v.v… và… kể không xiết!
(Ở Việt Nam, thống kê không chính thức, tệ tệ cũng hơn chục giáo phái.)

Trăm hoa đua nở, trăm “giáo phái” đua tiếng… tưởng là tốt. Thế nhưng, nó lại xảy ra lắm chuyện buồn. Mà, làm sao không buồn cho được! Buồn vì giáo phái này tranh giành ảnh hưởng với giáo phái kia. Buồn vì họ đã “ăn cắp chiên” của nhau, ăn cắp bằng những lời truyền dạy “mị (giáo) dân”, xa rời lời truyền dạy của một Giê-su người Nazareth.

Chính bản thân tôi, đã được một “nhà truyền giáo” của giáo phái nêu trên “truyền dạy” một Jesus, không phải là một Jesus-Christ (Giê-su Ki-tô), nhưng là một Jesus, sẽ “mang đến cho con cái loài người một cuộc sống hưng thịnh, thịnh vượng, giàu sang phú quý” ngay tại đời này. (Ghê thật!).

Không! Không phải thế! Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Ai muốn theo Ngài phải “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình”. Điều này đã được chính Đức Giê-su truyền dạy và tông đồ Phê-rô xác tín.

Để biết rõ nét hơn về một Đức Giê-su được gọi là “Đấng Ki-tô”. Và, quan trọng hơn nữa, để biết muốn theo Ngài phải làm gì, chúng ta hãy đọc Tin Mừng thánh Mác-cô, (chương 8, câu 27-35). Đọc và sẽ biết.

**
Vâng, câu chuyện được thánh sử Mác-cô ghi lại rằng: Hôm đó: “Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-lip-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: Người ta nói Thầy là ai?”

Không chậm trễ, hôm đó, các môn đệ đã đáp lời: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (x.Mc 8, 28).

Nghe những lời tường trình đó, không thấy Đức Giê-su xác nhận hay phủ nhận. Chỉ thấy Ngài tiếp tục đặt thêm một câu hỏi, một câu hỏi dành riêng cho các môn đệ. Ngài hỏi rằng: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Thầy là ai? Thầy hỏi chúng ta ư! Vâng, tuy theo Thầy Giê-su đã lâu và được thấy nhiều việc Ngài đã làm, từ những lời giảng dạy như một “Đấng có thẩm quyền”, đến những phép lạ vô tiền khoáng hậu, như trừ quỷ, chữa khỏi bất cứ ai ốm đau hoặc mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, cho người chết sống lại, nữa chứ. Thế nhưng, các ông vẫn chưa thể xác định một cách rõ nét về người Thầy của mình.

Giảng thì hay, chữa bệnh thì không ai bằng… Vậy, Thầy là ai, nhỉ! Mười hai con người, với những cặp mắt liếc nhìn nhau, nhìn nhau như muốn dò hỏi: ai sẽ là người đại diện cho cả nhóm để trả lời đây!

Vâng, thánh sử Mác-cô không tưởng tượng (như tôi đã có sự tưởng tượng ghi ở trên), ngài ghi vắn tắt, rằng: “Ông Phê-rô trả lời: Thầy là Đấng Ki-tô”.

***
“Thầy là Đấng Ki-tô”. Thật ra, không chỉ tông đồ Phê-rô nói lên được lời tuyên xưng này. Tại Giê-ru-sa-lem, người Do Thái cũng đã nói Đức Giê-su “là Đấng Ki-tô” (x.Ga 7, 41).

Vấn đề ở đây là, Đấng Ki-tô mà người Do Thái nói đến là một Ki-tô thế tục, một Ki-tô sẽ làm vua Israel, một Ki-tô sẽ đứng lên chống lại đế quốc Roma, một đế quốc đang cai trị Israel, để tái lập lại đất nước Israel mới. (Cũng giống như hôm nay, nhiều giáo phái cũng “mị (giáo) dân” nên mới rao giảng về một Đấng Christ lo việc “thế gian” hơn lo việc “Triều Đại Thiên Chúa đã gần kề”).

Đấng Ki-tô đến thế gian, không phải để làm vua thế gian, nhưng là, “Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”.

Vâng, Đức Giê-su đã “dạy cho các (tông đồ) biết” về Đấng Ki-tô, là phải như thế đấy. (x.Mc 8, 31) Phải-như-thế. Không quanh co, không úp mở.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã phán ứng quyết liệt khi tông đồ Phê-rô “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”.

Tông đồ Phê-rô trách Đức Giê-su về vấn đề gì, thánh sử Mác-cô không cho biết. Nhưng thánh sử Mát-thêu thì cho biết, Phê-rô (đâu có trách), ông chỉ nói với Đức Giê-su một câu “rất dễ thương”, nói rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (x.Mt 16, 22).

Hôm nay, nếu chúng ta “Xin Chúa thương đừng để gia đình con có người nhiễm Covid 19”, thì đó là một lời cầu xin rất đáng thương, phải không, thưa quý vị!

Ấy thế mà… thế mà lời cầu xin của ông Phê-rô lại bị Đức Giê-su trách.Vâng, đó là một lời trách… một lời trách “buồn hiu hắt buồn”. Chúng ta hãy nghe: “Satan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Khoan buồn! đó là một lời “trách yêu”. Satan ở đây, không có nghĩa là “quỷ sứ”, nhưng có nghĩa là “cản trở”. Theo nghĩa cản trở, nên chúng ta có thể hiểu Đức Giê-su nói Phê-rô: “Đừng cản trở (sứ mạng của Thầy)”.

Đừng-cản-trở sứ mạng của Thầy! Vì Thầy đã nói với ông Ni-cô-đi-mô, rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. (Ga 3, 14-15).

“Được sống muôn đời”. Đó là ân sủng, là tình yêu thương, là “Thiên Chúa yêu thương thế gian để nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (x.Ga 3, 16).

Đừng-cản-trở-Thầy. Thầy phải lên Golgotha. Muốn lên Golgotha, Thầy “phải lên Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ”.

Đó là “Tư tưởng của Thiên Chúa”.

****
Vâng, là Tư-tưởng-của-Thiên-Chúa, thế nên Nhóm Mười Hai đã không bỏ Thầy. Các ông ở lại với Thầy, cho tới ngày các ông cùng Thầy lên Giê-ru-sa-lem.

Với Phê-rô, ông đã theo Đức Giê-su tới tận dinh Thượng Hội Đồng. Kinh Thánh ghi lại rằng: “Ông Phê-rô theo Người xa xa, đến tận dinh thượng tế” (x.Mt 26, 57).

Còn Gio-an, ông đã chứng kiến Đức Giê-su, đầu đội mão gai, vai vác thập giá, từ dinh tổng trấn Phi-la-tô, từng bước… từng bước chân âm thầm lên Golgotha.

Tại Golgotha, Đức Giê-su – Thầy của các ông – đã hoàn thành sứ vụ Cha của Ngài giao phó. Ngài phải hoàn thành, hoành thành để các môn đệ nhìn vào đó như là một tấm gương, một tấm gương vâng phục Cha Thiên Thượng.

Hôm nay, lời xác tín “Đức Giê-su – Ngài là Đấng Ki-tô” không còn bị “cấm ngặt… không được nói với ai” (x.Mc 8, 30), nhưng rất cần phải nói rõ cho bàn dân thiên hạ biết.

Tông đồ Phê-rô chính là người đầu tiên, lớn tiếng nói, nói rằng: “Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa, làm Đấng Ki-tô” (x.Cv 2, …36).

Tông đồ Phê-rô không tuyên xưng Thầy mình bằng chót lưỡi đầu môi, nhưng bằng chính việc thực thi những gì Đức Giê-su đã truyền dạy, truyền dạy, rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi” (x.Mc 8, 34).

Vâng, từ biển hồ Ga-li-lê, Phê-rô đã “bỏ chài lưới mà đi theo Người”. Theo Thầy Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, rồi từ đó Phê-rô vác thập giá đến Roma. Roma là Golgotha của Phê-rô.

Hôm nay, Huế - Saigon - Hà Nội - Paris - London - New York… có phải là Golgotha của mỗi chúng ta?

*****
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Không! Đức Giê-su sẽ không hỏi chúng ta câu hỏi này. Bởi nếu có hỏi, chúng ta sẽ nhanh chóng trả lời rằng: “Chúa là Đấng Ki-tô”.

Vậy Đức Giê-su sẽ hỏi chúng ta điều gì? Phải chăng, Ngài sẽ hỏi: “Con đã theo Ta, vậy con có từ-bỏ-chính-mình, vác-thập-giá-mình mà theo (Ta)?”

Không! Thầy Giê-su sẽ không hỏi chúng ta, như thế đâu. Trái lại, Ngài đang “nhìn”… nhìn cây thánh giá mỗi chúng ta “đang mang vác”. Ngài nhìn xem khả năng chúng ta có đủ sức vác không.

Ngài đang nhìn xem chúng ta có “mang gánh nặng (thánh giá) cho nhau” không? Ngài đang nhìn xem chúng ta có “chu toàn luật Đức Ki-tô” không?

Vâng, Đức Giê-su đang nhìn chúng ta như thế đó. Nhìn như thế, bởi Ngài đã truyền dạy chúng ta như thế. Lời Chúa truyền dạy, qua môi miệng tông đồ Phao-lô, là vầy: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô” (x.Gl 6, 2).

Đức Giê-su không yêu cầu chúng ta vác thập giá bằng “vàng” kèm theo sợi dây chuyền “cũng bằng vàng” đeo lủng lẳng nơi cổ chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta vác thập giá bằng cách “chu toàn luật Chúa”, một đạo luật do chính Ngài truyền dạy, đó là: “Mến Chúa – Yêu người”.

Khi chúng ta “Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy…”, vâng, khi chúng ta có một lòng mến Chúa yêu người như thế, sẽ chẳng có “ma” nào có thể xóa sổ Thiên Chúa ra khỏi thế giới này.

Quý vị có đồng ý như thế! Nếu đồng ý, hãy ghi khắc trong con tim mình bốn chữ: Mến Chúa (nằm dọc) – Yêu người (nằm ngang). Dọc ngang tháp lại chính là thập giá.

Nói rõ hơn: mến Chúa – yêu người, chính là thập giá mình, thập giá của tôi.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây