TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy đón Đức Giê-su về nhà mình

Thứ năm - 15/12/2022 22:01 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   846
“Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”



Chúa Nhật IV – MV – A

Hãy đón Đức Giê-su về nhà mình

Vào khoảng thập niên 80, thế kỷ trước. Có một nhà thờ (xin tạm không nêu tên) ở quận 3 Saigon, trong một dịp mừng lễ Giáng Sinh, đã thiết kế một hang đá Belem rất khác thường. Khác thường ở chỗ, chỉ có Đức Maria và Hài Nhi Giê-su. Người thiết kế không để tượng Thánh Giu-se vào hang đá theo đúng truyền thống.

Tôi, người viết, vì thường tham dự thánh lễ ở đây, nên biết chuyện này. Năm đó, nhiều em nhỏ khi viếng hang đá Belem đã thắc mắc hỏi cha mẹ mình rằng, thánh Giu-se đâu? Và, câu trả lời đã được nhiều phụ huynh xầm xì nói với nhau, rằng thì-là-mà chắc thánh Giu-se bị đi học tập cải tạo!

Vào những năm tháng đó, nhiều gia đình có cha, chồng, anh, em… là sĩ quan thuộc chế độ Saigon, nên bị tập trung đi học tập cải tạo theo lệnh của chính quyền mới. Gia đình còn những ai, nếu không là mẹ và các con, hoặc vợ và các con! Và, có lẽ đó là lý do họ nảy sinh ra ý nghĩ đó, chăng!

Nghĩ sao thì nghĩ, nhưng thiết kế như thế, không thể không nói là thiếu thiếu một cái gì đó, phải không, thưa quý vị! Nên có tượng thánh Giu-se, người thiết kế, dù có sầu não về một biến cố của thời cuộc, thì cũng đừng vì thế mà “bỏ” tượng thánh Giu-se vào hộp giấy.

Đừng nên bỏ quên thánh Giu-se vì bất cứ lý do gì. Hang đá Belem ngày nay, nếu có thiết kế, thì nên thiết kế đúng như những gì đã có trong hang Belem, ngày xưa. Nghĩa là có Thánh Giu-se, Đức Maria và Hài Nhi Giê-su.

Tái hiện hình ảnh hang đá Belem mà không trưng bày tượng thánh Giu-se, sẽ có người cho rằng, làm như thế chẳng khác nào viết lại, (nếu không muốn nói là bóp méo) lịch sử cứu độ!

Lịch sử cứu độ đã cho chúng ta thấy một thánh Giu-se đầy lòng nhân ái và tình yêu thương. Lịch sử cứu độ cho chúng ta thấy một thánh Giu-se đã “vâng phục” thánh ý Chúa một cách tuyệt đối, như thế nào.

Đây không phải là điều chúng ta tự “tô hồng” cho ngài. Tin Mừng thánh Mát-thêu, qua trình thuật “Truyền tin cho ông Giu-se”, đã nói đến một Giu-se, một Giu-se đúng là mẫu mực cho sự vâng phục thánh ý Chúa. (x.Mt 1, 18-24).

**
Thật vậy, chúng ta hãy mở sách Phúc Âm thánh Mát-thêu và cùng đọc lại câu chuyện “Truyền tin cho ông Giu-se”. Khởi đầu câu chuyện, thánh sử Matthêu thuật lại rằng: “Sau đây là gốc tích Đức Giê-su, bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1, 18).

Biết được chuyện này, thánh Giu-se làm sao nhỉ! Phải chăng ngài Giu-se sẽ chất vấn Đức Maria: “Bà-đã-có-thai ư! Sao bà không nói cho tôi biết!” Vâng, đây chỉ là một chút tưởng tượng của người viết.

Phần thánh Giu-se hồi ấy, có phần chắc, ngài sẽ phải “nhức đầu nhức óc” về sự kiện này. Phải nhức-đầu-nhức-óc thôi. Bởi, từ cổ chí kim có ai thụ thai mà không cần tới người đàn ông! Làm sao bây giờ! Tố giác theo đúng luật ư! Không… không bao giờ. Mình… mình được gọi là một “người công chính” ai lại làm như thế! Một giải pháp đã được thánh Giu-se đề ra. Đó là, ngài Giu-se “định tâm bỏ bà cách kín đáo.”

Thánh Giu-se nghĩ như vậy và “đang toan tính như vậy”. Thế nhưng, như người xưa có nói: “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”. Thiên… ở đây là Thiên Chúa - Người không cho ông làm như vậy. Người đã can thiệp vào toan tính của thánh Giu-se.

Thiên Chúa can thiệp bằng cách nào! Thưa, Người sai “Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông”. Sứ thần Chúa báo mộng, rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa Chúa phán qua miệng lưỡi ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.”

Viết tới đây, người viết chợt nhớ tới một câu chuyện vui vui, nghe trên YouTube. Chuyện là thế này: trong một buổi tĩnh tâm mùa Vọng dành cho giới trẻ. Chủ đề hôm ấy cũng xoay quanh câu chuyện “Truyền tin cho ông Giu-se”. Đang lúc say sưa thuyết trình, bất chợt vị linh mục giảng phòng quay sang hỏi các bạn trẻ nam. Vị linh mục (nếu mình nhớ không lầm, đó là linh mục Phạm Tĩnh, thì phải), hỏi rằng: “nếu một ngày đẹp trời nào đó, người yêu của bạn nói với bạn rằng, em có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần, bạn có tin không?”

Bạn-có-tin-không? Không một cậu thanh niên nào trả lời. Chỉ nghe thấy tiếng cười rúc rích bên quý cô. Vị linh mục nghe tiếng cười liền quay sang nói với quý cô rằng: “còn các cô, các cô chớ có dại nói như thế nhé, nói như thế nó bỏ ngay đấy!” Cả nhà thờ đều cười.

Đúng là một câu chuyện vui. Mà vui thật. Nhưng niềm vui ở đây không phải là vui do bởi câu chuyện nêu trên, nhưng vui là do câu trả lời của thánh Giu-se.

Thánh Giu-se đã trả lời. Ngài Giu-se đã trả lời không bằng lời nói, nhưng bằng hành động. Chúng ta cùng nghe thánh sử Mát-thêu kể lại rằng: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà”.

Thánh Giu-se, đón-vợ-về-nhà-mình, chứ không đón-vợ-về và đem trả lại cho nhà vợ. Chính hành động này đã nêu bật con người của thánh Giuse, con người của lòng nhân ái, tình yêu thương và sự vâng phục. Thánh Giu-se đã vâng phục thánh ý Chúa “không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su” (Mt 1, 24-25).

***
Thiết kế hang đá Belem mà không có tượng thánh Giu-se thì thật là một thiếu sót. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nhiều hơn nữa, nếu Belem tâm hồn chúng ta không có thánh Giu-se.

Thánh Giu-se phải là “thần tượng” của chúng ta. “Tượng” chúng ta trưng bày nơi hang Belem bằng giấy, gỗ, đá. “Thần” chúng ta để trong Belem tâm hồn mình.

Hôm nay, Chúa Nhật thứ IV – Mùa Vọng, Phụng Vụ Lời Chúa cho chúng ta nhìn lại con người của thánh Giu-se. Đừng nhìn lại thánh Giu-se như là một nhân vật của lịch sử. Nhưng hãy nhìn ngài Giu-se như một tấm gương mẫu mực về lòng nhân ái, về sự chung thủy và nhất là về sự vâng phục trước thánh ý Thiên Chúa. Nói tắt một lời, hãy xem ngài Giu-se như là mẫu mực cho đời sống đức tin của mình.

Xã hội hôm nay, một xã hội đang cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa hưởng thụ, một nền văn hóa tự do luyến ái, tự do phá thai, chấp nhận hôn nhân đồng tính v.v… Vâng, đó là một nền văn hóa rất… rất quyến rũ, và không ai trong chúng ta lại không có đôi lúc siêu lòng trước những sự quyến rũ này.

Có không ít người (có thể có cả chúng ta) dù đã là Ki-tô hữu, nhưng trước những lời quyến rũ đường mật của Satan, rằng thì-là-mà “chẳng chết chóc gì đâu”, Thiên Chúa và Giáo Hội chỉ là những rào cản, cản trở sự thăng tiến, sự tự do của con người v.v… nên đã và đang “toan tính bỏ Chúa – toan tính bỏ Giáo Hội.”

Quên những lời quyến rũ đường mật đó đi, thưa quý vị. Bởi vì, chúng ta biết rồi, tấm gương nguyên tổ Adam và Eva còn đó. Hai ông bà, sau khi nghe lời quyến rũ của Satan, thì làm sao nhỉ! Thưa, Adam và Eva sợ hãi “trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa.” (St 3, 8).

Cái đau của việc nghe lời Satan, đó là nguyên tổ Adam và Eva đã bị Thiên Chúa thu hồi cuốn “sổ đỏ” của khu vườn Eden mà trước đó Người đã tặng “free” cho hai ông bà.

Dài dòng chuyện xưa để làm gì? Thưa, để chúng ta phải luôn cảnh giác trước những lời đường mật của thế gian, một thế gian đang bị thống trị bởi Satan. Dài dòng chuyện xưa để làm gì? Thưa, còn để chúng ta cảnh tỉnh trước những chủ thuyết ma mị, những chủ thuyết đã và đang làm cho không ít người bỏ Chúa, bỏ Giáo Hội.

Bỏ Chúa - bỏ Giáo Hội kết quả là gì? Thưa, không có mặt ở Nước Trời.

Lời Chúa, qua môi miệng thánh Phao-lô, rất rõ ràng, rằng: “Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng.” (x.Rm 1, …3-4).

Thưa quý vị, qua lời truyền dạy của thánh Phao-lô, quý vị có tin Đức Giê-su Ki-tô là “Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”?

Xưa, thánh Giu-se, qua sự kiện “sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông”, ông đã tin lời sứ thần Chúa và “đón vợ về nhà”.

Nay, chúng ta, nếu chúng ta tin lời truyền dạy của thánh Phao-lô, thì hãy… hãy “đón Hài Nhi Giê-su” vào ngôi nhà tâm hồn chúng ta. Mà, cớ gì không tin chứ! Thế nên: Hãy ở lại với Giáo Hội và hãy đón… đón không chỉ là Hài Nhi Giê-su mà còn là “Đức Giê-su Ki-tô” về nhà với chúng ta.

Đừng say mê trước những quyến rũ của Satan và thế gian. Hãy tỉnh giấc và “hãy đón Đức Giê-su về nhà mình”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây