TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Phục Sinh -Năm B

“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”. (Ga 10, 11-18)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đời ta hãy là Chúa Nhật Hồng…

Thứ bảy - 10/12/2022 05:38 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   899
Các môn đệ ông Gio-an đã tìm đến Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

CNVong 3 NamA

Chúa Nhật III – MV – A

Đời ta hãy là Chúa Nhật Hồng…

Vào khoảng thập niên 70, thế kỷ trước, có một bản nhạc ngoại quốc, thể loại pop, đã làm say mê rất nhiều khán thính giả Saigon, đó là bản “Beautiful Sunday”. Vâng, Beautiful Sunday mỗi khi được Daniel Boone cất tiếng hát lên, không một khán thính giả nào lại không cảm thấy một niềm vui tươi rộn rã trong con tim mình.

Lời ca rất vui tươi và rộn rã. Vui tươi và rộn rã về một ngày Chúa Nhật đẹp, mà có người đã dịch Beautiful Sunday là Chúa Nhật tươi hồng.

“Sunday morning, up with the lark. I think I'll take a walk in the park”. Có rất nhiều người dịch bản nhạc này qua lời Việt. Và đây, đây là lời dịch của Ngọc Uyển “Sáng Chúa Nhật đẹp, Trời trong nắng mai. Tiếng chim ca đùa làm vui thú thêm. Ôi Chúa Nhật đem tình yêu đến với người”.

“Hi, hi, hi, beautiful Sunday. This is my, my, my, beautiful day – Ha, ha, ha, ngày Chúa Nhật tươi hồng. Đây chính là ngày tươi đẹp của mình”. Thế đấy! có vui tươi và rộn rã không, khi chúng ta cùng cất tiếng ca: “Ôi Chúa Nhật đem tình yêu đến với người… Đây chính là ngày tươi đẹp của mình.”

Vâng, thế giới trần gian đã vui mừng và rộn rã đón nhận ngày Chúa Nhật như thế đó. Còn thế giới của những người có đức tin vào Thiên Chúa thì sao? Thưa, còn hơn như thế nữa. Còn hơn như thế nữa, vì ngày Chúa Nhật nào của những người tin vào Thiên Chúa đều là ngày của niềm vui và rộn rã, niềm vui và rộn rã về một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16).

Thật là thế, hơn hai ngàn năm xưa trước đó, Thiên Chúa đã ban Con của Người. Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật. Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố: Đây là Đấng mà tôi đã nói: Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (x.Ga 1, 14-15).

Ông Gio-an không chỉ làm chứng về Đức Giê-su như thế. Ông ta còn sai các môn đệ của mình đến gặp Đức Giê-su, gặp để biết rõ hơn về Ngài. Ông muốn tái xác nhận Ngài “có thật là Đấng phải đến”, hay không? Vâng, đó là chuyện phải làm, vì như người xưa có nói: “vô tri bất mộ”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 11, 2-11).

** 

Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: “Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù”. Sự việc ông bị tù là bởi ông ta đã ngăn cản một việc làm sai trái của vua Hêrôđê. Ông Hê-rô-đê muốn lấy một người phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại chính là “vợ ông Philipphê anh của nhà vua”. Ông Gio-an ngăn cản, chính vì thế, Hê-rô-đê đã bắt ông bỏ tù.

Đang ở tù, nhưng ông Gio-an vẫn “nghe biết những việc Đức Ki-tô làm”. Ông nghe biết được những gì? Không… không thấy thánh Mát-thêu ghi lại. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy đoán rằng, ông Gio-an được các môn đệ mình kể về một Giê-su đã làm cho thiên hạ “sửng sốt về lời giảng dạy của Người.” Một Giê-su “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Syri… mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt… Người đều chữa khỏi.”

Rất… rất có thể đó là lý do ông Gio-an sai môn đệ mình tìm đến Đức Giê-su. Các môn đệ ông Gio-an đã tìm đến Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Israel vào thời đó, rất mong có một Đấng-phải-đến, đến để giải thoát họ khỏi sự cai trị của Roma. Thế nên, việc ông Gio-an sai các môn đệ mình đến hỏi Thầy Giê-su “có thật là Đấng phải đến không” là điều không có gì phải thắc mắc.

Nếu có thắc mắc, thì hãy thắc mắc rằng: Thầy Giê-su ơi! Ông anh họ của Thầy đang “tù không tội”, sao Thầy không giải thoát anh ta!

Vâng, thắc mắc này có gì sai trái? Chính Thầy đã chẳng từng tuyên bố trong một hội đường tại Na-da-rét, rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Lời Kinh Thánh hôm ấy mà mọi người được nghe, chẳng phải là trích đoạn sách ngôn sứ Isaia, lời rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho kẻ bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”, đó sao!

Đúng, Đức Giê-su đã đọc trích đoạn lời Kinh Thánh này. Và, hôm nay, Ngài cũng lập lại tương tự rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (Mt 11, 4-5).

Không-vấp-ngã-vì-tôi, nha! Chúng ta có bao giờ “vấp ngã vì Chúa”! Ông Gio-an đã không vấp ngã. Ông đã không “nài nỉ” em Giê-su giải thoát mình khỏi sự giam cầm.

Một số nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng ông Gioan nghi ngờ “Đấng Cứu Thế - Người mà ông đã giới thiệu”. Thế nhưng, nghĩ như vậy chẳng khác nào hạ thấp “lòng tin” của một con người mà chính Đức Giê-su nhìn nhận là “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả”.

Ông Gioan sai các môn đệ của mình đến gặp Đức Giê-su: thứ nhất là để biết thực sự Ngài là ai. Một cái “biết” để thêm lòng tin, không chỉ cho ông, mà còn cho các môn đệ của ông.

***   

Như đã nói ở trên, thế giới trần gian đã vui mừng và rộn rã gọi ngày Chúa Nhật là Beautiful Sunday – Chúa Nhật tươi hồng.

Thế giới của những người tin Chúa cũng có ngày Chúa Nhật được gọi là Chúa Nhật Hồng. Nói rõ hơn, Giáo Hội có đặt hai Chúa Nhật được gọi là Chúa Nhật Hồng. Đó là Chúa Nhật thứ III mùa vọng và Chúa Nhật thứ IV mùa chay.

“Chúa Nhật hôm nay (thứ III – MV) được gọi là: Chúa Nhật Hồng. Vị linh mục dâng lễ hôm nay sẽ mặc phẩm phục màu hồng. Giữa Mùa Tím của hy vọng, đợi chờ, Chúa Nhật hôm nay lóe lên mầu hồng của niềm vui. Màu hồng còn mang ý nghĩa của rạng đông báo hiệu ngày mới, ngày bừng lên Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô” (nguồn: #GNsP).

Mầu-hồng-của-niềm-vui ư! Thưa, đúng vậy. Niềm vui về một Giê-su, “Đấng phải đến – nay đã đến”. Chúng ta không còn phải đợi ai khác nữa.

Chúng ta không-còn-phải-đợi-ai-khác-nữa. Đức Giê-su đã đến thế gian. Ngài đến “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ (Ngài) mà được cứu độ.”

Chúng ta không-còn-phải-đợi-ai-khác-nữa. Đức Giê-su đã đến thế gian và “những ai đón nhận tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.”

Chúng ta không-còn-phải-đợi-ai-khác-nữa. Đức Giê-su đã đến thế gian, một Giê-su, nói theo cách nói của ĐGH Pi-ô XII: “Ngài đang sống và hoạt động trong Hội Thánh. Nơi đây, Ngài tiếp tục cuộc lữ hành thương xót vô bờ bến mà Ngài đã trìu mến bắt đầu qua kiếp sống phàm nhân…” (nguồn: Sunday Preaching).

Vâng, hôm nay, Đức Giê-su đã về trời. Thế nên, cuộc lữ hành thương xót vô bờ bến của Ngài sẽ được thực hiện, qua chúng ta, là những môn đệ của Ngài. Chúng ta phải là cánh tay nối dài của Ngài, để tiếp tục thực hiện các việc lành nhằm cho mọi người biết… biết Ngài chính là Đấng phải đến – hôm nay đã đến.

Những việc lành đó, chúng ta biết rồi. Đó là: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp… chiếu trong cậy vào nơi thất vọng.”

Những việc lành đó, còn là: “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”.

Những việc lành đó, nếu được chúng ta thực hiện “mỗi ngày cho đến cuối đời ta”, nói không sợ sai, đó là chúng ta đã tạo ra, không phải một hay hai ngày Chúa Nhật Hồng, mà là nhiều nhiều ngày, nhiều nhiều tháng, nhiều nhiều năm Chúa Nhật Hồng. Nói tắt một lời, mỗi ngày sống của chúng ta, phải là ngày Chúa Nhật Hồng.

Kahlil Gibran có nói: “Cảm Ơn Đời Mỗi Sớm Mai Thức Dậy. Ta Có Thêm Ngày Nữa Để Yêu Thương.” Còn chúng ta, chúng ta sẽ nói gì? Nên chăng, chúng ta sẽ nói: “Tạ ơn Chúa, một ngày mới lại đến. Cơ hội mới cho con là Chúa Nhật Hồng.”!

Vâng, rất nên nguyện cầu như thế. Đời ta hãy là Chúa Nhật Hồng.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây