Chúa Nhật – V – TN – C
Hãy vâng lời Chúa…
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô có lời truyền dạy: “Thiên Chúa là thành tín”. Có thể nói, đây là một lời truyền dạy có cơ sở. Chính tác giả sách Thánh Vịnh, qua sự trải nghiệm trong cuộc sống đức tin của mình, cũng đã thốt lên rằng: “Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng tin cậy.” (Tv 33, 4).
Thiên Chúa luôn nhất quán. Người đã hứa với Ápraham, rằng sẽ cho ông một dòng dõi như sao trên trời, như cát bãi biển. Kết quả đúng là như vậy. Người đã hứa với dân Israel, rằng sẽ cho họ xứ Ca-na-an làm cơ nghiệp. Và rồi, Người đã thực hiện.
Chưa… còn nữa. Một lời hứa được Thiên Chúa hứa ban, đã làm chấn động toàn cõi địa cầu, đó là hứa ban cho thế gian “Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”… Người cũng đã thực hiện, hơn hai ngàn năm trước đây.
Tất cả lời phán hứa của Thiên Chúa đều đã được thực hiện, vì Người không phải là kẻ “hứa cho nhiều rồi lại quên.”
Vua Đa-vít xưa, trải nghiệm được điều này, nên đã nói: “Dù tôi đi trong trũng bóng chết. Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi. Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.” Rồi, ông ta đã lớn tiếng kêu gọi mọi người, rằng: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).
Mà nào có phải chỉ vua Đa-vít trải nghiệm được điều này! Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử Ki-tô giáo, cũng đã có không ít người Ki-tô hữu “ký thác đường đời cho Chúa”. Trong số không ít người đó, những người môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su, có thể nói, đó là những người tiên phong cho sự ký thác đời mình cho Chúa.
Vâng, họ đã nghe Chúa Giê-su giảng dạy. Họ đã tận mắt nhìn thấy quyền năng của Chúa Giê-su. Và rồi họ ký thác đường đời mình cho Chúa Giê-su, qua hành động “bỏ hết mọi sự và đi theo Người”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 5, 1-11).
**
Theo Tin Mừng ghi lại: Hôm ấy, “Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét”. Sự xuất hiện của Đức Giêsu, lập tức được nhanh chóng loan truyền. Và rồi, bờ hồ Ghen-nê-xa-rét đã phải “gồng mình” trước một đám đông người không được trật tự cho lắm.
Rất, rất mất trật tự trước cảnh tượng: “dân chúng chen lấn nhau đến gần Ngài”. Có lẽ ai cũng muốn được đứng gần Ngài, gần Ngài để dễ nghe hơn chăng! Để vãn hồi trật tự, “Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-mon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút.”
Khi con thuyền của ông Simon được chèo ra xa bờ, chuyện kể tiếp rằng: “Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.”
Đức Giê-su đã giảng những gì? Thưa, thánh sử Luca không đề cập đến, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, Ngài giảng “lời Thiên Chúa”.
Nghĩ như vậy đúng thôi! Bởi đó cũng là “nguyện vọng” của dân chúng. Dân chúng tìm đến Ngài, theo lời thánh sử Luca nói, “để nghe lời Thiên Chúa” (x.Lc 5, …1).
“Giảng xong”, Đức Giê-su bảo ông Si-mon “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Lời Đức Giê-su bảo ông Si-mon có gì đó sai sai, chăng! Có thể lắm chứ!
Vâng, rất có thể. Một chút lưỡng lự, ông đáp lời Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.”
“Ban đêm” là một thời điểm rất thuận lợi cho việc đánh bắt cá. Rất thuận lợi, thế mà không-bắt-được-gì-cả, giờ đây, sáng bảnh mắt rồi, con-bác-thợ… thợ mộc, lại bảo ngư phủ lão luyện Si-mon ra khơi, có nghịch lý không kia chứ!
Đúng rất nghịch lý. Tuy nhiên, ông Si-mon, (rất có thể), chợt nhớ đến những việc Thầy Giê-su (vừa mới làm) tại nhà bà mẹ vợ của mình, chỉ một lời “ra lệnh” thế mà “bà mẹ vợ của ông đang bị sốt nặng” ngay lập tức “cơn sốt biến mất”, nên đã mạnh dạn nhìn Thầy mình cất tiếng nói: “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”
Thế là, dù lưới đã giặt xong và tuy mệt thì có mệt đấy, nhưng thi hành “mệnh lệnh” của Thầy Giêsu, một lần thôi, thì đã sao! Kệ… Cứ “ký thác” chuyến đánh bắt này cho Thầy Giê-su “Que Sera, Sera! – Có ra sao thì ra sao!”
Họ ra khơi. Và kết quả của sự ký thác là một mẻ lưới đầy cá. Thánh sử Luca kể rằng: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới” (Lc 5, 6).
Hôm ấy, để có thể đem cá vào bờ “Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (Lc 5, 7).
Vâng, dấu lạ này đã làm cho “tất cả những người có mặt ở đó… đều kinh ngạc”. Ông Si-mon sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Có lẽ, “cái tội” của ông Si-mon là tội hoài nghi, chăng! Vâng, đó chỉ là sự “đoán mò” của tôi, người viết.
Còn thánh sử Luca, ngài nói cho chúng ta biết một sự thật. Đó là, hôm ấy, Đức Giê-su bảo ông Si-mon: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Kể từ lúc đó, các ông “bỏ hết mọi sự mà theo Người.”
***
Isaia, một vị ngôn sứ rao giảng ở xứ Giu-đa vào thế kỷ thứ VIII trước CN, cũng đã trải nghiệm điều ông Si-mon đã trải nghiệm.
Isaia đã được “Chúa Thượng” sai đi đảm nhận vai trò ngôn sứ trước mặt dân Chúa. Ông khước từ vì cảm thấy mình không xứng đáng. Ông tự nhận xét mình chỉ là “một người môi miệng ô uế… ở giữa một dân môi miệng ô uế”.
Thế nhưng, Chúa vẫn chọn ông. “Một trong các thiên thần Xê-ra-phim bay về phía (ông), tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp trên bàn thờ. Người đã đưa hòn than ấy chạm vào miệng (ông) mà nói: Đây, cái này đã chạm vào đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội” (Is 6, 6-7).
Và Isaia đã đáp: “Dạ con đây, xin sai con đi”.
****
Si-mon và Isaia tuy sống ở hai thời đại khác nhau, nhưng lại có cùng chung một chí hướng. Hai vị đã “hướng về Chúa” Hai vị đã ký thác đường đời cho Chúa. Hai vị đã đáp lại “ơn gọi của Người.”
Cuối cùng, một người là “tông đồ trưởng”. Một người là “một trong những ngôn sứ cao cả nhất”. Vâng, giản dị thôi! Hai vị đã “tuân theo đường lối của Thiên Chúa”.
Bây giờ, chúng ta hãy để tâm hồn mình chìm vào thinh lặng và tự hỏi: Có, có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, một điều tương tự như thế “đã xảy ra, đang xảy ra và sẽ xảy ra” trong cuộc đời mình?
Có đấy! Và, mỗi người là một “kịch bản” khác nhau. Tác giả những kịch bản đó, (theo đức tin) không ai khác chính là Thiên Chúa.
“Thiên Chúa đã hành động trong cuộc sống mỗi người theo cách vượt quá những gì chúng ta dự tính hay mong đợi.” Cha Charles E.Miller trong một bài giảng, có lời chia sẻ, như thế.
Cha Charles nói tiếp rằng: “Thánh Phao-lô nghĩ mình làm đúng khi lùng sục bắt bớ các Ki-tô hữu. Ông cảm thấy đây là bổn phận của một người Do Thái sùng đạo, trong khi Thiên Chúa sắp đặt một chương trình khác cho ông. Ông sẽ là một trong các Tông Đồ và là tác giả của nhiều Thánh thư trong Tân Ước. Ông viết ra một số trong các giáo lý quan trọng nhất của chúng ta. Đường lối của Thiên Chúa tốt đẹp hơn cho Phao-lô”.
Cuối cùng, ngài Chales kết luận: “Đường lối của Thiên Chúa không như đường lối của chúng ta, và đường lối của Ngài luôn tốt đẹp”
Thế nên, nếu chúng ta muốn mình là một bác sĩ, nhưng thực tế mình chỉ là ý tá, thì cũng đừng bi quan, mà hãy nghĩ rằng, đó là một con đường tốt đẹp Chúa gửi đến mình. (Không có y tá, bác sĩ khó mà làm việc nha!)
Có một điều chúng ta thường phàn nàn rằng: tôi đã ký thác cho Chúa, tôi đã tin tưởng vào Chúa… nhưng tại sao Người vẫn “không ra tay!” Tại sao! Thưa, tại vì chúng ta không “tuân giữ các mệnh lệnh của Người”. Ông Si-mon đã tuân mệnh lệnh Chúa nha!
Chúng ta hãy nhớ, Kinh Thánh có lời chép rằng: “Thiên Chúa của (chúng ta) thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành, cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người.” (x.Dnl 7, 9).
Thiên Chúa đang chờ chúng ta ký thác vào Người. Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta tin tưởng vào Người. Và, Thiên Chúa sẽ “ra tay”, khi chúng ta, như ông Si-mon xưa: “Vâng lời Thầy.”
Chỉ cần thực hiện bốn chữ thôi: “Hãy vâng lời Chúa.”
Petrus.tran
Những tin cũ hơn