TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Thường Niên -Năm C

“Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”. (Lc 5, 1-11)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thiên Chúa như Người Mẹ

Chủ nhật - 09/02/2025 16:39 | Tác giả bài viết: Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm |   41
“Ngươi đã khinh màng Ðá Tảng đã sinh ngươi, Thiên Chúa đã mang nặng đẻ đau, ngươi quên lãng” (Ðnl 32,18).
Thiên Chúa như Người Mẹ

THIÊN CHÚA NHƯ LÀ NGƯỜI MẸ - MỘT CỐ GẮNG HÌNH DUNG


WHĐ (09/02/2025) – “Ngươi đã khinh màng Ðá Tảng đã sinh ngươi, Thiên Chúa đã mang nặng đẻ đau, ngươi quên lãng” (Ðnl 32,18).

Khám phá ra một ý niệm, một lý thuyết, đôi khi không quan trọng bằng đặt mình vào một chân trời mới, để trong chân trời đó mỗi thực tại lại lộ hiện dưới những đường nét khác, đôi khi khác đến mức không ngờ. Thiên Chúa như là Mẹ có lẽ là một chân trời như thế. Một chân trời mới mẻ, hay đúng hơn, một chân trời bị quên lãng.

Thiên Chúa đã mang nặng đẻ đau

Ngươi quên lãng!

(Ðnl 32,18)

Và khi đọc lại những trang đầu của sách Khởi Nguyên: Thiên Chúa đã thấy thế là tốt lành và Thiên Chúa đã chúc lành cho chúng (St 1,10.12.18.21.25), ta như hình dung thấy khuôn mặt hạnh phúc, hớn hở của người mẹ khi thấy con ra đời. Và cứ như thế người mẹ bồng ẵm, ấp yêu, dắt dìu con cho đến lúc trưởng thành (x. Hs 11,1).

Cha là Nguồn sinh, Quê Cha, Lòng Cha,

Cha như là quê hương (Patrie, Fatherland).

Và cũng có thể nói y như thế về Mẹ:

Mẹ là nguồn sinh, Là chân trời sống của Con,

Lòng Mẹ, Đất Mẹ (Motherland).

Quả thực, khi nói về Thiên Chúa, ngoài ngôn ngữ Người Cha (Ðnl 32,6), Kinh Thánh còn dùng cả ngôn ngữ Người Mẹ (Is 49,15), ngôn ngữ về Bậc sinh thành (Ðnl 32,18).

Thiên Chúa là Cha, đó là mặc khải, là lời tuyên xưng, là truyền thống. Nhưng để đến gần, đi sâu, cảm nghiệm lấy thực tại “là Cha theo nghĩa tràn đầy, sung mãn nhất”, như mặc khải Kinh Thánh muốn tỏ bày, loan báo, thì e rằng ngôn ngữ, hình ảnh về người cha vẫn là không đủ. Ðó là chưa kể hình ảnh người cha thường có nguy cơ bị bóp méo đối với con người thời nay, thậm chí dần dần đồng nghĩa với “Quyền bính”, “Quyền lực”, với thái độ độc tài, độc chiếm, gia trưởng, nghĩa là một thứ phóng chiếu của tham vọng ngự trị, tranh đoạt, thâu tóm tất cả dưới bàn tay mình.

Vì thế, nói đến Thiên Chúa như Người Mẹ không có nghĩa là chạy theo một thứ hình ảnh dễ dãi của tình cảm hoặc như một bình phong che giấu tham vọng quyền lực, dù là “quyền lực của phụ nữ”, mà là cố gắng tìm lại tất cả nét phong phú của mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ lộ trong lịch sử, một Thiên Chúa ra tay mạnh mẽ nhưng tất cả cũng chỉ vì lòng xót thương. “Ta thương kẻ Ta thương, Ta xót kẻ Ta xót...” Kinh nghiệm của Abraham, Môsê, của Thánh Vịnh, của sách Diệu ca, của Hôsê, Amos, Giêrêmia có nói điều gì khác hơn không?

I. AGAPE/EROS - TÌNH YÊU THIÊN CHÚA THEO MẪU NGƯỜI MẸ

Lòng mến Thiên Chúa tuôn tràn trên chúng ta bất kể tội lỗi... Nói khác đi, con người có tội lỗi đến mấy thì Ngài vẫn “một mực” yêu thương. Không phải tội lỗi chúng ta mà đúng hơn chính tấm lòng của Ngài là “nguồn cội” của ân sủng bội hậu. Một số khuynh hướng thần học, tu đức nhấn mạnh tối đa khía cạnh nhưng không của Tình Yêu Thiên Chúa: cứu độ hoàn toàn là bởi ân sủng, còn mọi giá trị, công đức của con người kể bằng không. Thiên Chúa yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân (Rm 5,5-6).

Tình yêu Thiên Chúa luôn luôn là nhưng không. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong tình yêu, Thiên Chúa không cần gì cả, bởi nếu như thế ta sẽ phải tự hỏi: Tình yêu của một người mà đối với người đó, mình chẳng là gì, chẳng có một chút gì để người đó thực sự mong ước, khao khát, để tâm... vậy thì tình yêu đó rốt cuộc là gì? Chúng ta có cần một tình yêu như thế không?

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa là Cha đã làm tất cả “vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”, chữ “vì” đó có thực sự làm trĩu nặng tấm lòng của Thiên Chúa hay không, bởi lẽ thông thường Thiên Chúa được quan niệm như là Ðấng toàn mãn, túc mãn trong đời sống Ba Ngôi, đến nỗi không một điều gì, không một ai khác có thể thêm hay bớt đi niềm vĩnh phúc tràn đầy của Người. Nói như C.S. Lewis: God is “at home” in the land of Trinity (The four loves, NY 1960, p. 176).

Nếu Người không cần gì, cũng chẳng cầu ai, chẳng cần đến ai, thì rốt cuộc tất cả thụ tạo của Ngài, kể cả con người, nói cho cùng là thừa thãi (wholly superfluous creatures)! Một tình yêu rất nhưng không, mà cũng rất thừa!

Nhưng nếu nhìn lên Thiên Chúa như Người Mẹ thì Tình Yêu Thiên Chúa như xuất hiện trong ánh sáng toàn khác:

Người Mẹ nào cũng thế, tình yêu của Mẹ

Vừa sinh thành, vừa ôm ấp,

Vừa rất nhưng không, vừa tha thiết muôn vàn

Vừa chấp nhận để tự do ra đi, để tự lập trách nhiệm,

Vừa thống thiết kêu gọi trở về để kề cận, thương yêu,

Không cầu mong gì cả, mà vẫn là cầu mong tất cả.

Tình yêu Thiên Chúa là như thế và muôn trùng hơn thế...

II. HOẠT ÐỘNG CỦA THIÊN CHÚA NHƯ LÀ MẸ: SINH THÀNH

Hình dung Thiên Chúa theo mẫu người Mẹ hẳn nhiên liên quan trước tiên và căn bản đến mầu nhiệm sáng tạo, bởi lẽ hoạt động chính yếu của người Mẹ là sinh thành.

Ở đây, chúng ta không đặt lại vấn đề về tính siêu việt triệt để của Thiên Chúa, về khoảng cách tuyệt đối giữa hữu hạn và vô hạn, cũng không thể không nhìn nhận một trật tự sắp xếp nào đó giữa các cấp bậc hữu thể trong tạo dựng. Tuy nhiên, tất cả những điều đó chỉ mới làm nổi bật khía cạnh khác biệt, phân biệt chứ chưa nói gì về mối tương qua sống động, phong phú giữa Thiên Chúa với tạo thành, giữa nhân loại với thế giới tự nhiên, giữa tinh thần và vật chất. Hơn nữa, nhấn mạnh một chiều đến sự khác biệt khiến chúng ta dễ hình dung Thiên Chúa theo kiểu của các triết gia Hy Lạp, nghĩa là một hữu thể rất mực hoàn hảo và cũng vì thế rất mực dửng dưng...

Thiên Chúa của mạc khải Do Thái-Kitô giáo, là Thiên Chúa siêu việt trên tất cả đồng thời là Thiên Chúa của giao ước, của tương quan gần gũi, cận kề: “Và Lời đã thành xác phàm” (Ga 1,14). Gần kề đến mức như là điên dại, nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô.

Vậy trong chân trời người Mẹ, sáng tạo “ex nihilo” có thể hiểu như thế nào?

“Ex nihilo - từ hư vô” có nghĩa trong một lập luận chứ không hề có giá trị diễn tả. “Từ hư vô” không nói lên điều gì cả, bởi lẽ hư vô không là dạ mẹ, không là mảnh đất cưu mang, không là gì cả. Nếu mọi sự “từ hư vô” thì tất cả cũng chỉ là... hư vô mà thôi (nihilisme)!

Vậy Thiên Chúa sáng tạo “từ đâu” nếu không phải là từ chính nơi Ngài?

“Chỉ có một Thiên Chúa là Cha

do tự nơi Người mà có mọi sự

và vì Người mà ta được có” (1Cr 8,6).

“Ta được có”, đó là hạnh phúc không thể ngờ của mỗi đứa trẻ sinh ra và cũng là niềm ngạc nhiên hạnh phúc của mỗi bà mẹ lần đần tiên nhìn thấy con ra đời.

Thiên Chúa là “nguyên nhân” của mọi sự, nhưng nguyên nhân cũng có nhiều nghĩa. Người thợ thủ công đẽo gọt ra sản phẩm, người nghệ sĩ trải lòng trên tác phẩm, còn chúng ta, những kẻ “được có” từ Đấng mà tất cả hữu thể, tất cả cung cách hiện hữu trọn vẹn là Cha, mãi mãi là Cha, chẳng lẽ Ngài lại không trải tấm lòng mình nơi tất cả những gì Ngài “cho hiện hữu”... chẳng lẽ Ngài không có lấy một chút ngạc nhiên hạnh phúc vì “có chúng ta”... Đàng khác, nghệ sĩ thường chỉ trân trọng tác phẩm khi nó đẹp đẽ, vừa ý. Mối liên hệ sinh thành thì rất khác, xấu hay tốt thì cũng là đứa con từ lòng dạ mình. Thậm chí càng xấu, càng khốn khổ lại càng thương!

Tất nhiên, chúng ta không nên quên nguy cơ hàm ẩn nơi hình ảnh người mẹ cưu mang, sinh hạ. Nguy cơ đó là sự lẫn lộn, đồng hóa của thuyết Phiếm thần (Panthéisme) hay của Lưu xuất thuyết (Émanatisme). Nhưng nói cho cùng, hạnh phúc của người mẹ chỉ chứng tỏ một điều: sự kỳ diệu của đứa con sinh ra.

III. LUÂN LÝ TỪ HÌNH DUNG THIÊN CHÚA NHƯ LÀ MẸ

“Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn ngươi.

Và thứ đến là: ngươi hãy yêu mến đồng loại ngươi như chính mình” (Mc 12,28-31)

Ðặt trong chân trời người cha theo nghĩa gia trưởng (paternalisme) hay của vị vua, ông chủ (monarchisme) thì công chính liên hệ đến trật tự, đo lường công tội. Nếu không tái lập được trật tự thì phải gánh tội, hoặc ai đó phải đền tội. Con người được công chính hóa khi trật tự được tái lập.

Ðặt trong chân trời người cha, người mẹ sinh thành (parental) thì quan tâm chính yếu là cứu lấy, bảo vệ sự sống bằng mọi giá và đem tới chỗ thành toàn hơn là nghĩ đến danh dự, phẩm giá của mình. Nếu có tái lập quân bình thì đó là quân bình sự sống. Nếu có thiết lập công lý thì cũng là để khôi phục lại những gì đã “hư mất”: các dụ ngôn trong Luca 15 không nói lên điều gì khác...

Nói đến luân lý, đạo đức là nói đến thái độ sống, cung cách cư xử. Vậy trong chân trời “Thiên Chúa như là Mẹ” có lẽ con người càng phải “hoán cải” về cách cư xử, về thái độ sống không những đối với anh chị em của mình mà còn cả với thế giới tự nhiên. Cần phải “trở nên đồng loại”, trở nên người cha, người mẹ chăm nom săn sóc đến mọi hình thái của sự sống thay vì tìm cách khẳng định vai trò làm chủ để tận dụng và tận diệt.

Hình dung Thiên Chúa như là người Mẹ dù sao cũng chỉ là một trong nhiều cách hình dung về Thiên Chúa là Cha, Ðấng giàu lòng thương xót. Hình ảnh đó không nhằm đưa tới một khẳng định hay một quan niệm nào khác về Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn luôn siêu vượt trên mọi quan niệm, mọi hình dung của con người. Ngài vẫn là Ðấng Hoàn-Toàn-Khác (Le Tout-Autre).

Tuy nhiên chúng ta vẫn luôn được mời gọi đi đến với Ngài trên chính con đường mà Ngài đã đến với chúng ta. Ngài đã đến với chúng ta trong Người Con Một như là vị Thiên Chúa chạnh thương, tín nghĩa, huệ ái, bao dung (Xh 34,6; Lc 15). Thiết tưởng có hình ảnh nào gần gũi hơn là hình ảnh người Mẹ?

Hình ảnh đó tuy có những điểm mơ hồ, những khiếm khuyết cần bổ túc, nhưng ít nhất nó cũng giúp chúng ta có được một cái nhìn tích cực hơn, một thái độ sống gần gũi, thâm thiết hơn đối với Thiên Chúa là Cha và với trần gian rất đáng yêu này.

Thiên Chúa là Cha, nhưng có trái tim người mẹ

và cũng có thể nói,

Người có khuôn mặt người mẹ và trái tim của người Cha.

Thiên Chúa như Ðấng Sinh Thành.

Sự sống của chim muông, cầm thú,

Của cánh rừng và dòng sông.

Tất cả đều nằm trong hòa điệu bí ẩn của sự sống,

Và sự sống là quà tặng của Tình Yêu vô lượng vô biên...

Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm
09/02/2025
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 143 (Tháng 9 & 10 năm 2024)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây