TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hai chọn một

Thứ tư - 12/05/2021 03:48 | Tác giả bài viết: p |   612
Hai chọn một

Hai chọn một

Tháng giêng năm 1285, năm mươi vạn quân Nguyên do Trấn Nam Vương Thoát Hoan, con trai của Hoàng đế Hốt Tất Liệt thống lĩnh chia làm hai cánh xâm lược Đại Việt. Đây là một đạo quân rất thiện chiến, họ đã nhanh chóng chiếm ưu thế tuyệt đối trước quân Đại Việt.

Quân Đại Việt, sau thất bại vài trận đánh mở màn, tổng tư lệnh Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quyết định lui quân về giữ Vạn Kiếp. Sau đó, lại lui về Thăng Long, nhưng cũng không giữ được trước sức tấn công như vũ bão của quân Nguyên.

Để bảo toàn lực lượng, Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường. Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương giao cho một nhiệm vụ nặng nề: tử thủ Đà Mạc - Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, hầu cho bộ chỉ huy quân Đại Việt đủ thời gian “tái phối trí” an toàn và bí mật.

Thế nhưng, trước một đối phương quá hùng mạnh và thiện chiến, cộng với những tướng giỏi chỉ huy như hữu thừa Khoan Triệt và tả thừa Lý Hằng cùng Ô Mã Nhi, quân của Trần Bình Trọng đã thua trận, ông bị bắt.

Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, tướng Nguyên tìm mọi cách mua chuộc dụ dỗ ông bằng tiền bạc, danh vọng, chức tước (tước vương)… nhưng ông đã từ chối và đã tuyên bố một câu rất khảng khái rằng “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất bắc”.

Tại sao Trần Bình Trọng lại từ chối? Phải chăng là do bởi lòng trung thành của ông ta với Vua Trần? Thưa, đúng vậy, ông ta không thể (đã) làm bầy tôi Vua Trần (nay) lại làm bầy tôi Hốt Tất Liệt. Sự trung thành không cho phép ông ta “làm tôi hai chủ”. Giữa vua Trần và Hốt tất Liệt, Trần Bình Trọng chỉ có một chọn lựa: “hai chọn một”.

“Không thể làm tôi hai chủ” - “Hai chọn một”… Vâng, đó cũng là một thông điệp trong nhiều thông điệp mà Đức Giêsu đã gửi đến cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài.

**
Thông điệp “Không thể làm tôi hai chủ” đã được Đức Giêsu công bố trong một lần Ngài cùng các môn đệ lên Giêrusalem.

Chuyện kể rằng, hôm ấy, mở đầu cho phần công bố, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ một dụ ngôn. Dụ ngôn đó nói về một “người quản gia bất lương”.

Dụ ngôn được kể rằng, “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông” (Lc 16, 1).

* Nếu là bạn… bạn làm gì với người quản gia này? Chắc hẳn chúng ta sẽ cho y nghỉ việc và tính sổ những gì y đã làm! Đúng vậy, khi những lời tố cáo đến tai ông chủ, ông ta cho gọi người quản gia đến và nói “anh tính sổ đi!”.

Cứ sự thường thì, một ai đó, khi đã lỡ “rút ruột” tài sản của chủ, chắc hẳn người đó, trong ba mươi sáu kế, họ sẽ chọn kế “tẩu vi thượng sách”, nhưng anh quản gia trong dụ ngôn đã không bỏ trốn, trái lại anh ta vẫn “tỉnh như ruồi” tính kế độc. Thật vậy, kế của anh quản gia này, đúng là độc kế.

Chuyện được kể tiếp rằng “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến”. Sau khi hỏi từng người về khoản nợ, độc kế đã được anh ta tung ra. Anh ta “khuyến mãi” cho mỗi con nợ bằng cách “giảm nợ” tùy theo giá trị số nợ của họ. Kẻ được giảm 50%, người được giảm 20%.

Thật không thể tin được, một hành động bất lương như thế, vậy mà, chuyện kể rằng “Ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”.

Còn Đức Giêsu thì sao? Vâng, Ngài đã nói “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (x.Lc 16, 8)

***
Có lẽ, sau khi nghe xong dụ ngôn trên, sẽ không ít người thắc mắc rằng, chuyện này có liên quan gì đến thông điệp “không thể làm tôi hai chủ”? Thưa, có đấy…

Vâng, cứ nhìn vào toan tính của anh quản gia, “Mình sẽ làm gì đây?... Mình phải biết làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ”… chúng ta có thể kết luận rằng, anh ta sẵn sàng “yêu” ông chủ mới, người sẽ “đón rước mình về nhà họ”, và sẽ “ghét” ông chủ cũ của mình vì ông ta đã cất chức “quản gia” của anh ta.

Còn việc anh quản gia tự ý giảm nợ cho con nợ thì sao? Thưa, hành động đó tố cáo anh ta đã “khinh dể” chủ cũ của anh ta”. Một khi đã “khinh dể” chủ mình làm sao anh ta có thể “trung tín” trong công việc chủ đã giao phó, dù là trung tín “trong-việc-rất-nhỏ”…

Qua hai minh chứng nêu trên, không thể không nói rằng, anh chàng quản gia bất lương đó, đúng là kẻ “làm tôi hai chủ”.

****
Chưa hết, cũng với dụ ngôn trên, đã có nhiều tiếng “Ồ!” kinh ngạc và hỏi tại sao… tại sao Chúa Giêsu lại đề cao một con người “bất lương” và đem ra làm bài học cho các môn đệ?

Thưa, điều này không quá khó để có lời giải thích. Nên nhớ, đây là một dụ ngôn, và thường mỗi dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra đều chứa một ẩn ý nào đó. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu không khuyến khích chúng ta hành động như người quản gia bất lương.

Thông điệp Ngài muốn gửi đến chính là cái “tinh thần”, cái “cách làm” của người quản gia. Chúa Giêsu không khen “công việc” người quản gia đã làm nhưng Ngài khen cái “tinh thần, sự khôn ngoan, cách ứng xử” của người quản gia đó.

Cái “tinh thần, sự khôn ngoan, cách ứng xử” đó, nếu một người môn đệ của Ngài không có, thì, như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em”. (Lc 16, …11).

*****
Là một Kitô hữu, một cách nào đó, chúng ta cũng chính là “người quản gia”, người quản gia quản lý những gì Chúa đã gửi đến cuộc đời ta.

Thật vậy, Chúa đã gửi đến cuộc đời ta rất nhiều thứ. Một mái ấm gia đình. Một ơn gọi “tự ý không kết hôn vì Nước Trời” chẳng hạn.

Cho nên, hãy tự hỏi lòng mình rằng, tôi đã quản lý những ơn phúc của Chúa ban cho như thế nào?

Chúa gửi đến cuộc đời tôi một người vợ, tôi đã cùng nàng “quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”… Thế nhưng, với thời gian, cuộc sống gia đình lúc nắng khi mưa, tôi vẫn trung thành với nàng như tôi đã “hứa”? Hay tôi lại đi sớm về khuya, “phung phí” sức khỏe, tiền bạc bên những “em pleiku má đỏ môi hồng”?

Ơn Chúa ban đến cuộc đời tôi “Từ bụi tro, Chúa nâng tôi lên hàng khanh tướng”, thế nhưng, có khi nào chỉ vì một phút yếu lòng “Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài” để rồi, tôi lại muốn đóng trọn vai “Ralph”?

Mỗi Chúa Nhật, chúng ta tuyên xưng “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”, thế nhưng, trước sức thu hút, lừa lọc của những chủ thuyết duy vật quái thai, trước những cám dỗ của quyền lợi, danh vọng, tiền bạc v.v… tôi có “khinh dể” Giáo Hội và “gắn bó” với chủ mới là tiền bạc, danh vọng, quyền lực cũng như những chủ thuyết quái thai đó?

Còn rất nhiều… rất nhiều điều chúng ta phải tự-hỏi-lòng-mình, để biết, tôi có đang trong tình trạng “làm tôi hai chủ”!

Thế nhưng, có lẽ, điều chúng ta cần tự hỏi lòng mình, trước tiên, đó là: nếu hôm nay, Chúa “gọi ta về” và hỏi rằng “Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi”… chúng ta sẽ tính làm sao?

Có lẽ không ai trong chúng ta, khi đến trình diện Chúa, muốn mình là người “đem chôn dấu yến bạc”, và chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều muốn mình là người “đã gây lời được năm yến khác” (x. Mt 25, 14-30).

Làm thế nào để “gây lời được năm yến”? Thưa, hãy đọc lại dụ ngôn “người quản gia bất lương”. Qua dụ ngôn, Đức Giêsu đã đề ra một nguyên tắc căn bản cho đời sống đức tin mà mỗi Kitô hữu cần phải có.

Nguyên tắc căn bản đó, nếu chúng ta nắm vững và sống đúng, chúng ta sẽ có nhiều kinh nghiệm về ơn phúc, sự bình an từ nơi Chúa đến, không chỉ cho riêng chúng ta mà còn cho nhiều người khác, cũng như cho Giáo Hội.

Nguyên tắc đó, Đức Giêsu đã công bố: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16, 13).

Nói cách khác, nguyên tắc đó, có thể gói gọn trong ba chữ “Hai chọn một”…

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây