TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Tạ Ơn Chân Thành

Chủ nhật - 07/11/2021 06:07 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1214
Người ta có thể sống kiểu vô ơn khi mà ơn lành lãnh nhận xem ra quá hiển nhiên và đều đều ngày nào cũng có và ai ai cũng có, chẳng hạn như thời gian, khí trời…
Lời Tạ Ơn Chân Thành

LỜI TẠ ƠN CHÂN THÀNH

 

(Thứ Tư sau Chúa Nhật XXXII TN – Kn 6,2-12; Lc 17,11-19)

Cứ mỗi lần nghe trích đọc bài Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành mười người phung cùi mà có đến chín người Do Thái giáo không trở lại cám ơn, duy chỉ có một người là dân ngoại biết trở lại tạ ơn Chúa, bản thân thấy nhồn nhột, vừa thẹn lại vừa xấu hổ. Không lẽ người có niềm tin tôn giáo lại kém “nhân bản” so với bà con lương dân ư? Chắc chắn không phải vậy. Đã là người thì có niềm tin tôn giáo hay không thì phải biết những điều căn bản để sống cho xứng với phận người. Đó là các nhân đức nền tảng mà hầu như ai cũng chân nhận cho dù khác nhau về ngôn ngữ hay văn hóa. Các giáo trình dạy ngôn ngữ thì đều bắt đầu bằng những bài học nhân bản giống nhau đó là “chào hỏi”, “giới thiệu”, “cám ơn”, “xin lỗi”,…

Lòng biết ơn là một trong những đức tính nền tảng để làm người. Thiếu nhân đức này thì có thể xem như loài loài vật bậc thấp mà có khi còn thua nhiều loài vốn gần gũi với con người như chó, mèo, trâu, ngựa, bò, lừa… Người ta không chỉ xem thường mà còn khinh bỉ những ai sống kiểu “ăn cháo đái bát”. Tuy nhiên, trong cuộc sống nhiều khi chúng ta không thực tâm nhưng lại vô tình rơi vào tình cảnh “vong ân bạc nghĩa” vì một vài lý do nào đó.

Người ta có thể sống kiểu vô ơn khi mà ơn lành lãnh nhận xem ra quá hiển nhiên và đều đều ngày nào cũng có và ai ai cũng có, chẳng hạn như thời gian, khí trời… Trong cảnh dịch bệnh về đường hô hấp đang xảy ra thì đã từng có câu chuyện kể như là bài học làm người trên các trang mạng xã hội: “Có một đại gia chân chính, nhờ kinh doanh khôn khéo nên giàu nứt đố đổ vách, nhưng lại nhiễm phải virus corona. Bệnh trở nặng nên phải thở nhờ máy. May quá, sau một tuần ông ta qua khỏi và khi nhận tờ giấy tính phí tổn, ông đọc đến dòng phí thở khí oxy là 10.000 USD, ông bật khóc. Người ta kinh ngạc hỏi sao lại khóc vì cái tốn phí dù lớn nhưng không đáng gì so với gia tài kếch sù hàng tỉ đô la của ông. Ông bèn nhỏ nhẹ: “không phải tôi tiếc tiền, nhưng tôi thấy hối hận vì mới chỉ thở khí của các ông một tuần đã phải trả 10.000 đô la, trong khi đó đã gần 70 năm qua tôi thở khí của ông trời không tốn một xu, thế mà tôi chưa thực tâm nói lời tri ân Đấng Tạo Hóa”.

Người ta cũng có thể rơi vào tình trạng vong ân khi lầm tưởng rằng những gì mình đạt được là do bởi công sức mình bỏ ra. Với lối suy nghĩ “bàn tay ta làm nên tất cả” thì không chỉ nảy sinh tính cao ngạo mà còn rất dễ sống vong ân, quên nguồn. Rất có thể chín người Do Thái giáo lầm tưởng rằng chính nhờ việc họ đi trình diện các tư tế, là chu toàn lề luật như sách Lêvi ghi (x.Lv 14,1-9), khiến họ được lành bệnh. Dù có đó nhiều lý do để lượng thứ cho sự thiếu sót lòng biết ơn, nhưng thực tiển cho thấy nếu thiếu lòng biết ơn thì người thụ ơn sẽ dễ lãng phí ơn lành đã lãnh nhận và không biết sử dụng ơn lành cách hiệu quả và hữu ích. Chín người Do-thái giáo kia nếu lầm tưởng là do công lao mình giữ luật đi trình diện các tư tế mà mình được lành sạch phung cùi thì họ sẽ bị cám dỗ khinh thường không giữ gìn vệ sinh kỷ lưỡng, và rồi một ngày nào đó họ sẽ mắc lại bệnh cũ.

Trở lại với câu chuyện nhà đại gia ở trên. Xin bổ túc thêm đoạn cuối: “Sau khi khỏi bệnh, với tâm tình tri ân Tạo Hóa, ông đã tập hít thở cách sâu hơn, chậm hơn để tăng khối lượng oxy vào cơ thể. Thế là sức khỏe của ông tiến triển rõ rệt. Ông không chỉ áp dụng cho mình mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người sử dụng ơn lành của trời cao là khí trời tự nhiên cho hiệu quả”. Sử dụng ân ban cách hữu hiệu cho bản thân và tha nhân là một cách thế bày tỏ lòng tri ân đúng đẹp ý người ban.

Cử hành Bí tích Thánh Thể là hiện tại hóa Hy Tế Thập Giá của Chúa Kitô. Bí Tích Thánh Thể còn được gọi là Hy Tế tạ ơn, vì chính trên thập giá là lúc Chúa Kitô sử dụng ơn Chúa Cha ban là thân xác, là sự sống của Người cách đẹp lòng Chúa Cha nhất. Người dùng chính tấm thân Chúa Cha trao ban để sống đức vâng phục, để mạc khải cho nhân loại thấy chân dung Thiên Chúa Tình Yêu bằng cuộc khổ nạn-phục sinh, cứu sống nhân loại, đưa nhân loại về với phận làm con, được giao hòa với Cha trên trời.

Chúng ta đã và đang lãnh nhận nhiều ân ban. Trong ánh sáng đức tin thì từ sự sống đến các khả năng và điều kiện tự nhiên cũng như xã hội thảy đều là ân ban. Theo bài đọc thứ nhất trích sách Khôn ngoan thì cả đến chức vị, phận vụ này kia ngoài xã hội hay trong Giáo hội cũng là ân lộc của Thiên Chúa ban tặng. “Xin lắng nghe: Quyền bính của các ngươi là do Chúa ban, và uy lực của các ngươi cũng do Đấng Tối Cao. Người sẽ chất vấn mọi hành động và kiểm soát những tư tưởng các ngươi. Vì nếu các ngươi là những người quản lý nước Chúa mà không xét xử công minh, không giữ luật công bình, không sống theo thánh ý Thiên Chúa, thì Người sẽ xuất hiện trên các ngươi cách kinh hoàng mau lẹ…” (Kn 2,3-7).

Thực ra Thiên Chúa không cần những lời tạ ơn của chúng ta cất lên từ môi miệng, vì những lời ca tụng ấy không thêm gì cho Người. Lời tạ ơn chân thành đúng và đẹp lòng Thiên Chúa đó là sử dụng ơn Người ban, cách hữu hiệu, hữu ích cho bản thân và cho tha nhân cả đời này lẫn đời sau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây