TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Phục Sinh -Năm B

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”. (Ga 15, 1-8)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lòng Tin

Chủ nhật - 12/09/2021 08:53 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   565
Người rằng: “Tôi nói thật cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7,9).
Lòng Tin

LÒNG TIN

“Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói thật cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7,9). (Tin Mừng thứ Hai sau Chúa Nhật XXIV TN).

Lời khen ngợi của Chúa Giêsu ở trên dành cho viên đại đội trưởng vốn là một anh em lương dân. Người kinh ngạc về lòng tin sắt đá của ông đến độ nói rằng chưa hề thấy bao giờ. Nào chúng ta cùng xét xem nhờ đâu mà viên đại đội trưởng có được lòng tin mạnh mẽ như thế và qua đó sẽ nhận ra một vài yếu tố nền tảng để dệt xây đức tin.

1. Tấm lòng đầy tình yêu: Người bị bệnh nặng chỉ là một người nô lệ thế mà viên đại đội trưởng lại yêu quý cách lạ thường. Chắc hẳn ông không chỉ tìm thầy chạy thuốc cho người nô lệ mà khi nghe nói về Chúa Giêsu thì đã nhờ nhiều kỳ mục Do Thái giáo đến khẩn nài Chúa cứu giúp.

2. Trí óc biết luận suy: Mình chỉ là viên đại đội trưởng thế mà lời của mình, lệnh của mình ban ra thì trên dưới trăm người lính đều răm rắp tuân theo. Thế thì người mà dân chúng tôn xưng như là bậc danh sư, như là vị ngôn sứ vốn có lời quyền năng trên các thần ô uế, trên các bệnh hoạn tật nguyền chắc chắn nếu Người phán một lời thì đầy tớ của mình sẽ khỏi bệnh mà không cần Người vào tận nhà mình. Hơn nữa phải biết nghĩ cho ông Giêsu chứ, vì theo luật của Do Thái giáo thì người Do Thái nếu vào nhà lương dân thì sẽ mắc ô uế.

3. Sự khiêm nhu: Hai yếu tố trí khôn và tấm lòng cần được kết nối, đan quyện với nhau mới có thể hình thành lòng tin. Và yếu tố, đúng hơn là chất xúc tác làm cho chúng đan quyện, kết nối với nhau đó chính là sự khiêm nhu. Biết suy luận và có tấm lòng nhưng nếu cao ngạo cho rằng bàn tay ta có thể làm nên tất cả thì viên đại đội trưởng hẳn đã không nhờ người đến xin Chúa Giêsu cứu giúp.

Giáo hội khẳng định đức tin là cửa ngõ dẫn đến sự sống đời đời. Dữ liệu Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng lòng tin (đức tin) không hệ tại ở tôn giáo, ở giáo hội mà mình thuộc về. Khi đi rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu không chỉ kinh ngạc trước lòng tin của viên sĩ quan bách quản người Rôma này mà Người cũng đã từng kinh ngạc trước niềm tin kiên định của một phụ nữ lương dân, dòng giống Xirô-Phênixi có đứa con gái bị quỷ ám (x.Mc 7,24-30). Chúng ta đừng quên Abraham, người được gọi là “cha của các kẻ tin” chưa hẳn là tín đồ Do Thái giáo và chắc chắn không phải là Kitô giáo nếu xét ngưỡng cửa vào đạo là bí tích Thánh Tẩy.

Trong Thánh Lễ, trước khi đón nhận bí tích tình yêu cao quý là Thánh Thể, mầu nhiệm đức tin (the mystery of faith) thì Giáo hội cho chúng ta lặp lại lời tuyên xưng đức tin lấy từ lời của viên đại đội trưởng gốc lương dân ngày nào: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.  Ân sủng không loại trừ các yếu tố tự nhiên. Hãy dùng đức khiêm nhu mà nối kết trí khôn và tấm lòng để trở thành niềm tin. Lòng tin là một yếu tố cần thiết để tình yêu quyền năng của Thiên Chúa thành hiện thực cho chúng ta và tha nhân.

Hôm nay trong bài đọc thứ nhất thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthê là hãy cầu nguyện cho vua chúa và những người cầm quyền để dân chúng được an cư lạc nghiệp (x.1Tm 2,2). Chắc chắn các vị lãnh đạo ngoài xã hội ít nhiều cũng có tâm và đủ tầm cách nào đó. Chỉ xin cho các vị có thêm đức khiêm nhu.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 Tags: Lòng Tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây