TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tản mạn một chút hai chữ tình yêu

Chủ nhật - 12/02/2023 05:06 | Tác giả bài viết: Hồng Bính |   655
“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Tản mạn một chút hai chữ tình yêu

tbd 120223a

 

Người ta thường nói, nhu cầu thiết yếu nhất của con người là yêu và được yêu, bởi thế tình yêu là một đề tài muôn thuở mà con người nói hoài không hết, học mãi chẳng xong, hết đời người mà vẫn không có một mảnh bằng tốt nghiệp, chỉ đơn giản vì đó là tình yêu, mà tình yêu thì không có biên giới, không thể cân đo và đong đếm. Có tình yêu vì nghĩa hy sinh, có tình yêu quên mình tự hiến… Nhưng trên hết, một tình yêu đúng nghĩa phải là một tình yêu trao ban, một tình yêu cho nhiều hơn nhận, một tình yêu như Chúa đã yêu con người bằng một tình yêu nhưng không và tự hiến.

Con người cần được yêu, yêu con người, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và cũng rất cần được con người, thiên nhiên và cuộc sống đáp lại tình yêu, và tình yêu có một động lực kỳ lạ liên kết mọi sự vật với con người, như Nguyên Sa đã yêu hoa cúc bởi vì nàng mặc áo màu vàng, mến lá sân trường bởi vì nàng mặc áo màu xanh:

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc          
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường (
Nguyên Sa).

Hay như Giang Nam đã yêu quê hương vì hoa và bướm đã gắn liền với từng bước chân của một thuở ấu thơ đầy ắp bước chân bè bạn, và hơn thế nữa, tình yêu quê hương càng thiêng liêng, càng mãnh liệt hơn, vì trong mảnh đất nầy có cả một phần xương thịt của ít nhất một người yêu dấu, chính vì thế mà đất đã hóa tâm hồn:

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi          
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất         
Có một phần xương thịt của em tôi
 (Giang Nam).

Hoặc như Xuân Diệu đã cảm nhận được tình yêu là trao nhiều hơn được nhận, biết yêu là “chết trong lòng một ít”, biết rất rõ là “mấy khi yêu mà được người yêu”, biết thế nhưng ông cứ vẫn yêu, ông vẫn cứ vui, dẫu biết rằng: “người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết”…

Yêu là chết trong lòng một ít         
vì mấy khi yêu mà chắc đã được yêu      
cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu      
người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết
 (Xuân Diệu).

Yêu là một tình cảm chân thành và thiêng liêng, rất nồng ấm và thật thiết tha mà chúng ta chỉ có thể cảm nhận được qua khối óc và con tim, bởi thế yêu và được yêu là một nhu cầu không thể thiếu. Yêu để biết tình yêu là gì? Tại sao trong tình yêu lại có ngọt ngào hạnh phúc đến ngất ngây, có cả khổ đau cay đắng đến não lòng, nhưng trong nỗi đau đoạn trường thì tình yêu vẫn được thăng hoa, bởi vì trong những cơn đau tột cùng vẫn vang vọng một điệp khúc của tình yêu, Chúa Giê Su trên cây Thập tự giữa cơn đau cùng cực của thân xác bị nát tan bởi bạo tàn và lòng căm thù, giữa nỗi cô đơn và nhục nhã ê chề mà Ngài cảm thấy hình như cả Đức Chúa Cha cũng bỏ rơi Ngài, giữa vòng vây của đoàn người đang cuồng hô điên loạn: “Đóng đinh nó vào Thập giá”, nhưng chính ngay giữa giờ phút đau đớn cùng cực đó, một bài tình ca bất tử, bài ca của môt tình yêu trao ban và tha thứ đã được cất lên cao vút giữa một buổi chiều đầy máu và nước mắt đã làm rung động nhân thế: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34).

Yêu để biết con người chúng ta được Chúa ban tặng cho một trái tim tuyệt vời” ra sao, một trái tim luôn biết rộng mở, một trái tim biết rung động trước mọi hình ảnh và mọi nghịch cảnh của con người và cuộc đời, một trái tim thịt mềm biết rỉ máu vì nỗi thống khổ của đồng loại, một trái tim biết hiến dâng không lạnh lùng không vô cảm, một trái tim biết trao ban, một trái tim của Chúa, mà Chúa là tình yêu… “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cũng có một cảm nhận về tình yêu, nhưng tình yêu đó vẫn còn bị giới hạn bởi thời gian của kiếp người trong ca khúc tình sầu: “tình trao nhau môi ấm, một lần là trăm năm”, đối lại Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô đã cảm nhận tình yêu Kitô giáo cũng còn được gọi là đức ái hay đức mến, tình yêu nầy không phải “một lần là trăm năm”, nhưng tồn tại mãi không bao giờ mất được, Ngài đã qung diễn tình yêu đó như sau: “Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả. Đức Mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi…” (1 Cr 13, 4-10).

Bởi thế, tất cả mọi sự rồi đều phải qua đi, mọi sự đều có giới hạn của nó, chỉ còn lại duy nhất tình yêu là vĩnh cửu, vì “Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4, 16). Và Thiên Chúa là kiểu mẫu hoàn hảo của tình yêu chân thật.

Lạy Chúa, xin cho con biết sống và biết yêu như Chúa đã yêu con và dám sống như con, xin cho con biết thực thi lời di chúc của Ngài trong suốt cuộc đời nầy là: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).

Hồng Bính

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây