TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thiên Chúa có mừng chúng ta phục sinh không?

Thứ năm - 12/05/2022 05:52 | Tác giả bài viết: Giuse Hạt Bụi Tro |   984
Hạt suy tư về SỰ BIẾN ĐỔI nhờ mầu nhiệm phục sinh
Thiên Chúa có mừng chúng ta phục sinh không?

THIÊN CHÚA CÓ MỪNG CHÚNG TA PHỤC SINH KHÔNG?

Hạt suy tư về SỰ BIẾN ĐỔI nhờ mầu nhiệm phục sinh

Sự biến đổi tích cực là một khía cạnh của mầu nhiệm phục sinh

Chúng ta đang sống trong Mùa Phục sinh. Đây là thời gian đặc biệt để cử hành mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, một chân lý nền tảng và cao cả nhất của đức tin Kitô giáo, và là chân lý trung tâm của Đạo Công giáo. Lâu nay, chúng ta vẫn mừng lễ Chúa Giêsu phục sinh, tức là chỉ đi theo chiều hướng từ con người đến Thiên Chúa. Còn chiều hướng ngược lại thì sao? Thiên Chúa có mừng chúng ta phục sinh không? Hiếm khi chúng ta đề cập đến việc Thiên Chúa mừng chúng ta được phục sinh. Điều đó là phải lẽ thôi, vì sự phục sinh trọn vẹn chỉ diễn ra vào ngày Cánh chung, ngày mà Thiên Chúa sẽ tái tạo trời mới đất mới trong vinh quang của Người. Tuy nhiên, vẫn còn một cái gì đó “thiếu thiếu” khi Thiên Chúa chưa thể mừng chúng ta phục sinh ngay từ hôm nay. Có phải như thế không?

Sự phục sinh mà chúng ta muốn nói đến ở đây là sự phục sinh theo nghĩa hẹp, nghĩa là sự biến đổi trong đời sống tự nhiên của chúng ta. Thật vậy, sự biến đổi đang diễn ra hằng ngày cũng là một khía cạnh của mầu nhiệm phục sinh. Vũ trụ này luôn luôn biến đổi. Sự biến đổi mang đến sự sống và sự phát triển cho muôn loài. Xã hội chúng ta đang sống cũng luôn biến đổi. Và, con người cũng không ngừng biến đổi mỗi ngày. Tôi vẫn là tôi, nhưng tôi của ngày hôm nay khác tôi của ngày hôm qua, và cũng không phải là tôi của ngày mai. Chúng ta đưa thức ăn vào cơ thể. Thức ăn đó được biến đổi thành chất dinh dưỡng, rồi trở thành máu thịt của chúng ta, nuôi dưỡng sự sống của chúng ta. Chúng ta hít không khí vào cơ thể. Không khí đó nuôi dưỡng sự sống của chúng ta. Cũng là một luồng khí, nhưng kì diệu thay, Oxi đã biến đổi thành Carbonic bên trong cơ thể chúng ta. Như thế, đích đến tích cực của sự biến đổi chính là mang lại một đời sống mới, một sự phục sinh.

Hãy gieo yêu thương và đừng để mình bị giới hạn bởi không gian và thời gian

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ, với thân thể vẫn còn giữ lại những dấu đinh nơi tay và dấu đâm nơi cạnh sườn. Thế nhưng, thân xác của Người không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa. Điều đó chứng tỏ rằng thân xác của Chúa Giêsu phục sinh là một thân xác đã được biến đổi. Người cùng ăn cùng uống với các môn đệ, nhưng không phải để nuôi dưỡng sự sống nơi Người, mà là để thông chia niềm vui gặp gỡ và san sẻ cuộc sống thường ngày với các môn đệ của Người (x. Ga 21,1-19).

Chúa Giêsu phục sinh cũng muốn chúng ta được biến đổi, đừng để mình bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Người muốn chúng ta quan tâm đến sự phục sinh của toàn thể vũ trụ này (bao gồm cả vật chất, động vật và thực vật), chứ không chỉ quan tâm đến con người; tệ hơn cả là chỉ quan tâm đến chính mình mà thôi. Chúa Giêsu muốn chúng ta phải san sẻ tinh thần và vật chất với những ai đang ở bên cạnh chúng ta, những người mà Chúa gửi đến cho chúng ta như là hiện thân của chính Chúa. Còn đối với những gì vượt quá tầm tay và đôi chân bé nhỏ của chúng ta, Người muốn chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Chính lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa sẽ là nguồn sức mạnh cho sự biến đổi, trước là cho chính con tim và tâm hồn chúng ta, sau là cho những đối tượng mà chúng ta cầu nguyện cho.

Biến những công lao khó nhọc trong đời sống thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa

Chúa Giêsu đã sánh ví Người là một mục tử nhân lành thí mạng sống vì đàn chiên. Chính Người là cửa chuồng chiên để bảo vệ sự an toàn của đàn chiên. Hơn nữa, Người cũng chính là thức ăn để nuôi sống đàn chiên (Việc Chúa Giêsu hài nhi được đặt nằm trong máng cỏ tiên trưng cho điều này: Người là thức ăn nuôi sống chúng ta). Mỗi ngày, nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng nuôi sống chúng ta bằng chính Máu Thịt của Người. Bánh và rượu mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong thánh lễ đã được biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu, lương thực mang lại ơn cứu độ, cùng sự biến đổi nội tâm trong đời sống thiêng liêng, đồng thời, dẫn đến sự biến đổi trong đời sống tự nhiên của chúng ta.

Khi dâng bánh và dâng rượu trong thánh lễ, linh mục đọc: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con.”

Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con.”

Như thế, của ăn trường sinh và của uống thiêng liêng cho chúng ta, không chỉ đến từ một phía là Thiên Chúa, nhưng còn đến từ chính công lao khó nhọc của chúng ta nữa. Sự hòa quyện giữa ân sủng vô ngần vô hạn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta với những công lao khó nhọc trong công việc và đời sống hằng ngày chính là của lễ đẹp nhất mang lại sự sống thiêng liêng cho chúng ta, là việc chuẩn bị hoàn hảo cho sự biến đổi ngay từ hôm nay, và là bảo đảm cho sự phục sinh mai sau của chúng ta. Khi đạt được sự kết hợp hoàn hảo đó, niềm vui phục sinh của chúng ta và của Thiên Chúa mới chạm lại với nhau tại một điểm được, một niềm vui phục sinh trọn vẹn từ hai phía.

Đừng sợ! Hãy bước ra khỏi vỏ trứng an toàn quen thuộc của mình

Vào ngày lễ phục sinh, các Kitô hữu trên khắp thế giới hay có thói quen tặng trứng phục sinh cho nhau. Quả trứng phục sinh diễn tả một ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm phục sinh, của sự biến đổi. Bên trong lớp vỏ trứng cứng cáp là một mầm sống tuyệt diệu mà Thiên Chúa đã tác tạo. Sau khi đã phát triển thành một chú vịt con hoàn chỉnh, để có thể tiếp tục sống, nó cần phải thoát ra khỏi cái vỏ bọc đang che chắn nó; và để có thể thoát ra được, nó cần một sự tác động từ bên ngoài. Vịt mẹ phải mổ lớp vỏ ở phần đầu của quả trứng, để vịt con có thể tự mình chui ra và có một đời sống mới. Một cách tương tự, để có được một đời sống mới, chúng ta cần một sự tác động từ chính Thiên Chúa là Cha của chúng ta, đồng thời, chúng ta cũng phải tự mình thoát ra khỏi cái vỏ đang bao bọc con người cũ của chúng ta. Lại một lần nữa, sự biến đổi chỉ đến khi có sự kết hợp từ hai phía.
 

tbd 120522a


Thật vậy, Thiên Chúa luôn tác động bằng cách ban dồi dào ân sủng cho chúng ta. Không ai có thể nghi ngờ về điều đó. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta có chịu thoát ra khỏi cái vỏ bọc an toàn của mình, để nhận ra và cộng tác với ân sủng mà Thiên Chúa đã ban hay không. Sự thường thì chúng ta sợ sự thay đổi và không muốn Thiên Chúa đến gần chúng ta. Vì lẽ, Lời Chúa sắc bén như gươm hai lưỡi dễ xé toạc lương tâm chai lì của chúng ta. Chúng ta sợ tổn thương vì Lời Chúa vẫn hay kết án chúng ta. Chúng ta sợ phải thay đổi vì muốn an toàn trong cái vỏ bọc do mình tạo ra.

Giờ là lúc, chúng ta hãy nghe lại lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Chính Thầy đây mà, đừng sợ” (Ga 6,20). Khi chúng ta sẵn lòng đón rước Chúa Giêsu phục sinh lên con thuyền đời của mình, thì chính Người sẽ đưa con thuyền của chúng ta tới bến an toàn ngay lập tức (x. Ga 6,21). Đừng tự mình xoay xở nữa, vì Thiên Chúa giỏi làm việc đó hơn chúng ta. Hãy chạy đến với Người nơi Bí tích Thánh thể và xin Người giải quyết cho chúng ta. Đừng sợ phải thay đổi, đừng sợ để được biến đổi nhờ ân sủng của Chúa Giêsu phục sinh. Hãy để Người đến gần và biến đổi chúng ta.

SỐNG mầu nhiệm phục sinh là trao tặng tình yêu thương cho đời, cho người

Mầu nhiệm phục sinh hướng chúng ta về sự sống đời đời trong Thiên Chúa ngay từ hôm nay. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không muốn chúng ta chỉ cử hành mầu nhiệm phục sinh trong Phụng vụ, trong nhà thờ, rồi thôi, trả lại cho Chúa mầu nhiệm của Chúa khi quay lưng lại và bước chân ra khỏi nhà thờ. Chúa Giêsu còn muốn chúng ta SỐNG mầu nhiệm phục sinh trong chính cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Sự biến đổi tự nhiên sẽ đến, khi chúng ta sống mầu nhiệm tử nạn và phục sinh với Chúa Giêsu, khởi đi từ cách suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, đến thái độ sống và những hành vi nhỏ nhặt nhất trong ngày sống. Và rồi, khi đã biến đổi được con người cũ của mình, chúng ta sẽ biết yêu thương nhiều hơn và lan tỏa tình yêu thương đến cho người khác. Chính tình yêu thương được lan tỏa ấy sẽ làm nhiệm vụ biến đổi toàn thể vũ trụ mà chúng ta đang sống, vì lẽ, tình yêu với sức sáng tạo vô biên sẽ biến đổi tất cả. Tình yêu là gì nếu không phải là chính Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). Ở đâu có tình yêu thì ở đó có Thiên Chúa hiện diện. Hãy hồi tâm và tự hỏi: Thiên Chúa có đang hiện diện trong tôi không? Câu trả lời nằm trong cách sống yêu thương của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã cho con nhận ra nét kì diệu của sự biến đổi ngang qua mầu nhiệm phục sinh của Chúa. Xin cho con biết sống và cử hành mầu nhiệm phục sinh, mầu nhiệm của sự biến đổi, ngay từ hôm nay, trong chính những công việc và cuộc sống thường ngày của con; để nhờ đó, một ngày kia, Chúa có thể vui mừng chào đón con và nói rằng: Cha chúc mừng con đã phục sinh! Con tin rằng vào ngày đó, Chúa và con đều được hưởng một niềm vui phục sinh trọn vẹn trong nhau. Amen.

Giuse Hạt Bụi Tro

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây