TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Linh mục, người là ai? -kỳ 12

Thứ hai - 09/05/2022 05:48 | Tác giả bài viết: Lm Lã Mộng Thường |   1141
Linh mục, người là ai? của tác giả Lm Lã Mộng Thường là tác phẩm kể lại cuộc đời một vị linh mục trẻ người Việt Nam, mục vụ tại Hoa Kỳ.
Linh mục, người là ai? -kỳ 12

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ AI? I
(Kỳ 12)

Bởi cá tính không chấp nhận một cách mù quáng và cho rằng mỗi người được Chúa ban cho hồng ân suy tư, thày Lành càng ngày càng cảm thấy sự học hỏi giúp cuộc đời mình có thêm những ý nghĩa khác lạ. Tự diễu với Kinh Thánh khiến cái nhìn với cuộc đời sâu rộng hơn. Thày Lành hay dùng tiếng diễu nhưng được hiểu theo nghĩa tìm những khía cạnh khác hoặc ý nghĩa khác của đoạn Kinh Thánh muốn nói lên. Càng suy nghĩ ý nghĩa Kinh Thánh, thày Lành càng nhận ra cuộc đời mình gắn bó chặt chẽ với đức tin và đức tin đòi hỏi cuộc sống mình phải thay đổi, thay đổi tận gốc rễ. Những chuyện bình thường hằng ngày mang ý nghĩa mới, lối cư xử mới thay vì chấp nhận sống theo thói quen đã từ lâu sống như mọi người.

 

 

Qua những bài vở làm nơi nhà trường thày Lành có cơ hội đối diện với những quan niệm thần học xưa và nay. Gọi là xưa vì những quan niệm, tư tưởng đã được viết ra cách đây cả 100 năm về trước, đa số là hơn, từ thời Chúa giáng trần hay trước nữa. Mỗi khi bước vào thư viện giữa những kệ sách, thày thấy mình thật nhỏ bé. Chỉ một cuốn sách nhỏ cũng chất chứa nhiều suy tư, hiểu biết. Những người đi trước để lại những kho tàng vô giá dù mình có dành ra cả một cuộc đời cũng không thể nào hiểu biết hết, thày nghĩ. Nếu đem so sánh cuộc đời mình với dù chỉ một cuốn sách, mình chưa đáng là hạt bụi nơi thư viện. Một điều làm thày Lành thích thú lẫn ngạc nhiên là những gì thày mới nghĩ tới để đặt vấn đề, có khi đã được viết ra cả trăm năm về trước. Cha giám đốc C.T.U. nói đúng: “Thày chưa đủ thông minh để trở thành rối đạo, đừng ngại chi hết.” Thư viện có một hấp lực đặc biệt đối với thày; đã bước vô là không muốn trở ra bởi còn nhiều quá, nhiều điều mình chưa hề bao giờ nghe hoặc nghĩ tới; có những tâm tư chưa ai có thể ngờ, những diễn giải đưa con người tới chân trời thật mới lạ cho thấy rằng Chúa đã không quá khắt khe, xa lạ giống như mình tưởng. Chúa rất gần, gần hơn bạn thân thiết để mình có thể tâm sự tất cả dù những điều chói tai đã bao lâu thày nghĩ nhưng không dám nói cho ai nghe. Nói ra, người khác sẽ cho mình rối đạo hoặc khùng khùng.

 

Gần ngày chịu chức phó tế, đến lượt thày Lành diễn giải Phúc Âm ngày lễ Đức Mẹ Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ. Dầu đã bao nhiêu năm theo đuổi ơn gọi, những phấn đấu nơi cuộc đời, nơi nội tâm ròng rã như hành trình chuẩn bị cho ngày chịu chức, thày Lành vẫn thấy nao nao; nao nao vì chưa bao giờ có được thực sự tâm trạng của người trong cuộc. Dù sao, không kể quãng đời ấu thơ vô lo, từ ngày thày có ý hướng đi tu làm linh mục cho tới nay vẫn chỉ trong tiến trình chuẩn bị mặc dầu cha giáo lớp chuẩn bị ra trường rành rẽ giải thích.

- Quí thày không việc gì phải lo lắng về ngày chịu chức. Những việc nên làm như gửi thiệp mời bà con anh em thân thuộc, những sửa soạn khăn áo, chén thánh hay học thi, quí thày cứ tuần tự chuẩn bị theo lịch trình đã tính toán. Vấn đề chịu chức không phải là chuyện một tháng hay hai tháng cuối cùng mà quí thày đã được đào luyện từ bao năm nay, từ khi có ý định dâng mình cho Chúa làm linh mục. Không phải phi lý mà quí thày có được những kinh nghiệm bản thân dầu đơn sơ hay đôi khi rắc rối trong quá trình học tập qua những năm tiểu học, trung học, đại học, rồi thần học. Thử nhìn lại những diễn tiến đã xảy ra một cách tổng quát, tất cả những năm tháng ngày giờ, những diễn biến trong cuộc đời đã được xảy ra một cách huyền nhiệm để quí thày có được ngày hôm nay. Những thanh lọc, nhận xét của nhà trường qua ban điều hành, giám thị, qua những ý kiến theo dõi của các vị giáo sư, anh em trong nhóm họp hàng tuần v.v... Tất cả đã đưa lại kết quả như một sự nhìn nhận ơn Chúa kêu gọi quí thày, và quí thày đã được đào luyện đầy đủ, xứng đáng được tuyển chọn gia nhập hàng tư tế chuẩn bị bước lên bàn thánh. Quí thày không nên để cho tâm tư ngỡ ngàng khi ngày chịu chức tới mà nên xác tín rằng Chúa đã gọi quí thày qua các môi trường đời cũng như chủng viện và ngày nay là ngày thực sự công bố sự chọn lựa của Ngài trước công chúng...

 

Mối suy tư mình sẽ như thế nào sau ngày chịu chức thúc đẩy thày Lành vô nhà nguyện lật bài đọc suy gẫm để soạn giảng. Cuộc đời Đức Maria thay đổi từ khi nói lên hai tiếng “xin vâng” và ngài cũng chẳng làm những chuyện to tát chi, không mơ ước cao sang, chỉ sống hòa nhịp theo sự quan phòng của Thiên Chúa... Ngài đã được chọn làm mẹ Đức Kitô, đối nghịch với tất cả những tham vọng oai hùng của loài người... Rồi đến những vị thánh nhân, mọi người ca tụng nhân đức khiêm nhường của các thánh chứ không ai viết hoặc nhắc nhở tới thánh này tiếng tăm lừng lẫy hoặc thánh kia oai phong, hét ra lửa làm muôn người phải sợ... Trong cuộc đời, bao nhiêu người chạy theo danh vọng đã gục ngã không phương chỗi dậy mà chỉ tiêu tan sự nghiệp, mộng ước... cuộc đời Mẹ Thiên Chúa phải là gương mẫu cho linh mục trong vấn đề sống chấp nhận hòa nhịp với hoàn cảnh đang sống...

 

Qua hai tuần suy gẫm, thày Lành giảng thuyết nơi chủng viện với một tâm tình thách đố sự chấp nhận con đường tương lai theo gương cuộc đời Đức Maria:

 

Mấy năm trước, khi tôi theo học lớp “The Problem of God,” tôi thấy Chúa cũng có nhiều sự rắc rối. Chuyện rắc rối đầu tiên và cũng là nguyên nhân cho những rắc rối tiếp theo là Ngài đã quên không thiết lập một hàng rào chung quanh cây táo thiện ác. Theo nghĩa đen của Kinh Thánh, nguyên nhân tạo nên sự rắc rối đầu tiên của Chúa là hành động ăn trái cấm của bà Evà có lẽ là để dành quyền bình đẳng. Thật sự, tôi cũng không thể hiểu được bà Evà muốn dành quyền bình đẳng về phương diện nào, hoặc là bà muốn được toàn năng như Thiên Chúa hoặc bà muốn được trở thành con người được tạo dựng đầu tiên giống như ông Ađam. Tôi chỉ biết một điều rõ ràng theo như Kinh Thánh viết là bà Evà đã nhận thực ra cả hai người, ông Ađam và bà hoàn toàn không một tấm áo che thân. Thế rồi bà vội đổ lỗi, nói cách khác, trao ngay “quyền hành” bà vừa dành được do hành động ăn trái cấm cho con rắn khi Chúa hỏi bà nguyên do. Thế nên, chính sự đổ lỗi này đã làm Chúa tuyên án thù bất cộng đái thiên giữa đàn bà và con rắn.

 

Đức Maria đã không tìm kiếm hoặc mơ ước bất cứ sự cao sang thế trần mà chấp nhận thân phận mình là một tôi tớ hèn mọn của Chúa, và Chúa đã mời gọi Đức Maria làm mẹ Đức Kitô. Chúng ta là thân thể Chúa Kitô; chúng ta cũng là con cái của Đức Mẹ. Hơn nữa, bài Phúc Âm hôm nay kể lại chính Chúa Kitô phó thác thánh Gioan như đại diện dân Chúa cho Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá. Chúa Kitô muốn chúng ta được sự che chở và học theo gương Đức Mẹ. Vì thế tôi muốn chia sẻ suy tư của tôi nơi tâm tình của Đức Mẹ đối với Thiên Chúa và điều đó là Đức Mẹ chỉ sống theo điều Thiên Chúa muốn cho mình trong cuộc đời.

 

Chắc chắn rằng mỗi người chúng ta đều có nhiều ước mơ, và ai cũng muốn thay đổi cả thế giới theo quan niệm riêng của chính mình. Chúng ta đang chờ đợi được truyền chức năm nay, sang năm hoặc vài năm sau. Và dĩ nhiên, khi được bổ nhiệm, chúng ta sẽ cảm thấy phấn khởi và sẵn sàng thay đổi giáo xứ được sai tới theo ý muốn hoặc quan niệm của chúng ta. Thực tế chứng minh, nếu chúng ta thực hiện theo đường hướng này, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn lao với cha chính xứ đầy quyền hành nhưng khác quan niệm.

 

Suy niệm về tâm tình của Đức Mẹ, tôi nhận thấy điều tốt nhất cho chúng ta là hãy làm những gì được trao phó hay yêu cầu bởi vì chưa chắc những điều chúng ta muốn đã thực hiện được nhưng làm những chuyện cần thiết trước mắt sẽ đem lại kết quả hữu ích hơn. Chúng ta được gọi và chọn để làm công việc của Thiên Chúa chứ không phải để làm việc của chúng ta. Vấn đề còn lại là làm thế nào ngăn chận hay loại bỏ những ước mơ không cần thiết nơi chính mình. Tôi mượn lời cha giám đốc chủng viện đã một lần nói với tôi đó là luôn luôn đặt trong tâm tư câu hỏi: “Chúa Kitô sẽ làm thế nào trong trường hợp của mình” để giải quyết thực tại. Sống trong tâm tình này, chúng ta là chứng nhân của Chúa Kitô như Mẹ Maria, người chứng nhân đầu tiên đã làm thánh Gioan Tẩy Giả nhẩy mừng trong lòng bà Elizabeth. Trở thành chứng nhân của Chúa Kitô, chúng ta mang lại niềm vui tươi và hy vọng cho người chung quanh.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, ngài cũng là nữ vương của chúng ta trong tập thể các thánh thông công. Tôi mời mọi người dùng đôi phút suy tư về phương cách nào để chúng ta học theo đức Maria trả lời hai tiếng “xin vâng” với Chúa; đoạn cùng với Thánh Lễ khẩn cầu Chúa ban ơn cho chúng ta theo bước chân Mẹ Maria trong cuộc đời mỗi người...

 

 

Tuy bài giảng không lấy gì làm đặc sắc nhưng vẫn còn ảnh hưởng cha Lành trong những năm tháng làm phó xứ cho tới ngày giờ này ngồi cầu nguyện trong nhà thờ. Thực tế và ước mơ, sáng kiến đổi mới nhiều khi đem lại niềm xót thương tâm tưởng. Chúa đang muốn gì nơi mình? Chúa muốn dân Chúa ra sao? Mình phải làm gì? Âm thầm chấp nhận những cảnh ngang trái, lỗi luật thì lòng ray rứt vì sự hiểu biết! Nói ra dân chúng than van hoặc bỏ không đi nhà thờ! Cả một vấn đề mục vụ nan giải, nan giải như câu chuyện tếu mấy người cựu quân nhân quen biết có lần diễu diễu đọc lại câu định nghĩa huynh đệ chi binh; “huynh đệ chi binh là dấu kín thì nó rình, để hở thì nó rinh, không nói thì nó khinh, và nói ra thì nó binh...”

 

Dĩ nhiên, Lời Chúa bao giờ cũng trái ngược với lòng ham muốn bình thường của con người và khuyến khích con người sống tốt lành, đạo đức hơn. Vả lại, mặc dầu đã học thần học nhưng không dễ chi hiểu được rõ ràng lời Kinh Thánh ngày xưa muốn nói gì, ngày nay ý nghĩa thế nào, và áp dụng trong cuộc sống ra sao. Thật ra, giảng Lời Chúa đâu phải cứ đem Chúa ra mà nói tào lao thiên tướng nhưng nói sao cho không những phù hợp với thực tế rắc rối lại còn phải phù hợp với tâm tình dân Chúa theo tính chất dân tộc hoặc đôi khi tùy địa phương, phong thổ. Có nhấp nhận được điều mình giảng giải, người ta mới sống theo; có nghe được điều thuận lý, hợp tai người ta mới thèm để ý, thèm suy nghĩ. Thế nên, một điều trái ngược khó tin là linh mục giảng giải cho chính mình trước; giảng giải trở thành chia sẻ tâm tình sống Lời Chúa của mình với giáo dân. Chúa hiện diện giữa đám dân Ngài; chia sẻ tâm tình sống Lời Chúa là giúp cho giáo dân nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi họ, giúp họ thêm niềm tin tưởng vào Chúa, vào sự quan phòng của Ngài để có cuộc sống chứng nhân và đồng thời cũng nhận ra Chúa đang dùng con người, dùng chính họ giúp con người trong mọi hoàn cảnh khác biệt hay bình thường nơi cuộc đời.

 

Có quan niệm cho rằng giảng giải phải dạy người ta thế nọ, thế kia. Thật ra nếu giảng được nhìn theo khía cạnh chia sẻ Lời Chúa qua tâm tình suy niệm của mình thì giảng lại là dạy chính mình trước. Hơn nữa, giảng đâu phải bới điều xấu của giáo dân ra mà nói ở nhà thờ. Đâu ai muốn nghe những điều xấu của mình; người ta chỉ thích nghe điều tốt nơi họ thôi. Thực tế cho biết, những kẻ xấu đâu thèm đi nhà thờ; thế nên bới điều xấu của người khác mà nói trở thành dạy những người tốt lành làm điều xấu. Bình thường, theo tâm lý con người, không hiểu tại sao ai cũng dễ nhìn thấy những điều không nên không phải của kẻ khác. Nhìn theo khía cạnh tâm lý, có thể rằng vì mình đã chất chứa nhiều lỗi lầm do đó dễ nhìn thấy nó nơi những người khác như một phản ảnh chăng! Rồi vì mình không thể chấp nhận những điểm yếu hèn này của mình nên đem ra mổ xẻ để trút lên đầu kẻ khác hy vọng có cảm tưởng mình tốt lành... Chỉ có Chúa biết... không thể chấp nhận được!

 

Có quan niệm khác, giảng nên đem ra những điều tốt lành nơi giáo dân để khuyến khích người ta sống vươn lên mãi. Vấn đề thật phức tạp vì thực tế không đơn giản như những điều mình nhìn và nghe thấy. Lại nữa, dù chỉ trong một nhóm, đã có nhiều thành phần phương chi cả xứ, cả cộng đồng, được người nọ mất người kia rồi kẻ không được để ý sinh ra phiền lòng chán nản. Còn nếu nói chung chung thì một năm 52 ngày chủ nhật, hai năm 104 lần; đào bới đặc tính tốt chung chung sẽ được bao nhiêu lần, và có phù hợp với bài đọc hôm đó hay không! Làm cha mà nói ngoa thì không nên mà nói tốt cũng không biết sao mà nói... Có ai biết đâu, Lời Chúa nào dễ chi giảng giải.

 

Những ngày còn trong chủng viện, cha Lành ít khi nghĩ đến những rắc rối của vấn đề giảng Lời Chúa vì, cũng như bao người khác, nghĩ rằng nào có chi đâu, vài câu nói thì nói cái gì chả được. Thế rồi qua lớp học giảng, và khi ngồi soạn giảng các ngày lễ, cha Lành mới nhận thấy rõ hơn vấn đề không đơn giản như bao nhiêu người khác nghĩ. Không ai có đủ kiên nhẫn để nghe giảng cả tiếng đồng hồ và khi đã không muốn nghe, tai họ đóng lại, mi mắt khép vô và ngủ gật, hoặc người khác thì ngáp... Đang giảng mà nhìn thấy người ngáp, hứng khởi tiêu tan. Hơn nữa, ai có thể nhớ được những lời mình nói cả tiếng đồng hồ vì có ai là máy thâu băng đâu. Giảng 15 phút đã là dài và đã là nói nhiều rồi. Cha Lành cố gắng soạn giảng tối đa 10 phút nhưng thường thì ráng sao cho từ 7 tới 8 phút và phải công nhận rằng, soạn giảng ngắn mới khó. Chỉ trong vài phút mà nói lên được điều mình muốn nói sao cho phù hợp với Kinh Thánh, với giáo dân để khuyến khích, cỗ võ họ sống đạo không dễ chi.

 

Nhớ lại thời gian chuẩn bị lãnh chức linh mục, cha Lành đã suy nghĩ suốt hai tháng cho bài giảng lễ tạ ơn của mình. Một linh mục mới chịu chức thường hay nhờ cha linh hướng hoặc cha khác giảng dùm. Cha Lành không có cha bố lại cũng không muốn nhờ bởi lẽ không muốn nói về hoặc được ca tụng những cố gắng theo đuổi ơn gọi của mình. Cha Lành nhận thấy: Chức linh mục không phải cứ học giỏi mà được hoặc đạo đức nên Chúa chọn; chức linh mục là một hồng ân của Thiên Chúa. Học hành giỏi giang... bao nhiêu người có bằng tiến sĩ, bằng nọ tước kia ngoài đời... Bạn bè đi tu, bao nhiêu người tốt lành, thánh thiện, cầu nguyện đọc kinh liên miên, đã ra đi không bao giờ trở lại... và nay đã con đàn con đống... Các cha giảng lễ tạ ơn lại cứ coi như vì vị tân linh mục cố gắng nên đã được chọn để được truyền chức rồi buông lời ca tụng... Có lẽ Chúa không chấp nhận được vì Ngài chọn chứ không phải do cố gắng thế nọ thế kia của con người... Ông bà ta có câu, “Hòn đất cất nên ông bụt;” chứ không phải hòn ngọc cất nên ông bụt...

 

Suốt hai tháng nghiền ngẫm, bài giảng vẫn cứ như đâu đâu; sao cho nói lên được hồng ân của Chúa trong cuộc đời; nói sao chứng tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người chung quanh đã khuyến khích, giúp mình rằng cách này hay bằng cách khác; nói sao để khuyến khích người khác thêm ý nghĩ muốn đi tu; rồi điểm nào đưa lên tính chất dân tộc... Thế rồi ngày chịu chức ập đến, nào là bà con khách khứa, nào là sửa soạn nhà cửa cho khách về ở... và bài giảng vẫn chưa được viết. Mãi tới 1 giờ đêm trước ngày lễ tạ ơn sáng hôm sau, cha Lành mới cầm bút viết trong khi mọi người đã đi nghỉ...

 

Quí cha, quí tu sĩ, quí vị chức sắc tân, cựu, quí vị trong các ban, ngành, đoàn thể, quí ông bà anh chị em trong Đức Kitô.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hoặc “Uống nước nhớ nguồn.” Hai câu này vừa nhắc nhở, vừa nói lên ý nghĩa tấm lòng biết ơn của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ đã gầy dựng cho mình và đối với những người đã làm ơn cho chúng ta. Để nói rõ hơn tâm tình này, chúng ta còn có câu: “Ơn ai một chút khó quên, phiền ai một chút để bên dạ này.” Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người chúng ta thường canh cánh bên lòng và hay nhắc nhở đến những công lao hoặc sự giúp đỡ của những người đã làm ơn cho chúng ta bằng cách này hay bằng cách khác.

 

Tâm tình biết ơn này phù hợp với Lời Chúa hôm nay vì chúng ta tin như trong thơ gửi giáo dân Côrintô: “Tất cả mọi người chúng ta đều phải phơi bày trước tòa án của Đức Kitô để mỗi người lãnh lấy thành quả đời sống mình.”

Nhìn vào sự việc mà biết được tâm tình, tôi muốn dùng đôi phút để nói lên tấm lòng biết ơn của tôi nói chung đối với dân tộc Việt Nam và nói riêng với quí ông bà, anh chị em. Tôi cũng muốn xin thêm nơi quí vị một yêu cầu; đó là sự tiếp tục cổ võ ơn gọi dâng mình cho Chúa.

 

Trước hết tôi xin cảm tạ Chúa đã cho tôi là người Việt Nam; tôi đã được sống trong truyền thống dân Việt với tâm tình con người Việt Nam. Năng lui tới, và bây giờ, tôi là một phần tử trong cộng đồng này, tôi mang ơn cộng đồng bao gồm quí ông bà anh chị em.

 

Trải qua những năm sống chung với người Mỹ, tôi đã có cơ hội nhận thức được giá trị của hệ thống gia đình dân Việt mà tôi có thể nhìn thấy và chứng minh được trong cuộc sống gia đình; đó là: quí vị, những người sống trong bậc đôi bạn, quí vị được ban cho những đặc tính thánh thiện. Không những sống trong ơn thánh của Chúa, quí vị là thánh mà sự chịu đựng, chấp nhận, hy sinh trong những phong ba cuộc đời để giữ vững, sống đúng với ơn gọi trong bậc gia đình, chỉ những vị thánh mới có thể sống được như thế. Tôi ghi ơn những lời khuyến khích hoặc khuyên giải quí vị đã dành cho tôi. Tôi ghi ơn những nụ cười, những cử chỉ thân ái, những lời cầu nguyện, và ngay cả những sửa sai mà quí vị đã đặc biệt nói với tôi. Không có những sự đặc biệt ưu ái này của quí vị, có thể tôi không có cơ hội nói với quí vị ngày hôm nay.

 

Điều làm tôi cảm phục nhất là đức tin đơn thuần và lòng mộ mến của quí vị đối với Chúa. Kết quả của đức tin và lòng mộ mến này là sự đoàn kết, mến yêu hàng giáo sĩ, tu sĩ. Nhìn vào hiện tại, một ngôi thánh đường này, một trường học giáo lý bên kia, đã và đang chứng minh quí vị thế nào.

 

Qua những nhận thức và sự kiện tôi vừa nói, tôi dám bạo dạn xin với quí vị một yêu cầu; tôi muốn xin quí vị cổ võ, thúc đẩy, khuyến khích mạnh mẽ hơn về ơn gọi dâng mình cho Chúa. Là con dân nước trời, sống đẹp lòng Chúa, được lòng người chưa đủ. Chúng ta còn mang thêm bổn phận rao giảng nước trời. Ai cũng biết, không có người đi tu, lấy ai rao giảng, lấy ai ban phép bí tích. Quí vị là bậc cha mẹ, ông bà, có con cháu dâng mình cho Chúa, quí vị được lãnh nhận ân huệ không những đời này mà lại còn cả đời sau.

 

Riêng các bạn trẻ thanh thiếu niên, tôi muốn gửi đến các bạn chỉ một câu. Đó là: nếu ông thày cao bồi mà có thể đi tu được, các bạn cũng có thể đi tu được. Vấn đề là các bạn có dám hay không. Làm việc, quen biết với các bạn, tôi hiểu các bạn dám thực hiện bất cứ chuyện gì, và các bạn có thừa khả năng, thừa sinh lực hoàn thành những gì các bạn thích hoặc muốn làm. Các bạn chỉ còn chưa dám đặt vấn đề đi tu. Chúa mời gọi mọi người, nên những ai dám chịu chơi chấp nhận, “này tôi đây, tôi dám dùng cả cuộc đời để trả lời sự kêu gọi của Chúa;” thế là chuyện coi như xong. Tôi tin các bạn dám trả lời kiểu này và tôi thách đố các bạn dám dùng cả cuộc đời mình để trả lời ơn gọi đi tu.

 

Trong tâm tình biết ơn đối với Chúa và với mọi người, chúng ta dùng đôi phút thinh lặng để nhớ lại những ơn lành Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta, và dùng tâm tình này như của lễ đặc biệt dâng tiến Chúa hôm nay để cầu nguyện cho giáo xứ chúng ta và cho ơn gọi dâng mình cho Chúa. Nguyện xin Chúa chúc lành cho mọi người chúng ta.

 

***

 

Dùng văn hóa dân tộc để khuyến khích đời sống luân lý và sống đạo có sức mạnh ảnh hưởng khá quan trọng nơi tâm hồn giáo dân Việt Nam. Hơn nữa, nếu nhận xét thêm theo lối nhìn thần học, Chúa dùng văn hóa dân tộc để giúp dân Ngài sống tốt lành hơn. Luân lý bổ túc cho đạo đức và là khuôn mẫu cho con người sống đạo đức trong cách đối xử hằng ngày. Trong những bài giảng hôn nhân, sự nhấn mạnh đến cá tính và luân lý dân tộc, những khuôn mẫu, nề nếp gia đình hầu giúp người ta ý thức sự quan trọng của mối liên hệ gia tộc trong cuộc sống hôn nhân là điều nên để ý tới. Cha Lành nghĩ, những sự liên hệ gia đình trợ giúp cho hôn nhân vì trong mối giây ràng buộc này, văn hóa và nề nếp gia đình đóng một vai trò bảo trợ cho hôn nhân. Thực ra, dầu hôn nhân là chuyện của hai người nhưng nếu thiếu sự liên hệ, chia sẻ kinh nghiệm sống trong liên hệ gia tộc, đôi hôn nhân khi đương đầu với những khó khăn, khó có thể kiếm được đường lối giải quyết để tránh phần nào nguy hại có thể đưa đến đổ vỡ. Nhờ mối liên hệ thân thiết với anh em họ hàng, bà con, nhờ sự chia sẻ kinh nghiệm và những lời khuyên bảo hoặc giúp đỡ đồng thời do sự liên hệ thân thiết ảnh hưởng đến danh dự liên đới gia tộc, tất cả trở thành những yếu tố đóng góp vào sự bền vững của hôn nhân.

 

Đặc tính sống cộng đồng của dân Việt nảy sinh ý thức bảo vệ danh dự gia đình và đồng thời cá nhân không những lo sống bảo vệ danh dự chính mình mà còn có bổn phận gìn giữ danh dự cho họ hàng. Những yếu tố này đã trở thành động lực giúp con người nhẫn nại, chấp nhận và chịu đựng hơn. Đây là đặc tính thiết yếu của những người sống trong bậc đôi bạn. Vì thế dùng đặc tính dân tộc nhắc nhở trong bài giảng một phần nào giúp dân Việt ý thức được điều hay lẽ phải của văn hóa Việt, ý thức được sự hợp nhất trong cách sống liên hệ dân Chúa và cũng giúp họ nhận ra vai trò của mỗi người trong nhiệm vụ mục vụ của giáo dân bằng cách này hay cách khác đóng góp vào việc xây dựng gia đình không những của mình mà còn giúp người khác. Dĩ nhiên, đôi hôn nhân trong lễ cưới chắc chắn chẳng nghe được gì nơi bài giảng; họ còn muôn thứ chuyện nào về nghi thức, nào nỗi e ngại muôn người nhìn vào, nào tiệc tùng sắp tới, rồi sự ảnh hưởng của những việc sửa soạn cho ngày cưới khiến cơ thể mệt mỏi khó có thể cầm trí lắng nghe. Hơn nữa, đối với hôn nhân, lễ cưới là biến cố trọng đại chưa quen kinh nghiệm của đôi trẻ; tâm tư họ bị căng thẳng; rồi tâm tình đôi hôn nhân bị giao động khi được chính thức chấp nhận sự liên hệ ràng buộc vợ chồng gây cho họ cảm xúc bất thường... Tất cả những yếu tố này gom lại đè nặng tâm trí thì sao họ còn có thể nghe. Thế nên, giảng đám cưới là giảng cho người dự lễ, không phải giảng cho đôi hôn nhân. Do đó nhắc nhở người ta ý thức vai trò của một người trong sự liên hệ với gia đình và cộng đồng cũng phần nào khuyến khích họ góp tay xây dựng cộng đồng dân Chúa. Nhấn mạnh vai trò cha mẹ, anh em cha bác, bạn bè trong mối tương quan khuyến khích và bảo vệ hôn nhân, cha Lành cảm thấy mình cũng một phần nào tích cực chia sẻ sự cố gắng vun trồng cộng đồng dân Chúa...

(còn tiếp)

Lm Lã Mộng Thường

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây