CÔNG NGHỊ TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
ĐỜI SỐNG SINH VIÊN
WGPHN (30.4.2022) - Khi nói tới đời sống sinh viên, chúng ta nghĩ ngay tới những người trẻ, đang ngồi trên giảng đường đại học, miệt mài sách vở để chắp cánh cho những ước mơ của mình. Sinh viên Công giáo tại TGP Hà Nội cũng vậy, họ đến từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, nhưng đang miệt mài thêu dệt cuộc đời mình trên giảng đường của các trường đại học thuộc địa giới hoặc vùng lân cận của TGP Hà Nội. Họ đang sống, học tập, làm việc và thực hành Đức Tin trong TGP Hà Nội. Cùng với gia đình TGP Hà Nội hướng tới Công nghị: “Canh tân đời sống Đức Tin”, các sinh viên Công giáo cũng được mời gọi nhìn lại đời sống của mình, “canh tân đời sống Đức Tin, thay đổi phương thức sống đạo, … biến đổi và chấp nhận lột xác để sống Tin Mừng cách triệt để hơn, hầu làm chứng cho Chúa Giêsu trong giai đoạn xã hội mới.”[1] Trong bài thuyết trình này, chúng ta cùng nhau bàn về “Đời sống sinh viên”, cụ thể về các nội dung sau:
1. ĐỜI SỐNG VÀ CĂN TÍNH SINH VIÊN CÔNG GIÁO 2. NHẬN DIỆN NHỮNG THÁCH ĐỐ MÀ SINH VIÊN CÔNG GIÁO ĐANG ĐỐI DIỆN |
Trước tiên, chúng ta cùng xác định với nhau: sinh viên Công giáo, bạn là ai? Có thể có nhiều cách trả lời, nhưng trong cuộc hội thảo tiền công nghị để canh tân đời sống Đức Tin. Chúng ta cùng nhau trở về với căn tính nền tảng nhất của người Công giáo. Trước tiên, sinh viên Công giáo là những Kitô hữu trẻ, những người đã được xức dầu Thánh Thần khi chịu phép Thánh Tẩy. Họ đều là những người tham gia vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô. Điều này nói lên cái gì? Điều này nói lên bạn đã được chết với Đức Kitô và sống lại trong đời sống mới với Người (x. Rm 6, 3-4). Bạn được thông phần vào sự sống thần linh với Thiên Chúa. Nghĩa là bạn đã được sinh lại bởi Đấng đã yêu mến bạn đến mức hy sinh chính mạng sống mình vì bạn. “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13). Tôi muốn nhấn mạnh rằng, căn tính của bạn là “người được yêu”. Thiên Chúa đã yêu thương bạn đến nỗi đã ban chính Con Một của Ngài để bạn được sống. (x. Ga 3,16 ) Điều đó cho thấy bạn thật là quý giá biết bao!
Tiếp đến, sinh viên là những người tri thức trẻ, đầy sức sống và lý tưởng, đang chắp cánh cho những ước mơ của mình trên các giảng đường đại học, đang nắm trong tay tri thức của thời đại, đang cầm chìa khoá của cánh cửa tiến bộ xã hội. Bạn đang được đào tạo và tiếp cận với kho tàng tri thức tiến bộ nhất của nhân loại. Bạn đang được tiếp cận với những thiết bị và phương pháp tiến bộ nhất. Bạn đang được đào tạo để trở thành những kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, nhà giáo, nhà ngoại giao, nhà khoa học, …
Sinh viên Công giáo vừa là Kitô hữu trẻ, vừa là những tri thức trẻ. Nhưng sinh viên Công giáo (SVCG) Tổng Giáo phận (TGP) Hà Nội lại có những điểm đặc biệt, các bạn đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, đã lớn lên và thực hành Đức tin bởi nhiều truyền thống địa phương khác nhau. Điều đó làm nên sự đang dạng phong phú của SVCG TGP Hà Nội. Hiện nay hội SVCG TGP Hà Nội có tới 22 nhóm được phân chia theo địa giới hoặc là theo trường đại học. Tuy từ nhiều địa phương khác nhau, nhưng khi hội nhập vào với Hà Nội, các bạn đã sống và biểu đạt cùng một Đức Tin. Điều này vừa thú vị vừa đầy thách đố. Các bạn đã mang đến sức trẻ và sự phong phú trong cách thực hành Đức tin tại Hà Nội. Nhưng phần lớn các bạn đến từ các xứ đạo thuộc các vùng miền khác nhau. Khi rời xa luỹ tre làng, rời xa những truyền thống và nề nếp sinh hoạt Đức Tin của quê nhà, hội nhập với thành phố vừa xa lạ vừa lạc lõng. Nhiều bạn chưa được chuẩn bị sẵn sàng về Đức tin và nhận thức, đã đánh mất định hướng, đã không thể hội nhập, dẫn đến tự cô lập, dẫn đến khô đạo và bỏ đạo.
Sinh viên, những người tri thức trẻ, được tiếp cận với những nguồn tri thức mới của xã hội. Phần lớn họ là những người đầy khát khao, dám ước mơ, dám sống và muốn khẳng định bản thân, nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thiếu chiều sâu, nên dễ bị lôi cuốn chạy theo những giá trị nhất thời, họ đang phải đối diện với nhiều thách đố nhất của thời đại.
Trước tiên, họ phải đối diện với những tư tưởng sai lạc, ý thức hệ lệch lạc. Trước tiên, các sinh viên Công giáo bị thách đố bởi thuyết vô thần. Dù học bất cứ ngành nghề nào, thì họ cũng buộc phải học những tương tưởng vô thần này, họ đang bị nhồi sọ. Thuyết vô thần loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi thế giới, hoặc coi Thượng Đế như một sản phẩm của trí tuệ con người. Hơn nữa, cách truyền đạt thường cố tình bôi nhọ Đức Tin của những sinh viên công giáo, cố tình nói xấu và kỳ thị. Điều này dễ làm lung lạc Đức tin của nhiều bạn, hoặc làm cho nhiều bạn mặc cảm về Đức Tin của mình. Tiếp đó, sinh viên cũng phải đối diện với thuyết tương đối, coi con người là thước đo của mọi sự, tốt hay xấu đều mang tính tương đối, coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, thuyết này cố ý chối bỏ Thiên Chúa cội nguồn và là chuẩn mực của tất cả mọi giá trị luân lý. Tiếp đó là chủ nghĩa tự do cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ, tiêu thu, cuốn hút sinh viên chỉ chạy theo lợi ích vật chất và tìm kiếm sự thoả mãn vật chất, coi thường và loại bỏ các giá trị tâm linh và văn hóa. Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã mạnh mẽ lên án chủ nghĩa hưởng thụ và tiêu thụ. “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. … Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ.” (Evangelii Gaudium, số 2)
Khi những tư tưởng sai lầm thống trị và dẫn dắt lối suy nghĩ của con người, thì dẫn đến những lối sống nguy hại, dẫn đến sự phát triển của văn hoá sự chết. Ngày nay, nhiều sinh viên công giáo cũng phải đối diện với những lối sống sai lạc. Có nhiều bạn đã bị lôi cuốn vào lối sống vội, sống thử và chạy theo bệnh thành tích. Chưa có những thống kê cụ thể về tình trạng sống thử của SVCG, nhưng thực tế đã xảy ra và còn ở mức báo động. Điều nguy hại là nhiều sinh viên lại ủng hộ lối sống này. Bên cạnh đó là lối sống yêu cuồng sống vội, nhiều bạn sinh viên khi thấy bạn mình có người yêu, thì cũng vội vàng yêu đại một người cho bằng bạn bè.
Tiếp đến là bệnh thành tích trong hệ thống giáo dục, dẫn đến tình trạng gian dối trong thi cử, mua thầy và mua điểm. Theo khảo sát của Hội SVCG TGP Hà Nội, có tới 78,3% sinh viên công giáo vẫn có gian lận trong hoàn cảnh cho phép và kín đáo. Vẫn có những bạn cố tình gian lận, mua chuộc để hoàn thành chương trình học. Chỉ có 15,3% những người khảo sát là trung thực và không gian lận. Tình trạng này dẫn đến sự thụ động, ù lì trong học tập, thiếu lý tưởng sống và đặc biệt là chai lì lương tâm. Tiếp đến là lối sống hưởng thụ, chạy theo những giá trị hư ảo, tôn thờ sắc đẹp, hoặc là lối sống buông thả, vô định, chạy theo những thúc đẩy của tính xác thịt.
Đặc biệt, sinh viên bị cuốn vào vòng xoáy của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Theo khảo sát, có tới 54% sinh viên công giáo lên mạng xã hội bất cứ khi nào rảnh rỗi, và có tới 42% tham gia mạng xã hội từ 4 đến 5 giờ mỗi ngày. Thực tế này cho thấy nhiều bạn sinh viên đã dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Đối diện với nguy cơ nghiện mạng xã hội, và nguy cơ dẫn đến lối sống ảo, xa rời thực tế, vô cảm và đánh mất khả năng kết nối trực tiếp giữa người với người. ĐGH đã cảnh báo: “thế giới kỹ thuật số cũng là một không gian đầy cô đơn, thao túng, khai thác và bạo lực, cho đến cực điểm là trường hợp các trang web đen (dark web). Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến mọi người bị lệ thuộc, cô lập và mất dần sự tiếp xúc với đời sống thực tế cụ thể, và như thế chúng cản trở sự phát triển của các mối quan hệ đích thực giữa người với người.” (Christus Vivit, 88)
Nhiều sinh viên khi sống xa gia đình, rời xa truyền thống Đức Tin quê hương, bị choáng ngợp bởi lối sống nhộn nhịp vội vã của đô thị. Đồng thời nhiều bạn đang đối diện với những áp lực của học tập, của cuộc sống, của kế sinh nhai, của việc làm thêm, và cả sự áp lực phải thành công, phải học giỏi, phải kiếm được nhiều tiền. Bên cạnh đó có những bạn cũng chịu áp lực phải học giỏi và thành công để đáp ứng kỳ vọng của gia đình… Do đó, nhiều bạn bị đánh mất định hướng, bị lung lạc về Đức Tin, nghi ngờ sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa và khủng hoảng giá trị sống. Nhiều bạn rời xa luỹ tre làng và nếp sống gia đình, một cách ngấm ngầm muốn thoát khỏi lối sống nhà quê, đã lao vội vào một nếp sống xa lạ, không định hướng. “Một số người trẻ cảm thấy bị đè nén bởi các truyền thống gia đình và tìm cách chạy trốn theo tiếng mời gọi của nền văn hoá đã được toàn cầu hóa, và vì thế đôi khi lấy mất đi của họ mọi điểm quy chiếu.” (Christus Vivit, 80). ĐTC Phanxicô cũng cảnh báo: “Thế giới chưa bao giờ, và cũng sẽ không bao giờ hưởng lợi ích gì từ sự đoạn tuyệt giữa các thế hệ. Đó là những bài ca quyến rũ làm mê ngủ về một tương lai không cội rễ và mất gốc. Đó là một sự dối trá lừa gạt các con tin rằng chỉ có những gì mới mẻ mới là tốt đẹp.” (Christus Vivit,187)
Thêm vào đó, nhiều bạn “cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo chúng, họ cũng không được học cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững được giữa nhịp sống vội vã của xã hội.” (Christus Vivit, 221).
Sống giữa những thử thách như thế, làm sao để SVCG tại TGP Hà Nội canh tân đời sống Đức Tin – Tôi xin đề nghị 3 điều phải xác tín và 3 điều phải làm.
3.1.1. Người được yêu
Trước tiên, canh tân là đổi mới nhận thức, đổi mới cái nhìn, đổi mới con tim. Điều quan trọng nhất là phải khám phá ra đâu là nền tảng, là nguồn để mình được biến đổi. Con người sẽ không thể lớn lên nếu thiếu tình yêu. Vì thế, điều đầu tiên phải xác tín – mỗi bạn sinh viên hãy nhớ và hãy xác tín và sống chân lý này: bạn là người được yêu. Đây là chân lý vô cùng quan trọng mà nói theo ngôn ngữ của ĐTC Phanxicô là ba điều tuyệt vời, phải ưu tiên hàng đầu, phải loan báo cho các bạn trẻ. Chân lý được diễn tả như thế này: Thiên Chúa yêu con – tình yêu đó biểu lộ cách trọn hảo nơi Chúa Kitô, Đấng vì yêu thương, đã hiến thân mình cho đến chết để cứu độ con. Ngài đã sống lại và đang sống để hiệp hành với con. (x. Christus Vivit, 111 – 133). Điều này khẳng định – bạn là người được Thiên Chúa yêu thương. ĐTC nhấn mạnh: “Thiên Chúa yêu con. Con đừng bao giờ nghi ngờ điều đó, cho dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời con. Trong bất cứ cảnh huống nào, con cũng được Thiên Chúa yêu thương vô tận.” (Christus Vivit, 112)
Là sinh viên, đang phải đối diện với biết bao thử thách, nhất là dễ bị mất định vị, phải chịu biết bao áp lực để cố gắng thể hiện bản thân, thì trước mặt Chúa bạn không phải cố gắng hay thể hiện gì cả, bạn được yêu thương vô điều kiện. Cho dù có bất cứ điều gì xảy ra, cho dù có biết bao nhiêu ồn ào mà thế giới này đang gào thét vào tai bạn: bạn phải xinh đẹp, bạn phải đẹp trai, bạn phải tài giỏi, bạn phải thành công, bạn phải kiếm được nhiều tiền, bạn phải có người yêu, bạn phải đạo đức thì bạn mới có giá trị, thì bạn mới đáng yêu. Đừng nghe những điều đó. Hãy lắng nghe chính Chúa thì thầm vào tai bạn và khẳng định với bạn: Bạn là người “người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương” (Cl 3, 12), “trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43, 4).
ĐTC Phanxicô cũng nhắn nhủ với các bạn: “Các bạn trẻ thân mến, các con được Chúa rất yêu dấu, các con rất quý giá vì được cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Kitô! Các con “là vô giá! Các con không phải là món đồ để bán đấu giá! Xin đừng để mình bị ai mua bán, đừng để mình bị dụ dỗ, đừng để mình bị nô lệ hoá bởi các hình thức thực dân ý thức hệ, nhồi nhét vào đầu các con những tư tưởng xa lạ để rồi cuối cùng biến các con thành những kẻ nô lệ, nghiện ngập và cuộc đời hư hỏng. Các con là vô giá: các con phải luôn nhắc đi nhắc lại điều này: tôi không phải là món đồ để bán đấu giá, tôi vô giá. Tôi là người tự do, tôi là người tự do! Các con hãy yêu chuộng sự tự do này, tự do mà Chúa Giêsu ban tặng”. (Christus Vivit, 122)
Chỉ khi xác tín bạn được yêu thương, bạn được mời gọi bước vào tương quan yêu thương với Thiên Chúa. “Bởi vì Ngài yêu con. Hãy tìm một khoảng lặng ở với Chúa và để được Ngài yêu thương. Hãy cố xua tan mọi tiếng ồn trong thâm tâm và buông mình một lúc trong vòng tay yêu thương của Ngài.” (Christus Vivit, 115) Tình yêu của Chúa là “tình yêu thường nhật, kín đáo và tôn trọng, một tình yêu tự do và giải thoát, tình yêu chữa lành và nâng dậy” (Christus Vivit, 116)
Khi sống trong tương quan yêu thương với Thiên Chúa – Được Thiên Chúa yêu thương, bạn sẽ có sức mạnh tình yêu của Ngài để sống, để yêu, và để hành động: ĐTC Phanxicô đã mượn tư tưởng của cha Pedro Arrupe S.J để khẳng định với bạn: “Con tìm kiếm đam mê ư? Như lời của một bài thơ: hãy yêu đi! (hoặc hãy để cho mình được yêu!), bởi vì “không gì quan trọng hơn là gặp được Thiên Chúa. Nói cách khác, hãy yêu Ngài một cách dứt khoát và tuyệt đối. Con yêu cái gì, thì con sẽ nghĩ tưởng đến cái đó và cuối cùng nó chi phối con tất cả mọi sự. Nó sẽ quyết định điều gì khiến con thức dậy vào buổi sáng, điều gì con sẽ làm lúc hoàng hôn, con sẽ trải qua những ngày cuối tuần như thế nào, con đọc gì, con biết gì, điều gì làm tim con tan vỡ và điều gì khiến con tràn ngập niềm vui và lòng biết ơn. Hãy yêu đi! Hãy tiếp tục yêu! Tất cả mọi sự sẽ khác” (Christus Vivit, 132)
3.1.2 Tình bạn với Đức Kitô
Điều thứ hai bạn phải xác tín và sống đó là: tình bạn với Đức Kitô. Đây là mấu chốt cho bạn luôn cảm nhận mình được yêu thương, và cũng là sức sống để bạn có thể yêu và đáp lại tình yêu của Chúa. Đức Kitô đang sống và đang đồng hành cùng với bạn. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định “Thầy gọi anh em là bạn” (Ga 15, 14). Sống tình bạn với Đức Kitô là kết nối với Ngài, ở lại trong tình yêu của Ngài, gặp gỡ, lắng nghe và sống thân tình với Ngài.
ĐTC Phanxicô mời gọi:
“Con hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu hạnh phúc, tràn ngập niềm vui. Con hãy vui mừng với Người Bạn đã chiến thắng. Họ đã giết Đấng thánh, Đấng công chính, Đấng vô tội, nhưng Người đã chiến thắng. Sự dữ không có lời cuối cùng. Ngay cả trong cuộc đời của con, sự dữ cũng không có lời cuối cùng, bởi vì Người Bạn của con yêu thương con và muốn chiến thắng trong con. Đấng cứu độ của con đang sống.” (Christus Vivit, 126)
“Tình bạn với Đức Giêsu thì bất khả phân ly. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta, mặc dù đôi khi có vẻ như Người giữ thinh lặng. Khi chúng ta cần đến Người, Người tỏ mình ra cho chúng ta (x. Gr 29,14) và Người ở bên chúng ta trong bất cứ nơi nào (x. Gs 1,9). Vì Người không bao giờ phá vỡ giao ước [nên] Người yêu cầu chúng ta đừng bỏ Người: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15, 4).” (Christus Vivit, 154)
“Đừng tước mất khỏi tuổi trẻ của con tình bạn này. Có thể con sẽ cảm thấy Người ở bên cạnh không chỉ khi cầu nguyện. Con sẽ nhận ra Người đồng hành với con trong mọi lúc. Hãy thử khám phá Người và con sẽ có kinh nghiệm tuyệt vời là nhận ra rằng Người luôn đồng hành với con. Đây là kinh nghiệm của các môn đệ đi Emmaus đã trải qua đang lúc họ hoang mang bước đi và trò chuyện, thì Chúa Giêsu hiện ra và “cùng đi với họ” (Lc 24,15). Một vị thánh nói rằng “Kitô giáo không phải là một tập hợp các chân lý phải tin, các luật lệ phải giữ, các điều cấm đoán. Nhìn như thế làm ta chán ghét. Kitô giáo là một Con Người, Người đã yêu tôi nhiều đến nỗi tôi phải yêu lại Người. Kitô giáo là Đức Kitô”. (Christus Vivit, 156)
3.1.3 Đức tin và khoa học như đôi cánh để bay lên cao
Điều thứ ba bạn phải xác tín đó là Đức Tin và Khoa học không bao giờ mâu thuẫn và đối nghịch nhau, nhưng luôn đồng hành và bổ túc cho nhau. Thánh Thomas Aquino đã khẳng định ánh sáng của lý trí và ánh sáng của Đức Tin đều phát xuất từ Thiên Chúa. Đức Thánh GH Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Đức Tin và lý trí như đôi cánh giúp cho trí tuệ con người băng mình lên để chiêm niệm chân lý.” (Thông điệp Đức Tin và Lý Trí, câu mở đầu).
Louis Pasteur, một nhà khoa học hàng đầu của Pháp và cũng là một Kitô hữu thành thiện đã khẳng định: “Một sự hiểu biết khoa học nhỏ nhoi sẽ tách rời chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Nhưng một sự hiểu biết khoa học tường tận sẽ mang chúng ta tới gần Thiên Chúa.” Francis Collins, giám đốc dự án giải mã gene người, tác giả cuốn sách Ngôn ngữ của Chúa cũng nêu rõ: “Khoa học và đức tin cả hai đều đưa ra những cách thức khác nhau nhưng bổ sung cho nhau để trả lời cho những câu hỏi lớn nhất của thế giới và cả hai đều có thể cùng tồn tại trong tâm trí một người ham học hỏi tri thức sống trong thế kỷ XXI”
Chính khi xác tín được khoa học và đức tin không mâu thuẫn nhưng bổ túc cho nhau, sẽ giúp giải phóng những nghi ngờ và sợ hãi trong bạn, thôi thúc bạn say mê tìm kiếm chân lý, nghiên cứu khoa học và cân bằng giữ đời sống tâm linh và lý trí.
Ba việc mà SVCG tại TGP Hà Nội phải làm để canh tân đời sống Đức Tin đó chính là ba việc mà ĐTC Phanxicô gợi ý cho toàn thể Giáo Hội sống tinh thần Hiệp hành: Gặp Gỡ, Lắng Nghe và phân định để sống theo đúng ơn gọi.
3.2.1 Gặp gỡ
Để luôn sống kinh nghiệm của người được yêu, sống tình bạn với Đức Kitô, người sinh viên trước tiên phải ra khỏi chính mình, ra khỏi thế giới ảo, và bước vào cuộc gặp gỡ. Trước tiên là gặp gỡ Thiên Chúa, tiếp đến là gặp gỡ nhau. Gặp gỡ chính là kết nối, chính là cầu nguyện. Gặp gỡ sẽ dẫn đưa mỗi người đi vào kinh nghiệm cá vị với Thiên Chúa và kinh nghiệm trực tiếp với nhau trong tình huynh đệ. ĐTC Phanxicô coi cuộc gặp gỡ như là “sự xuất thần”:
“Một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa được gọi là “xuất thần”, vì nó kéo chúng ta ra khỏi chính mình và nâng chúng ta lên, đưa chúng ta vào tình yêu và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng có thể “xuất thần” khi ra khỏi chính mình để nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người, phẩm giá của họ, sự vĩ đại của họ trong tư cách như là hình ảnh của Thiên Chúa và người con của Cha trên trời. Chúa Thánh Thần muốn thúc đẩy chúng ta ra khỏi chính mình, đón nhận những người khác trong yêu thương và tìm kiếm điều tốt đẹp cho họ. Vì vậy, tốt nhất là cùng nhau sống đức tin và diễn tả tình yêu của chúng ta trong đời sống cộng đoàn, qua việc chia sẻ yêu thương với các bạn trẻ khác, chia sẻ thời giờ, đức tin và các lo âu của mình.” (Christus Vivit 164)
3.2.2. Lắng nghe
Lắng nghe là hành động đầu tiên của yêu thương, Paul Tilich đã khẳng định như thế. Để thực sự lắng nghe, các bạn sinh viên phải biết lắng đọng lòng mình. Ra khỏi thế giới ồn ào của những lo toan, áp lực, của mạng xã hội để có thể lắng nghe.
Trước tiên và trên hết là lắng nghe tiếng Chúa. Thế giới này có thể đang gào thét vào tai bạn rằng bạn phải thành công, bạn phải tài giỏi … hoặc ngược lại, có những tiếng chê bai bạn, rằng bạn là kẻ thất bại, là kẻ nhu nhược … hoặc là kẻ tội lỗi, kẻ giả hình…. Những lời đó sẽ cột trói bạn và đè nặng trên bạn, bạn không thể ngẩng đầu lên được. Nhưng đừng nghe chúng, hãy lắng nghe tiếng Chúa, Ngài chỉ nói có một lời – đó chính là Ngôi Lời – Lời yêu thương – bạn được yêu và bạn thật quý giá trước mặt Chúa. Lắng nghe là chìa khóa giúp bạn cảm nghiệm mình là người được yêu và để giúp bạn sống tình bạn với Chúa Giêsu. Hãy lắng nghe và nghe trong mọi hoàn cảnh lời đó.
Tiếp đến là lắng nghe nhau, lắng nghe chính là nguồn mạch khôn ngoan, lắng nghe cũng giúp bạn ra khỏi thế giới của mình, để thấu hiểu, cảm thông và có khả năng đồng hành với người khác. Sau cùng, quan trọng hơn cả, lắng nghe mới giúp bạn nhận ra để có thể phân định và sống đúng ơn gọi và lý tưởng của mình.
3.2.3 Phân định và sống đúng ơn gọi
Điều quan trọng thứ ba cần phải làm để canh tân đời sống Đức Tin đó là phân định để nhận ra Thánh Ý Chúa trong cuộc đời và chọn lựa hành động, sống đúng ơn gọi của mình. Mỗi bạn sinh viên phải sống là chính mình, đúng lý tưởng của mình. Đứng sợ sống điều mình đam mê, điều mình được mời gọi. Nhưng hãy khám phá và phân định để biết đâu là điều Chúa muốn thực hiện nơi mình. Đâu là ước mơ Chúa muốn cho mình.
ĐTC Phanxicô nhắn nhủ: “Nhưng cha nhắc con nhớ rằng con sẽ không nên thánh và trở nên viên mãn bằng cách trở thành bản sao của người khác. … Con phải khám phá ra mình là ai và phát triển nẻo đường nên thánh của riêng của mình, khác với những gì người khác nói và nghĩ. Nên thánh có nghĩa là trở nên chính mình cách đầy đủ nhất, là trở nên điều mà Thiên Chúa đã muốn mơ ước và tạo dựng, chứ không phải một bản sao. Đời sống của con phải là một thúc đẩy mang tính tiên tri, gợi hứng cho những người khác, ghi dấu ấn nơi thế giới này, đó là dấu ấn độc đáo mà chỉ một mình con mới có thể để lại. Ngược lại, nếu con chỉ sao chép người khác, con sẽ tước mất khỏi trái đất và cả bầu trời này một điều mà không ai khác có thể thay thế con cống hiến được.” (Christus Vivit, 162)
Theo kết quả khảo sát cho thấy 61% sinh viên được hỏi đều mong muốn tham gia tích cực vào các hoạt động của sinh viên Công giáo. Hiện nay, hội sinh viên CGTGP Hà Nội cũng có rất nhiều những hoạt động hữu hiệu. Để gợi mở cho mục vụ sinh viên tại TGP Hà Nội hữu hiệu hơn nữa tôi xin được nêu lên 3 nguyên tắc căn bản.
4.1.1. Sinh viên vừa là chủ thể vừa là đối tượng của hoạt động mục vụ sinh viên.
Cũng giống như mục vụ giới trẻ, sinh viên phải là chủ thể, phải là tác nhân chính của các hoạt động mục vụ. ĐGH khẳng định: “Tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ Giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo. …. Tốt hơn là hãy quan tâm giúp người trẻ vận dụng sự thông minh, năng khiếu và kiến thức của mình để giải quyết các vấn đề nhạy cảm cũng như các mối bận tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ.” (Christus Vivit, 203)
4.1.2. Đồng hành
Đồng hành là phương thức của mục vụ sinh viên, khi đồng hành là gặp gỡ, lắng nghe và cùng giúp nhau phân định ý Chúa và sống lý tưởng, ước mơ mà Chúa muốn nơi mình.
Mục vụ sinh viên luôn luôn phải đặt trọng tâm vào kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, đồng hành là phương thức để đi vào kinh nghiệm đó. “Mục vụ Giới trẻ nên thường xuyên tạo ra các cơ hội để làm mới và đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống. Có thể làm điều này bằng những cách thức khác nhau như: chia sẻ chứng từ, các bài hát, giờ chầu, suy niệm Lời Chúa, và thậm chí là sử dụng các mạng xã hội cách khôn ngoan. Thế nhưng, không bao giờ được thay thế kinh nghiệm thú vị gặp gỡ Chúa bằng một loại hình “tuyên truyền” có tính giáo điều nào.” (Christus Vivit, 214)
Trước tiên là sự đồng hành của quý cha, quý thầy và quý sơ với sinh viên. Thứ hai là đồng hành của chính sinh viên với sinh viên. Đặc biệt là cựu sinh viên với sinh viên, nhất là với tân sinh viên. Cũng như mục vụ giới trẻ, mục vụ sinh viên phải mang tính hiệp hành: “Mục vụ Giới trẻ phải mang tính “hiệp hành” (synodale), nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm.” (Christus Vivit, 206)
4.1.3. Hướng tới truyền giáo
Mục vụ sinh viên cũng luôn phải hướng tới truyền giáo. Truyền giáo không phải là chiêu dụ người khác theo đạo, nhưng là chia sẻ niềm vui của những người được Thiên Chúa yêu thương, được là bạn của Đức Kitô cho các bạn sinh viên khác. Niềm vui người được gặp gỡ và được Đức Kitô yêu mến. Phải cho thấy được sự cuốn hút và vẻ đẹp của những người sống và tin vào Tình Yêu Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ phải có đủ mạnh dạn để gieo hạt giống Tin Mừng trên mảnh đất màu mỡ là tâm hồn của các bạn sinh viên khác. (x. Christus Vivit, 210; 224)
ĐTC còn nhần mạnh: “Các con hãy cố lội ngược dòng và hãy biết chia sẻ Đức Giêsu, thông truyền đức tin mà Người đã ban cho các con. Cha cầu chúc các con cảm nhận trong lòng sự thúc đẩy không thể cưỡng lại như đã tác động nơi Thánh Phaolô làm ngài thốt lên: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). (Christus Vivit, 176)
– Sinh viên chủ động kết nối với nhau, cùng nhau gặp gỡ, lắng nghe, và sống thân mật với Chúa, tôn sùng Thánh Thể và lắng nghe Lời Chúa. Cùng nhau phân định sống ơn gọi và lý tưởng của mình.
– Để giúp các nhóm sinh viên hội nhập với TGP Hà Nội, các giáo xứ, giáo họ mở rộng cửa, tạo cơ sở vật chất để các nhóm sinh viên đến sinh hoạt.
– Đồng thời có sự kết nối chặt chẽ giữa tân sinh viên, sinh viên và cựu sinh viên. Có sự kết nối giữa các giáo xứ địa phương với hội SVCG TGP Hà Nội, để có thể giúp các em tân sinh viên chu đáo hơn.
– Quý cha, quý sơ và quý thầy đồng hành, lắng nghe và giúp sinh viên phân định Ý Chúa, sống lý tưởng và ơn gọi. Có thêm nhân sự làm toàn thời gian lo đồng hành với sinh viên. Hội sinh viên TGP cần có văn phòng tư vấn về Đức Tin và các vấn đề trong đời sống sinh viên, tạo một không gian kết nối thuận tiên cho các sinh viên trong việc tìm kiếm việc làm, nhà trọ, và trợ giúp nhau sống Đức Tin và các vấn đề khác trong học tập và cuộc sống.
– FOCUS – Fellowship of Catholic University Students (1997) là một hội đồng hành và truyền giáo cho sinh viên tại các đại học của Hoa kỳ. Họ đào tạo sinh viên vừa tốt nghiệp, để họ dùng hai năm đầu sau tốt nghiệp, trở lại ký túc xá, đồng hành và giúp các bạn sinh viên khác sống Đức Tin và làm chứng cho Đức Tin. Hội SVCG TGP nên chăng cũng lo đào tạo chính các sinh viên thành những người bạn có chuyên môn về đồng hành và truyền giáo. Các Cha đặc trách sinh viên có thể xây dựng chương trình dạy giáo lý cho dự tòng là sinh viên, và ban các bí tích khai tâm cho họ, giúp họ hội nhập vào giáo xứ phù hợp.
– Nên chăng có quỹ học bổng để hỗ trợ những sinh viên khó khăn.
Lm. Giuse Tạ Minh Quý
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn