Cháy lên và tỏa sáng
Lửa thiêng nào Người đã thắp vào đời từ lúc khai nguyên thủa hồng hoang. Rồi ngọn lửa thiêng ấy Người đã thắp vào linh hồn ta. Ta vui mừng trong ngọn lửa thanh tẩy và được hồng ân cứu độ trong ngày Phục Sinh: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12, 49)
Lửa chuyển hóa cũng là lửa để tẩy uế để nên thanh sạch, đốt những gì là bợn nhơ, xua tan bóng tối để nên nguồn thanh khí và ánh sáng. Lửa chuyển sức sống cho những con người đang sống, lửa làm nước có thể ở chỗ dơ bẩn bốc thành hơi nước thanh khiết, hơi nước tích tụ thành mây và mây kéo vần vũ làm nên mưa. Những cơn mưa tái hồi cho những sự sống chết khô vì lửa làm khô hạn. Giai đọan chuyển hóa này bao gồm chức năng tẩy uế và trở nên nguồn sự sống mới. Chu kỳ của sinh rồi lại sinh được biểu lộ qua sự chuyển hóa ấy.
Người Tây Phương ví sự mềm mại, hướng lên ấy như cây sậy, nhà hiền triết Pascal nói đến “Cây sậy suy tư” hoặc cây sậy của La Fontaine. Sự mảnh dẻ và tính uyển chuyển của cây sậy cũng như của ngọn nến, theo người Ấn là mang hình ảnh trục thế giới, gần với cây sậy hướng trục sinh ra từ nước nguyên thủy của Nhật Bản. Bachelard nhận định: “Ngọn lửa là một đường thẳng đứng kiên cường và mong manh. Một làn gió nhẹ làm ngọn lửa lung lay, nhưng sau đó liền đứng thẳng trở lại. Một sức mạnh hướng thượng lại tăng thêm sức mạnh cho nó”. Ngọn lửa trên cây nến thật kỳ diệu, tuy mong manh ví tựa như thân phận con người, thế nhưng, những cản trở không hề làm cho nó bị bẻ cong, một sức mạnh hướng thẳng lúc nào cũng vực nó đứng dậy.
Trong nghi thức làm phép Lửa mới, người Kitô hữu được mời gọi: “Trong Đêm Thánh này, Đêm Đức Giêsu, Chúa chúng ta, đã hòan tất mầu nhiệm vượt qua, tức là từ cõi chết sống lại, Hội Thánh kêu mời các con cái ở khắp nơi trên hòan cầu cùng họp lại mà canh thức cầu nguyện ”. Lời mời gọi này bao gồm các ý nghĩa biểu trưng của lửa trong các nền văn hóa, thật sự là cần thiết để các nền văn hóa ấy được Đức Giêsu Kitô mang tất cả vào trong cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, ở đó một nhân loại mới được khai sinh, một nền văn hóa mới là cùng đích cho các nền văn hóa hướng tới được hòan thành.
Sự hòan thành trong Đức Giêsu Kitô làm nên những khao khát bùng lên như trong Ánh Lửa Đêm Phục Sinh: “Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một đến giải ánh vinh quang rực rỡ của Chúa vào lòng tín hữu. Xin thánh hóa ngọn lửa mới này, và trong suốt thời gian mừng Lễ Vượt Qua, xin cho niềm khao khát Nước Trời cũng bừng lên thiêu đốt lòng chúng con, và thanh tẩy muôn vàn tội lỗi, để mai sau chúng con xứng đáng vào thiên quốc tham dự lễ ánh sáng muôn đời”. Lửa ở đây là lửa thử thách và cũng là lửa an bình, thử thách như trong Lễ Vượt Qua chỉ là nhất thời; bình an, một tặng thưởng vĩnh viễn. Cũng như Lửa có biểu trưng là phương tiện vận chuyển, mọi sự vận chuyển của các nền văn hóa bằng lửa, được tháp nhập vào trong Lửa Mới Phục Sinh này để cùng được tháp nhập để nên một nhờ Đức Kitô.
Nến trong Đêm Vọng Phục Sinh tượng trưng là Đức Kitô Phục Sinh, Ngài đã chiến thắng tử thần là bóng tối, ánh sáng của đêm này xé tan màn đêm u tối, là ánh sáng muôn ngàn đời như trong bài Exsultet diễn tả: “Đêm cực thánh khử trừ muôn tội vạ, đêm vạn năng thanh tẩy hết mọi lỗi lầm, biến tội nhân trở thành người công chính, đem niềm vui cho tâm hồn mang nặng sầu thương. Đêm tiêu diệt hận thù, đêm giải hòa bất thuận, khuất phục mọi quyền uy”.
Mọi người trong đêm này, trên cây cầm cây nến thắp từ ánh lửa Cây Nến Phục Sinh, cùng rước theo sau Cây Nến Phục Sinh. Đức Giáo Hòang Phaolô VI, trong khi tiếp các nữ tu ngày 2 – 2 - 1973, ngài đã đưa ý nghĩa này đến vị trí quan trọng hơn: “Cây nến sáp biểu trưng cho nguồn sáng tinh khiết và nguyên thủy mà các nữ tu phải soi sáng cho mình bằng ánh sáng ấy. Thẳng tắp và mềm mại, cây nến sáng là hình ảnh của sự trong sáng, vô tội. Cháy lên và tỏa sáng, nó biểu thị cho cuộc sống được hiến dân tòan vẹn cho Tình Yêu duy nhất, nồng cháy, tòan trị…Cuối cùng, cây nến sáp tự tiêu hao mình trong thinh lặng, giống như cuộc đời của các con tự hao mòn vì mình đã dâng hiến trái tim, để tháp nhập cuộc đời hy sinh của các con vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá; trong tình yêu đau khổ và hạnh phúc, không tàn lụi trong ngày cuối cùng mà sẽ còn tiếp tục cháy rực rỡ mãi mãi trong cuộc hội ngộ vĩnh hằng với Đấng Phu Quân”. Như vậy, cầm nến trên tay, bước theo cây nến Phục Sinh còn là biểu lộ sự tòan hiến của đòan người theo Chúa Kitô. Ước mong là ánh sáng chiếu vào trong nhân loại, thắp sáng những bóng tối trong các lãnh vực để gầy lên những hy vọng.
Bài ca Exsultet ca ngợi ánh lửa Đêm Phục Sinh: “Được đốt lên để tán tụng Cha”, “Được phân chia nhưng không hề hao mòn”, “Lửa xua đuổi bóng tối”, “Để nhập hội hoa đăng cùng với muôn vàn tinh tú” và “Cháy mãi lúc xuất hiện Sao Mai: Một vì sao không bao giờ lặn, là Đức Kitô, Con yêu quý của Cha, Đấng từ cõi chết sống lại, đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân”.
Thắp lên niềm tri ân, cây nến ngọn lửa, biểu trưng của cuộc đời đầy khát khao được cháy bỏng, được đốt cháy, nấu chảy để được khuôn đúc lại trong Đức Giêsu Kitô. Đây là khát vọng của một nhân loại đang xa rời Chúa, một nhân loại đang bước đi trong sự chen lẫn Ánh Sáng vá bóng tối. Xin cho mỗi chúng con cháy lên và toả sáng tin yêu.
Lm. Giuse Hòang Kim Toan.