TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. (Ga 20, 19-23)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Để còn thấy nhau.

Thứ năm - 06/05/2021 19:28 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   531
Để còn thấy nhau.

Để còn thấy nhau.

Ghen ăn, tức ở, được viết tắt là Gato, phổ biến trong xã hội hiện nay. Những chuyện tỵ nạnh, gièm pha, bôi bác, đố kỵ… trở nên phổ biến. Câu chuyện vườn nho hôm nay, Chúa Giêsu cũng trách những người trong nhóm Gato: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20, 15).

Hệ lụy của Gato:

Ghen tỵ là một cảm xúc kém vui khi thấy những người sống bên cạnh thành đạt hơn hay có nhiều khả năng hơn. Tính ghen tỵ có thể ẩn giấu trong lòng hay bộc phát ra bên ngoài, dưới bất cứ hình thức nào thì người tỵ nạnh bao giờ cũng có tâm trạng thù ghét và thường bị những phương thức xấu xa dụ dỗ để làm hại người mình ghen ghét.

Đối với người tỵ nạnh, cuộc sống chẳng bao giờ là hạnh phúc vì lúc nào cũng chỉ cốt giữ cái tôi ích kỷ của mình, nhà văn Balzac nói: “Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần”.

Ghen tỵ thường dẫn đến việc soi mói người mình không thích, đợi lúc sơ hở của người đó để chỉ trích, lên án, đặt điều, đặt chuyện. Thường ghen tỵ cũng hay lôi kéo bè phái để tạo ra tiếng ồn lớn, gây hoang mang cho người họ đang tấn công.

Ghen tỵ, làm mất đi khả năng nhận ra lòng tốt của người khác. Chỉ để ý đến quyền lợi, nhóm lợi ích của mình. Cái ích kỷ bị phô bày qua tính ghen tỵ hằng ngày, làm mất đi những đức tính tốt, lòng quảng đại, tính vị tha, lòng nhân ái.

Câu chuyện những người làm vườn nho cho Chúa, khi mang lòng đố kỵ, ghen ghét, chẳng thấy Chúa, chẳng thấy anh chị em chung quanh mình mà chỉ thấy cái tôi ích kỷ. Tưởng rằng mình sẽ nhận nhiều hơn vì làm việc nhiều giờ hơn, tưởng rằng mình sáng giá hơn vì được nhận vào làm từ sớm hơn, tưởng rằng mình làm những việc hữu ích, tốt lành hơn vì mình tận tụy hơn… Tưởng mình nhiều ưu thế hơn nên sẽ được nhận thù lao xứng đáng hơn, nhưng cái tưởng ấy chỉ là là khiếm khuyết của cái tôi ích kỷ bộc lộ ra, đánh mất đi cái nhìn về lòng nhân từ, bao dung của Chúa.

Để còn thấy nhau.

Nhân cách đúng đắn của con người khi sống với nhau mà Chúa dạy đó là: “anh em hãy có lòng nhân từ” (Lc 6, 36).

Lòng nhân từ đạt được khi “vui với người vui”. Vui với người vui là xóa được cái tôi ích kỷ ở nơi mình, vì thường con người khóc với kẻ khóc dễ hơn vui với người vui. Trong niềm “vui với người vui”, Thánh Phaolô viết trong (1Cor 13, 4 – 7) bằng bài ca đức ái là một tiêu chuẩn của niềm vui được tỏ bày nơi chính mình. Không còn ghen ghét, đố kỵ, ích kỷ; thì lòng nhân từ, đức ái mới nên trọn vẹn trong tâm hồn.

Để vượt qua những kẻ ghen ghét và dòm ngó để bắt lỗi, là những thử thách của người bền tâm trong đường đức ái.

Luôn cố gắng học hỏi và tìm ra cái hay nơi người khác, suy nghĩ tích cực về chính mình và người khác, hoàn thành chính mình mỗi ngày bằng con đường khiêm nhường, cầu nguyện, xin ơn nhẫn nại, bền tâm trong thử thách.

Khi vui với người vui, hiệu quả của việc nhỏ cũng trở thành việc lớn. Một người chỉ có 5 đồng để đóng góp, biết vui cùng với người có 5000 đồng đóng góp, thì người có 5 đồng đóng góp cũng được hưởng niềm vui như người có 5000 đồng đóng góp. Trái lại, người có 5 đồng đóng góp tỵ nạnh với người 5000 đồng hay người có 5000 đồng đóng góp chê bai người chỉ có 5 đồng đóng góp, thì tiền bao nhiêu đóng góp cũng thành vô ích.

Công to việc nhỏ, tất cả mọi người làm việc với nhau trong niềm vui của Chúa Thánh Thần. Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng” mời gọi: “sự khác biệt phải được hòa giải bằng ơn trợ giúp của Chúa Thánh thần; chỉ mình Ngài có thể khơi dậy sự đa dạng, đa nguyên và phong phú, đồng thời đem lại sự duy nhất. Còn chúng ta, khi muốn sự khác biệt, chúng ta thường trở nên đóng kín, loại trừ và chia rẽ, khi chúng ta cố gắng tạo sự duy nhất trên các tính toán nhân loại của mình, chúng ta đi đến sự áp đặt một sự đồng nhất đơn điệu” (số 131).

Bài Tin Mừng “Thợ làm vườn nho” (Mt 20, 1 – 16), trở nên bài học hữu ích để dẹp bớt lòng ích kỷ, cái tôi của mình, để còn thấy anh chị em, những người đang sống chung quanh, những con người đang cố gắng nỗ lực cách này hay cách khác làm nảy nở niềm vui trong Chúa Thánh Thần, trong cánh đồng nho của Thiên Chúa. Dù ít dù nhiều, mang niềm vui của Tin Mừng đến trong chính mình và cho nhiều người, đó là hạnh phúc đích thật, Chúa mời gọi.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây