TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giải Thoát

Thứ tư - 15/11/2023 04:29 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   417
Ai sẽ giải thoát tôi? Để có câu trả lời chúng ta có thể đưa ra con đường giải thoát theo Thánh Phaolô: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24 – 25).
Giải Thoát


Giải Thoát

 

Chân lý, khát vọng tìm về chân lý, chân lý về sự thiện, về sự sống, về hạnh phúc, luôn bừng cháy trong tôi. Giữa những lúc đen tối nhất, những những lúc lầm lỗi nhất, giữa khi bóng đêm đức tin dày đặc, tôi vẫn luôn tự hỏi: “Ai sẽ giải thoát tôi?” và trong khi tìm kiếm mong gặp được Chúa, tôi vẫn luôn khát khao: “Xin Người giải thoát tôi”.

 

Để trả lời câu hỏi gai góc cuộc đời tôi, tôi đã tìm đọc kinh nghiệm về sự giải thoát ở chung quanh tôi, và thấy kinh nghiệm của Surdas là nhà thơ, ông bị mù và người sùng đạo Hindu: “Có ở đâu một kẻ khốn nạn. Xấu xa và đáng ghét hơn tôi? Tôi đã trốn chạy Đấng Tác Thành nên tôi. Vì tôi quá nghèo nàn tin đức”. Đức tin đối với ông là sự cứu rỗi, giải thoát khỏi u mê, bờ ảo của trần gian. Đức tin như một khung trời mở của đôi mắt, để nhìn để biết, đâu thật, đâu mê ảo. Sống giữa cuộc đời đầy mê ảo, cần có đôi mắt sáng của tin đức mà vững bước. Ước mong đôi mắt sáng đấy! Song lại cứ trốn chạy ánh sáng, đấy là cái tội lỗi đang giam hãm con người trong cõi u mê.

Giải thoát xem ra như một viên ngọc quý được nhìn với rất nhiều khía cạnh, mỗi một khía cạnh lại toát lên những điều thiết thực để thực hiện đời sống toàn mãn. Giải thoát đi từ kinh nghiệm của từng cá nhân, đối với nhà thơ Sudas có lẽ là tội lỗi. Tội lỗi làm cho con người trở nên khốn nạn, đui mù không nhận biết Thượng Đế, không nhận được ánh sáng.

Kinh nghiệm của giải thoát là kinh nghiệm của những con người nhận ra mình vẫn còn xa chân lý, Mahatma Ghandi thú nhận trong tự truyện của ông: “Đối với tôi, một sự dày vò ray rứt không nguôi là tôi vẫn còn quá xa rời Thượng Đế, Người mà tôi biết rõ đang thống trị trên từng hơi thở cuộc đời tôi. Người, từ đó tôi sinh ra, tôi biết rằng chính những dục vọng xấu xa ở nội tâm đã khiến tôi xa lìa Người; tuy nhiên, tôi vẫn không thể lìa bỏ chúng”

Tôi biết rằng, trong tôi luôn có một nhà tù, mà nhà tù ấy chính là tội lỗi của tôi. Giải thoát, đầu tiên và trước hết: “Xin giải thoát con khỏi chốn lỗi lầm”.

R. Tagore cũng nhận ra trong bài số 28, tập “Lời dâng”: “Chướng ngại trong tôi thường dai dẳng, nhưng khi rắp tâm đập tan tôi lại thấy lòng dạ nhói đau. Tôi chỉ thèm có tự do giải thoát, nhưng lại thấy hổ thẹn khi mong đợi ngóng chờ”.

Nỗ lực vượt thân hướng về chân lý là một yếu tố hướng tới giải thoát: “Thiên Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng để cứu độ con, Thiên Chúa cần có con” (Augustine). Đối với Tagore thực hiện chân lý là tầm vóc lớn lao của con người. Do đó, con người cần sống có đạo đức, giống như câu chuyện người thanh niên giàu có hỏi Chúa Giêsu về con đường trọn lành: Con đường trọn lành là con đường của các giới răn và từ bỏ. Tagore nói tiếp: “Sống cuộc đời thiện là sống cuộc đời cho mọi người”, trong đó ý nghĩa của từ bỏ là từ bỏ cái tôi của mình để sống với mọi người. Điều luật cơ bản của mười điều răn đưa về hai điều quan trọng: “Yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết cả trí khôn, trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình”. Thực hiện cuộc đời của mình cho tha nhân đó là nỗ lực sống thực tại chân lý, Thiên Chúa dựng nên con người cho nhau và vì nhau.

Giải thoát và mong chờ giải thoát nhưng lại thấy hổ thẹn, đó là một kinh nghiệm sâu xa trong đời sống nỗ lực vượt thân mà Tagore chia sẻ. Kinh nghiệm của cá nhân Tagore hoạ lại kinh nghiệm sâu xa của Thánh Phaolô: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7, 19 – 20). Cái gì đã kìm hãm con người hướng về phía trước, Thánh Phaolô trả lời: “Tội”.

Tội lỗi, đó là một nhận thức cá nhân nằm sâu trong từng chi thể, Tagore viết: “Trong tội lỗi, con chống lại tình yêu của Cha” (Shadana). Tội lỗi được Tagore ví như tấm khăn liệm đời mình nhưng cứ ôm chặt lấy nó, đau khổ khi bị dứt ra khỏi.

Ai sẽ giải thoát tôi? Để có câu trả lời chúng ta có thể đưa ra con đường giải thoát theo Thánh Phaolô: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24 – 25).

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây