TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lễ hội

Thứ tư - 09/08/2023 05:14 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1473
Nếu xét từng thành phần của lễ và hội, người ta thấy có nhiều loại lễ hội khác nhau. Mỗi loại lễ hội mang những định hướng đời sống khác nhau.
Lễ hội
Lễ hội




Vòng đời người đầy những trắc trở, cuộc sống bấp bênh, nay còn mai mất, con người không thể nào có thể bình tâm trước những thay đổi bấp bênh ấy.

Nguồn gốc của các lễ hội: Thưở xa xưa, nông nghiệp hầu như là nhờ trời, ơn đất, không thể nào mà không “trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm” để được no cơm áo ấm. Dù có tôn giáo hay phủ nhận tôn giáo, người ta vẫn có những cảm thức về siêu nhiên này. Cảm thức cần có một “thời gian thiêng” để tế Trời cầu mong cho đất sinh chồi nảy lộc và thời gian giãn để tỏ niềm vui tạ  ơn qua việc hội.
“Thời gian thiêng” dành cho một tập thể trước một vụ mùa hay sau một vụ mùa gọi là lễ. Sau “thời gian thiêng” dành cho lễ là hội. Sau giai đoạn Kenosis là Plerosis, sau lễ là hội, sau thời gian trút bỏ là phục hồi.
Hầu như các tộc người tại Việt Nam nghi lễ nông nghiệp diễn ra ở khắp nơi, suốt theo từng giai đoạn của vụ mùa. Các loại lễ chính gồm có: Nghi lễ cầu đảo, tín ngưỡng phồn thực, nghi thức thờ mẹ Lúa - Thần Lúa – Vía Lúa, nghi lễ hạ đồng, tết cơm mới…
Nếu xét từng thành phần của lễ và hội, người ta thấy có nhiều loại lễ hội khác nhau.                 Mỗi loại lễ hội mang những định hướng đời sống khác nhau.
Xưa kia, việc mở hội của làng xã mang tính chất tín ngưỡng, ngoài việc tưởng nhớ các vị thần, thì thời gian và mục đích của hội đã chứa đựng nhiều tín ngưỡng dân gian. Hội được mở chủ yếu vào mùa Xuân và mùa Thu, đó là thời gian mốc cho một chu kỳ sản xúât và đời sống. Mở hội để cầu mong sự may mắn và thành đạt cho vụ mùa, gia súc và con người. tiến hành nghi lễ nhằm cầu cứu sự bảo trợ, giúp đỡ của thần linh đối với làng. Thời gian của hội làm phục hồi những giá trị sống và bảo lưu văn hoá cho con cháu. Đó là một cách thức lưu truyền và tưởng nhớ trong văn hoá dân tộc.
Lễ hội có sự đóng góp của nhiều người được bầu ra lo việc tổ chức: Bồi tế, chấp sự hay những người lo lễ tế hoặc nhiều người lo việc nhỏ nào trong hội. Mỗi người tham dự đều ý thức tính cách trang trọng của lễ hội, nếu cử hành tốt thì được phước, nếu xấu thì vạ đến với cả làng. Cho nên ngoài việc tổ chức hội, còn là một mục đích tạo mối liên kết giữa những người trong làng, người ta có dịp làm chung với nhau cho một mục đích của làng, khác với đời sống thường ngày, các gia đình chỉ liên hệ với nhau theo nhu cầu nông nghiệp, dịp lễ hội là sống những giá trị thiêng thánh và giá trị chung của cộng đồng. Văn hoá lễ hội trong đó có tính cách xây dựng tình làng nghĩa xóm. Củng cố các giá trị đạo đức truyền thống, những gì nghịch lại thì trong hội có những tuồng chế diễu. Lễ hội tái tạo những gì đang sứt mẻ trong đời sống thường nhật, nhằm giúp cộng đồng sống tốt hơn những giá trị.
Lễ hội cần thiết cho bất kỳ một xã hội nào, nó làm tái sinh cho một xã hội, định hướng đi tới cho một xã hội ấy. Dù là một quốc gia tự nhận cho mình là vô thần đi chăng nữa vẫn có nhiều lễ hội được tổ chức trong một xã hội.
Những ngày lễ ấy nhằm mục đích nghỉ ngơi và gặp gỡ, làm hồi phục sức khoẻ, sau những ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi; nhằm tăng cường sự dẻo dai cho một công việc dài lâu, làm tươi trẻ lại tinh thần mệt mỏi sau một chu kỳ làm việc. Đi sai mục đích sẽ làm tuột hậu và trì trệ cho một xã hội.
Trong một thời gian trước đây, cách đây hơn một thập niên, người ta thường nghe và thấy những khẩu hiệu “Tăng năng suất để chào mừng ngày…” gì đó trước lễ, hiệu quả của những khẩu hiệu ấy vẫn làm cho hậu quả kinh tế sút kém, nền kinh tế vẫn kém phát triển và cỗ máy sản xuất vẫn ì ạch lê tới. Nguyên do là sai lầm khi dùng những ngày lễ thay vì nghỉ lại tăng năng suất, một cỗ máy đã ì ạch, tăng năng suất chỉ làm cho cỗ máy ấy ì ạch hơn thôi.
Như vậy định hướng cho từng lễ hội là quan trọng, thiếu định hướng hoặc định hướng sai lầm cho lễ hội sẽ không đạt hiệu quả cho thời kỳ phục hồi mà có khi lại là hậu quả.
Định hướng cho một lễ hội, cần đạt tới một giá trị nào đó trong văn hoá, người ta không tổ chức lễ hội được nếu thiếu định hướng của giá trị văn hoá. Lễ hội cần đáp ứng được hai yêu cầu: Vừa là thời gian nghỉ ngơi vừa là thời gian tìm về một giá trị nguồn cội. Thiếu một trong hai yêu cầu này, lễ hội mất ý nghĩa và xã hội sẽ xáo trộn, mất trật tự, căng thẳng hoặc sút kém.
Lễ hội của xã hội còn là một thời gian xả những căng thẳng, bức xúc trong đời sống, nhìn trong một khía cạnh tinh thần, nó là thời gian để tái hồi những nguồn năng lực đã mất hoặc tiêu hao.
Lễ hội còn là thời gian sống các giá trị khác nhau trong đời sống của một người. Đơn giản, con người sống trong một xã hội có nhiều tương quan, Lễ hội là thời gian đặc biệt để sống những giá trị tương quan của mỗi cá nhân khi thường ngày họ không thực hiện được. Ví dụ, thăm bạn bè, họ hàng ở xa, tham quan du lịch, dành thời gian cho giải trí tìm hiểu khác…Đó là thời gian dứt khỏi những ràng buộc thường ngày để tìm một lối thư giãn.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây