TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Mộ trống

Chủ nhật - 18/04/2021 04:28 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1257
Mộ trống

Mộ trống

Đặc điểm kỳ diệu nhất của các con số từ 1 đến 9 là sự xuất hiện của con số 0. Leonardo Fibonacci (nổi tiếng với dẫy số Fibonacci). Ông đã sử dụng từ “sifr” có gốc Ả rập (có nghĩa là trống rỗng), thêm vào đó hậu tố tiếng Ý để trở thành “zefiro” và sau đó là “zero”. Ngôi mộ trống, sự trống rỗng, dụng của “không”, là những điều tìm hiểu trong bài này.

Trống rỗng

Hình thể của 0 là quả trứng vũ trụ, nó biểu trưng cho mọi tiềm năng. Quan niệm vũ trụ hình quả trứng dường như có rất nhiều trong nền văn hóa cổ xưa. Thập niên 1930, Georges Lemaitre đã đề xuất rằng vũ trụ có khả năng khởi đầu khi một “quả trứng vũ trụ” nguyên thủy bùng nổ trong một đốm lửa hùng vĩ, tạo ra một vũ trụ đang dãn nở. Lý thuyết về Higgs Boson (hạt giống của trời), cho thấy tiềm năng của 0 trong vũ trụ luận. Trống rỗng tự nó bao hàm sự trút bỏ ham muốn, xúc cảm, phù du, ra khỏi... theo ý nghĩa của đời sống tâm linh. Trong các tu pháp, đổ rỗng, trút bỏ, thanh luyện, tẩy trừ, sám hối... đều hàm ý trở về không. Trống rỗng xem ra rất quan trọng, bởi vì cái “không” để bắt đầu được đổ đầy. Phát minh về con số “không” là một phát minh quan trọng trong lịch sử con người, ngay trong lĩnh vực công nghệ số như hiện nay.

Kenose (trở nên không). “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (Pl 2, 6 – 11). Công đồng Vat. II, trong sắc lệnh truyền giáo, số 3, đã sử dụng lại thành ngữ đã có từ thời các Giáo phụ: “Điều gì không được Đức Kitô nhận lấy sẽ không được cứu thoát”. Như vậy, Chúa Giêsu trở nên “không” là để mang lấy toàn thể nhân loại ở trong Ngài, để tất cả được giải thoát.

Dụng của “không”

Khác với tôn giáo tự nhiên, sách Sáng thế cho thấy rằng trước khi mọi sự có Thiên Chúa đã có. “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 1 - 2). Thiên Chúa hằng có là một khẳng định để bắt đầu Thiên Chúa làm nên tất cả mọi sự từ không đến có. Trong khởi nguyên này, cho con người thấy, con người đã được tạo dựng từ hư không, không phải là để trở về không mà trở về với Thiên Chúa hằng có. Trong kinh cám ơn, chân lý ấy được phát biểu: “Đã không để con đời đời, mà lại sinh ra con, cho con làm người”. Dụng của “không” trong đời sống người Kitô hữu là: “Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa;” (Rm 14, 8). Trong cách sống ra “không” đó Thánh Phaolô còn cho biết: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cor 9, 22). Trong Phúc Âm cũng tường thuật lời “xin vâng” của Mẹ Maria, trở nên không để Thiên Chúa thực hiện nơi Mẹ những điều kỳ diệu. Ý nghĩa “dụng của không” trong đời sống người Kitô hữu rất quan trọng, để thấy rằng “trong mọi sự làm việc như bổn phận con người; trông cậy mọi sự như thể thuộc về Thiên Chúa.

Dụng của không, là để sống khiêm nhường, mình có làm được gì cũng là nhờ phần lớn của những anh chị em chung quanh góp sức. Biết mình chỉ là một nhân tố cùng với bao nhân tố khác làm việc cho trái đất này. Từ đấy, biết cộng tác, chia sẻ với anh chị em mình những khó nhọc, gánh nặng. Khiêm nhường, còn là một hành vi đón nhận những thiếu sót của chính mình, biết nhận lỗi, chịu trách nhiệm và sẵn sàng sửa lỗi để nên hoàn thiện hơn. Con đường “từ bỏ mình”, là con đường cụ thể để nên không giữa mọi người và nhận ra mọi sự “Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1, 49).

Ngôi mộ trống

Chúa đã ra khỏi mộ để lại ngôi mộ trống. Khởi điểm của đức tìn trước cả khi tin nhận Chúa đã sống lại. Maria Madala thấy ngôi mộ trống, bà chưa hiểu Chúa đã sống lại, bà chỉ thấy sự kiện ngôi mộ trống. Sự kiện này, có thể hiểu thấy thực tại “mất hết cả rồi”, đưa con người đến tình trạng hụt hẫng, đau khổ, chới với, quằn quại, đau xót... Những cảm xúc ở tột đỉnh của thất vọng.  Con người đứng trước sự kiện ngôi mộ trống dường như bị lấy hết, tước đoạt mọi điều ước tưởng. Thiên Chúa là “Đấng Khác”, một “Đấng khác” làm chới với những lầm tưởng của con người.

Ngôi mộ trống, của sự chết đã bị tiêu diệt, là một lời mời gọi, mỗi người hãy ra khỏi ngôi mồ sự chết của mình là sự tội. Ngôi mộ chỉ dành cho người chết, và Chúa đã nói: “Thiên Chúa của kẻ sống” (Mt 22, 32). “Đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11), câu nói của Chúa Giêsu một lần nữa mời gọi cách cụ thể hơn, ra khỏi nấm mồ tội lỗi của mình, đề sống trong tự do của con cái Thiên Chúa.

Ngôi mộ trống, đòi hỏi người tin vào Chúa Phục sinh, lấy đời sống mình ra làm chứng, chứ không nại vào những điều khác bên ngoài mình, như các Tông đồ đã lấy mạng sống mình làm chứng cứ cho niềm tin Phục sinh.

Từ con số không Thiên Chúa làm nên tất cả, và tất cả Chúa mời gọi “trở nên không” để Thiên Chúa thực hiện kỳ công của Người trong phận mỏng dòn của con người. Trở nên không, để con người cũng không lấy gì làm tự phụ cho mình không cần đến người khác. Cuối cùng con người đừng tự đi vào hư vô bằng con đường tội lỗi. Chúa đã “tự hủy” để con người nhận lại tất cả những gì đã mất vì sự tội khi Chúa đã “sống lại”.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây