TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

NHƯ HẠT LÚA CHẾT ĐI

Chủ nhật - 18/04/2021 04:24 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   764
NHƯ HẠT LÚA CHẾT ĐI

NHƯ HẠT LÚA CHẾT ĐI

Nếu thay hạt lúa bằng cái “tôi”, sự việc sẽ biến đổi đúng theo nghĩa tích cực của nó: “nếu cái “tôi” thối đi, chết đi”. Trong cuộc đời cái tôi là cái đáng quý nhưng cái tôi cũng thật đáng ghét, đó là tùy thuộc vào thái độ mỗi người dám chết đi bằng cái “tôi” để có thêm nhiều anh chị em cùng yêu thương.

Cái “tôi”

Cái “tôi” có chiều kích nội tâm, ẩn sâu trong tâm hồn, không dễ gì thấy được. Cái “tôi” ẩn đó, nó có thể bị bao vây bằng nhiều vẩn đục, u mê, giả dối, tham lam, dục vọng. Để nhìn thấy cái “tôi” chân thật này, nó cần được trải nghiệm qua năm tháng tập luyện, quen dần với cái nhìn trong suốt.

Sách ông Gióp nói đến cái “tôi” trong suốt để nhìn ngắm Thiên Chúa: “Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ.” (Giop 19, 26 – 27).

Cái “tôi” vẩn đục, u mê. Xét theo bản ngã, cái “tôi” nguyên thủy của nó là tốt, nhưng nó đã bị “tội” làm cho vẩn đục. Tôi đến tội chỉ cần một dấu “nặng”, là một chặng đường rất gần, giống như giọt mực nhỏ rớt vào dưới chữ tôi. Trong cái “tôi” bị nhiễm độc ấy, người ta nhận thấy bản năng “tự yêu mình”. Biểu hiện của cái “tôi” là: bảo vệ chính mình và chiếm hữu những gì có thể bảo vệ được mình. Như vậy, có thể thấy con đường ra khỏi cái “tôi” nhà mồ của mình để sống một sự sống mới.

Cái “tôi” của thân xác cần được tiêu hủy đi

Tôi thuộc về thân xác của tôi, thế nhưng không phải tất cả những gì của thân xác lại tốt cho tâm hồn tôi. Kiểm soát và chế ngự thân xác là một cách chết đi mỗi ngày trong thân xác để sống sự sống mới. Trong cách nói dễ hiểu, sự sống mới của từng ngày là sống với “con người hạnh phúc” và theo cách nói của dụ ngôn hạt lúa thối đi mới sinh nhiều hạt khác.

Theo những gì người ta khảo sát và biết, những con người không có hạnh phúc mới là những con người ích kỷ, tham lam, nhiều dục vọng thấp hèn nhất. Tại sao? Bởi vì tham lam là một biểu lộ sự trống vắng hạnh phúc thật của tâm hồn. Lấy thú vui chiếm hữu vật chất làm niềm vui, bám vào của cải để thấy được sự an tĩnh, hạnh phúc tùy thuộc vào cái chiếm hữu, cho nên nghèo hay giàu vẫn tham lam, bằng mọi cách vơ vét. Cũng vậy, con người lấy dục vọng thấp hèn làm niềm vui, người đó cũng cho thấy, vì không có hạnh phúc thật, nên lấy những khoái cảm làm hạnh phúc. Khoái cảm với dục tính, cờ bạc, ăn chơi, nghiện, sành điệu... Khoái cảm chỉ là hạnh phúc nhất thời, nên con người tìm kiếm khoái cảm trượt qua nhiều thứ để mua vui. Ích kỷ là đối nghịch trầm trọng với hạnh phúc, người ích kỷ luôn so sánh mình với người khác để sinh ra lòng ghen tỵ, giận hờn. Ích kỷ thu tích về cho mình, bất chấp, thản nhiên trước đau khổ của người khác, cuối cùng ích kỷ gặt hái được những gì cũng chỉ là thất vọng, đau khổ.

Cái “tôi” của thân xác này một lần nữa thử hỏi: “có hạnh phúc thật không?”. Nếu hạnh phúc thật, con người sẽ tự mình biết cần theo theo một kỷ luật nào để kiểm soát và chế ngự chính mình. Con người hạnh phúc thật là con người dễ mến với người khác, nên không để những ích kỷ, nhỏ nhen, tự ái, ghen tỵ, oán thù, chiếm hữu con người mình.

Cái “tôi” cần tự hủy đi, hay có thể nói là “tội lỗi” cần hủy diệt đi. Ai có thể cứu chúng ta khỏi tội? Nếu không phải là Chúa Kitô đã chết vì tội chúng ta (xem Rm 5). 

Cái “tôi” sinh nhiều hạt khác

“Trau dồi hạnh phúc” là cách nói của đức Đạt Lai Lạt Ma. Con người luôn cần trau dồi hạnh phúc bởi vì nó có thể nghèo đi, hoặc mất đi. Chúa Giêsu thì nói con người hạnh phúc ấy, “sống trong thế gian mà không thuộc về thế gian” và chính vì thế, thế gian thù ghét họ (xem Ga 17). Luôn luôn trau dồi hạnh phúc bằng con đường “từ bỏ chính mình”, con đường tu tập của nhiều tôn giáo; bằng con đường “tĩnh lặng” trong đời sống cầu nguyện; và bằng con đường “sống là sống cho Chúa và chết cũng là chết cho Chúa” (Rm 14, 8) theo người Kitô hữu.

Người Hy lạp gắn trên cổng đền thờ Delphes câu châm ngôn: “Bạn hãy biết chính mình”. Biết chính mình là ai? Một câu hỏi mà thánh Augustino đã trả lời: “cho con biết Chúa để con biết con”. Như vậy, hành trình của cái tôi để sinh nhiều hạt khác cũng là hành trình tìm biết Chúa trong mùa chay mời gọi. Biết Chúa, sống với Chúa và sống theo Chúa mời gọi.

Màu nhiệm của sự sống cũng như của hạnh phúc là hy sinh chính mình để kiến tạo hạnh phúc cho anh chị em khác. Theo trình tự của tự nhiên, hạt cần phải thối đi, con người đón nhận hy sinh cho người là những con người cần thiết cho thế giới ngày hôm nay. Thánh Phanxicô với kinh hòa bình: “chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. Chúa Giêsu đưa ra định nghĩa về tình yêu: “hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Màu nhiệm sự sống cũng là màu nhiệm của tình yêu.

Như hạt lúa thối đi, chết đi. Mỗi người đều được mời gọi cách cụ thể để cho những hạt khác được trổ sinh. Đức Giáo Hoàng Bênêdicto XVI cũng mời gọi qua thư chung mùa Chay: Hãy quan tâm đến nhau, khích lệ nhau trong đức ái và trong việc lành” (Dt 10, 24). Con người sống hạnh phúc là con người tự nguyện được thối đi, chết đi để mang đến hạnh phúc cho người khác.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây