TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khiêm nhường để thành công

Chủ nhật - 18/04/2021 04:51 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   787
khiemnhuong[1]
khiemnhuong[1]

Khiêm nhường để thành công

Khiêm nhường là thái độ sẵn sàng tiếp nhận, hòa mình để sống với mọi người. Trong văn hóa ứng xử, khiêm nhường là sẵn sàng rộng mở, cộng tác với người khác để hoàn thành sứ vụ chung của toàn thể. Khiêm nhường biểu lộ lòng tự trọng, không phải là mặc cảm mà là thái độ can đảm, tự biết mình và đón nhận trách nhiệm để chu toàn. Đức Maria là mẫu gương của khiêm nhường trong tiếng “xin vâng” để ta cùng chiêm ngắm.

“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48). Đức Maria chân nhận mình chỉ là một người phụ nữ phận nhỏ như bao nhiêu người phụ nữ phận nhỏ khác, là một sợi chỉ trong nhiều sợi chỉ dệt nên tấm vải, là một hạt cát giữa những hạt cát. Nhận ra vị trí của mình ở đó giữa mọi người, không là con số vô nghĩa, cũng không phải là con số quan trọng, một con số như bao con số khác. Điều kỳ diệu không thuộc về mình chỉ vì Thiên chúa đoái thương.

Khiêm nhường, Đức Maria cho thấy rằng, mỗi cá nhân không là tất cả, chỉ là một cá nhân mang lấy trọng trách cần được chu toàn trong bổn phận “xin vâng”. Với lòng chân thành, tín thác, đảm nhận trách nhiệm một cách trung tín, dù có bất toàn nhưng nỗ lực với lòng son ấy, những yếu đuối bất toàn sẽ được khắc phục. Đức Maria sống giữa những người phụ nữ đồng thời với người, chắc chắn cũng có tầm ảnh hưởng đến những phẩm chất tốt đẹp nơi người nữ, khích lệ nơi họ trên con đường thánh.

Khiêm nhường là một hàng rào ngăn cản không để rơi vào kiêu căng, tự mãn. Đối với người khiêm nhường, quyết định lúc nào cũng chín chắn, không bốc đồng vì ngạo mạn, cũng không từ chối vì tự ty. Biết mình là ai, đảm nhận được điều gì, có nhiều khả năng chuyển hóa từ những bất lợi thành lợi thế. Khi nhận lời truyền tin Đức Maria đưa ra một câu hỏi thông minh: “điều ấy xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến người nam?” (Lc 1, 34). Câu trả lời của sứ thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Cần có sự can thiệp của Thiên Chúa khi sứ vụ vượt tầm khả năng, đó là khiêm nhường.

Khiêm nhường là xuất phát từ lòng tự trọng. Khiêm nhường đích thực không sợ bị tổn thương hay mất mát, can đảm đón nhận tất cả những bất lợi mà không than khóc, trách móc. Hình ảnh của Đức Maria dưới chân thập giá nói lên con người tự trọng đó. Không có điều gì có thể làm xáo động một tâm hồn bình an khi biết đó là “xin vâng” theo Thánh Ý Thiên Chúa. Một sức mạnh nội tâm, để sẵn sàng hợp tác, hy sinh, vì ích lợi của nhiều người, cống hiến cuộc đời mình. Tự trọng để sống xứng đáng phẩm vị của một con người biết đón nhận, hy sinh, trách nhiệm.

Có khiêm nhường mới có thể tự chủ, thắng được “cái tôi” và tư tưởng chiếm hữu. Những thứ nguy cơ dẫn con người vào vòng quay quyền lực. Đức Maria nhận ra mình có là gì thì vẫn là “Chúa đã làm cho tôi” (Lc 1, 49), không chiếm hữu vinh quang nào cả, ý thức mình là dụng cụ, đây không phải là môi miệng mà là thực chất của đời sống. Đức Maria chẳng bao giờ đặt “cái tôi” của mình lên trên cả, “cái tôi” của Đức Maria là “nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi” (Lc 1, 38). Cũng chẳng bao giờ chiếm hữu bởi Đức Maria đón nhận đời sống của người nghèo. Con người đã không muốn chiếm hữu gì cho mình thì chẳng bao giờ có tranh chấp, hay bất hòa trong các tương quan. Lúc nào làm việc chung cũng với bầu khi vui tươi, hăng hái, làm tròn trọng trách, hỗ trợ, đồng hành với người khác.

Để giữ đời sống khiêm nhường, Đức Maria luôn sống đời sống cầu nguyện sau những giờ làm việc bổn phận. Cách thức dành thời gian cho nội tâm là cách luyện tập cần thiết để con người ý thức rằng, ngoài nỗ lực của con người còn có một năng lực siêu nhiên tác động và đặc biệt nhận ra mình nhỏ bé trước Đấng Toàn Năng. Không bao giờ thiếu đời sống cầu nguyện, đó là yếu tố cần thiết để có khiêm nhường.

Khiêm nhường là kết quả của đời sống tùy thuộc vào Thiên Chúa. Chính trong tâm niệm này, người khiêm nhường sống hòa hợp với nhiều người, tôn trọng người khác vì họ cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Đón nhận người khác như Chúa cũng đón nhận họ, “Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt (Mt 5, 45). Sống cuộc sống hòa với mọi người thi hành điều thiện, khuyến khích người khác làm điều lành đó là con người năng động, con người kiến tạo hòa bình.

Học với Đức Maria trong đời sống khiêm nhường “xin vâng” cũng là lối tư duy tích cực cần thiết cho người trẻ hôm nay. Thành công hệ tại ở khiêm nhường để tự học hỏi, trau giồi và học nơi người khác. Khiêm nhường để cộng tác, hòa hợp với nhiều người vì thiện ích. Khiêm nhường được hấp thụ từ đời sống cầu nguyện để biết: “làm việc như tất cả thuộc về trách nhiệm con người, trông cậy như hết mọi sự tùy thuộc vào Thiên Chúa. Khiêm nhường để đứng vững trong thử thách, vượt qua những trở ngại và đi đến thành công mà không rơi vào tự mãn.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây