TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tuần Thánh đau thương tại Thánh Địa

Chủ nhật - 24/03/2024 06:58 | Tác giả bài viết: Giuse Trần Đức Anh O.P. |   451
Qua các cơ quan truyền thông, một vài vị lãnh đạo Giáo Hội tại Thánh Địa đã nhắc đến thảm trạng tại Thánh Địa và kêu gọi tình liên đới của các tín hữu hoàn vũ.
Tuần Thánh đau thương tại Thánh Địa

Tuần Thánh đau thương tại Thánh Địa


Trong Tuần Thánh này, khi Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Cứu Thế, các tín hữu trong toàn Giáo Hội càng quan tâm đến tình trạng đau thương đặc biệt trong năm nay tại Thánh Địa, do những diễn biến từ nửa năm nay, sau cuộc khủng bố của Hamas vào ngày 7/10 năm ngoái. Cho đến nay, theo Bộ y tế của Hamas, đã có khoảng 32 ngàn người Palestine bị giết và hơn 74 ngàn người bị thương.

Qua các cơ quan truyền thông, một vài vị lãnh đạo Giáo Hội tại Thánh Địa đã nhắc đến thảm trạng tại Thánh Địa và kêu gọi tình liên đới của các tín hữu hoàn vũ.

Cha Ibrahim Faltas

Hôm thứ Sáu 22/3 vừa qua, cha Ibrahim Faltas, Đại diện Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, đã nêu nhận xét rằng “Bảy sự đau khổ của Mẹ Maria phản ánh những đau khổ của các bà mẹ ở Gaza hiện nay”.

Cha đưa ra nhận định trên đây trong buổi cử hành tại Đền Thờ Thánh Mộ Giêrusalem, tại Bàn Thờ Đức Mẹ Sầu Bi, nơi có pho tượng Đức Mẹ bằng gỗ, được Hoàng Hậu La Pia của Bồ Đào Nha tặng cho Đền Thờ Mộ Thánh cách đây gần 250 năm (1778). Tại Giêrusalem, Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Bảy Sự đánh dấu sự khởi đầu Tuần Thánh.

Tượng Đức Mẹ diễn tả Đức Mẹ bị lưỡi gươm đâm thâu qua ngực, phản ánh lời ngôn sứ Simeon nói với Đức Mẹ trong Đền Thờ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng bà”.

Cha Faltas nói: “Bảy sự đau khổ của Đức Mẹ cũng giống như lịch sử của bao nhiêu bà mẹ ngày nay đang phải trốn chạy để tìm nơi trú ẩn cho con cái, dưới bom đạn trong các cuộc dội bom, nơi mà tất cả xung quanh đều bị tàn phá: đó là những bà mẹ không có lương thực để nuôi con mình, hoặc đang tìm kiếm dưới những đống gạch vụn những đứa con nhỏ của mình”.

Và cha Faltas nói thêm rằng: “Vì thế chúng ta cần nhìn lên Mẹ Maria, Người dạy chúng ta chiêm ngắm Thánh Giá, mầu nhiệm cao cả về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta. Đức Mẹ Sầu Bi dạy chúng ta rằng cần đi vào mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Kitô. Mẹ Maria kết hiệp với đau khổ thập giá không những bằng sự hiện diện thể lý, nhưng nhất là bằng tình thương đối với Chúa Con. Buổi cử hành hôm nay mang lại cho chúng ta bài học về lòng cảm thương chân thành và sâu xa. Mẹ Maria chịu đau khổ vì Chúa Giêsu và với Chúa, và cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là sự thông phần vào tất cả những đau khổ của con người”.

Giúp các trẻ em

Cha Faltas là người gốc Ai cập, phụ tá của cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, một đơn vị của dòng quy tụ hơn 300 tu sĩ thuộc nhiều quốc tịch, đảm trách việc quản trị các nơi Thánh tại Thánh Địa. Mới đây, cha đã liên hệ và nỗ lực đưa nhiều trẻ em bệnh nặng ở Gaza sang các nhà thương nhi đồng ở Ý để chữa trị cho các em.

Phụ nữ Gaza

Một dịp khác, trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của Hội Đồng Giám Mục Ý, nhân ngày Quốc Tế Phụ nữ, ngày 8/3, cha Faltas cho biết:

“Trong chiến tranh này, bao nhiêu phụ nữ và trẻ em ở Gaza bị thiệt mạng. Bao nhiêu em mồ côi, bao nhiêu bà mẹ mất con. Chúng ta không thể phân biệt và không thể xếp hạng bao nhiêu tai ương của chiến tranh. Nhân loại sẽ rơi xuống vực thẳm nếu không đáp ứng được những nhu cầu sơ đẳng của những người vô phương thế tự vệ. Các trẻ em ở Gaza thiếu lương thực, và cũng như bao nhiêu trẻ em khác trên thế giới, các em đang chết đói. Bao nhiêu em mồ côi và bao nhiêu em trở thành người lớn trước tuổi. Các phụ nữ có nguy cơ mất mạng khi sinh con, các bà có quyền được bảo vệ và nâng đỡ”.

Cha Faltas cũng cho biết “các phụ nữ ở Gaza sinh con trong những tình trạng vệ sinh rất xấu và kiệt sức. Họ sinh con bằng phẫu thuật mà không có thuốc tê, nhà thương thiếu điện, thiếu nước và thuốc men”. Cần cấp thiết mang lại những câu trả lời cụ thể cho các trẻ em đang cầu cứu để có thể sống, cho các trẻ nhỏ đang đối diện với cuộc sống với bao nhiêu khó khăn” và không thể nói với các em rằng “cái đói phải đợi cho đến khi những người hùng trên thế giới cho phép giải đói cho các em, hoặc sự đồng thuận dửng dưng và im lặng để cho các em chết đói”.

Và cha Faltas kết luận rằng “Chúng ta hãy cầu nguyện để ánh sáng sự thật đánh tan sự giả hình đi vào lương tâm con người. Chúng ta hãy bảo vệ những người đang chịu tai ương chiến tranh, cố gắng là tiếng nói cho những người không còn tiếng nói để xin sự thật, công lý và hòa bình” (Sir 8/3/2024)

Sinh hoạt Tuần Thánh

Về các sinh hoạt Tuần Thánh này tại Thánh Địa, cha Faltas cho biết vì chiến tranh, nhà cầm quyền Israel giới hạn việc lui tới các nơi thánh ở Giêrusalem nên số tín hữu tham dự các lễ nghi tôn giáo và phụng vụ cũng bị giảm bớt.

Hiện nay Israel chỉ cho phép các nam tín hữu Hồi giáo dưới 55 tuổi và phụ nữ dưới 50 tuổi được tới Đền Thờ trên Núi, là Nơi Thánh quan trọng thứ 3 của Hồi giáo. Nhưng những biện pháp này cũng ảnh hưởng tới các tín hữu Kitô, khiến họ không thể tham dự các lễ nghi quan trọng.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo Avvenire, Tương Lai, số ra ngày 17/3 vừa qua ở Ý, cha cho biết cha định cử hành Đàng Thánh Giá theo thói quen dọc theo Via Dolorosa, con đường Chúa Giêsu đã vác Thánh giá, nhưng không được phép vì lý do đụng độ ở Cổ Thành, nên không thể cử hành được. Vì quyết định của chính phủ, các tín hữu Kitô ở miền Bờ Tây không được đến Giêrusalem để cầu nguyện và cũng không thể tham dự cuộc rước Chúa Nhật Lễ Lá.

Cha Faltas nhận xét rằng “Sự trừng phạt tập thể như vậy nhắm vào mọi người Palestine, không phân biệt tôn giáo của họ. Có sự leo thang nhiều hơn tại Thánh Địa vì lực lượng Hamas kêu gọi gia tăng các cuộc phản đối và tấn công Israel trên toàn lãnh thổ vào ngày thứ năm 21/3 này, áp thứ Sáu đầu tiên của tháng chay tịnh Ramadan”.

Cha Faltas kêu gọi các tín hữu rằng: “Trong bối cảnh xung đột tàn hại, nhu cầu kinh nguyện càng được cảm thấy mạnh hơn và trở thành một sự cần thiết đối với những người có tín ngưỡng. Chiến tranh, oán ghét, bất hoà không để cho các tín hữu cầu nguyện tại các Nơi Thánh và đó không phải là điều đúng. Giêrusalem ở trung tâm bất hoà: chúng ta hãy xin Chúa biến nó thành trung tâm của hiệp nhất, tôn trọng và yêu thương đối với toàn thể nhân loại”. (Avvenire 17/3/2024)

Đức Hồng Y Pizzaballa

Về phần Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng Phụ Công Giáo Giêrusalem, ngài mô tả tình trạng tại Thánh Địa hiện nay là “không thể chịu nổi” và “lần đầu tiên dân chúng phải đương đầu với nạn đói”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Truyền Hình Công Giáo “TV 2000” truyền đi ngày 21/3 vừa qua, Đức Hồng Y Pizzaballa nói: “Xét một cách khách quan, tình hình thật không thể chịu nổi. Chúng tôi luôn có rất nhiều vấn đề thuộc loại này, kể cả tình trạng kinh tế tài chính đã luôn luôn rất bấp bênh nhưng không bao giờ có nạn đói. Nhưng nay, lần đầu tiên chúng tôi phải đương đầu với nạn đói. Đây là điều không thể chịu nổi”.

Đức Hồng Y cũng nói rằng “Tất cả, các cộng đồng tôn giáo, chính trị và xã hội phải làm tất cả những gì có thể để khắc phục tình trạng này. Sự yếu kém của Mỹ tạo nên tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì cho đến nay, vẫn luôn có người giải quyết ổn thoả mọi vấn đề. Giờ đây tất cả những điều ấy không còn nữa, chúng tôi phải thực hiện ngay tại đây. Tôi không biết, bằng cách nào và khi nào người ta có thể làm được”.

Áp Tuần Thánh, Đức Hồng Y Pizzaballa trấn an rằng sẽ có những phép được cấp cho các tín hữu Kitô sống tại các lãnh thổ Palestine được tới [Giêrusalem]. Ngài nói: “Các giấy phép sẽ được cấp cho chúng tôi. Chúng tôi đã nhấn mạnh với [chính quyền Israel] rằng nếu họ cho phép người Hồi giáo được tới Giêrusalem nhân dịp tháng chay tịnh Ramadan, thì họ cũng phải cho phép các Kitô hữu vào dịp lễ Phục Sinh. Cho dù ít hơn, nhưng chúng tôi cũng sẽ được hàng ngàn giấy phép cho Lễ Lá cũng như Lễ Phục Sinh. Đây sẽ là một Lễ Phục Sinh khó khăn, tôi nghĩ đến sự cô đơn của Chúa Giêsu tại vườn Giếtsêmani, nỗi cô đơn ấy cũng là nỗi cô đơn của tất cả chúng tôi” (Avvenire 21/3/2024)

Trợ giúp bằng cầu nguyện và hành hương

Mặt khác, trong cuộc phỏng vấn dành cho Trung tâm thông tin Kitô (Christian Media Center, Cmc) ở Roma hôm 22/3 này, Đức Thượng Phụ tuyên bố rằng: “Nay cũng đã đến lúc mời các tín hữu trở lại hành hương tại Thánh Địa. Tôi hiểu rất rõ rằng có nhiều lo sợ. Tôi hiểu rằng từ các phương tiện truyền thông những hình ảnh làm kinh hãi, nhưng tôi thiết nghĩ hành hương là điều có thể thực hiện ngày nay. Hành hương là điều chắc chắn, dù không hoàn toàn như trong quá khứ, nhưng đó sẽ là một hình thức rất đẹp, rất cụ thể để nâng đỡ cộng đoàn nhỏ bé ở Bethlehem”.

Nói về Phục Sinh, Đức Hồng Y tái khẳng định rằng “kinh nguyện trước hết là một trợ lực lớn, nhất là vào dịp Phục Sinh. Vì hai thời điểm chính của năm phụng vụ: Giáng sinh và Phục sinh, không thể cử hành mà không nhắc đến tên Giêrusalem. Vì thế và đặc biệt vào dịp Phục Sinh, đó là một vòng tay ôm mà toàn thể Giáo Hội trên thế giới, trong kinh nguyện, dành cho Giáo Hội tại Giêrusalem, nơi mà lễ Vượt Qua đã được cử hành và ngày nay còn được cử hành tại cùng những nơi như xưa kia. Và đó cũng là lúc trong đó có cuộc lạc quyên Thứ Sáu Tuần Thánh, để giúp Thánh Địa, một phương thế quan trọng. Kinh nguyện phải biến thành hành động, thành một cử chỉ, một sự quan tâm cụ thể, nhất là đối với Giáo Hội nhỏ bé này”.

Đức Hồng Y Thượng Phụ kết luận rằng: “Không thể nghĩ đến Giêrusalem và Thánh Địa không còn tín hữu Kitô. Ngay từ đầu, thời Chúa Giêsu, các tín hữu vẫn luôn tựu về những nơi này để tưởng niệm chính cuộc đời của Chúa Giêsu, đặc biệt trong tư cách là Giáo Hội. Vì thế, điều quan trọng là chứng tá này, cũng là ơn gọi của Giáo Hội, tiếp tục tại Thánh Địa này, với một cộng đoàn, tuy bé nhỏ, nhưng vẫn giữ sinh động ký ức cụ thể và những gì Chúa Giêsu đã làm tại đây”. (Sir 22/3/2024)
 

G. Trần Đức Anh O.P.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây