TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIX Thường Niên -Năm B

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 35-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tuyên thánh 13 chân phước ngày 20/10/2024

Thứ ba - 02/07/2024 08:24 | Tác giả bài viết: Hồng Thủy - Vatican News |   336
Sáng ngày 1/7/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Công nghị thường kỳ về việc tuyên thánh cho một số chân phước và ngài đã quyết định rằng vào ngày 20/10/2024, sẽ có 13 chân phước được Giáo hội tuyên thánh.
cq5dam thumbnail cropped 750 422 (1)
cq5dam thumbnail cropped 750 422 (1)

Tiểu sử 13 chân phước sẽ được tuyên thánh vào ngày 20/10/2024

Sáng ngày 1/7/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Công nghị thường kỳ về việc tuyên thánh cho một số chân phước và ngài đã quyết định rằng vào ngày 20/10/2024, sẽ có 13 chân phước được Giáo hội tuyên thánh. Trong số các vị có Cha Giuseppe Allamano, Đấng sáng lập dòng các Nhà Truyền giáo Consolata và dòng các nữ tu Truyền giáo Consolata; Cha Manuel Ruiz López và 7 bạn tử đạo Dòng Phanxicô và 3 giáo dân nghi lễ Maronite.

 

Hồng Thủy - Vatican News

Tiểu sử sơ lược của 13 chân phước sẽ được tuyên thánh vào ngày 20/10

Cha Giuseppe Allamano, Đấng sáng lập các dòng Truyền giáo Consolata

Cha Allamano sinh ngày 21 tháng 1 năm 1851 và thụ phong linh mục ở Torino vào ngày 20 tháng 9 năm 1873, khi mới 22 tuổi.  Vào năm 1880, ngài trở thành giám đốc đền thánh Đức Mẹ An ủi (Consolata). Trong 46 năm phục vụ, ngài biến đền thánh một lần nữa trở thành điểm tìm kiếm thiêng liêng cho người dân Torino.

Cha Giuseppe Allamano là đồng hương của hai vị thánh: Don Bosco và Giuseppe Cafasso. Giống như Thánh Cafasso, ngài là một nhà huấn luyện xuất sắc, bậc thầy về học thuyết và cuộc sống.

Tinh thần truyền giáo

Nhận thức được rằng sứ mạng truyền giáo là sự hiện thực hóa tối đa ơn gọi linh mục của mình (bản thân ngài muốn đi truyền giáo nhưng vì sức khỏe yếu nên không thể), thấy nhiều linh mục rời khỏi chủng viện với niềm đam mê trở thành nhà truyền giáo nhưng không được các giáo phận chấp nhận, ngài quyết định sẽ tự mình đào tạo những nhà truyền giáo.

Dự án của ngài được đánh giá cao ở Roma, nhưng sau đó những trở ngại và thất bại đã ngăn cản nó hình thành trong mười năm. Rất kiên nhẫn, ngài chờ đợi và làm việc. Sau đó là lời “đồng ý” của vị giám mục đầu tiên đối với Dòng Truyền giáo Consolata của ngài vào năm 1901, và năm sau đó chuyến đi truyền giáo đầu tiên khởi hành đến Kenya. Vào năm 1910, Dòng các Nữ tu Truyền giáo Consolata ra đời.

Tuy nhiên, ngài cảm thấy rằng toàn thể Giáo hội phải được đánh động về việc truyền giáo. Vào năm 1912, với sự hỗ trợ của những người đứng đầu các dòng truyền giáo khác, ngài yêu cầu Đức Thánh Cha Pio X can thiệp vào tình trạng này và đặc biệt đề xuất thiết lập một ngày truyền giáo hàng năm, “với nghĩa vụ rao giảng về bổn phận và cách thức truyền bá đức tin”. Sức khỏe của Đức Piô X suy giảm, lại thêm chiến tranh bùng nổ ở vùng Balkan... đề xuất của ngài không thành.

Nhưng rồi Đức Piô XI đã hiện thực hóa ý tưởng của Cha Giuseppe Allamano, thành lập Ngày Thế giới Truyền giáo vào năm 1927. Dòng truyền giáo do ngài thành lập đã phát triển với con số hơn 2.000 thành viên vào cuối thế kỷ 20, ở 25 quốc gia trên bốn lục địa.

“Làm tốt điều thiện”

Khi còn sống, Cha Giuseppe Allamano bị khiển trách vì quan tâm đến các công việc, quan tâm đến các ngành nghề hơn là số người được rửa tội. Nhưng thực tế, ngài theo đuổi Tin Mừng và thăng tiến con người với niềm đam mê và khả năng. “Làm tốt điều thiện”: đây là một phương châm của ngài. Ngài muốn người của mình trở thành chuyên gia về các ngành khoa học “trần thế”. Và ý tưởng này cũng tiếp tục cho đến Vatican II, khi khuyên các nhà thần học “cộng tác với những người xuất sắc trong các ngành khoa học khác, chia sẻ sức mạnh và quan điểm của họ” (Gaudium et spes).

Tuyên phong chân phước và tuyên thánh

Cha Giuseppe Allamano đã được Đức Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước ngày 7 tháng 10 năm 1990. Ngày 23 tháng 5 năm nay (2024), Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành sắc lệnh nhìn nhận phép lạ chữa lành cho Sorino, một người thổ dân Yanomami, nhờ lời chuyển cầu của Cha Giuseppe Allamano.

Các vị tử đạo Damasco

Đây là nhóm gồm 11 vị tử đạo Hồi giáo, bị sát hại vì đức tin vào ngày 10 tháng 7 năm 1860. Họ đã đổ máu giống như rất nhiều người khác trước họ ở những vùng đất mà họ luôn nhìn thấy, kể từ thời Thánh Phanxicô, nỗ lực truyền giáo của các tu sĩ dòng Phanxicô trong thế giới Hồi giáo.

Các vị gồm các linh mục: Emanuele Ruiz, 56 tuổi, bề trên cộng đoàn; Carmelo Volta, 57 tuổi; Engelbert Kolland, 33 tuổi; Ascanio Nicanore, 46 tuổi; Pietro Soler, 33 tuổi; Nicola Alberga, 30 tuổi. Hai thầy là Francesco Pinazo, 58 tuổi, và Giovanni Giacomo Fernandez, 52 tuổi. Và ba giáo dân nghi lễ Maronite: Francesco, Abd-el-Mooti và Raffaele Massabki.

Các ngài sống trong tu viện ở Damascus, thuộc Syria, sống đời sống cộng đoàn, mở rộng sang hoạt động tông đồ cho người dân địa phương.

Tử đạo

Vào đêm ngày 9 rạng sáng ngày 10 tháng 7 năm 1860, các ngài bị tấn công bởi binh lính người Druze ở Damasco, một giáo phái tôn giáo có nguồn gốc Hồi giáo Shiite, những người theo chủ nghĩa cuồng tín không khoan dung tôn giáo, bùng phát vào những năm 1845-46 và đặc biệt là vào năm 1860, chống lại Kitô giáo; họ đi khắp thành phố để tàn sát những người theo Kitô giáo.

Tám tu sĩ dòng Phanxicô đã ẩn náu trong những bức tường kiên cố của tu viện, cùng với họ là ba anh em tín hữu theo nghi lễ Maronite. Thật không may, có một kẻ phản bội, có lẽ trong số những người phục vụ địa phương, đã đưa những kẻ sát nhân vào qua một cánh cửa nhỏ mà không ai nghĩ tới, và thế là tất cả đều bị thảm sát.

Vào ngày tử đạo, khi dân quân Druze tấn công tu viện, Cha Manuel Ruiz đang giữ trách nhiệm bề trên tu viện dòng Phanxicô ở Damasco. Ý nghĩ đầu tiên của ngài là đến nhà thờ và rước lễ để các Mình Thánh Chúa không bị xúc phạm. Cha bị xử tử dưới chân bàn thờ.

Tuyên phong chân phước và tuyên thánh

Tất cả các vị đều được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước vào ngày 10 tháng 10 năm 1926 và lễ kính các vị được ấn định vào ngày 10 tháng 7. Vào ngày 23 tháng 5 năm nay (2024), Đức Thánh Cha Phanxicô “đã phê chuẩn số phiếu thuận trong phiên họp thường kỳ” của các Hồng y và Giám mục cho việc phong thánh cho Chân phước Emanuele Ruiz và các bạn tử đạo.

Nữ tu Marie-Léonie Paradis, Đấng sáng lập dòng Tiểu Muội Thánh Gia

Mẹ Maria Leonia, có tên thời niên thiếu là Virginie Alodie. Cô sinh ngày 12 tháng 5 năm 1840 tại L'Acadie, Canada và gia nhập Dòng các Nữ tu Đức Maria Thánh giá khi mới 13 tuổi. Sơ tận tâm lo việc nội trợ trong các Tu viện của các Linh mục dòng Thánh Giá và dấn thân vào việc giáo dục giới trẻ. Sơ được gửi đến nhiều tu viện khác nhau ở Canada và vào năm 1862 sơ nhận được bài sai đến Hoa Kỳ.

Thành lập Dòng “Các Tiểu Muội Thánh Gia” để trợ giúp các linh mục

Sau khi trở về Canada theo lời mời của Cha Camillo Lefèbvre để đào tạo một số người trẻ về đời sống tu trì, Sơ Maria Leonia sau đó đã chấp nhận đề nghị của Tổng Giám mục Montréal để thành lập một cộng đoàn mới theo nhu cầu của các học viện của ngài. Vào ngày 31 tháng 5 năm 1880, Dòng “Các Tiểu Muội Thánh Gia” được thành lập, với mục đích cụ thể là phục vụ trong các cộng đoàn tu trì, các học viện và chủng viện. Các cộng đoàn mới được mở ra, trong đó Mẹ Maria Leonia khuyên các nữ tu của dòng nên giúp đỡ các linh mục về vật chất và tinh thần, và nhờ đó, trong các nhà xứ và chủng viện, người ta có thể hít thở bầu không khí đặc trưng của Thánh Gia Nazareth, được tạo nên từ sự trong sáng và hòa bình, trật tự và khôn ngoan. Mẹ Maria Leonia qua đời ngày 3 tháng 5 năm 1912 tại Sherbrooke, thọ 72 tuổi. Dòng do Mẹ thành lập không chỉ lan rộng ở Canada mà còn ở Honduras, Ý và Hoa Kỳ.

Tuyên phong chân phước và tuyên thánh

Mẹ Maria Leonia đã nổi tiếng là thánh thiện trong cuộc sống: người ta gọi Mẹ là “mẹ của những người túng thiếu” vì khả năng giải quyết mọi hình thức nghèo đói cũng như khó khăn về vật chất và tinh thần. Vì lý do này, các Tiểu Muội của Thánh Gia đã yêu cầu tiến hành án phong chân phước và phong thánh cho Mẹ.

Quá trình mở án phong chân phước diễn ra tại giáo phận Sherbrooke từ ngày 11 tháng 2 đến ngày 24 tháng 10 năm 1952, trong khi tiến trình tại Vatican kéo dài từ ngày 19 tháng 3 đến ngày 22 tháng 6 năm 1968. Ngày 31 tháng 1 năm 1981, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành sắc lệnh về các nhân đức anh hùng của Mẹ Maria Leonia.

Phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Leonia liên quan đến việc chữa lành cho Sơ San Sebastiano được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn nhận vào ngày 17 tháng 2 năm 1984. Chính ngài đã cử hành Thánh lễ tuyên phong chân phước cho Mẹ Maria Leonia vào ngày 11 tháng 9 năm 1984 tại Montreal, trong chuyến tông du đến Canada, ấn định phụng vụ là ngày 4 tháng 5.

Sau lễ tuyên phong chân phước, nhiều tín hữu đến cầu nguyện, đầu tiên tại nhà mẹ và sau đó ở nhà thờ chính tòa, thường để lại giấy chứng nhận các ân sủng đã nhận được nhờ lời chuyển cầu của Chân phước Maria Leonia. Trong số đó, hồ sơ phong thánh đã chọn một sự kiện xảy ra hai năm sau khi Mẹ được phong chân phước.

Vào ngày 30 tháng 10 năm 1986, một phụ nữ chuyển dạ ở tuần thai thứ 41 đã đến Bệnh viện du Haut-Richelieu ở Saint-Jean-sur-Richelieu, Quebec. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối, các bác sĩ nhận thấy nhịp tim thai nhi giảm đáng kể kèm theo dấu hiệu thiếu oxy trước khi sinh. Người phụ nữ đã sinh một bé gái theo cách tự nhiên, tuy nhiên bé gái không có hoạt động hô hấp. Trong vòng một phút sau khi chào đời, trái tim của cô bé bắt đầu đập trở lại nhưng không có dấu hiệu nào khác của sự sống. Nỗ lực hồi sức không thành công. Khoảng hai giờ sau khi sinh, vào ngày 31/10/1986, đứa trẻ sơ sinh được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Montréal, một cơ sở chuyên khoa hơn.

Mẹ của em bé và một người họ hàng của chân phước đã cầu nguyện xin Mẹ Maria Leonia chuyển cầu cho em bé, tuy hai người không biết nhau. Chỉ nhiều năm sau họ mới phát hiện ra, trước sự ngạc nhiên chung của cả hai, rằng họ đã cầu nguyện với cùng một lý do.

Ngày 9 tháng 11 năm 1986, mười ngày sau khi sinh, em bé sơ sinh được xuất viện: sức khỏe tốt và không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào, cả thuốc lẫn vật lý trị liệu. Em bé có tên là Marie-Nicole và hiện là giáo viên dạy ngữ văn.

** Mẹ Elena Guerra, Đấng sáng lập Dòng “Các nữ tu Thánh Zita”

Chân phước Elena Guerra người Ý, sinh năm 1835 và qua đời năm 1914. Sinh ra trong một gia đình quý tộc, được thừa hưởng nền giáo dục Kitô đầy đủ. Sau khi Rước lễ lần đầu, có thể đến với Bí tích Thánh Thể mỗi ngày, cô ngày càng bị thu hút bởi tình yêu dành cho Chúa.

Năm 1856, Elena thành lập “Vườn nhỏ của Mẹ Maria” và sau đó là “Tình bạn thiêng liêng”, hai hình thức tập hợp các nữ giáo dân, cho phép giúp đỡ tinh thần lẫn nhau giữa những người trẻ tuổi. Đây là những sáng kiến loan báo về các phương pháp hiện đại của Công giáo Tiến hành: trên thực tế, những người ghi danh phải cam kết sống đời sống Kitô hữu trọn vẹn. Tuy nhiên, vào năm sau, Elena bị một căn bệnh hiểm nghèo khiến cô phải bất động trong thời gian dài.

Sau khi bình phục, Elena xin được gia nhập Dòng Nữ Bác Ái, những người đến thăm người nghèo và bệnh tật tại nhà; và khi bệnh tả hoành hành ở Lucca, với sự đồng ý của gia đình, cô đã đến thăm người bệnh, chữa trị và an ủi họ bằng những lời đức tin.

Thành lập Dòng “Các nữ tu Thánh Zita”

Được truyền cảm hứng bởi Đức Giáo Hoàng Piô IX, trong một lần gặp gỡ tại Roma, Guerra đã quyết định bước vào đời sống tu trì mặc dù bị gia đình phản đối. Từ đó, Dòng Hiến sĩ Chúa Thánh Thần được thành lập, và sau này được biết đến với tên gọi “Các nữ tu Thánh Zita”, do Chân phước sáng lập vào năm 1882, với sứ vụ giáo dục văn hoá và tôn giáo cho giới trẻ. Sơ Elena đã giáo dục hàng trăm thanh thiếu niên về đời sống Kitô giáo, trong đó có Thánh Gemma Galgani.

Bị thuyết phục về chức năng của báo chí như một việc phục vụ cơ bản của Giáo hội, Guerra đã xuất bản nhiều bài viết về các vấn đề liên quan đến phụ nữ (cô dâu, bạn gái, người giúp việc gia đình) và về trường học, nhằm hướng dẫn giáo viên và học sinh hướng tới nền văn hóa Kitô giáo.

Trong những năm cuối đời, Mẹ Elena bị chị em hiểu lầm về quản lý kém đến nỗi Mẹ đã phải quyết định rời bỏ nhiệm vụ bề trên, và bị cấm xuất bản bất kỳ tác phẩm nào khác. Mẹ từ chức, khiêm nhường vâng phục và hiến mạng sống mình vì lợi ích của Giáo hội. Mẹ Elena đã trải qua ba năm cuối đời trong những căn bệnh và đau đớn xen kẽ khiến Mẹ qua đời vào ngày 11 tháng 4 năm 1914.

Danh tiếng thánh thiện của Mẹ Elena tiếp tục lan truyền và do đó vào năm 1930, tiến trình phong chân phước cho Mẹ đã được bắt đầu. Vào năm 1953, sắc lệnh về nhân đức anh hùng của Mẹ được công bố; sau đó, vào ngày 26 tháng 4 năm 1959, Đức Gioan XXIII đã nâng Elena Guerra lên bậc chân phước.

Tuyên phong chân phước và tuyên thánh

Phép lạ mở đường cho việc tuyên thánh cho Chân phước Elena Guerrera xảy ra với ông Paulo G. Vào ngày 5 tháng 4 năm 2010, khi ông đang tỉa cây thì bị ngã từ độ cao khoảng 6m, được chở đến bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh. Ông được chẩn đoán chấn thương đầu-não rất nghiêm trọng, nghi ngờ chết não và các biến chứng toàn thân như viêm phổi và viêm gan. Ngày hôm sau, ông được phẫu thuật mở hộp sọ và giải nén bằng phẫu thuật cắt thùy trán-cơ bản. Sau ca phẫu thuật, ông được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt với tiên lượng xấu. Kết quả chụp CT sau đó cho thấy tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi đến mức người ta cho rằng ông sẽ chết. Ngày 11 tháng 4, các bác sĩ điều trị đã ngừng thuốc an thần hỗ trợ bệnh nhân suốt 24 giờ và ngày hôm sau bệnh nhân không còn dấu hiệu phản ứng thần kinh nữa. Vào ngày 15 tháng 4, ông được tuyên bố đã chết não. Từ ngày 10 đến ngày 27 tháng 4, bệnh nhân vẫn bị treo lơ lửng giữa sự sống và cái chết.

Được biết về tình trạng rất nghiêm trọng của ông, các thành viên phong trào Canh Tân Đặc Sủng ở đó bắt đầu tổ chức những buổi cầu nguyện cho sự bình phục của ông. Từ ngày 17 tháng 4, họ đã cầu nguyện với Chân phước Elena Guerra. Ngày 27 tháng 4, sau 21 ngày nằm viện, các bác sĩ nhận thấy tình trạng bệnh nhân cải thiện khi phản ứng với các kích thích đau và tự thở. Hai ngày sau, ông được chuyển đến khoa phẫu thuật, bắt đầu vật lý trị liệu thụ động và sau đó là vật lý trị liệu tích cực. Ngày 14 tháng 5, bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng ổn định. Các cuộc kiểm tra sâu hơn, được thực hiện hàng tháng và sau đó hàng năm, cho thấy tình trạng sức khỏe tốt của bệnh nhân và không có sự thay đổi nào do chấn thương phải chịu.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây