TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Giê-su Ki-tô – Đường sự thật

Chủ nhật - 01/05/2022 05:19 | Tác giả bài viết: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên |   1067
Trong lịch sử nhân loại, con người không ngừng đặt ra những câu hỏi về sự thật (hay chân lý), chẳng hạn như đâu là nền tảng của các hình thức sự thật mà con người có thể kinh nghiệm?
Đức Giê-su Ki-tô – Đường sự thật

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG SỰ THẬT

WHĐ (01.5.2022) - Trong lịch sử nhân loại, con người không ngừng đặt ra những câu hỏi về sự thật (hay chân lý), chẳng hạn như đâu là nền tảng của các hình thức sự thật mà con người có thể kinh nghiệm? Có sự thật tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát không? Tương quan giữa sự thật này với các hình thức sự thật mà con người có thể biết được trong đời sống mình như thế nào? Trí khôn con người có thể tìm kiếm và tiếp cận sự thật tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát không? Với Kỷ Nguyên Ánh Sáng (the Enlightenment, thế kỷ 17-18), người ta hy vọng rằng trí khôn hay lý trí con người có thể thấu triệt sự thật về mọi thứ và trả lời tất cả các câu hỏi được đặt ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng càng ngày con người càng nhận ra trí khôn hay lý trí của mình quá giới hạn so với kỳ vọng. Có quá nhiều câu hỏi về sự thật hơn là những câu trả lời.

Trong tiếng Do-thái, sự thật (chân lý) là אמת (emet/ truth/ vérité). Tiếng Do-thái viết từ phải qua trái. Ba chữ cái của từ này rất quan trọng khi đứng riêng lẻ trong bảng chữ cái, cũng như khi ghép lại với nhau thành một từ. Bảng chữ cái Do-thái có 22 chữ, trong đó 5 chữ có thêm dạng biến thể khi chúng ở vị trí cuối của từ (sofit letters/ final forms) và vì vậy làm thành 27 chữ cái. Năm chữ cái có hai dạng theo thứ tự là: כ / ך (kaph), מ / ם (mem), נ / ן  (nun), פ / ף (peh), צ / ץ (tsade). Trước hết, א (aleph) là chữ đầu tiên trong bảng chữ cái, với nghĩa là trên hết, nguyên khởi, chính yếu; מ/ם (mem) là chữ cái ở vị trí thứ 14, tức ở giữa của 27 chữ cái, với nghĩa là nước; ת (tau) chữ cái cuối cùng của bảng chữ cái, với nghĩa là thập giá, dấu chỉ, dấu ấn. Như vậy, sự thật (אמת/ emet/ truth/ vérité) bao gồm các chữ cái đầu, giữa và cuối. Nói cách khác, sự thật bao gồm đầu, giữa và cuối; sự thật là toàn bộ, là trọn vẹn, là hoàn hảo. Trong tiếng Hy-lạp, sự thật là ἀληθείᾳ (aletheia) với nghĩa là mở ra, không che dấu, tiết lộ, biểu lộ hay hiển nhiên.

Khi so sánh khái niệm sự thật theo tiếng Do-thái và tiếng Hy-lạp, khái niệm sự thật theo tiếng Do-thái thiên về hành động (doing) hay biến cố (event). Điều này có nghĩa rằng khái niệm sự thật theo tiếng Do-thái là năng động, biến chuyển và có thể hiểu được, tuy nhiên, sự thật vẫn luôn vượt quá khả năng nắm bắt, định nghĩa hay giải thích của con người. Trong khi đó, khái niệm sự thật theo tiếng Hy-lạp thiên về tình trạng (state) hay hữu thể (being, id est quod est). Theo nghĩa này, con người có thể hiểu biết sự thật, nắm bắt sự thật và trao đổi sự thật cách dễ dàng hơn. Khái niệm sự thật trong các ngôn ngữ hiện đại thường theo nghĩa của tiếng Hy-lạp hơn là tiếng Do-thái. Về căn bản, đối nghịch với sự thật theo nghĩa tiếng Do-thái là dối trá, ác độc, bất tín. Trong khi đó, đối nghịch với sự thật theo nghĩa tiếng Hy-lạp là lầm lỗi, sai lạc, viển vông. Khi trình bày sự thật theo nghĩa tổng quát, thánh Tô-ma A-qui-nô (1225 – 1274) cho rằng sự thật được hiểu như là sự tương hợp giữa lý trí và thực tại (adaequatio rei et intellectus, Summa Theologiae I, q. 21, a. 2). Nói cách khác, sự thật chính là sự tương hợp hay phù hợp giữa chủ thể và khách thể, giữa người biết và đối tượng được biết, giữa tư tưởng và thực tế, giữa ý niệm và sự vật, giữa nội dung và hình thức.

Theo Công Đồng Vatican II: “Khi so sánh các giáo lý với nhau, phải nhớ rằng có một ‘phẩm trật’ trong các chân lý của giáo lý Công Giáo vì liên hệ giữa các chân lý ấy với nền tảng đức tin không đồng đều” (Unitatis Redintegratio 11). Việc đào sâu nội dung đức tin Ki-tô Giáo giúp thánh Tô-ma A-qui-nô minh định rằng Thiên Chúa là sự thật, sự thật tối thượng và sự thật đầu tiên (ipsa summa et prima veritas, Summa Theologiae I, q. 21, a. 5). Trong thực tế, người ta thường phân loại sự thật theo nhiều cách thức khác nhau. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II cho rằng có ba hình thức sự thật chính yếu, đó là (1) sự thật kinh nghiệm: Là sự thật mà con người có thể nhận biết và kiểm chứng, (2) sự thật triết học: Là sự thật mà con người biết được nhờ khả năng trừu xuất của lý trí và (3) sự thật tôn giáo: Là sự thật liên quan đến những giải đáp của các truyền thống tôn giáo cho những câu hỏi về những thực tại tối hậu (Fides et Ratio 30). Theo nội dung đức tin Ki-tô Giáo, không có sự đối lập, phủ nhận hay xung khắc giữa các hình thức sự thật. Trái lại các hình thức sự thật định nghĩa, giải thích và bổ sung cho nhau hầu giúp con người ý thức hơn về vai trò trung tâm của sự thật trong đời sống mình.

Khao khát tìm kiếm sự thật để có thể điều chỉnh tư tưởng, lời nói và hành vi là mẫu số chung của muôn dân muôn nước qua dòng lịch sử. Đối với Ki-tô Giáo, sự thật là chủ đề xuyên suốt Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, dân Do-thái mong mỏi sự thật luôn hiện diện, hoạt động và hướng dẫn họ, chẳng hạn: “Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa, để con vững bước theo chân lý của Ngài. Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh” (Tv 86,11); “Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96,13); “Đường chân lý, này con đã chọn, quyết định của Ngài, con khao khát đợi trông” (Tv 119,30); “Quan trọng hơn hết: Con hãy cầu xin Đấng Tối Cao dẫn con đi theo đường chân lý” (Hc 37,15); “Đôi môi gian tà bị Đức Chúa ghê tởm, kẻ thực thi chân lý thì được Người mến thương” (Cn 12,22). Với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su trong gia đình nhân loại, sự thật về Thiên Chúa, về con người, về muôn vật muôn loài và các tương quan trong đó được tỏ bày cách cụ thể hơn. Nhờ sự tín thác vào Đức Giê-su cũng như liên kết mật thiết và thực thi giáo huấn của Người, những trăn trở của con người về sự thật tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát ngày càng được sáng tỏ. Chúng ta hãy cùng nhau xem xét nhãn quan về sự thật theo mặc khải Ki-tô Giáo.

Chúng ta biết rằng Ki-tô học của Tin Mừng Nhất Lãm là ‘từ dưới lên’ (Christology from below), nghĩa là bắt đầu với Đức Giê-su lịch sử, Đức Giê-su Na-da-rét. Trong khi đó, Ki-tô học của Tin Mừng theo thánh Gio-an là ‘từ trên xuống’ (Christology from above), nghĩa là bắt đầu với Đức Giê-su tiền hữu (Jesus' pre-existence), Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Thánh Gio-an giới thiệu chủ đề sự thật ngay trong Lời Tựa của Tin Mừng. Theo đó, Ngôi Lời (Đức Giê-su) hằng ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đầy tràn ân sủng và sự thật, nhưng đã hiện diện trong gia đình nhân loại: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Cũng trong Lời Tựa Tin Mừng, thánh Gio-an viết tiếp: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có” (Ga 1,17). Cựu Ước cho chúng ta biết rằng, với lề luật được Thiên Chúa ban tặng, Mô-sê dạy dỗ dân Do-thái thực thi thánh ý Thiên Chúa để được hạnh phúc, bình an trong hành trình gian nan về với Đất Hứa là đất Ca-na-an. Mô-sê có vai trò quan trọng đối với dân Do-thái, Đức Giê-su có vai trò quan trọng hơn đối với mọi người trong gia đình nhân loại. Lề luật Mô-sê nhận được từ Thiên Chúa rất quan trọng nhưng ân sủng và sự thật của Thiên Chúa còn quan trọng hơn. Với ân sủng và sự thật, Đức Giê-su là ‘Mô-sê mới’ hướng dẫn con cái của gia đình nhân loại trong hành trình đầy thử thách về với Đất Hứa là Nước Thiên Chúa.

Nhờ sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại, sự thật không còn là khái niệm hay ý tưởng trừu tượng nhưng đã ‘có hình có dạng’ cụ thể. Với Đức Giê-su, nội dung của sự thật mà con người hằng mong mỏi đã được biểu lộ. Với Đức Giê-su, sự thật nhiệm mầu, sự thật tuyệt đối, sự thật nguyên khởi, sự thật thường hằng bất biến, sự thật cánh chung của Thiên Chúa đã tỏ hiện. Nói theo ngôn ngữ của thánh Gio-an, với Đức Giê-su, Thiên Chúa đã cho con người nghe sự thật, thấy sự thật, chiêm ngưỡng sự thật và chạm đến sự thật (1 Ga 1,1). Với Đức Giê-su, sự thật được biểu lộ đến mức con người có thể tiếp cận, trao đổi và đi vào mối tương quan liên vị với Người như bao người khác trong xã hội. Với sự hiện diện của sự thật Thiên Chúa trên trần gian, con người được mời gọi đi vào mối thông hiệp với Người. Nhờ vậy, con người có được ‘bản đồ tiêu chuẩn’ cho hành trình trần thế của mình. Là ‘người môn đệ Chúa yêu’, trong Bữa Ăn Cuối Cùng (Last Supper), thánh Gio-an đã tựa đầu vào trái tim Đức Giê-su, đã nghe nhịp đập của trái tim Người. Đó là lý do tại sao thánh nhân có thể xác quyết rằng Đức Giê-su là sự thật của Thiên Chúa hiện diện giữa trần gian để ai thiết lập mối hiệp thông với Người thì được Người cho hưởng tình yêu trọn vẹn.

Đối với Đức Giê-su, sự thật và tình yêu luôn đi đôi với nhau. Trong các trình thuật Tin Mừng, nhiều lần thánh Gio-an cho độc giả biết Đức Giê-su đề cập đến chủ đề sự thật, chẳng hạn như Ga 1,14; 3,21; 4,23-24; 8,16; 8,40. Tuy nhiên, trong Bữa Ăn Cuối Cùng (Last Supper) trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người nói với các môn đệ rằng ‘Chính Thầy là sự thật’ (Ga 14,6). Cũng trong Bữa Ăn này, Người công bố giới răn quan trọng nhất là giới răn yêu thương. Người nói với các môn đệ rằng họ phải yêu thương nhau như Người đã yêu thương và hiến dâng mạng sống vì họ (Ga 13,34; Ga 15,12-15). Nhiều nơi trong các thư của thánh Gio-an và các tác giả Tin Mừng khác, chúng ta cũng thấy sự liên hệ đặc biệt giữa sự thật và tình yêu, chẳng hạn như: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3,18); “Thiên Chúa là Cha và Đức Giê-su Ki-tô là Con Chúa Cha sẽ cho chúng ta được hưởng ân sủng, lòng thương xót và bình an, trong sự thật và tình thương” (2 Ga 1,3). Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô viết: “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu” (Ep 4,15). Thánh Phê-rô cũng viết tương tự: “Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn” (1 Pr 1,22). Như vậy, sự thật của Đức Giê-su là sự thật trong tình yêu và tình yêu của Đức Giê-su là tình yêu trong sự thật. Nói cách khác, nơi Đức Giê-su, sự thật cũng là tình yêu và ngược lại hay sự thật và tình yêu là một.

Trong cuộc đối thoại với Phi-la-tô, Đức Giê-su nói với ông: "Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: Làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi" (Ga 18,37). Sau đó, Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su: "Sự thật là gì?" [Quid est veritas?] (Ga 18,38). Theo trình thuật của thánh Gio-an, chúng ta có thể hiểu rằng sau khi hỏi Đức Giê-su ‘sự thật là cái gì?’, Phi-la-tô không đợi câu trả lời của Đức Giê-su nhưng lại nói chuyện với những người Do-thái. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II cho rằng câu hỏi ‘sự thật là gì?’ của Phi-la-tô phản ánh tâm hồn của con người bối rối trong đau khổ vì không biết mình là ai, mình từ đâu đến và mình đi đâu (Veritatis Splendor 84). Chúng ta biết rằng, xét về mặt lý luận, để có câu trả lời đúng thì câu hỏi phải đúng. Trong trường hợp Đức Giê-su, Phi-la-tô đặt câu hỏi không đúng. Giá như Phi-la-tô tìm hiểu giáo huấn và việc làm của Đức Giê-su kỹ hơn, ông sẽ hỏi Đức Giê-su 'sự thật là ai?' và Đức Giê-su đã cho ông biết (Ga 14,6). Như vậy, đối với Đức Giê-su, câu hỏi không phải ‘sự thật là cái gì?’ mà ‘sự thật là ai?’ bởi vì Đức Giê-su là sự thật. Người là Thiên Chúa thật và con người thật như tuyên tín của Công Đồng Can-xê-đô-ni-a (451). Gần hai ngàn năm nay, câu hỏi của Phi-la-tô vẫn còn vang vọng trong gia đình nhân loại. Có người cho rằng nếu Đức Giê-su trả lời câu hỏi của Phi-la-tô như Người đã nói với các môn đệ và giải thích thêm thì nhân loại sẽ bớt ngờ vực, băn khoăn hay đau khổ về câu hỏi này.

Dựa trên tư tưởng của thánh Tô-ma A-qui-nô về sự thật như là sự tương hợp giữa lý trí và thực tại (adaequatio rei et intellectus), chúng ta có thể diễn tả thêm rằng sự thật là sự tương hợp hay nhất quán giữa lời nói và việc làm. Với Đức Giê-su, lời nói và việc làm của Người luôn tương hợp hay nhất quán với nhau. Đức Giê-su nói rằng Người là sự thật, đồng thời Người chứng minh điều đó bằng ‘các việc thật’. Hơn nữa, Thiên Chúa Cha luôn đồng hành với Đức Giê-su mọi nơi, mọi lúc. Trong cuộc tranh luận với những người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su nói: “Nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi” (Ga 8,16). Sau khi cho những người Do-thái biết sự thật giải phóng họ, Đức Giê-su nói: “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội? Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi?” (Ga 8,46). Chính Phi-la-tô cũng nhìn nhận Đức Giê-su là người chân thật, ông nói: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy” (Ga 19,4); “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy” (Ga 19,6). Tuy nhiên, dưới áp lực của dân Do-thái cũng như lo sợ mất thanh danh hoặc vị thế, Phi-la-tô đã không theo sự thật mà lại theo sự dối trá của những người Do-thái, nhất là giới lãnh đạo. Cuối cùng, Đức Giê-su phải chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá.

Như đề cập ở trên, khái niệm sự thật theo văn hóa Do-thái thiên về hành động (doing) hay biến cố (event) hơn là thiên về tình trạng (state) hay hữu thể (being) như văn hóa Hy-lạp. Nói cách khác, sự thật theo văn hóa Do-thái là động từ (verb) hơn là danh từ (noun) bởi vì sự thật luôn hiện sinh, linh động và dẫn tới sức sống. Điều này có nghĩa rằng sự thật theo văn hóa Do-thái không phải là ‘cái gì đó’ mà con người có thể hiểu được hay nắm bắt dễ dàng; sự thật vượt quá khả năng thấu triệt của con người. Với Đức Giê-su, Người là sự thật, đồng thời, những gì thuộc về Người hay liên quan đến Người đều chân thật. Người là sự thật trọn vẹn: ‘Sự thật như sự thật là’ và ‘sự thật như sự thật làm’ hay ‘sự thật là’ cũng là ‘sự thật làm’ và ngược lại. Đức Giê-su là sự thật, sự thật vượt trên tâm thức của con người qua mọi thời đại. Do đó, ngôn ngữ thần học, triết học hay xã hội học không bao giờ diễn tả Người cách trọn vẹn.

Đức Giê-su là sự thật vì nhờ Người mà muôn vật muôn loài được tạo thành; Đức Giê-su là sự thật vì nhờ Người mà Thiên Chúa cứu độ con người; Đức Giê-su là sự thật vì nhờ Người mà Thiên Chúa quy tụ con người và muôn vật muôn loài. Nhờ Đức Giê-su là sự thật, những gì được Thiên Chúa sáng tạo cho dù bị ảnh hưởng bởi tội lỗi cũng không đi vào cõi hư vô nhưng được biến đổi khi thời gian tới thời viên mãn, khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong trời mới đất mới dưới quyền Thủ Lãnh duy nhất là Đức Giê-su (Ep 1,9-10; Kh 21,1-6). Đức Giê-su loan báo sự thật rằng Thiên Chúa yêu thương con người. Với Đức Giê-su là sự thật, con người nhận biết rằng, tự thân, con người không thể giải thoát mình khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và sự chết. Với Giê-su là sự thật, con người ý thức hơn về sự cần thiết phải cộng tác với Người cho phần rỗi của bản thân và của anh chị em đồng loại. Với Giê-su là sự thật, con người nhận ra rằng mình có bổn phận cộng tác với Thiên Chúa và với nhau trong việc chăm sóc thế giới thụ tạo và làm cho thế giới này luôn là địa chỉ diễn tả sự thật và tình yêu của Thiên Chúa.

Trong thư thứ nhất, thánh Gio-an viết: “Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật. Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời” (1 Ga 5,20). Theo Công Đồng Vatican II: “Trí khôn con người không hẳn chỉ giới hạn trong những hiện tượng mà thôi, nhưng còn có thể thấu triệt thực tại siêu hình một cách thực sự chắc chắn, cho dù trí tuệ phần nào đã bị mờ tối và suy nhược do hậu quả của tội lỗi” (Gaudium et Spes 15). Con người cũng cần phân biệt ‘thấu triệt thực tại siêu hình một cách thực sự chắc chắn’ và ‘thấu triệt toàn bộ thực tại siêu hình’. ‘Chắc chắn’ không đồng nghĩa với ‘toàn bộ’. Chẳng hạn, với trí khôn, con người có thể biết rằng có Thiên Chúa. Tuy nhiên, con người không bao giờ hiểu biết Thiên Chúa như ‘Thiên Chúa là’ hay con người không bao giờ hiểu biết Thiên Chúa như Thiên Chúa hiểu biết con người. Nói cách khác, lý trí tự nhiên cho phép con người tiếp cận sự thật. Tuy nhiên, nếu không có mặc khải của Thiên Chúa, đặc biệt mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giê-su, con người khó có thể nhận ra sự thật tuyệt đối và quy hướng tư tưởng, tâm trí và hành động của mình về với sự thật này.

Để có thể trở thành môn đệ thực thụ của Đức Giê-su là sự thật, con người cần lắng nghe lời của Người. Điều này đã được Đức Giê-su diễn tả khi Người loan báo Tin Mừng. Với những người Do-thái cứng lòng, Đức Giê-su nói: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông" (Ga 8,31-32). Chỉ có tự do trong sự thật mới là tự do cho phép con người nhận ra mình, nhận ra Thiên Chúa, nhận ra anh chị em mình cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo và các tương quan trong đó. Tự do không đặt nền tảng trên sự thật là tự do được gợi hứng bởi ác thần hay quyền lực sự dữ, quyền lực khởi xuất từ các thế lực đêm tối để dẫn dắt con người xa rời Thiên Chúa và sự thánh thiện của Người (1 Ga 2,22). Đây là hình thức tự do lôi kéo con người xa rời ánh sáng sự thật và kết cục là bước vào cõi tiêu diệt muôn đời. Để có được tự do đúng nghĩa, con người cần ở lại trong lời của Đức Giê-su và trở thành môn đệ của Người.

Trong cuộc nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri, khi chị trình bày về nơi chốn phụng thờ Thiên Chúa của người Sa-ma-ri là núi Gơ-ri-dim (גְּרִזִים) và của người Do-thái là Giê-ru-sa-lem (יְרוּשָׁלַיִם), Đức Giê-su nói với chị: “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23-24). Ai thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật thì cũng quan tâm đến tất cả những gì dẫn xuất từ thần khí và sự thật, nghĩa là những gì dẫn xuất từ đời sống, lời rao giảng và hoạt động của Đức Giê-su. Ai thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật thì quan tâm đến các mối tương quan đem lại sự hiệp nhất, liên đới và bình an cho mọi người trên bình diện cá nhân cũng như các hình thức tập thể. Qua mọi thời, luôn có những người thờ ngẫu tượng do họ dựng nên hay được ma quỷ, cha của sự gian dối, giới thiệu (Ga 8,44). Chúng ta biết rằng trước khi bắt đầu sứ mệnh công khai, Đức Giê-su ở trong sa mạc bốn mươi đêm ngày. Quỷ nói với Đức Giê-su rằng Người sẽ có mọi thứ nếu Người bái lạy nó. Đức Giê-su đáp: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi" (Mt 4,10). Trong mọi hoàn cảnh, Đức Giê-su luôn mời gọi mọi người thờ phượng Thiên Chúa Cha trong thần khí và sự thật.

Thiên Chúa là khởi nguyên và cùng tận đã được diễn tả trong Cựu Ước, chẳng hạn: “Ta là khởi nguyên, Ta là cùng tận; chẳng có thần nào hết, ngoại trừ Ta” (Is 44,6); “Hãy nghe Ta, hỡi Gia-cóp, hỡi Ít-ra-en, kẻ Ta đã gọi! Ta vẫn là Ta, Ta là khởi nguyên, Ta cũng là cùng tận” (Is 48,12). Nhờ mặc khải Tân Ước, chúng ta biết rằng những gì chúng ta có thể nói về Thiên Chúa thì cũng nói về Đức Giê-su, bởi vì Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Điệp khúc ‘đầu – cuối’ của Cựu Ước vang vọng trong Tân Ước, chẳng hạn như: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng" (Kh 1,8); “Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời” (Kh 1,17-18) hay: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 21,6). Đức Giê-su là sự thật trọn vẹn, sự thật đầu tiên, sự thật trung tâm, sự thật cuối cùng, sự thật hôm qua, sự thật hôm nay và sự thật luôn mãi (Dt 13,8). Đức Giê-su là א (aleph), là מ (mem), là ת (tau); Đức Giê-su là an-pha (α) và ô-mê-ga (ω), là đầu và là cuối. Các hình thức sự thật trong thế giới thụ tạo, chẳng hạn như sự thật thực nghiệm, sự thật lý trí, sự thật tâm linh đều phát xuất từ Thiên Chúa, từ Đức Giê-su là sự thật.

Trong hành trình loan báo Tin mừng, mặc dù là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Đức Giê-su luôn quy chiếu mọi sự về Thiên Chúa Cha. Khi tranh luận với những người Do-thái, Đức Giê-su mặc khải rằng Thiên Chúa Cha là Đấng chân thật: “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói” (Ga 8,26) hay: “Các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa” (Ga 8,40). Đặc biệt, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cầu nguyện: “Sự sống đời đời đó là họ [những người theo Đức Giê-su] nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Một mặt, Đức Giê-su nói Thiên Chúa Cha là Đấng duy nhất và chân thật. Mặt khác, Người nói rằng Người và Thiên Chúa Cha là một (Ga 10,30). Như vậy, Đức Giê-su chính là nguồn phát sinh các hình thức sự thật mà con người có thể kinh nghiệm với lương tâm ngay thẳng của mình. Do đó, mọi người được mời gọi đến với Đức Giê-su để có thể nhận ra sự cần thiết phải kết hiệp với Người, hầu làm cho đời sống mình tiến triển đúng hướng và thu lượm được nhiều hoa trái tốt đẹp trong hành trình trần thế này. Giáo huấn của Đức Giê-su trở thành ‘tiêu chuẩn’ giúp con người phân biệt đúng - sai, thật - giả, tốt - xấu, phúc - tội, trường cửu – tạm thời, vô biên – giới hạn, hầu con người có thể sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình như là việc chuẩn bị cho sự sống muôn đời.

Đức Giê-su là sự thật với quyền lực vô song: Sự thật sáng tạo, sự thật nâng đỡ và duy trì vạn vật, sự thật cứu độ con người, sự thật hòa giải muôn vật muôn loài. Tuy nhiên, trớ trêu thay, quyền lực đó lại diễn tả theo cách thức mọn hèn, khiêm tốn, đau khổ. Nhìn bên ngoài, dưới nhãn quan người đời, quyền lực sự thật bị quyền lực gian dối quật ngã. Tuy nhiên, trong thực tế, Đức Giê-su là sự thật đã chiến thắng khải hoàn và quyền lực dối trá, quyền lực đêm tối, quyền lực tử thần hoàn toàn bị tiêu diệt. Nhân loại qua bao thế kỷ bị cám dỗ bởi các hình thức quyền lực. Tuy nhiên, quyền lực quan trọng nhất mà mọi người cần tìm kiếm là quyền lực sự thật. Bởi vì, không có quyền lực sự thật, mọi hình thức quyền lực trong thế giới thụ tạo chỉ là hão huyền và dẫn con người đi từ bất hạnh này đến bất hạnh khác. Kinh nghiệm cuộc sống giúp chúng ta hiểu rằng bao lâu con người còn lãnh đạm với sự thật tuyệt đối, sự thật hằng hữu, sự thật nguyên khởi, sự thật phổ quát, sự thật tối hậu, bấy lâu những hình thức sự thật giả tạo vẫn hoành hành trong gia đình nhân loại. Nói cách khác, Đức Giê-su là sự thật và sự thật này được diễn tả qua sự thật vâng phục, sự thật trút bỏ, sự thật nhập thể, sự thật đau khổ, sự thật thập giá, sự thật chịu chết, sự thật phục sinh hầu dẫn đưa con người tới bến bờ hạnh phúc viên mãn.

Trong Bữa Ăn Cuối Cùng, sau khi cho các môn đệ biết rằng Người là sự thật, Đức Giê-su mặc khải cho họ về Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần (Ga 14,16). Vai trò của Đấng Bảo Trợ là dạy các môn đệ mọi điều và nhắc nhở họ những điều Đức Giê-su đã giảng dạy (Ga 14,26). Đức Giê-su cũng nói với các môn đệ: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26). Đặc biệt, Đức Giê-su cho các môn đệ biết: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Đức Giê-su nói như vậy nhằm củng cố đức tin của các môn đệ trước những cám dỗ và khó khăn khi họ chứng kiến Người phải chịu muôn vàn hình thức đau khổ và cái chết nhục nhã tột cùng trên thập giá. Rõ ràng, với sự đồng hành và hướng dẫn của Thần Khí sự thật, các môn đệ ngày càng hiểu biết hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su. Đây không chỉ là sự hiểu biết mang tính tri thức mà còn là sự hiểu biết nội tâm, sự hiểu biết giúp họ thiết lập mối tương quan liên vị với Người. Nói cách khác, đây là sự hiểu biết thẩm thấu mọi chiều kích của đời sống họ. Sau khi Đức Giê-su phục sinh, với sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí, các ngài đã nhận ra ‘sự thật vẹn toàn’. Với sự hiện diện của Thần Khí, trong Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ có đủ sức mạnh để loan báo Đức Giê-su là sự thật và Tin Mừng sự thật của Người cho các dân tộc.

Đức Giê-su là sự thật thực tiễn và nhiệm mầu. Người là sự thật thực tiễn bởi vì Người đã hiện diện và hoạt động trong bối cảnh không gian, văn hóa, truyền thống, tôn giáo, lịch sử cụ thể của dân tộc Do-thái. Theo Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC): “Sự thật thực sự thì không phải là một ý niệm thuộc tư duy hay triết học, nhưng là một thực tại thuộc hiện sinh con người. Trong cách hiểu của Kitô Giáo, sự thật không đơn thuần là một từ ngữ, nhưng là một biến cố, một thực tại nhập thể nơi một con người mà chúng ta gọi là Giêsu Kitô. Dĩ nhiên, nếu sự thật có tính hiện sinh, nó cũng có tính hữu thể và tính khách quan nữa” (Văn Phòng Đặc Trách Các Quan Tâm Thần Học FABC (2000), “Methodology: Asian Christian Theology”, số 5.2.1, 410). Đức Giê-su là sự thật nhiệm mầu bởi vì Người hiện diện trong không gian, thời gian, lịch sử nhưng siêu việt không gian, thời gian, lịch sử. Con người hiểu biết Đức Giê-su nhưng sự hiểu biết của con người vẫn luôn giới hạn. Con người có thể diễn tả Đức Giê-su là sự thật bằng ngôn ngữ, biểu tượng hay mô thức mà con người có kinh nghiệm trong đời sống mình. Tuy nhiên, Đức Giê-su là sự thật luôn kỳ diệu hơn bất cứ phương thức diễn tả nào. Kinh nghiệm của các thánh trong lịch sử Giáo Hội cho chúng ta biết như vậy. Đặc biệt, các thánh tử đạo đã sẵn sàng chịu chết vì niềm tin vào Đức Giê-su là sự thật cho dù các ngài không hiểu biết tường tận về Người cũng như trình bày lưu loát sự thật về Người hầu làm thỏa mãn tính hiếu kỳ của những người bắt bớ và giết chết họ.

Lịch sử nhân loại chứng kiến vô số hình thức khủng hoảng, tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng khủng hoảng mang tính hệ thống, nghiêm trọng và liên lỉ nhất là khủng hoảng sự thật. Các hình thức khủng hoảng khác có thể được xem như là dẫn xuất hay hậu quả của khủng hoảng sự thật. Dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, về căn bản, thế giới bóng đêm, ma quỷ và tội lỗi là nguyên nhân của khủng hoảng sự thật. Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: “Nếu không nhận biết mình là tội nhân, con người không thể nhận ra chân lý về bản thân. Chân lý này là điều kiện để hành động đúng. Nếu Thiên Chúa không ban ơn tha thứ, con người không thể chấp nhận nổi chân lý này” (GLGHCG 1697). Khi con người không nhận thức rằng mình là người tội lỗi hay không nhìn nhận sự thật tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát, cũng là khi con người bối rối trước những câu hỏi liên quan đến định mệnh của mình, chẳng hạn như ‘đâu là ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống?’, ‘dựa vào đâu để con người có thể phân định hay đánh giá tư tưởng, lời nói và hành động của mình hay của người khác?’, ‘phải chăng người thánh thiện và kẻ gian ác cùng chung số phận?’. Khủng hoảng sự thật là khi con người từ chối sự hiện diện và hoạt động của sự thật tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát trong gia đình nhân loại. Nói cách rõ hơn, khủng hoảng sự thật là khi con người từ chối Đức Giê-su là sự thật mà Thiên Chúa tặng ban cho gia đình nhân loại. Khủng hoảng sự thật là khi con người cho rằng không có sự thật khách quan mà chỉ có sự thật chủ quan trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Điều này có nghĩa rằng sự thật lệ thuộc vào con người chứ không phải con người lệ thuộc vào sự thật hay sự thật phải uốn mình cho vừa tâm trí của con người chứ không phải ngược lại. Tắt một lời, khi con người không nhìn nhận sự thật tuyệt đối, con người có thể ‘tạo nên’ muôn vàn hình thức sự thật theo ý mình.

Sự thật không lệ thuộc không gian, thời gian hay bất cứ môi trường nào. Người phương tây có câu ngạn ngữ rằng ‘một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mỳ, một nửa sự thật không phải là sự thật’. Trong thực tế, tất cả các hình thức sự thật đều mang tính khách quan, không lệ thuộc vào hoàn cảnh hay tư tưởng, lượng định, đánh giá của con người. Tại sao sự thật lại có đặc tính như vậy? Thưa, tại vì sự thật dù bất cứ dưới hình thức nào đều phát xuất từ sự thật nguyên tuyền, từ Thiên Chúa là nguồn của sự thật. Sự thật luôn cần được hiểu theo ‘nghĩa tròn đầy’ bởi vì sự thật chỉ có thể phát xuất từ sự thật. Nói cách khác, sự thật không chống đối sự thật, sự thật không phủ nhận sự thật bởi vì tất cả các hình thức sự thật đều phát xuất từ Thiên Chúa, từ Đức Giê-su là sự thật tuyệt đối. Việc nhìn nhận Đức Giê-su là sự thật tuyệt đối, thực tiễn, nhiệm mầu và là nguồn của các hình thức sự thật giúp con người ý thức rằng tất cả các hình thức sự thật đều cao quý và có tính khách quan.

Trong tác phẩm Pensées, Blaise Pascal (1623 – 1662) viết: “Bên này dãy núi Pyrénées là sự thật, còn bên kia là sai lầm” (vérité en deçà des Pyrénées, erreur au delà). Đọc tiểu sử của Pascal, chúng ta biết rằng ông luôn đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa là sự thật tuyệt đối, trong khi đó, nhiều người cho rằng ‘sự thật tùy nghi’, ‘sự thật tùy thời’, ‘sự thật tùy người’. Với họ, sự thật đối với người này, bối cảnh này, văn hóa này, truyền thống này, nhưng lại không thật hay sai lầm đối người khác, bối cảnh khác, văn hóa khác, truyền thống khác. Chúng ta biết rằng trong gia đình nhân loại từ cổ chí kim, nhiều người vẫn chủ trương như vậy. Họ không nhìn nhận sự thật tuyệt đối, hằng hữu, phổ quát, nghĩa là sự thật trong mọi hoàn cảnh. Không ít người cho rằng chỉ những gì con người chứng minh được bằng thực nghiệm mới là thật. Trong khi đó, Công Đồng Vatican II minh định: “Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm một cách vô lý, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự chỉ bằng khoa học này, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối” (Gaudium et Spes 19). Với mặc khải Ki-tô Giáo, Đức Giê-su là sự thật, nơi Người quy tụ tất cả những gì là chân thật và đáng trân trọng, bởi vì, từ nơi Người, mọi sự thiện hảo được phát sinh.

Mở đầu thông điệp ‘Đức Tin và Lý Trí’ (Fides et Ratio), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Đức tin và lý trí như đôi cánh nhờ đó tâm hồn con người vươn tới sự chiêm ngưỡng sự thật” (Fides et Ratio 1). Chỉ lý trí thôi, con người khó có thể tiếp cận sự thật tuyệt đối, con người cần cả đức tin nữa. Điều này có nghĩa rằng con người cần dùng cả lý trí và đức tin để nhận biết Thiên Chúa là sự thật tuyệt đối và Đức Giê-su là sự thật của Thiên Chúa hiện diện giữa gia đình nhân loại. Để học hỏi và nhận biết Thiên Chúa, thánh Au-gút-ti-nô (354-430) cho rằng tin để hiểu (crede ut intellegas - believe in order to understand và dĩ nhiên, ngài cũng nhấn mạnh rằng con người cần hiểu để tin: intellege ut credas). Còn thánh An-sen-mô (1033 - 1109) đặt ưu tiên cho đức tin, đức tin tìm kiếm sự hiểu biết (fides quaerens intellectum - faith seeking understanding). Kinh nghiệm của các thánh cho mọi người nhận thức rằng lý trí của con người bất toàn, do đó, đức tin đóng vai trò chủ đạo. Xét về trật tự, sự thật đức tin cao cả hơn sự thật lý trí, tuy nhiên, trong thực tế, đức tin và lý trí bổ túc cho nhau trong việc tìm kiếm sự thật. Điều này có nghĩa rằng Thiên Chúa mặc khải cho con người sự thật đức tin, đồng thời, Thiên Chúa cũng soi sáng để con người có được sự thật lý trí (Dei Filius, DS 3017). Nói cách khác, sự thật đức tin hay sự thật mặc khải không đối ngược với sự thật lý trí hay sự thật triết học. Với lý trí tự nhiên, con người có thể tìm kiếm sự thật và gặp gỡ sự thật. Tuy nhiên, sự tìm kiếm hay gặp gỡ của con người phải đương đầu với nhiều gian nan thử thách, bởi vì con người bị giới hạn trăm chiều. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa mặc khải chính mình cho con người, nhờ đó, với đức tin, con người có thể đến với Thiên Chúa, đến với sự thật cách dễ dàng hơn.

Điểm khác biệt căn bản giữa Ki-tô Giáo và các tôn giáo khác trên thế giới là mặc khải. Ki-tô Giáo là tôn giáo mặc khải, nghĩa là nếu không có sự tỏ bày của Thiên Chúa thì con người khó có thể nhận biết Thiên Chúa và diễn tả cách xứng hợp căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình. Nếu Thiên Chúa không mặc khải, tri thức con người phải đương đầu với muôn vàn chướng ngại trong việc tìm kiếm và thực thi thánh ý Người (Dei Filius, DS 3015). Theo Công Đồng Vatican II: “Nhờ mạc khải [của Thiên Chúa], chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về phần rỗi con người, được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Ðấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải” (Dei Verbum 2). Như đề cập ở trên, ‘cái biết’ bởi tri thức và ‘cái biết’ bởi niềm tin vào mặc khải bổ sung cho nhau hầu giúp con người có được nhãn quan sâu rộng hơn về Thiên Chúa, về con người và muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Khi Đức Giê-su nói rằng Người là sự thật, chúng ta cần biết rằng đây là mặc khải cao trọng cho phép chúng ta biết Người từ Thiên Chúa mà đến và Người là sự thật của Thiên Chúa. Nhờ Người, con người đến với Thiên Chúa và đi vào mối tương quan mật thiết với Người.

Con người thường quan tâm và dễ dàng đón nhận sự thật tự nhiên hay các hình thức sự thật có thể chứng minh bằng giác quan, bằng khoa học thực nghiệm hay khả năng tư duy lô-gích, trong khi ít quan tâm đến sự thật siêu việt, sự thật đức tin, sự thật được Thiên Chúa mặc khải. Khi con người từ chối những sự thật vượt tầm nhận thức của mình cũng là khi con người cho rằng mình là trung tâm, là chủ thể của vạn vật và hậu quả là con người không thể hoàn thiện chính mình. Ngược lại, khi con người nhìn nhận những giới hạn của tri thức và biết mở rộng tâm trí đối với các hình thức sự thật vượt quá khả năng mình cũng là khi con người có thể thiết lập mối tương quan lành mạnh với các thực thể siêu việt. Nhờ đó, con người càng ngày càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa và mục đích của bản thân mình trong thế giới thụ tạo. Nói cách khác, nhìn nhận hay không nhìn nhận, vâng phục hay không vâng phục, ý thức hay không ý thức về những sự thật vượt quá khả năng con người đều dẫn tới những hệ quả quan trọng trong việc nhận diện đúng đắn hay không đúng đắn về phẩm giá của con người trong vũ trụ. Bởi vì, phẩm giá con người gắn liền với niềm khát mong tìm kiếm sự thật, xác nhận sự thật và chia sẻ sự thật cho anh chị em đồng loại (Digitatis Humanae 3).

Aristotle (384 - 322 trước Công Nguyên) quả quyết: “Plato là bạn của tôi, nhưng sự thật là bạn tốt hơn của tôi” [Amicus Plato sed magis amica veritas]. Còn Isaac Newton (1642 - 1726) thì nói: “Plato là bạn của tôi, Aristotle là bạn của tôi, nhưng sự thật là bạn vĩ đại nhất của tôi” (Plato is my friend, Aristotle is my friend, but my greatest friend is truth). Như đề cập ở trên, trong bối cảnh Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói rằng Người là sự thật. Cũng trong Bữa Ăn này, Người gọi các môn đệ là bạn của Người và khẳng định rằng không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,12-15). Như vậy, Đức Giê-su vừa là sự thật vừa là Bạn của các môn đệ cũng như mọi người trong gia đình nhân loại. Với Đức Giê-su, sự thật là nền tảng tư tưởng, lời nói và hành động. Với Người, sự thật quan trọng hơn ‘nhiều sự khác’ trong môi trường thế giới thụ tạo. Không có sự thật, con người không có tiêu chuẩn để điều chỉnh tư tưởng hay biến đổi tâm trí cách phù hợp. Không có sự thật, sự sống của con người nghèo nàn, lạc lõng và không lối thoát.

Công Đồng Vatican II minh định: “Do bản tính tự nhiên thúc đẩy, cũng như do bổn phận luân lý đòi buộc, con người phải tìm kiếm chân lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ cũng phải tin theo chân lý đã nhận biết, và hướng dẫn toàn thể đời sống mình theo những đòi hỏi của chân lý” (Digitatis Humanae 2). Là con người, ai cũng mong mỏi tìm kiếm sự thật. Đức Giê-su là sự thật, ai gặp gỡ Người là gặp gỡ sự thật nguyên tuyền, sự thật đáp ứng mọi nguyện vọng của con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Tuy nhiên, con người không thể tìm kiếm và gặp gỡ Đức Giê-su một lần cho tất cả. Điều này có nghĩa rằng bao lâu còn trong hành trình trần thế, bấy lâu con người cần phải tìm kiếm và gặp gỡ Người. Kinh nghiệm của các thánh trong lịch sử Giáo Hội giúp chúng ta nhận thức rằng càng gặp gỡ Thiên Chúa cách thâm sâu bao nhiêu, con người càng khao khát Người bấy nhiêu, khao khát cho đến khi con người được ở trong Người, có nghĩa là cho đến khi con người hoàn tất cuộc hành trình trần thế của mình. Con người được mời gọi tìm kiếm sự thật, phán đoán theo sự thật, phân định theo sự thật và hành động theo sự thật (Nostra Aetate 1). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Thiên Chúa đặt trong con người khát vọng chân lý và điều thiện mà chỉ có Người mới có thể thỏa mãn” (GLGHCG 2002). Thành tâm tìm kiếm sự thật giúp con người bình an giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống. Khi con người lãnh đạm với sự thật, không khao khát sự thật, không tìm kiếm sự thật cũng là khi con người bần cùng hóa chính mình và trở thành mồi ngon cho các thế lực ác thần, giả dối và hậu quả là càng ngày càng xa rời Thiên Chúa là nguồn mạch sự thật.

Trong thư gửi các tín hữu, thánh Gio-an viết: “Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy” (1 Ga 2,4). Đức Giê-su là sự thật. Vậy những câu hỏi được đặt ra là ‘chúng ta có tôn trọng sự thật không?’, ‘chúng ta có hiệp thông với nhau trong sự thật không?’, ‘chúng ta có sống theo sự thật không?’. Suy nghĩ theo sự thật, ăn nói theo sự thật, hành động theo sự thật luôn là những việc khó khăn đối với nhiều người bởi vì ‘sự thật mất lòng’, ‘sự thật mất lợi’, ‘sự thật mất lộc’. Theo sự thật mất bạn bè; theo sự thật phải trả giá; theo sự thật phải vác thập giá. Theo sự thật phải sống ngược với trào lưu mà nhiều người cho là hợp cảnh, hợp thời, hợp mốt. Đó là lý do tại sao thay vì mến mộ sự thật, ham thích sự thật, làm theo sự thật, nhiều người lại sợ sự thật. Họ muốn sự thật đến với họ càng muộn càng tốt, cách xa họ càng nhiều càng hay. Họ muốn có thời gian và không gian cần thiết để thỏa mãn tính ích kỷ, sau đó sẽ ‘ăn năn hối cải theo sự thật’ khi cuộc đời chiều tà xế bóng. Trong thư gửi ông Gai-ô, thánh Gio-an ca tụng ông: “Quả thật, tôi rất vui mừng bởi có những anh em đến đây và làm chứng là anh gắn bó với sự thật, như anh vẫn sống trong sự thật. Không có gì làm tôi vui sướng bằng khi nghe biết con cái tôi sống sự thật” (3 Ga 1,3-4). Như vậy, lắng nghe sự thật, tin tưởng vào sự thật thì chưa đủ mà còn phải sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật nữa.

Trong giờ phút cuối cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nguyện xin Thiên Chúa Cha hướng dẫn, thánh hóa và bảo vệ các môn đệ: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,17-19). Đức Giê-su nguyện xin Thiên Chúa Cha như vậy bởi vì các môn đệ là những người tiếp tục hành trình lịch sử và sứ mệnh loan báo Đường Sự Thật của Người cho muôn dân nước. Nhờ gặp gỡ Đức Giê-su phục sinh trên đường Đa-mát, thánh Phao-lô ý thức rằng để có thể loan báo Đức Giê-su là Đường Sự Thật, các tín hữu cần mang lấy Người như thánh nhân diễn tả trong thư gửi các tín hữu Ê-phê-xô: “Hãy đứng vững: Lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 6,14-16). Việc loan báo và quảng diễn Đường Sự Thật của Đức Giê-su luôn đương đầu với những khó khăn, thử thách. Một mặt, nội dung và ý nghĩa của Đường Sự Thật phải luôn được bảo toàn. Mặt khác, việc quảng diễn Đường Sự Thật phải phù hợp với tâm thức văn hóa của các dân tộc. Hơn nữa, loan báo Đường Sự Thật của Đức Giê-su bao gồm việc nhìn nhận những gì là chân thật, lành thánh nơi truyền thống, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc như lời của Công Đồng Vatican II: “Tất cả những gì là chân lý và ân sủng đã được tìm thấy nơi các dân tộc như một sự hiện diện bí ẩn của Thiên Chúa sẽ được hoạt động loan báo Tin Mừng giải thoát cho khỏi bị nhiễm độc, và hoàn lại cho Chúa Kitô là Ðấng tác thành chúng, Ðấng đã lật đổ nước ma quỷ và chặn đứng sự dữ muôn hình của tội lỗi” (Ad Gentes 9).

Hãy để Đức Giê-su là Đường Sự Thật định dạng tâm trí mỗi người chúng ta. Hãy để Đức Giê-su là Đường Sự Thật hướng dẫn chúng ta trong mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm. Hãy để Đức Giê-su là Đường Sự Thật giúp chúng ta phân định tốt xấu, phải trái. Hãy để Đức Giê-su là Đường Sự Thật an ủi chúng ta trong những lúc gian nan khốn khó. Hãy để Đức Giê-su là Đường Sự Thật giúp chúng ta đi vào sự hiệp thông thân mật với Thiên Chúa, với anh chị em và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Hãy để Đức Giê-su là Đường Sự Thật chỉ cho chúng ta biết tình trạng tâm hồn mình và sự cần thiết để cộng tác với Người trong việc biến đổi bản thân mỗi ngày. Hãy để Đức Giê-su là Đường Sự Thật giúp chúng ta luôn biết trở về, biết tìm hiểu, biết trả lời, biết thay đổi, biết tiến tới trong ân sủng của Người. Hãy để Đức Giê-su là Đường Sự Thật chỉ cho chúng ta cách sống hy sinh, khiêm tốn, quảng đại, trung tín, yêu thương. Hãy để Đức Giê-su là Đường Sự Thật đem lại niềm vui, bình an và hạnh phúc cho chúng ta cũng như mọi người trong gia đình nhân loại.

Những trình bày trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng, là con người, ai cũng có kinh nghiệm về sự thật và muốn định hướng tư tưởng, lời nói cũng như hành động của mình theo sự thật. Tuy nhiên, trong xã hội loài người, các hình thức sự thật rất đa dạng và nhiều màu sắc, làm cho con người dễ bị lầm lẫn. Đó là lý do tại sao qua dòng lịch sử, con người không ngừng tìm kiếm sự thật tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát để có thể trả lời cho những câu hỏi liên quan đến vận mệnh của mình cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa là sự thật tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát. Vì yêu thương nhân loại, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa đã nhập thể, sống thân phận con người và tỏ cho con người biết Người là sự thật của Thiên Chúa, sự thật của con người cũng như sự thật nối kết giữa Thiên Chúa và con người. Đức Giê-su là sự thật không phải là ‘đối tượng’ để con người nắm bắt nhưng là ‘chủ thể’ mời gọi con người không ngừng quy hướng về Người. Đức Giê-su đã đi Đường Sự Thật hầu cho mọi người biết sự cần thiết phải luôn hướng về sự thật tuyệt đối, hằng hữu và phổ quát. Đặc biệt, Người đi Đường Sự Thật qua đau khổ, sự chết và phục sinh để giải thoát con người khỏi mọi quyền lực ác thần, gian dối, tội lỗi, sự chết và dẫn đưa con người về với Thiên Chúa. Ước gì mọi người trong gia đình nhân loại biết đón nhận Đức Giê-su là Đường Sự Thật, đi trên Đường Sự Thật và phản chiếu ánh sáng Đường Sự Thật trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây