BÀI 105
BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG - TIẾT KIỆM VÀ SỰ KHÔN NGOAN TIÊN LIỆU
1. LỜI CHÚA : “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ, ông truyền gọi các đầy tớ đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. Người thứ nhất đến trình : “Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.” Ông bảo người ấy : “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi ! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, hãy cầm quyền cai trị mười thành” (Lc 19,15-17).
2. CÂU CHUYỆN : Chủ trương hãy tận hưởng và không cần tiết kiệm.
Ông Vương đã 65 tuổi, nghỉ hưu được 5 năm. Ông nhớ lại thời điểm khi mới nghỉ hưu, trong tay có một số tiền lớn, nên đã tiêu xài hoang phí. Ông sẵn sàng bỏ ra số tiền 640 triệu đồng để mua một chiếc xe ô tô phục vụ cho việc đi lại. Ông thường mời bạn bè tới nhà tổ chức ăn nhậu. Khi mua đồ, ông chỉ quan tâm chất lượng. Chỉ cần ông thích thì dù món đồ có đắt tiền đến đâu ông cũng mua. Lúc đó, bạn bè ai cũng ganh tỵ với cuộc sống thoải mái nhàn hạ của ông.
Sống sung sướng được vài năm thì phát hiện ra vợ ông bị ung thư thực quản. Lúc đó, chi phí phẫu thuật là 354 triệu đồng. Sau đó, ông vay mượn nhiều nơi mới gom đủ số tiền để đưa vợ đến bệnh viện phẫu thuật. Sau ca mổ, vợ ông về nhà và sức khoẻ dần hồi phục, nên ông cũng không còn quan tâm đến sức khoẻ của bà nữa.
Ũng từ đó, cuộc sống gia đình ngày một khó khăn. Lương hưu hằng tháng của ông không đủ trả nợ góp nên ông phải đi làm thuê cho người khác. Lúc đó nhiều cơ sở đã từ chối nhận người lớn tuổi làm việc, nhưng nhờ một người bạn giới thiệu, ông cũng kiếm được một việc làm bảo vệ nhưng phải ở xa nhà. Sau một thời gian, ông nhận được tin vợ bị đau lại, ông lập tức về nhà thì sức khoẻ của bà đã suy yếu. Bác sĩ khám bệnh cho biết : Do không được nghỉ ngơi bồi bổ sau ca mổ vừa qua, nên bệnh ung thư đã thành di căn. Bà không thể được mổ lại mà chỉ còn hy vọng kéo dài sống thêm một thời gian ngắn. Ông buồn rầu, số tiền nợ lần trước vẫn chưa trả hết, lần này cũng không thể mượn ai nên đành để vợ nằm lại bệnh viện và hai tháng sau thì qua đời.
Cái chết của vợ do không có tiền chữa trị khiến ông vô cùng hối hận. Ông thường tự trách mình : Tại sao trước đây ông lại tiêu xài hoang phí mà không biết tiết kiệm ? Vì nếu còn tiền chữa trị, thì chắc vợ ông đã không ra đi sớm như vậy !
3. SUY NIỆM :
Câu chuyện ngụ ngôn của LA PHÔNG TEN về “con kiến và con ve” cho thấy giá trị của sự cần kiệm và hậu quả tai hại của thói vô ăn vô lo như sau :
Kiến có đức tính cần kiệm nên rất chăm chỉ làm việc xây tổ và hàng ngày đi kiếm thức ăn tha về đầy tổ, đang khi ve sầu lại lười biếng vô ăn vô lo, tối ngày chỉ biết rong chơi ca hát mà không nghĩ đến ngày mai. Khi mùa đông đến, tuyết rơi trắng xoá, kiến được nằm trong tổ có chứa sẵn nhiều đồ ăn, đang khi ve sầu không nhà và không gì bỏ bụng nên một đêm kia đã nằm chết đói trên cành cây.
- Các bạn trẻ thường hay phân vân giữa hai lối sống không biết nên chọn lối sống nào ? Một số bạn chủ trương : “Đời người chỉ sống một lần, nên hãy hưởng thụ khi còn trẻ. Đừng để đến lúc già yếu đau liệt nằm một chỗ mới hối hận thì đã muộn ! ”.
Một số bạn khác lại chủ trương : “Cần phải tiết kiệm để ‘tích cốc phòng cơ’. Hãy biết để dành tiền để phòng khi gặp điều bất trắc như bệnh tật, tai nạn sẽ không phải đi vay nợ và bị mất hết nhân phẩm ”.
Như vậy : Tuy mỗi người vẫn có quyền hưởng thụ những thành quả do mình làm ra, nhưng đồng thời cũng phải tiết kiệm để đề phòng khi trái gió trở trời, bệnh nặng liệt giường hay gặp tai ương hoạn nạn... Có tiết kiệm như vậy, chúng ta sẽ không phải hối tiếc vì đã lỡ tiêu xài hoang phí, nên khi cần lại không còn tiền xoay sở.
4. SINH HOẠT : Trong hoàn cảnh hiện tại, mỗi người chúng ta có thể làm gì để thực hành tiết kiệm và tránh lãng phí vô ích ?
5. LỜI CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết khôn ngoan khi sử dụng đồng tiền : Tránh thói hoang phí chi tiêu vô tư hay lại hà tiện quá đáng. Cho chúng con biết sống giản dị, tiết kiệm trong cách sử dụng tiền bạc để phòng khi hữu sự bị bệnh tật hay gặp tai nạn rủi ro. Xin cho chúng con biết ứng xử tiêt kiệm phù hợp với sự khôn ngoan tiên liệu theo thánh ý Chúa.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM