TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tâm tư của “em chủ tịch”

Thứ ba - 08/06/2021 03:15 | Tác giả bài viết: Giuse Phạm Đình Ngọc SJ |   747
Tâm tư của “em chủ tịch”

Tâm tư của “em chủ tịch”

Cô kính yêu,
Mấy ngày nay em lo lắng quá, vì nghe mọi người bàn tán với nhau về việc nên hay không nên thay từ ngữ “lớp trưởng” thành “chủ tịch” (1). Cô biết đấy, chúng em còn nhỏ và ngây thơ, cần được người lớn giúp đỡ. Nếu hướng dẫn của người lớn đúng đắn thì chúng em dễ nên người; nếu hướng dẫn ấy sai lạc thì chúng em khó lòng trưởng thành trong nhân cách. Là chủ tịch hội đồng tự quản học sinh, em viết cho cô vài dòng tâm tư để cô hiểu em nhiều hơn.

Cô và các bạn giao cho em làm “chủ tịch hội đồng tự quản” của lớp mình, nhưng các từ ngữ này lại quá hoành tráng và xa lạ với em. Thế nào là “chủ tịch”, “hội đồng”, “tự quản”… thưa cô? Em nghe mà không hiểu, huống hồ là thực thi tròn nhiệm vụ trong tư cách là chủ tịch. Hay cô muốn em làm chủ tịch giống như ba em cũng đang là “giám đốc (chủ tịch) hội đồng quản trị”. Nếu thế, chắc em phải xin từ chức, vì tuổi thơ em chẳng thể đảm đương được chức vị ấy đâu. Em cần học tập và lớn lên như các bạn đồng trang lứa. Xin đừng cho em quá nhiều quyền lực, kẻo biến em thành người xa lạ với bạn bè cùng lớp. Thật đấy cô ạ! Ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” chúng em cần sự đơn sơ, hồn nhiên của tuổi thơ, còn chuyện nghị sự của chủ tịch hay hội đồng, bây giờ chưa phải lúc để em thực thi.

Dù lớp mình có khi ồn ào khiến cô tức giận hay la mắng, nhưng cô hiểu cho cái hiếu động của tuổi học trò. Còn nhớ lần ấy, chúng em cứ nháo nhào nói chuyện, đùa giỡn đến gây rối trong lớp. Trở về, cô quy trách nhiệm cho lớp trưởng, lớp phó và những bạn tổ trưởng. Với cô, những bạn ấy phải có trách nhiệm ổn định trật tự lớp. Lớp trưởng phân bua: “Em nói các bạn không nghe!” Vậy nếu là “chủ tịch” chắc em bảo các bạn dễ nghe hơn? Nếu thế, em dễ tự mãn, hống hách và cao ngạo lắm, vì lời em phán ra khiến các bạn ấy im phăng phác. Nhưng em không thích mình lấy quyền uy để hà hiếp người khác đâu, cô ơi!?

Sở dĩ em nhận ra điều ấy là nhờ mẹ em đấy. Cô biết không, hôm qua về nhà, em tự dưng thích quát nạt em út sa sả, ra lệnh cho em làm cái gì mà em không chịu làm theo, là em giơ chân lên đá em ấy ngay. Mẹ thấy lạ nên dò hỏi thì em kể: “Cô giáo giao cho con phải quản lớp, không được để các bạn nói chuyện. Con nói hoài mà các bạn không nghe, nên cứ phải hét lên hoặc đánh đá bạn thì bạn mới nghe”. Sợ quá, mẹ em phải lên trường xin cô cho em không giữ chức chủ tịch nữa.

Chúng em đến lớp để học hành, vui chơi và sống tình thân với bạn bè. Chắc cô cũng đồng ý là, ban cán sự của lớp không phải cứ ổn định, quát nạt các bạn khác. Nhiệm vụ ấy là kỹ năng khéo léo, là chuyên môn của thầy cô. Còn nếu em lúc nào cũng thực thi vai trò chủ tịch, thì e rằng không ổn. Nếu cô cứ bắt em làm “chủ tịch” chắc em không chịu đâu! Làm lớp trưởng em thích hơn, vì lớp trưởng nghe dễ thương và thân thiện hơn so với chức “chủ tịch” này.

Trước khi nghĩ đến trách nhiệm của em trước cô và trước lớp, em đành nghĩ tốt cho mình, nên em xin từ chức “chủ tịch”. Em nghĩ nếu cứ khoác cho mình chức vụ ấy, e rằng một lúc nào đó em khinh rẻ bạn bè và rơi vào bạo lực. Chắc cô không muốn học trò của mình cư xử bạo lực như thế!

Rất mong cô đọc những lời này để hiểu hơn về em và tiếp tục dìu dắt em dưới mái trường thân yêu.

Phạm Đình Ngọc, S.J.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây