GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 51: VỢ, HAY “CON VỢ”?
Hỏi: Mỗi khi tham dự lễ cưới, con nghe bài đọc cho rằng vợ phải phục tùng chồng như Giáo Hội phục tùng Đức Giêsu. Vậy phải hiểu chữ phục tùng như thế nào? Con cảm thấy có vẻ không có bình đẳng giữa vợ chồng!
Trả lời:
Nó phải mất cả tháng để học thuộc bản độc tấu piano “Mariage d'amour” (có nghĩa là cuộc hôn nhân đến từ Tình Yêu) do nhạc sĩ Paul de Senneville biên soạn. Vừa đánh, nó vừa thưởng thức giai điệu, nghĩ về tình yêu của cha mẹ nó, tưởng tượng ngày hai ông bà cầm tay nhau trong nhà thờ, còn xưng anh, em ngọt xớt nữa chứ:
– Anh là … nhận em… làm vợ… để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời!
Và mẹ cũng đáp lại y chang:
– Em là … nhận anh … làm chồng … để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời!
Sự yêu thương và tôn trọng mà cha mẹ nó dành cho nhau phát xuất từ sự tự nguyện, cùng với sự chứng giám của cộng đoàn, và bà con hai họ. Lời hứa gắn kết nên một của cả hai trong tình yêu được thể hiện qua những chung chia vui buồn của cuộc sống gia đình. Cha mẹ đã để mình liên lụy nhau trong bổn phận và trách nhiệm giáo dục con cái. Chính Thánh Phaolô cũng đã nhắn nhủ những ai trong bậc gia đình, rằng:
“Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh chị em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa. Vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng Cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.
Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tì ố, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng”. (Ep. 5, 28. 21–33)
Trong thư trên, nhiều người có lý khi thắc mắc rằng: Thánh Phaolô chỉ chủ tâm khuyên bảo người vợ phải “phục tùng” chồng mình? Ngài lặp đi lặp lại những bốn lần “phải phục tùng”, trong khi đối với người chồng, thánh nhân lại nhấn mạnh là “phải yêu thương” vợ. Hôn nhân, nhìn chung là vì tình, như cuộc hôn nhân của cha mẹ nó, để yêu thương và tôn trọng nhau trong tự do và bình đẳng.
Vậy thì tại sao vợ phải phục tùng chồng, mà chồng thì không làm vậy với vợ? Không ổn rồi! Một bạn trẻ đặt vấn đề. Mỗi dịp dự lễ hôn phối, nghe lời Chúa dạy “người làm vợ phải phục tùng chồng”, bạn cảm thấy dường như không có sự bình đẳng trong hôn nhân Công giáo. Tưởng cái thời “trọng nam khinh nữ” chỉ là tàn dư của xã hội phong kiến, nhưng xem ra, vị trí của người vợ trong gia đình, theo cái nhìn của giáo hội, vẫn thấp kém và thụ động trước uy quyền của người chồng.
Trong xã hội hiện đại như hôm nay, hai chữ “phục tùng” dường như không còn phù hợp nữa trong tương quan vợ chồng. Có phải “chồng chúa vợ tôi” nữa đâu mà phải phục tùng? Theo cái nhìn của các nhà nữ quyền, đó là một kiểu áp bức, phân biệt đối xử theo giới, và thiếu công bằng đối với người nữ, người làm vợ. Hay là vì “đàn ông sao hỏa, đàn bà sao kim” nên từ đó mặc định đàn bà chỉ cần được quan tâm, yêu thương, chìu chuộng là đã hạnh phúc lắm rồi; còn đàn ông thì mạnh mẽ, quyết đoán, gia trưởng, nên họ cần lắm người phụ nữ ít nói, dễ bảo, biết tôn trọng và phục quyền mình?
Để giải đáp cho vấn đề trên, thiết nghĩ chúng ta hãy cùng nhau đọc lại và tìm hiểu thêm về bối cảnh và ý nghĩa thực sự của “phục tùng” theo tinh thần Thánh Kinh, biết đâu đằng sau hai chữ phục tùng là một bài học còn dang dở chờ chúng ta suy gẫm, để hiểu cho đúng, và áp dụng sao cho hợp ý Chúa.
Bối Cảnh:
Đọc hết từ đầu đến cuối bức thư Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Êphêsô, ta sẽ thấy được mấu chốt của vấn đề không nằm ở hai chữ “PHỤC TÙNG” mà là hai chữ “NHƯ CHÚA”. Không cần biết vợ/chồng phải làm gì cho nhau, miễn “NHƯ CHÚA” là ổn. Vì có Chúa ở đâu là mọi chuyện sẽ khác, khác từ ý nghĩa lẫn hành động. Thâm ý của Thánh Phaolô là dùng hình ảnh hôn nhân để diễn tả “mầu nhiệm cao cả” giữa Đức Kitô và Hội Thánh: Ngài đã nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh là thân thể Ngài (Ep 5,32). Sự nuôi nấng và chăm sóc này được diễn ra trong tình yêu hy sinh hiến tế, bất chấp tính mạng. Và Hội Thánh, là mỗi người chúng ta, được mời gọi để đáp lại tình yêu này qua sự phục tùng Đấng đã yêu mình hơn sinh mệnh.
Dù ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa Hi Lạp và Do Thái, nhưng Thánh Phaolô không nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo, gia trưởng của người chồng, người cha trong gia đình. Ngài dùng rất nhiều động từ “yêu thương”, “nuôi nấng”, “chăm sóc”, “gắn bó”, để đưa người chồng đi vào tương quan với vợ mình. Nếu sự phục tùng là thái độ, và hành động phải có nơi người vợ, thì tất cả những gì thánh Phaolô đòi hỏi nơi người chồng chính là chất xúc tác để sự phục tùng ấy được triển nở, trong thái độ tôn trọng.
Vậy đó, như bản “Mariage d'amour” dịu dàng, sâu lắng, man mác chút buồn, tình yêu hoàn mỹ nơi Đức Kitô, hay tình yêu nơi vợ chồng sẽ khiến họ tự nguyện cho đi bản thân mình, chứ không phải quyền bính nào buộc họ phải phục tùng và yêu thương.
Ý Nghĩa:
“Phục Tùng” trong tiếng Hi Lạp “Hypotassō”, tạm dịch là “ở dưới quyền, lệ thuộc vào ai hoặc điều gì đó”[1]. Quả thật, chế độ gia trưởng của Do Thái cũng ảnh hưởng ít nhiều ở đây khi đặt người chồng là “trụ cột”, là chủ gia đình, và đòi hỏi người vợ, những người phụ nữ phải “dựa cột mà nghe”. Tư tưởng phụ thuộc này cũng đã được thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, nhà công tác xã hội nổi tiếng của Việt Nam chất vấn khi một số phụ nữ Việt vẫn còn xem sự tùng phục là đạo đức, là “nữ tính”[2].
Bà Oanh cho rằng, nhà có hai trụ cột thì sẽ vững hơn là một trụ. Trở lại ý nghĩa của sự phục tùng trong Kinh Thánh, chúng ta phải hiểu sự phục tùng của người vợ đối với chồng được đặt trong mối tương quan giữa Hội Thánh và Đức Kitô: “Như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy” (Ep 5,24). Vậy, phải hiểu Hội Thánh đã tùng phục Đức Kitô như thế nào để người vợ biết mà bắt chước? Theo Tim Challies, ông đưa ra năm cách thức để diễn tả sự phục tùng mà Hội Thánh dành cho Đức Kitô:
Một, phục tùng với thái độ LẮNG NGHE. Hội thánh, dân Thiên Chúa, tin vào quyền bính của Đức Kitô, Đấng là vua vũ trụ. Mọi sự Ngài truyền dạy đều có uy quyền và được thực thi. Thái độ lắng nghe là một quá trình dài của sự đối thoại trong thảo luận, chia sẻ, phân định và cuối cùng là lựa chọn phục tùng.
Hai, phục tùng với thái độ SẴN LÒNG. Khác với kiểu phục tùng kiểu chủ–tớ, bị ép buộc bởi quyền bính, hội thánh phục tùng Đức Kitô trong tâm thế tự giác. Việc tuân theo các lề luật, giới răn Chúa truyền giúp các Kitô hữu yêu mến và hướng tới sự hoàn thiện hơn. Cho nên, khi phục tùng, họ phục tùng với, chứ không phải phục tùng dưới quyền bính.
Ba, phục tùng cách TỰ TIN. Khác với các bạn thuộc tôn giáo khác, mỗi người Kitô hữu chúng ta đều được học để nhận biết và đi vào mối tương quan với Đức Kitô. Chúng ta biết Ngài không phải là một Thiên Chúa xa lạ nhưng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Phục tùng và đi theo đường lối, sự hướng dẫn của Ngài, chúng ta sẽ luôn bình an.
Bốn, phục tùng cách NĂNG ĐỘNG. Vì mỗi người chúng ta được dựng nên cách độc nhất. Chúng ta được trao cho những nén bạc khác nhau nên cũng phải phát huy và phục tùng Ngài bằng tất cả những gì chúng ta có cách mau mắn, sáng tạo, và chủ động.
Năm, phục tùng cách TRỌN VẸN. Hội Thánh phục tùng Đức Kitô trong mọi sự. Dụ ngôn những người đầy tớ trung tín và những nén bạc, họ đã sinh lời từng nén bạc được giao phó, toàn tâm toàn ý để đầu tư sinh lợi cho những gì mình được ban phát.
Từ những cách thức trên: lắng nghe, sẵn lòng, tự tin, năng động, và trọn vẹn, ta học được sự phục tùng của Hội Thánh dành cho Đức Kitô. Đó không chỉ là hành động của ý chí con người, nhưng được sự tác động của Chúa Thánh Thần, và ơn sủng Chúa.
Thế cho nên, để bắt chước sự phục tùng của Hội Thánh, người vợ cũng hãy tự tin, năng động, sẵn lòng, lắng nghe, và toàn tâm toàn ý với chồng mình. Sự phục tùng này xuất phát từ chọn lựa của người vợ muốn hỗ trợ và giúp đỡ chồng mình thực hiện sứ mạng “trụ cột” gia đình[3]. Sự phục tùng này không làm giảm đi giá trị và vai trò của người vợ trong gia đình. Nhưng trái lại, nó làm triển nở đời nhau và đưa cuộc hôn nhân của họ trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất và tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng Hội Thánh. Tình yêu này liên kết cả hai thành “đôi bạn”, hay chúng ta hay gọi họ là “bạn đời” của nhau. Mà trong tình bạn thì họ đối xử bình đẳng và tôn trọng nhau. Nên những người làm chồng, hãy yêu thương và tôn trọng vợ mình như một cá vị! Họ là vợ, chứ không phải “con vợ”.
Maria Antôn Quỳnh Thoại
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 3, Nxb Tôn Giáo, 2020)
[2] Nguyễn Thị Oanh. Phụ Nữ Việt Nam Trong Bối Cảnh Hiện Đại Hóa, 15.
[3] “The Biblical Meaning of Submission in Marriage for Wives”. Cornerstone. Marriage and Family Ministries. Accessed on October 1, 2020. https://www.marriageministry.org/the-biblical-meaning-of-submission-in-marriage-for-wives/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn